Vẻ đẹp của hồ Ba Bể luôn là niềm cảm hứng bất tận đối với mỗi du khách đam mê những điểm đến mang đến sự bình yên, gần gũi với thiên nhiên đất trời. Mệnh danh là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất nước ta, điều này giúp món ngon Ba Bể trở nên thật đặc biệt, ý vị đậm chất văn hóa địa phương, yên ả, chân chất. Hãy để VietSense Travel đồng hành cùng các bạn trong hành trình khám phá những món ăn, đặc sản thơm ngon có một không hai tại hồ Ba Bể, thuộc tỉnh Bắc Kạn nhé.
Món ngon Ba Bể: Thưởng thức ẩm thực hồ nước ngọt lớn nhất Việt Nam
Rau bò khai
Rau bò khai hay còn gọi là rau dạ hiến, loại rau dại của mùa xuân tươi tốt, từ lâu đã trở thành một món ăn vô cùng quen thuộc trong đời sống sinh hoạt người dân quanh hồ Ba Bể. Mỗi năm vào dịp này rau bò khai lại được tìm thấy nhiều nhất tại những buổi họp chợ của bà con, được bỏ thành từng mớ với giá cực kỳ rẻ. Rau sinh trưởng ký sinh trên những cây gỗ có màu xanh bắt mắt, lá và thân mềm mại, nhỏ bé hay mọc ở chỗ đồi núi cao.
Vì sao lại có tên là rau bò khai? Bởi đơn giản vì chứng có mùi hơi khai đặc trưng, hình dáng khá giống với rau su su nhưng nhỏ hơn một chút. Chính vì sở hữu một mùi hương độc đáo nên khi chế biến người làm cần phải xử lý để đánh bay bớt mùi, bằng cách khi rửa sẽ vò nhẹ. Tuy hơi “khai” nhưng đây lại là điểm nhấn khiến món ăn này lọt vào danh sách món ăn nhất định phải thử khi tới Ba Bể bởi vị chát nhẹ, xen lẫn vị ngọt thanh mát. Rau bò khai có thể luộc, nấu canh, xào chung với thịt hay tỏi, làm nộm,...Món nào cũng ngon và tốt cho sức khỏe, thích hợp cho người vừa ốm dậy, cải thiện sức đề kháng.
Măng vầu
Lạc vào một khu rừng nào đó quanh hồ Ba Bể bạn sẽ ngạc nhiên vì sự đa dạng, phong phú của măng vẩu. Một loại măng vị đắng nhưng lại rất được ưa chuộng trong ẩm thực địa phương. Cứ đều đặn vào tháng 1 - 3 hàng năm người dân nơi đây lại nô nức kéo nhau đi thu hoạch măng vầu về làm món ngon. Măng vẩu tuy vị đắng nhưng vẫn thoang thoảng vị ngọt tự nhiên, càng ăn càng cuốn, nên cho dù bạn không phải là người sành ăn đồ đắng thì cũng đừng ngần ngại. Vì măng thật sự rất ngon nhờ vào công thức nấu nướng của người dân Ba Bể.
Măng được lột vỏ, rửa sạch ngâm qua chút muối để giảm mùi hăng rồi thái thành miếng vừa ăn đem xào chung lá chanh. Hay luộc không với nước rồi chấm cùng chẩm chéo, muối tôm chua cay, dân giã vậy thôi chứ đảm bảo ngon hết sảy! Ngoài ra, không thể bỏ lỡ măng vầu ngâm ớt, món này để được lâu thi thoảng có thịt luộc, bún, phở đem ra ăn kèm, măng đắng nhẹ chua chua cay cay lại phảng phất vị chát, quá xứng đáng để góp mặt vào mâm cơm gia đình bạn.
