==HOTLINESHOW== ==HOTLINESHOWOTHER==

Hồ Ba Bể, thác Bản Giốc nằm trong các điểm du lịch nổi tiếng thuộc vùng núi Đông Bắc nước ta. Bạn yêu thích du lịch, thích khám phá, trải nghiệm những cảnh đẹp của đất nước. Dưới đây là những kinh nghiệm khi đi du lịch hồ Ba Bể, thác Bản Giốc bạn có thể tham khảo chuẩn bị thêm cho hành trang của mình để có một chuyến đi lý thú.

Hồ Ba Bể - thác Bản Giốc nằm ở đâu?

Hồ Ba Bể

Hồ Ba Bể - Ảnh 1Hồ Ba Bể - Ảnh 2Hồ Ba Bể - Ảnh 3

Hồ Ba Bể thuộc tỉnh Bắc Kạn, Việt Nam, là một trong 20 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, nằm trong Vườn quốc gia Ba Bể đã được xếp hàng thành Di tích quốc gia đặc biệt. Là “trái tim xanh” của của Vườn quốc gia Ba Bể, hồ Ba Bể được hình thành từ cuộc kiến tạo lục địa Đông Nam Á cách đây hơn 200 triệu năm, mang nhiều giá trị địa chất, địa mạo độc đáo.

Thác Bản Giốc

Thác Bản Giốc - Ảnh 1Thác Bản Giốc - Ảnh 2

Thác Bản Giốc nằm ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, cách trung tâm huyện khoảng 20 km, là một nhóm thác nước nằm trên sông Quây Sơn tại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nếu nhìn từ phía dưới chân thác, phần thác bên trái và nửa phía tây của thác bên phải thuộc chủ quyền của Việt Nam; nửa phía đông của thác bên phải thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Đây được mệnh danh là thác nước đẹp nhất Việt Nam với các tầng thác nối tiếp nhau, trải rộng đến cả trăm mét.

Hai địa điểm này có gì đẹp?

Hồ Ba Bể

Toàn cảnh hồ như một bức tranh thủy mặc làm say lòng những du khách tới nơi đây. Đôi bờ của dòng sông là những vách núi đá vôi dựng đứng với bao điều kỳ lạ trong những câu chuyện cổ tích kể về biến cố của thiên nhiên để tạo ra hồ Ba Bể. Một số điểm tham quan nổi tiếng gần Hồ Ba Bể:

Thác Đầu Đẳng

Hồ Ba Bể - Ảnh 1Hồ Ba Bể - Ảnh 2

Thác Đầu Đẳng có chiều dài hơn 1.000m, tuôn chảy qua những khối đá muôn hình, chất chồng lên nhau như thạch trận. Đôi bờ là những vạt rừng mọc ken dày, xanh tốt, phủ tán lòa xòa ra tận mép nước. Dòng thác lúc ầm ào, khi rẽ dòng khúc khuỷu, có đoạn lại êm đềm thơ mộng... Ngoài ra, khu vực Thác Đầu Đẳng còn xuất hiện loại cá Chiên hiếm thấy. Vào dịp tháng 3 đến tháng 4 hàng năm, sau những trận mưa đầu mùa, từng đàn cá lại đua nhau vượt thác, tạo nên cảnh tượng kỳ thú “cá vượt vũ môn”. Đến tham quan Thác Đầu Đẳng, ngồi trên những phiến đá lớn hay đứng trên ban công gỗ ngắm nhìn đoạn thác đổ xuống tung bọt trắng xóa, nhìn những chú cá bơi lượn dưới chân thác quả là một cảnh đẹp khiến ai cũng nên đến đây ngắm nhìn một lần.

Động Puông

Hồ Ba Bể - Ảnh 3Hồ Ba Bể - Ảnh 4

Động Puông là một hang động đá vôi tự nhiên có chiều dài 351m. Cửa động tạo thành vòm cao hơn 60m, rộng trung bình 277m, độ sâu của nước trong động từ 6-10m. Du khách đến với Động Puông được chiêm ngưỡng những cảnh quan kỳ thú sinh động, kết hợp tất cả các yếu tố tinh hoa của sông núi, nước non. Bên trong động là những dải thạch nhũ có hình thù đa dạng. Động Puông như thể được tạo hóa sắp đặt nên cảnh thần tiên giữa lòng trần thế, chào mời vẫy gọi du khách đến tham quan, nghỉ ngơi, giải trí và chiêm ngưỡng vẻ đẹp tạo hóa.

