Bảo tàng Hùng Vương là nơi lưu trữ những giá trị văn hóa từ văn minh cổ xưa của Người Việt cổ đến những chiến tích thời đại Hồ Chí Minh. Quá trình hình thành Bảo tàng Hùng Vương cũng là một tiến trình đi tìm đất nước huyền thoại của con cháu Lạc Hồng với chiến công kỳ tích khai phá mở nước từ miền Đất Tổ. Bảo tàng Hùng Vương trên vùng đất kinh đô Văn Lang xưa mang trên mình sứ mệnh cao cả là nơi kết nối những huyền thoại lịch sử, từ huyền thoại cổ xưa kể về nguồn cội dân tộc con Rồng - cháu Tiên, đến thời kỳ của những buổi hồng hoang dựng nước với dấu tích các nền văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn đang lưu giữ tại Bảo tàng Hùng Vương.
Bảo Tàng Hùng Vương, Nơi Kết Nối Những Huyền Thoại Vùng Đất Tổ
Bảo tàng Hùng Vương là nơi lưu trữ những giá trị văn hóa từ văn minh cổ xưa của Người Việt cổ đến những chiến tích thời đại Hồ Chí Minh. Quá trình hình thành Bảo tàng Hùng Vương cũng là một tiến trình đi tìm đất nước huyền thoại của con cháu Lạc Hồng với chiến công kỳ tích khai phá mở nước từ miền Đất Tổ. Bảo tàng Hùng Vương trên vùng đất kinh đô Văn Lang xưa mang trên mình sứ mệnh cao cả là nơi kết nối những huyền thoại lịch sử, từ huyền thoại cổ xưa kể về nguồn cội dân tộc con Rồng - cháu Tiên, đến thời kỳ của những buổi hồng hoang dựng nước với dấu tích các nền văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn đang lưu giữ tại Bảo tàng Hùng Vương.
Từ huyền thoại Lạc Long Quân đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
Là người Việt Nam ai cũng biết huyền thoại nổi tiếng Lạc Long Quân - Âu Cơ. Đó là một bản anh hùng ca mở đất, mở nước và bản tình ca bất hủ về sự sinh thành ra con cháu đất Việt. Sự gặp gỡ của chàng Lạc Long, nàng Âu Cơ là vùng Ngã ba Hạc huyền thoại, nơi tụ thủy của 3 dòng sông lớn Hồng - Lô - Đà. Đó cũng là nơi tụ nhân tụ thủy, khởi nguyên của một sự linh diệu huyền thoại: Sự xuất hiện con người và cũng là sự khởi nguồn văn hóa văn minh của người Việt Cổ. Vùng lưu vực Ngã Ba sông Bạch Hạc còn là nơi chia tay có hẹn ước của Lạc Long Quân - Âu Cơ và là một huyền thoại trong huyền thoại. Người anh hùng Lạc Long Quân chính là anh hùng Văn hóa Việt có từ biển mà đi lên. Trên đất Việt Nam, miền Châu thổ đồng bằng trung du là một mạng sông suối, hồ đầm. Đi đâu cũng gặp con sông con suối, dọc vùng miền đất sông nước đó cũng là đặc trưng văn hóa Việt Nam. Các di tích khảo cổ học từ thời đá cũ đá mới, đến thời đại kim khí đều được phát hiện ở bên bờ các con sông lớn, đầm hồ, bờ biển.
Từ đỉnh Châu thổ diệu kỳ: Lạc Long Quân đem 50 người con xuống biển, nàng Âu Cơ đem 49 người con lên rừng, để lại người con trưởng làm vua trên núi Nghĩa Lĩnh. Đó cũng là một huyền thoại mở đầu cho 18 đời cha truyền con nối đều gọi là Hùng Vương. Từ đây, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành nét đẹp truyền thống được kế tục qua mọi thời đại lịch sử, là biểu tượng cội nguồn duy nhất của dân tộc Việt Nam.
Qua hàng nghìn hiện vật hiện đang lưu giữ tại bảo tàng Hùng Vương đã thể hiện phần nào sinh động về những huyền thoại ấy. Góp phần giới thiệu, giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt thế hệ trẻ.
Từ huyền thoại tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đến hiện thực trưng bày về thời kỳ Hùng Vương
Nếu lấy Đền Hùng làm trung tâm trong vòng bán kính khoảng 15 km quanh khu vực Núi Nghĩa Lĩnh đến nay, khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện 40 di tích khảo cổ thời kỳ kim khí. Một chuỗi các di tích di vật ấy tạo thành hệ thống văn hóa khảo cổ được giáo sư Hà Văn Tấn khái quát gọi là nền “Văn minh Sông Hồng” gồm 4 nền văn hóa kế tiếp nhau diễn ra trong khoảng 2000 năm trước Công Nguyên.