Cá nướng Ba Bể
Nóng hổi vừa thổi vừa ăn là mỗi khi thưởng thức cá nướng - đặc sản hồ Ba Bể, món ngon làm say đắm tâm hồn ăn uống của bao thực khách phương xa. Cá nướng không chỉ là đồ ăn mà còn là hoạt động thú vị được du khách yêu thích tại đây. Nếu bạn có thời gian, muốn tạo ra không khí rộn ràng, tự tay chuẩn bị từ bắt cá, nướng cá rồi nhâm nhi ly rượu ngô cùng bạn bè, người thân giữa phong cảnh hữu tình của vùng non nước miền cao thì còn gì ý nghĩa bằng.
Cá nướng chín vàng thơm phức, thường chấm cùng tương ớt chua cay, cá ở đây thịt ngọt, chắc không bị bở. Chẳng phải cao sơn mỹ vị chỉ với đĩa cá nướng bình dị ta cũng ấm lòng. Ngoài ra, cá nướng sẽ ngon hơn nếu bạn ăn kèm với bún trắng hoặc cầu kỳ hơn một chút làm món nem cuốn cá nướng cùng rau sống, xoài,...chấm với nước mắm chua cay ngọt ngọt.
Miến dong - Đặc sản của người dân tộc Na Rì
Miến ngon từ củ dong được chính tay người đồng bào dân tộc Na Rì nuôi trồng và phát triển thành sản phẩm miến dong từ bao đời nay. Được bày bán rất nhiều tại Ba Bể, là đặc sản mà bạn không thể bỏ lỡ để mua về làm quà cho những người thương yêu. Miến dong Na Rì có ngon?
Với nguồn nguyên liệu ngay tại địa phương, tất cả miến đều có nguồn gốc từ củ dong riềng, một loại củ mọc phổ biến tại các tỉnh trung du miền núi phía Bắc như Bắc Kạn, Thái Nguyên,...Nói không với chất bảo quản, phụ gia, chất tạo màu mang tới thành phẩm miến dong ngon, sợi nào ra sợi nấy, màu sắc tự nhiên, trong vắt và không có mùi khó chịu như một số sản phẩm kém chất lượng tràn lan trên thị trường. Miến dong Na Rì có ưu điểm chính là sợi dai, mềm những không bị nát dễ vữa khi nấu, mùi dong thơm nhẹ. Và để tạo ra những sợi miến chất lượng người dân đã kỳ công, khéo léo tốn nhiều thời gian, công sức để tạo ra loại miến dễ ăn, dễ bảo quản và vận chuyển. Tới Ba Vì bạn có thể thử ngay món miến xào, miến nấu thịt gà, miến nấu măng chua,...Đừng quên! Mua nhiều về để cất tủ ăn dần nhé.
Tôm, cá chua - Tinh hoa của người dân tộc Tày
Thủy hải sản ở Bắc Kạn tuy không thể phong phú như tại vùng biển nhưng vẫn đủ đa dạng để làm nên sự khác biệt và đó là món đặc sản của người Tày gọi tên tôm chua. Tôm được người dân bắt về cùng con cá to sơ chế sạch, sau đó trộn với mẻ (loại gia vị lên men từ cơm nguội của người Việt). Tiếp đến cho thêm các loại gia vị thông thường kèm chút bột thính, bọc kín rồi đem đi ủ.
Trong thời gian ủ này giúp cho tôm và cá chín đến xương cũng mềm đến nỗi ăn luôn được. Tôm chua, cá chua hiện đang rất “hot” tại hồ Ba Bể nhờ hương vị đậm đà, chua chua mằn mặn hòa quyện vị cay nhẹ hài hào cùng mùi thơm nồng đặc trưng. Ăn kèm với rau rừng, rau sống (xà lách, tía tô, húng, khế chua,...) cuộn thêm miếng thịt lợn ba chỉ luộc, nem thính,.. thì ngon nhức nách.