Đền An Mã

Hồ Ba Bể - Ảnh 5Hồ Ba Bể - Ảnh 6

Đền An Mã có ý nghĩa linh thiêng, gắn với sự tích Hồ Ba Bể. Du khách đến đây, ngoài ý nghĩa tâm linh còn được thưởng ngoạn nhiều loại phong lan quý, quanh năm hoa nở; ngắm cảnh hồ xanh biếc giữa không khí trong lành, yên bình, xua đi bao mệt mỏi, vướng bận của cuộc sống.

Ao Tiên

Hồ Ba Bể - Ảnh 7Hồ Ba Bể - Ảnh 8

Ao Tiên có dáng hình tròn, rộng hơn 3.000m2, nằm cách mép hồ Ba Bể khoảng hơn trăm mét, qua các bậc thang bằng đá phủ rêu phong. Xung quanh Ao Tiên được bao bọc bởi núi đá vôi và thảm rừng nguyên sinh, mặt ao tĩnh lặng, nước xanh biếc, in bóng mây trời. Tương truyền nơi đây gắn với sự tích kể về chàng thợ săn và bảy nàng tiên nữ giáng trần, là nơi các nàng tiên hạ trần xuống tắm.

Thác Bản Giốc

Một trong những điều tạo nên vẻ đẹp của thác Bản Giốc là ở phần thác chính, thác không chảy thẳng 1 dải từ trên xuống mà có những mô đất mấp mô, chia tầng như cầu thang, khiến nước sông Quây Sơn chảy qua đây chia tách thành nhiều dải, tạo thành một mảng trắng xóa giữa đất trời, xen giữa là màu xanh của cây lá. Một trải nghiệm vô cùng thú vị dành cho khách du lịch khi đến với nơi đây là ngồi trên bè tre của người dân để ngắm cảnh xung quanh với giá khoảng 50.000 đồng một người. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể lựa chọn tham quan một số địa điểm nổi tiếng xung quanh thác Bản Giốc như:

Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc

Thác Bản Giốc - Ảnh 1Thác Bản Giốc - Ảnh 2

Tọa lạc tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, trên sườn núi cao, chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc có ý nghĩa quan trọng về an ninh, quốc phòng, nên được xem là nơi trấn yểm đắc địa ở vùng biên ải. Chùa tựa lưng vào núi, phía trước là một không gian rộng lớn, có đồng ruộng bát ngát, núi non và rừng cây xanh ngút ngàn, tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình, nên thơ, hùng vĩ và thanh bình. Đứng từ đây nhìn xuống dưới, bạn sẽ thu vào tầm mắt khung cảnh sơn thủy hữu tình bao la, bát ngát với các ngọn núi, thác nước trùng điệp. Trời phú cho thiên nhiên nơi đây vẻ đẹp vừa kỳ ảo, vừa thơ mộng nhất là buổi sáng bình minh hoặc khi chạng vạng tối…

Động Ngườm Ngao

Thác Bản Giốc - Ảnh 3Thác Bản Giốc - Ảnh 4

Động Ngườm Ngao trong tiếng Tày có nghĩa là “hang Hổ”. Hang động này là hang động đá vôi được hình thành cách ngày nay khoảng 400 triệu năm, có tổng chiều dài 2.144m và có 3 cửa chính; nhiệt độ ở trong hang vào mùa hè rất mát, nhưng lại ấm áp vào mùa đông. Động Ngườm Ngao có nhiều nhũ đá và măng đá với các hình dạng phong phú đa dạng, là một trong những hang động đẹp nổi tiếng tại Việt Nam.

Khi di tích cách mạng Pác Bó – suối Lê-nin

Thác Bản Giốc - Ảnh 5Thác Bản Giốc - Ảnh 6

Pác Bó, trong tiếng Tày - Nùng có nghĩa là “đầu nguồn”, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt bước chân đầu tiên trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Đến với nơi đây, du khách không chỉ có cơ hội tìm hiểu một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam mà còn được dịp chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Đến đây, bạn sẽ được khảo nghiệm và chiêm ngưỡng bàn đá nơi Bác ngồi làm việc, tảng đá Bác ngồi câu cá...xuất hiện trong bài thơ “Tức cảnh Pác Bó” được Bác Hồ kính yêu sáng tác khi hoạt động cách mạng ở đây:

“Sáng ra bờ suối, tối vào hang

Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng

Bàn đá chông chênh, dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng thật là sang.”