Đó là Văn hóa Phùng Nguyên được phát hiện từ năm 1959, giai đoạn này có ý nghĩa rất quan trọng với hóa khảo cổ Việt Nam và khu vực Đông Nam Á - Đó là sự mở đầu cho thời đại đồng thau Việt Nam, là nhân tố quan trọng trong quá trình hình thành Văn hóa Đông Sơn, văn hóa khởi đầu của Nhà nước và dân tộc Việt Nam. Từ khi phát hiện, Bảo tàng Hùng Vương đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị tiến hành khai quật và đưa về lưu giữ, trưng bày giới thiệu một khối lượng lớn với hơn 2000 di vật, hiện vật cực kỳ phong phú được chế tác từ chất liệu gốm, đá, xương, sừng... đa dạng với hàng loạt kiểu loại khác nhau phản ánh trình độ phát triển tương đối cao về thẩm mỹ, nhận thức và ý thức cộng đồng của cư dân Phùng Nguyên. Qua các hiện vật cũng cho thấy trình độ kỹ thuật chế tác công cụ và đồ trang sức rất cao, chúng đều được mài nhẵn, đánh bóng đạt trình độ điêu luyện. Nhìn nhận tổng thể về các hiện vật Phùng Nguyên tại Bảo tàng Hùng Vương là một bức tranh sinh động về một thời kỳ lịch sử quan trọng- thời kỳ tiền Hùng Vương dựng nước.
Đó là Văn hóa Đồng Đậu được phát hiện năm 1962 lấy tên của một di chỉ đầu tiên, thuộc xã Minh Tân, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phú. Các di tích Đồng Đậu cơ bản trùng hợp với địa bàn cư trú của văn hóa Phùng Nguyên, nhưng có sự mở rộng dần trong tiến trình chiếm lĩnh đồng bằng. Đất Phong Châu, quanh Đền Hùng là nơi hội tụ của các di tích văn hóa Đồng Đậu như: Đồng Đậu con ở xã Tứ Xã, khu mộ Gò Diễn, Nội Gan (xã Kinh Kệ) xóm Thi Đua, Gò Đồng Đậu (Thụy Vân). Dù số lượng hiện vật của văn hóa Đồng Đậu tại Bảo tàng Hùng Vương không nhiều, nhưng qua đó cũng góp phần quan trọng cung cấp những hiểu biết về một giai đoạn văn hóa cách ngày nay hàng nghìn năm lịch sử: Cư dân thời kỳ văn hóa Đồng Đậu là cư dân nông nghiệp, sống định cư và làm ruộng ven chân đồi gò nơi họ cư trú, người Đồng Đậu đã biết chăn nuôi gia súc, khai thác những sản vật tự nhiên để đảm bảo cuộc sống định cư lâu dài. Đặc trưng cơ bản của văn hóa Đồng Đậu là sử dụng công cụ xương, sừng để chế tác thành các dụng cụ như mũi tên, mũi lao có ngạnh. Đồ gốm giai đoạn này cũng phát triển trên cơ sở truyền thống chế thạo gốm hết sức đặc sắc ở văn hóa Phùng Nguyên. Về cuộc sống vật chất và tinh thần của người Đồng Đậu đã rất phong phú. Thời Đồng Đậu, sự giao lưu trao đổi giữa các vùng đã xảy ra ở lưu vực sông Hồng, Sông Mã - sông Cả hay nhiều vùng khác ở nước ta. Mối quan hệ nhiều chiều qua lại giữa các vùng là một quá trình tất yếu của quy luật phát triển nhân loại.
Đó là văn hóa Gò Mun. Gò mun là tên một địa điểm khảo cổ nổi tiếng thuộc xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Những hiện vật đang lưu giữ tại Bảo tàng Hùng Vương thuộc thời kỳ văn hóa Gò Mun chủ yếu là đồ gốm, đồ đá, đồ đồng, không chỉ phong phú về chất liệu mà còn đa dạng cả về loại hình công cụ, đồ dùng, sinh hoạt cũng như nghệ thuật trang trí, đã tạo thành phong cách riêng. Đặc trưng nhất là công cụ, dụng cụ sinh hoạt của 3 chất liệu cơ bản: đồ đồng, đồ đá, đồ gốm. Về đồ gốm chủ yếu là đồ đun nấu (nồi), đồ đựng (bình, vò, bát, mâm bồng) với dáng tròn, miệng loe, cổ cong tròn. Trang trí hoa văn bên miệng với họa tiết đặc sắc; với kỹ thuật khắc vạch, in, dập và đắp nổi tạo các tổ hợp hoa văn; những đường thẳng, những đường cong, văn chấm tròn, văn chữ S, vạch ngắn song song hay vạch chéo... Về đồ đồng, điều đáng chú ý là nghề đúc đồng người Gò Mun đã được hoàn chỉnh và nâng lên một trình độ cao. Về loại hình di vật có: Rìu, giáo, lao, mũi tên, mũi nhọn, lưỡi câu búa, liềm, tượng, lục lạc, vòng tay, trâm cài. Qua những hiện vật cho thấy đời sống lao động sản xuất, sinh hoạt văn hóa tinh thần của cư dân giai đoạn văn hóa Gò Mun với một trình độ lao động phát triển.