Ngồi bên ngắm hồ tiên cảnh trong xanh, dưới tán cây cổ thụ tươi mát mà thưởng thức món tôm chua, thêm đôi ba chén rượu ngô ấm nồng tâm sự chuyện sớm hôm thì tuyệt cú mèo luôn! Xưa kia đây là cách hay để người dân bản địa tích trữ đồ ăn trong mùa đông lạnh giá cản trở việc săn bắt thủy hải sản. Nhưng với sự phát triển của du lịch Bắc Kạn, ngày nay bạn dễ dàng tìm mua tôm, cá chua tại các phiên chợ hoặc ngay trong khu quản lý hồ Ba Bể với mức giá phải chăng.
Bánh pẻng phạ - Bánh trời truyền thống hấp dẫn
Tiếp theo VietSense Travel sẽ giới thiệu một món ngon Ba Bể khiến bạn “đói online” trước màn hinh luôn, bánh pẻng phạ hay còn tên gọi khác là bánh trời - đặc sản truyền thống lâu đời dưới đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của người dân tộc Tày. Nguyên liệu chính của bánh đến từ gạo nếp ngon và nước chè mạn (nước trà) thứ thiệt.
Bột nếp mịn màng nhào cùng nước chè mạn thật đặc, rồi cho thêm chút rượu trắng nhằm làm nổi bật lên mùi chè xanh thơm mát. Người dân nhào bột mịn rồi nặn thành viên nhỏ đem lên chiên vàng trong chảo dầu nóng. Khi bánh đã chín, vỏ giòn tan bạn thưởng thức sẽ thấy bên trong có sắc nâu, thoảng mùi thơm nhè nhè từ chè mạn, vị béo bùi từ bột nếp chút xe xe cay nhẹ của rượu ngọt từ đường ăn vừa lạ vừa cuộn, cứ gọi là mê mãi thôi!
Lạp sườn Bắc Kạn - Hun khói siêu ngon
Nhắc tới lạp sườn hay lạp xưởng là nhớ ngay tới những địa danh thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta. Món ăn quen thuộc của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đã trở thành kinh điển trong ẩm thực non cao. Bắc Kạn cũng nằm trong số đó, lạp sườn nổi tiếng được làm từ loại thịt lợn bản chăn thả theo phương thức tự nhiên. Nên cho ra chất lượng thịt tuyệt hảo mùi thơm, mỡ nạc vừa phải, thớ thịt chắc nịch, có độ dai nhất định. Nên mỗi nhà vào mỗi dịp lễ tết đều tranh thủ ngồi lại với nhau làm lạp sườn, hoặc vào mùa đông món ăn này chính là cách mà người dân bản địa tích trữ thịt trong giá lạnh bên cạnh bếp lửa hồng.
Có thịt lợn ngon trong tay, họ sẽ bắt tay vào công đoạn ướp thịt bằng các loại gia vị như: Muối, nước mắm, gừng, mắc mật, rượu trắng,...Sau đó dồi từng chút vào lòng non được sơ chế sạch sẽ trước đó, thắt nút thành từng đoạn rồi đem hun khói trên bếp than hồng. Trong thời gian hun khói bạn sẽ cảm nhận được hương thơm nồng nàn của những gia vị thuần túy. Khi lạp sườn đã hun đến độ có thể dùng được, người chế biến sẽ đem đi rán hoặc nướng chín. Lúc ăn thái miếng nhỏ, bên cạnh thường là tương ớt chấm cùng. Lạp sườn Bắc Kạn thơm nức, vị đậm đà béo bùi mằn mặn, màu sắc bắt mắt, được dùng để ăn trực tiếp với cơm trắng, bún phở hoặc cho vào xôi, bánh mì,...