Thác Bản Giốc - Ảnh 7Thác Bản Giốc - Ảnh 8

Nằm trong khu di tích Cách mạng Pác Bó, Suối Lê-nin cũng là một nơi thu hút khá đông du khách đến tham quan với dòng suối mát trong lành. Suối Lê-nin trong vắt, xanh màu ngọc bích, chảy hiền hòa từ đầu nguồn Pác Bó đến chân núi Các Mác như một dải lụa uốn lượn mềm mại.

Làng rèn Phúc Sen

Thác Bản Giốc - Ảnh 9Thác Bản Giốc - Ảnh 10

Làng rèn Phúc Sen thuộc xã Phúc Sen (huyện Quảng Uyên) cách thành phố Cao Bằng khoảng 30km. Nghề rèn nơi đây có lịch sử hơn 300 năm. Nét văn hóa độc đáo và danh tiếng của nghề rèn giúp cho làng nghề trở thành điểm đển hấp dẫn tại Cao Bằng. Hàng năm lượng khách du lịch đến với xã Phúc Sen tương đối lớn, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây.

Nên đi tham quan Hồ Ba Bể - thác Bản Giốc vào thời điểm nào?

Hồ Ba Bể

Toàn bộ hồ Ba Bể được bao bọc bởi những dãy núi đá và các cánh rừng nguyên sinh, chính vì vậy lúc nào Ba Bể cũng vô cùng mát mẻ, đẹp cả 4 mùa quanh năm. Đặc biệt là vào thời gian mùa hè, đây là thời điểm rất thích hợp đi du lịch hồ Ba Bể với khí hậu trong lành, mát mẻ sẽ giúp bạn xóa tan đi cái nóng bức của những ngày hè nóng như đổ lửa. Còn về mùa đông, với khí hậu trên núi có phần lạnh hơn nhưng vào thời điểm này, mặt hồ phẳng lặng, êm dịu, bạn sẽ cảm thấy vô cùng tĩnh lặng, yên bình và thư thái. Bạn có thể lựa chọn đi vào mùa xuân khi lễ hội hồ Ba Bể diễn ra vào ngày mùng 9 và 10 tháng giêng âm lịch hàng năm. Các hoạt động trong lễ hội như: Ðua thuyền, ném Còn, đấu vật, bắn cung và biểu diễn múa, hát truyền thống của các dân tộc sẽ tạo cho bạn những kỷ niệm khó quên.

Thác Bản Giốc

Thác Bản Giốc Cao Bằng được phân chia thành 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa rơi vào từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm. Vào thời gian này, thác Bản Giốc đón những cơn mưa rào, khiến dòng nước chảy càng ồ ạt, xiết mạnh đổ xuống tung bọt trắng xóa. Mùa khô thác Bản Giốc Cao Bằng bắt đầu từ những ngày tháng 10 và kéo dài đến tận tháng 5 năm sau. Vào mùa khô, dòng nước chảy không xiết và mạnh như tầm tháng 6, thay vào đó là một vẻ đẹp trầm mặc, an nhiên hơn. Lúc này cũng trong thời gian vào vụ mùa, những cánh đồng lúa 2 bên bờ ngả sang màu vàng ươm trông thật đẹp mắt. Màu vàng của những bông lúa chín, màu xanh rờn của cánh rừng xung quanh kết hợp với màu xanh trong của dòng nước, tất cả đã góp phần tạo nên bức tranh thiên nhiên muôn màu, sống động nhưng cũng vô cùng yên bình nơi đây.

Có thể di chuyển đến đây bằng cách nào?

Hồ Ba Bể

Ba Bể cách Hà Nội khoảng hơn 200 km. Nếu đi xe khách, bạn có thể ra bến xe Mỹ Đình hoặc Gia Lâm hỏi xe đi Chợ Rã, Ba Bể, Bắc Kạn.

Bạn cũng có thể đi bằng xe máy theo lộ trình cung đường Hà Nội – Quốc lộ 3 - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Ba Bể.

