Có lẽ trên thế giới này hiếm có dân tộc nào cả nước cùng có chung một ngày giỗ Tổ như dân tộc Việt Nam ta: Ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Không ở đâu như ở nơi đây, ý thức về cội nguồn, ý thức về độc lập tự chủ của dân tộc, về Nam quốc Sơn hà lại trào dâng mãnh liệt trong ta như thế.
Đền Hùng Vùng Đất Huyền Thoại
Có lẽ trên thế giới này hiếm có dân tộc nào cả nước cùng có chung một ngày giỗ Tổ như dân tộc Việt Nam ta: Ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Không ở đâu như ở nơi đây, ý thức về cội nguồn, ý thức về độc lập tự chủ của dân tộc, về Nam quốc Sơn hà lại trào dâng mãnh liệt trong ta như thế.
Lễ hội Đền Hùng, ngày lễ chính vào 10/3 âm lịch. Đó là ngày lễ hội mang tầm vóc quốc gia. Xưa, các triều đại phong kiến đưa vào "Điển lễ nhà nước", hằng năm cử người về làm lễ, gọi là quốc tế.
Lễ Hội Đền Hùng trước hết là ngày giỗ Tổ. Lễ rước của các làng về đền có cả voi nan, ngựa gỗ, với ý nghĩa không chỉ muôn dân mà các loài muông thú đều quy phục vua Hùng, cùng góp công khai phá đất đai, dựng lên cõi bờ Văn Lang một thuở. Trên mâm cỗ bày cúng vua Hùng không thể thiếu bánh chưng, bánh dày là hai vật phẩm mà Lang Liêu xưa đã dâng lên vua cha bày tỏ tấm lòng hiếu kính.
Các trò chơi ngày hội đặc biệt có đu tiên và ném còn. Đu tiên làm như hình cái cọn nước của bà con vùng cao. Trên vòng đu, người ta lắp đặt 4 hoặc 6 hoặc 8 ghế ngồi đối xứng qua trục, gọi là bàn đu.
Mỗi bàn đu ngồi được hai người. Bàn đu nào xuống gần sát đất thì người ngồi lại đạp vào đất cho đu quay. Tương truyền đây là trò chơi của các nàng Mỵ Nương (công chúa) con gái của các vua Hùng xưa thường thích chơi.
Ném còn cũng là một trò chơi độc đáo. Giữa một bãi rộng, người ta dựng một cột cao khoảng 10m. Trên đỉnh cột là một vòng tròn đường kính khoảng 30 phân, được dán kín bằng giấy hồng, gọi là vòng còn. Quả còn to bằng quả cam, trong nhồi bông, ngoài tết những tua ngũ sắc.
Người chơi chia thành hai bên nam nữ, cầm quả còn tung lên vòng còn. Ai tung được quả còn trúng vào vòng còn, xuyên thủng tờ giấy là người thắng cuộc, được nhận giải thưởng. Ném còn là một trò chơi nam nữ giao duyên.
Nhiều khi, trong lúc chơi người ta không ném vào vòng còn mà lại ném cho một cô gái ở phía bên kia. Nếu cô gái cũng đồng tình với chàng trai thì bắt còn ném lại. Ném còn là một trò chơi phổ biến vào mùa xuân của các dân tộc Tày, Thái, Mường ở phía Bắc. Còn đối với người Kinh, trò chơi này duy nhất còn lại ở vùng đất Tổ, trong ngày lễ hội.
Người ta kể rằng, trước kia đồng bào Mường ở vùng xa còn đem trống đồng về dự hội. Trống được đặt lên miệng một cái hố đào sẵn, hai người đứng hai bên, dùng chày đánh thẳng vào mặt trống, gọi là Chàm thau, tiếng trống âm vang, trầm lắng. Việc đánh trống đồng, trò chơi tung còn và đu tiên, phản ánh mối liên hệ rất hữu cơ, rất khăng khít giữa đồng bào miền núi và đồng bào miền xuôi mà ở ngay đất Tổ thiêng liêng còn lưu giữ được.