Thịt lợn, thịt trâu gác bếp Bắc Kạn
Cũng giống như các tỉnh miền núi khác, Bắc Kạn cũng chính là một vùng trời riêng của các món thịt gác bếp như thịt lợn, thịt trâu. Ghé thăm danh thắng hồ Ba Bể xinh đẹp bạn sẽ được chiêu đãi món ăn này từ đôi bàn tay tài hoa của người dân tộc Tày sinh sống ven hồ. Bởi họ được đánh giá là có công thức làm độc đáo, khác biệt, thịt gác bếp đến vài tháng, nửa năm có khi vẫn không sứt mẻ gì. Thịt lợn hay thịt trâu đều là loại thịt ngon địa phương được làm sạch rồi tẩm ướp hạt mắc khén, gia vị núi rừng rồi đem hun khói trên gác bếp ngày này qua ngày khác dưới sự kiểm soát của nhiệt độ hun.
Tới lúc thịt đạt yêu cầu không còn hiện tượng ẩm, thịt khô tự nhiên, có thể xé sợi chấm cùng chẩm chéo hoặc tương ớt. Vị thịt dai dai, càng ăn càng cảm nhận vị ngọt được tiết ra trong miệng, xen lẫn gia vị đậm đà thấm đượm trong từng thớ thịt bạn sẽ thấy vẻ đẹp của ẩm thực miền núi là nằm ở đây. Ăn thịt gác bếp thưởng thức cốc bia mát lạnh vào mùa hè hay nhâm nhi ly rượu ngô vào mùa đông cũng đều mang đến vị ngon hấp dẫn.
Xôi Đăm Đeng
Xôi Đăm Đeng có ngon? Món ngon không thể thiếu vào mỗi ngày lễ lớn, Tết, lễ hội, đám cưới, ma chay, giỗ nạt,...Từ Đăm Đeng trong tiếng người dân tộc Tày chính là đại diện cho 2 màu sắc đỏ và đen. Món xôi cổ truyền đậm đà bản sắc của người dân nơi đây có nguyên liệu chính từ gạo nếp nương thơm ngon, bình dị mà tinh tế.
Xôi được vò sạch nhẹ nhàng, ngâm một thời gian ngắn rồi nhuộm màu, đem đồ trên bếp lửa, khi xôi chín là phải tơi xốp, hạt còn nguyên, mùi thơm ngào ngạt mang đượm hơi thở đất trời - hiện diện cho sự ấm no, viên mãn và may mắn. Để trở thành xôi Đăm Đeng đúng nghĩa người dân tộc nơi đây còn nhuốm màu cho xôi bằng màu sắc tự nhiên của của lá cẩm rừng. Ngày xưa xôi chỉ có hai màu nhưng ngày nay người dân đã tạo ra xôi ngũ sắc với đa dạng màu sắc hơn từ xanh, đỏ, tím, vàng. Nhưng đều từ loại thực phẩm tự nhiên như nghệ, quả gấc,...
Công đoạn nhuộm màu xôi này cũng hết sức cầu kỳ để tạo ra gam màu thu hút, rõ nét mà vẫn phải đảm bảo cho xôi chín dẻo, không bị nát hoặc ngấm nước. Xôi Đăm Đăng chín được đựng bằng lá chuối tươi ăn cùng muối vừng, muối lạc cũng đã ngon tuyệt! Còn nếu bạn thích lạ miệng hơn thì hãy thử ăn với thịt gà, thịt vịt quay hoặc lạp sườn,...Xôi dễ ăn nên cũng dễ kết hợp với nhiều thực phẩm khác trong mâm cơm ngày cỗ.
Khâu nhục Ba Bể
Khâu nhục cũng không còn xa lạ gì đối với những du khách thường xuyên du lịch Đông - Tây Bắc. Nhưng tại Ba Bể hay Bắc Kạn, khâu nhục cũng vẫn có đôi nét riêng biệt rất đáng để thưởng thức. Vì món ăn này khi tiến hành chế biến đòi hỏi nhiều thời gian và sự kỳ công trong từng chi tiết, nên người dân bản địa ưa chuộng sử dụng để tiếp đãi khách khứa, lễ lạt lớn nhỏ khác nhau thể hiện sự quan tâm, chào đón và lòng hiếu khách.