Thác Bản Giốc

Nếu bạn xuất phát từ Hà Nội, bạn có thể đi bằng ô tô: để đỡ mệt thì bạn có thể bắt xe giường nằm chất lượng cao tại bến xe Mỹ Đình sẽ khởi hành khoảng 8h tối rồi đến TP Cao Bằng bắt xe khách lên Trùng Khánh (khoảng 60km) rồi đi xe ôm từ Trùng Khánh đến thác Bản Giốc (còn khoảng 20km)

Nếu bạn kết hợp đi tour du lịch hồ Ba Bể - thác Bản Giốc bạn có thể lựa chọn lộ trình di chuyển bằng xe máy theo QL3: Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng – Trùng Khánh – Bản Giốc (quãng đường khoảng 360 km). Từ hồ Ba Bể bạn chạy xe tới thị trấn Ba Bể (Chợ Rã), rẽ trái theo hướng thị trấn Nà Phặc qua TL254 và QL279. Sau đó tiếp tục rẽ trái theo QL3 Hà Nội – Cao Bằng. Từ thành phố Cao Bằng bạn chạy theo đường TL206 tới Đàm Thủy, xã Trùng Khánh (thác Bản Giốc). Cung đường chạy từ Ba Bể lên thác Bản Giốc là 250km mất khoản 6 đến 7 tiếng nếu chạy liên tục.

Đi du lịch hồ Ba Bể - thác Bản Giốc nên ăn gì?

Hồ Ba Bể

Những món ăn nổi bật, đặc sản nơi đây bạn có thể thưởng thức như:

Cá nướng Ba Bể

Hồ Ba Bể - Ảnh 1Hồ Ba Bể - Ảnh 2

Cá trong hồ Ba Bể có rất nhiều, thịt cá trắng, chắc, thơm lừng, bùi, dai và có vị ngọt.

Lạp sườn hun khói

Hồ Ba Bể - Ảnh 3Hồ Ba Bể - Ảnh 4

Lạp sườn được làm từ thịt lợn bản nên thịt thơm và chắc. Điểm độc đáo của lạp sườn Bắc Kạn là được tẩm ướp bằng gừng đá, một loại gừng chỉ mọc trên đá của người dân tộc nên có mùi thơm rất đặc biệt, không giống gia vị nào của miền xuôi. Lạp sườn được làm bằng tay của người Bắc Kạn có mùi của nắng vùng cao, mùi của khói bếp, thoảng mùi gừng, mùi rượu, mắc mật, thơm một cách đặc biệt. Vị dai của lòng, vị ngọt của thịt nạc, vị béo của mỡ hòa quyện với nhau, ăn thật ngon miệng.

Khâu nhục

Hồ Ba Bể - Ảnh 5Hồ Ba Bể - Ảnh 6

Khâu nhục là món ăn đặc biệt mang đậm tính dân tộc của người dân Bắc Kạn. Khâu nhục được làm rất công phu. Món khâu nhục làm cầu kì nhưng ăn lại rất ngon nên nhân dân Bắc Kạn thường dành vào những dịp đặc biệt như lễ tết, cưới hỏi và vào nhà mới. Chỉ cần thử một chút bạn cũng đủ cảm nhận được hết hương vị của món đặc sản này, vị béo ngậy của thịt, vị thơm của khoai đã hầm bở… tất cả đều kết tinh trong món ăn.

Thịt lợn gác bếp

Hồ Ba Bể - Ảnh 7Hồ Ba Bể - Ảnh 8

Khác với một số dân tộc khác, người Tày sống quanh hồ Ba Bể thường bỏ thịt vào sọt hoặc gùi đi rừng rồi mới treo lên bếp. Khói từ bếp củi hằng ngày hun lên làm thịt có màu vàng đen. Khi ăn, người ta lấy thịt xuống hơ qua lửa để thịt mềm ra rồi rửa sạch, thái thành từng miếng nhỏ. Khi ta ăn không thấy ngấy ngược lại rất ngon và lạ miệng, cảm nhận được trong đó có hương thơm của mùi khói và vị ngọt ngọt của thịt đọng lại.

Tôm chua Ba Bể

Hồ Ba Bể - Ảnh 9Hồ Ba Bể - Ảnh 10

Ở Ba Bể, người dân thường ăn tôm chua với thịt chân giò hoặc ba chỉ luộc kèm đĩa khế chua, chuối xanh, đinh lăng… Giữa khung cảnh thiên nhiên nên thơ, nhấm nháp tôm chua cùng chén rượu ngô cay nho nhỏ, du khách sẽ có cảm giác lâng lâng êm ái, thấm thía vị béo chua chua của thịt, cảm nhận phần tỏi ớt cay cay cùng mùi thơm riềng...

Xôi Đăm Đeng

Hồ Ba Bể - Ảnh 11Hồ Ba Bể - Ảnh 12

Món xôi này rất độc đáo vì được nấu từ gạo nếp nương và tất cả màu sắc của xôi không tạo ra bằng phẩm màu mà bằng hương sắc của cây cỏ. Xôi Đăm Đeng có một mùi thơm đặc trưng của cây cỏ, không thể lẫn với bất cứ loại xôi nào khác. Hạt xôi bóng đẹp nhưng không ướt, khi nguội, hạt xôi se lại nhưng vẫn mềm, dẻo và thơm.