Đó là văn hóa Đông Sơn đây là những khi di tích độc đáo vùng ngã ba sông, nơi các Vua Hùng dựng nước Văn Lang. Nhiều loại hình di vật được phát hiện và đang cất giữ, trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương rất nổi tiếng như: Trống đồng, bộ rìu gót vuông, rìu xéo, rìu hình thuổng, lục lạc, vòng ống, tấm che ngực bằng đồng, mũi lao, ngọn giáo, dao găm...Tất cả các di vật ấy đã nói lên trình độ văn minh đạt tới trình độ điêu luyện. Qua những chiếc trống đồng- di vật lịch sử đặc sắc và độc đáo chúng ta còn thấy được nhiều sinh hoạt văn hóa, kinh tế của thời kỳ này như giao thông vận tải từ thời Hùng Vương quan trọng là đường nước, vì vậy từ con thuyền Đông Sơn trên trống đồng là hình ảnh thân thuộc của con người Việt Nam với dòng sông, bến nước, cây đa. Từ truyền thống với huyền thoại giỏi thủy chiến thời Vua Hùng, chúng ta phát huy tài “lặn giỏi, bơi tài” của quân sỹ thời Nguyễn, thời Trần với những Bạch Đằng Giang nổi tiếng. Có thể nói đây là giai đoạn đỉnh cao được phát triển từ các văn hóa tiền Đông Sơn trước đó như: Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, âm vang văn minh sông Hồng vẫn còn vang vọng đến ngày nay, trong ngày hội hàng năm tại Đền Hùng - đó là tiếng trống, tiếng chiêng... Khi dòng máu con Lạc cháu Hồng còn chảy mãi trong tim chúng ta, ta tự hào không ở đâu trên trái đất này được như dân tộc Việt Nam có một tổ tiên chung, một ngôi mộ Tổ vua Hùng, ngôi đền thờ chung, để ngày 10-3 hàng năm con cháu cả nước hành hương về giỗ Tổ.
Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản
Ngay từ khi dựng nước thời Hùng Vương và trong suốt tiến trình lịch sử giữ nước của dân tộc thì nước ta đã là một quốc gia đa tộc. Thời Văn Lang -Âu Lạc, Đại Việt rồi Việt Nam. Trong quá trình dựng nước và giữ nước, thời nào cũng có một tộc người đóng vai trò trọng tâm liên kết - đại đoàn kết. Đó là Người Việt Cổ thời Hùng Vương tới người Việt thời đại Hồ Chí Minh. Chính vì vậy mà ý thức quốc gia độc lập dân tộc, tâm lý cộng đồng tộc người có cái chung của cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam. Huyền thoại Lạc Long Quân - Âu Cơ đã mở đầu cho lịch sử - văn hóa Việt Nam vừa đa dạng nhưng luôn thống nhất và do vậy luôn có một truyền thống chung của dân tộc nhưng cũng có sắc thái riêng biệt của từng vùng - miền, từng thành phần tộc người để hợp thành chỉnh thể Văn hóa Việt Nam.
Theo tôi để phát huy những giá trị văn hóa truyền thống lịch sử ấy cần được nhìn nhận phương hướng chiến lược trong bảo tồn và các hoạt động trưng bày giới thiệu tại Bảo tàng Hùng Vương. Đó là chiến lược kế thừa tinh hoa truyền thống tốt đẹp, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, tăng cường hoạt động nghiên cứu, sưu tầm bổ sung hiện vật. Nghiên cứu các kế hoạch dài hạn và ngắn hạn về công tác trưng bày, tuyên truyền giới thiệu ,để đạt ý nghĩa và hiệu quả cao nhất, góp phần quan trọng giáo dục truyền thống lịch sử cội nguồn cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Lời kết
Tại Bảo tàng Hùng Vương vùng Đất Tổ trưng bày không chỉ giá trị văn hóa phi vật thể như Hát Xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mà còn nghiên cứu, trưng bày toàn bộ giá trị hiện vật, di tích, vật thể của thời đại các Vua Hùng - Thời đại của huyền thoại. Những huyền thoại ấy được giải mã qua hệ thống các di sản trưng bày một cách khoa học. Mỗi hiện vật, khảo cổ thời Hùng Vương đều “mang hơi thở” của tinh thần thời đại các vua Hùng, là vật chứng thiêng liêng kết nối những huyền thoại vùng đất Tổ.
Nguồn: denhung.org.vn