Đầu tiên về lựa chọn nguyên liệu, khâu nhục phải lựa được thịt ba chỉ có tỷ lệ mỡ lạc xêm xêm nhau, không mỡ quá mà cũng không nạc quá. Còn nguyên liệu quan trọng không kém là khoai môn, giống khoai môn Bắc Kạn có đặc điểm nổi bật là sở hữu vân màu tím, khoai bở cực kỳ ngon. Thịt lợn luộc chín qua rồi vớt ra để ráo, sử dụng cây tăm nhin chọc vào phần bì cho tiết ra nốt phần nước bên trong, nhằm mục đích khi nướng bì không bị nổ bắn tứ tung. Thịt nướng phải quay đều tay, quết mật ong liên tục tạo màu vàng cánh rán lôi cuốn. Sau đó, khoai cắt khúc vừa ăn đem cho vào chảo nóng đã già mỡ/dầu rồi rán cho vàng.
Cuối cùng, cho lại vào nồi hấp cứ xếp theo tỉ lệ khoai thịt 1 : 1 đều nhau lần lượt cho đến khi hết số khoai thịt đã chuẩn bị trước đó. Đem hấp tầm 4 - 5 tiếng đồng hồ vớt ra và trang trí lên đĩa. Đa số khách du lịch tới đây đều có thể thưởng thức món ngon Ba Bể này vì chúng khá phổ biến tại các nhà hàng, quán xá.
Giảo cổ lam
Là loại dược liệu quý, phát triển trong môi trường tự nhiên tại vùng núi cao tại Bắc Kạn. Không chỉ nổi tiếng về những công dụng hữu ích cho sức khỏe mà giảo cổ lam còn chính là loại thực phẩm được dùng ngay trong chính mâm cơm của người dân bản địa. Các món ăn quen thuộc phải kể đến như: Giảo cổ lam rán trứng, giảo cổ lam xào hoặc giảo cổ lam nấu canh xương,...Đây đều là món dễ làm, ăn lại hay hay lạ miệng bởi vị đăng đắng nhẹ, nếu ăn quen rồi bạn sẽ mê lúc nào không hay và đặc biệt lại rất bổ dưỡng.
Bánh dày lá ngải
Món ăn cuối cùng mà VietSense Travel muốn gửi đến du khách gần xa sắp có dự định du lịch Ba Bể là thức quà thân quen, bánh dày lá ngải. Vỏ bánh xanh ngát làm từ gạo nếp ngon tuyển chọn kỹ càng, lá ngải cứu xanh tươi mơn mởn. Còn về phần nhân là từ đường và lạc vừng, được gói bằng lá chuối xanh.
Bánh dày công phu ở khâu đồ xôi và giả bánh người ta cho vào cái cối to, chày to rồi thay phiên nhau giã cho đến khi xôi nhuyễn. Nặn bánh rồi cho nhân đường lạc vừng cuộn lại thành hình tròn - biểu tượng của trời, mang ý nghĩa sung túc, ấm nó, mưa thuận gió hòa. Thành phẩm bánh mềm dẻo quạnh hòa quyện với mùi hương hắc nhẹ của ngải cứu sẽ khiến vị ngọt trở nên dễ chịu, thanh khiết và đỡ ngán hơn khi bạn lỡ ăn nhiều.
Thưởng thức 12 món ngon Ba Bể cũng đến hồi kết, VietSense Travel tin rằng ngoài những cái tên được chia sẻ trong bài viết trên chỉ là một phần đặc trưng trong văn hóa ẩm thực tại hồ nước ngọt lớn nhất Việt Nam. Các bạn hãy tiếp tục theo dõi những thông tin hữu ích trong du lịch Bắc Kạn để kịp thời cập nhật “điểm ăn chốn chơi” đặc sắc nhất nhé. Chúc các bạn có những chuyến đi khám phá thú vị và ý nghĩa!
Đinh Hoàng Lâm