Thác Bản Giốc

Một số món ăn khi du lịch thác Bản Giốc, bạn nên nếm thử như:

Cá trầm hương nướng

Thác Bản Giốc - Ảnh 1Thác Bản Giốc - Ảnh 2

Gọi là cá trầm hương bởi loài cá này thường ăn rễ, lá mục của cây trầm hương mọc ven sông Quây Sơn và Bắc Vọng. Chính vì vậy thịt chúng ngon hơn nhiều loại cá nào khác, khi ăn có thể cảm nhận được vị trầm. Cá được bắt từ sông, làm sạch, mổ bụng rồi nhét thêm một vài loại rau, gia vị như hành, thì là, ớt... vào bên trong, bọc qua bằng lớp lá chuối rồi cho lên bếp than nướng. Khi chín, cá tỏa mùi thơm nức. Gỡ miếng cá chấm cùng chút nước mắm nguyên chất, cảm nhận vị thơm ngây ngất, phảng phất vị trầm khiến bạn sẽ nhớ mãi.

Vịt quay 7 vị

Thác Bản Giốc - Ảnh 3Thác Bản Giốc - Ảnh 4

Có tên gọi như vậy là bởi vì món vịt ở đây được người dân sử dụng đầy đủ 7 loại gia vị trong quá trình tẩm ướp như: gừng, tỏi, hành khô, hạt tiêu, mật ong, đậu hũ, quả mắc mật khô. Đây cũng là đặc sản nổi tiếng nhất ở Cao Bằng đối với bất kì ai đến nơi đây cũng phải thưởng thức.

Bánh khảo

Thác Bản Giốc - Ảnh 5Thác Bản Giốc - Ảnh 6

Bánh khảo thực chất là một thứ lương khô của bà con Tày, Nùng, cất để ăn cả tháng cũng không mốc, không ỉu. Làm bánh khảo đòi hỏi phải khéo léo và tỉ mỉ. Đây là loại bánh cổ truyền không thiếu được trên bàn thờ cúng tổ tiên của đồng bào dân tộc nơi đây.

Bánh trứng kiến

Thác Bản Giốc - Ảnh 7Thác Bản Giốc - Ảnh 8

Trứng kiến đen ở rừng Cao Bằng rất mẩy, béo và có hàm lượng đạm cao. Bánh trứng kiến ăn dẻo, thơm mùi lá vả, béo và ngậy mùi trứng kiến. Đây là một trong những nét văn hóa ẩm thực mang giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Cao Bằng.

Muốn ngủ qua đêm ở hồ Ba Bể, thác Bản Giốc thì ở đâu?

Hồ Ba Bể

Lựa chọn hình thức lưu trú homestay ở hồ Ba Bể, du khách sẽ được trải nghiệm một ngày ý nghĩa và trọn vẹn với cuộc sống nơi đây, được cùng ăn, cùng ở, cùng sống và thử làm những công việc hàng ngày với người dân tộc Tày. Hơn thế nữa, bạn cũng có cơ hội trải nghiệm hình thức sống trong nhà sàn cổ truyền thống, tìm hiểu nét văn hóa trong lối sinh hoạt hàng ngày của người dân bản địa.

Ở đây, bạn có thể tận hưởng được không gian yên tĩnh, thanh bình và nhẹ nhàng. Tuy không hề bóng bẩy, sang trọng như những khách sạn hay resort nhưng nơi đây vẫn đầy đủ tiện nghi không hề kém cạnh, không gian sống cũng thoải mái và dễ chịu hơn hẳn.

Một số homestay ở bản Pác Ngòi bạn có thể tham khảo lựa chọn:

Hoàng Chuyền Homestay

Giá phòng đôi chỉ từ 80.000 – 100.000 đồng một đêm. Phòng tập thể một đêm có mức giá rơi vào khoảng 315.000 cho tới 360.000 đồng.

Minh Quang Homestay

Mức giá ở đây dao động từ 180.000/phòng đôi hạng rẻ, từ 370.000/phòng 4 người hay 120.000/người phòng tập thể. Mức giá như vậy vẫn còn cao hơn so với một số homestay khác.

Hoàng Nguyên Homestay

Mức giá các loại phòng ở đây như sau:

– Phòng gia đình khoảng 370.000 đồng

– Phòng 4 người nhìn ra hồ nước rơi vào khoảng 400.000 đồng

– Phòng đơn là 140.000 đồng

Tất cả đều áp dụng cho một đêm.

Ba Bể Lake View Homestay

Mức giá từ 160.000 đến 170.000 đồng cho một người/ đêm có lẽ cũng khá phù hợp với phần lớn khách hàng.

Hồng Gấm Homestay

Giá phòng: từ 240.000/phòng 2 người, 350.000/phòng 3 người. Mức giá như vậy có lẽ vẫn vượt trên so với vật chất tại đây. Tuy nhiên, chủ nhà có hướng dẫn có khách du lịch nhiều hoạt động trải nghiệm mới lạ như bắt cá tại hồ hoặc du khách còn được thưởng thức văn nghệ truyền thống vào buổi tối.

Hồng Sơn Homestay

Mức giá: từ 150.000/phòng 2 người, 240.000/3 người, 340.000/4 người.

Thác Bản Giốc

Một số khách sạn, homestay bạn có thể lựa chọn lưu trú tại đây như:

Yến Nhi Homestay

Với mức giá phải chăng, cùng với phòng tập thể phục vụ được số lượng lớn khách du lịch, Yến Nhi Homestay sẽ là một lựa chọn tốt phù hợp cho những bạn trẻ thích du lịch bụi.

Ngườm Ngao Bản Giốc Homestay

Mức giá dao động từ 200.000 đến 220.000 đồng/phòng đôi/ đêm. Phòng đơn có giá 120.000 đồng 1 đêm.

Primrosé Homestay Cao Bang

Nằm ở đường Hồng Việt, trung tâm thành phố Cao Bằng, gần chợ nên dễ tìm. Trong đó phòng riêng có giường đôi, giá 275.000 đồng. Nếu ở 3 người phí thêm 100.000 đồng.

Phòng dorm giá 120.000 đồng một giường. Một phòng có 6 giường, làm bằng gỗ hoặc kim loại, gồm chăn, nệm, đèn đọc sách, phòng vệ sinh chung.

Sơn Tùng Hotel

Nếu muốn tìm phòng có tiêu chuẩn cao hơn, bạn có thể tìm đến khách sạn trên đường Hồng Việt. Khu nghỉ có 30 phòng theo tiêu chuẩn 2 sao, đủ trang thiết bị hiện đại cần thiết như tivi, điều hòa, bình nóng lạnh. Giá phòng từ 500.000 đến 900.000 đồng mỗi đêm, tùy vào phòng 1-3 giường.

Một số lưu ý dành cho bạn khi đi du lịch hồ Ba Bể, thác Bản Giốc

- Bạn cần đem theo 1 áo khoác mỏng vừa tránh nắng lại giữ cho cơ thể ấm áp vào đêm khuya vì vùng núi vào đêm khá lạnh.

- Bởi vì du lịch vùng nước, bạn nên mang theo thêm 1 bộ quần áo đề phòng bị ướt hoặc tắm thác, hồ có đồ để thay. Bạn cũng nên mang theo thêm 1 đôi dép có ma sát để lội suối, thác, hồ chống bị trơn trượt.

- Khu vực ở gần hồ, thác có rất nhiều muỗi, vì vậy bạn nên nhớ mang theo thuốc chống côn trùng. Ngoài ra, bạn cũng nên đem theo một số loại thuốc y tế khác như: thuốc giảm đau bụng, nhức đầu, cảm cúm, dầu gió…

- Bạn nên mang theo bộ dụng cụ băng bó vết thương để phòng trường hợp có những trầy xước nhỏ khi đi đường núi rừng.

- Đến thác Bản Giốc vì đây là địa phận thuộc chủ quyền của 2 nước, bạn nên mang theo đầy đủ giấy tờ tùy thân tránh vướng bận vào những rắc rối trong chuyến đi.

- Thời tiết Bắc Kạn thay đổi bất thường, có thể bạn sẽ gặp những cơn mưa bất chợt trên đường đi của mình, vậy nên hãy chuẩn bị áo mưa đề phòng trước.

- Ở hồ Ba Bể - Bắc Kạn không có nhiều cây ATM để bạn rút tiền nên hãy mang theo tiền mặt dư để dự phòng cho chuyến hành trình của bạn.

 

 

Kinh nghiệm thăm quan hồ Ba Bể - Thác Bản Giốc

Kinh nghiệm thăm quan hồ Ba Bể - Thác Bản Giốc
12 1 13 25 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==