Tiếng gọi đầu tiên của một đời người bắt đầu là "Mẹ". rồi những bài học đầu đời con trẻ cũng bắt đầu từ mẹ, từ cha " Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". ơn nghĩa sinh thành của một dân tộc hướng về tổ tiên khai thiên lập địa, để mỗi người sinh ra trên đời luôn ghi nhớ " Con người có tổ có tông, như cây có cội, như sông có nguồn". Ai xuôi về biển, ai ngược lên ngàn, dù có đi hết sông, cùng biển, rồi bàn chân cũng tìm về nguồn cội , nơi ta đã sinh ra.
Phú Thọ: Điểm Đến Của Du Lịch Về Nguồn
Tiếng gọi đầu tiên của một đời người bắt đầu là "Mẹ". rồi những bài học đầu đời con trẻ cũng bắt đầu từ mẹ, từ cha " Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". ơn nghĩa sinh thành của một dân tộc hướng về tổ tiên khai thiên lập địa, để mỗi người sinh ra trên đời luôn ghi nhớ " Con người có tổ có tông, như cây có cội, như sông có nguồn". Ai xuôi về biển, ai ngược lên ngàn, dù có đi hết sông, cùng biển, rồi bàn chân cũng tìm về nguồn cội , nơi ta đã sinh ra.
" Cao sơn cảnh hành " - Núi cao đạo lớn, ơn nghĩa tổ tiên cao vời như núi. Đó cũng là đạo nghĩa lớn nhất của đồng bào Việt Nam ta. Theo dấu chân tiền nhân về với cội nguồn, ta càng hiểu thêm hai tiếng " Đồng bào".Đền Hạ tương truyền là nơi mẹ Âu Cơ hoài thai sinh ra một bọc trăm trứng, trứng nở trăm con, rồi sinh thành mãi mãi nòi giống tiên Rồng đất việt hôm nay.
Trên Đền Thượng còn đây sừng sững một lời thề. Tương truyền, Thục Phán An Dương Vương đã dựng cột đá này, thề sẽ hương khói muôn đời anh linh các Vua Hùng và nguyện giữ gìn cơ nghiệp giang sơn đất Việt.
Cách đây nửa thế kỷ, lời thề giữ nước lại vang lên trên vùng đất tổ. Ngày 19/9/1954, tại Đền Giếng, chủ tịch Hồ CHí Minh đã căn dặn cán bộ chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong câu nói bất hủ: " Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Đất cội nguồn - nơi gặp gỡ của hai thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc: Thời đại Hùng Vương dựng nước và thời đại Hồ Chí Minh giữ nước. Đất cội nguồn nuôi lớn chí ông cha.
Giỗ tổ Hùng Vương trở thành lễ hội mang tính văn hoá tâm linh lớn nhất ở nước ta. Các công trình tôn tạo Khu di tích lịch sử Đền Hùng được Đảng và nhà nước tập trung đầu tư để thực hiện ý nguyện của toàn dân tộc: Từ Đền Hùng nhìn ra cả nước. Từ cả nước nhìn về Đền Hùng. Trên đỉnh một trong ba ngọn "Tam Sơn cấm địa" thuộc Khu di tích là Núi Vặn, năm 2005 đã khánh thành Đền Tổ Mẫu Âu Cơ.
Cách đó không xa là Núi Sim nằm trong quân thể 99 con voi truyền thuyết, nơi đang xây dựng Đền thờ Lạc Long Quân. Thật ngẫu nhiên trên đỉnh núi giữa một bãi đất bằng phẳng tự nhiên nổi lên một khối đá hình đầu Rồng. Chọn Núi Sim xây dựng Đền Lạc Long Quân mà lại gặp rồng thật là điều may mắn, là cái duyên kỳ ngộ huyền diệu và linh thiêng muôn đời vùng đất tổ. Phiến đá này hướng về phía Biển Đông. Đó cũng là phía thành phố Việt Trì kinh đô Văn Lang xưa.
Dấu tích của nhà nước Văn Lang cổ càng được khẳng định khi Khu di tích khảo cổ Làng Cả, phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì được khai quật cuối năm 2005 vưà qua. Báo nhân dân đã bình chọn đây là một trong 10 sự kiện văn hoá nổi bật năm 2005. Việc phát hiện thêm 2 ngôi mộ táng, 7 mộ đất cổ có niên đại khoảng 2000 năm với nhiều hiện vật quý như rìu, mũi giáo, đồ trang sức, bình gốm Đông Sơn đã vén bức màn truyền thuyết để hé lộ sự thực lịch sử. Trong tương lai, trền nền lịch sử này sẽ ra đời Khu vui chơi giải trí tái hiện lại chuyện Sơn Tinh - Thuỷ Tinh, Lầu kén rể và cung điện Vua Hùng. Bảo Tàng công viên Làng Cả sẽ có tam quan hướng xuống bến nước Sông Hồng.
Cùng với sự hiện diện của các di tích, vùng đất tổ còn phong phú về di sản văn hoá phi vật thể. Nằm bên bờ sông là Đền Bạch Hạc thờ thần Tam Giang tên huý là Thổ Lệnh. Vào đúng ngày Giỗ Tổ mùng 10/3 hàng năm tại vùng ngã ba sông này tổ chức lễ hội bơi chải sôi động. Tương truyền, hội bơi chải nhằm nhắc lại thần tích thần Thổ Lệnh đưa thần Tản Viên đến thăm Bạch Hạc trở về. Trải ở Bạch Hạc đặc sắc ở chỗ không dùng ván ép mà dùng thuyền độc mộc đẽo bằng một thân cây gỗ. Mỗi trải có 50 tay chèo, một người cầm lái, một người cầm cờ và một người gõ mõ làm nhịp. Bạch Hạc còn tục nấu cơm thi và ném còn, nhưng bơi chải vẫn là lễ hội nổi tiếng có sức hấp dẫn nhất vùng ngã ba sông Việt Trì.
Mùa xuân là mùa của lễ hội. Hát Xoan là một điểm đến của tour du lịch về nguồn do 3 tỉnh Phú Thọ, Lào cai , Yên Bái tổ chức. Hát Xoan còn gọi là hát Xuân, một thể loại dân ca lễ nghi phổ biến ở kim Đức ( huyện Phù Ninh) và An Thái ( thành phố Việt Trì). Ngôi đình làng cổ kính này là nơi thường xuyên diễn ra những hoạt động diễn xướng góp phần giữ gìn vốn cổ. Trong 12 người vừa được phong danh hiệu nghệ nhân văn hoá dân gian trong toàn quốc thì làng này có hai cụ. Tiếng hát làng Xoan không mất vì hát ở sân đình hiện nay không chỉ gồm các cụ cao tuổi. Nằm ven đô thị loại 2 sầm uất nhưng làng Xoan An Thái vẫn trong trẻo như tự ngàn xưa.
Hội Phết Hiền Quan cùng là một nét độc đáo nữa của văn hoá vùng Đất Tổ và là điểm đến trong chương trình du lịch về nguồn. Làng Hiền Quan thờ bà Thiều Hoa, nữ tướng của 2 bà Trưng. Tuơng truyền nghe tin bà Trưng Trắc dấy binh, Thiều Hoa năm ấy 16 tuổi đã tập hợp đội quân 500 người, hàng ngày luyện tập võ nghệ, chơi trò đánh phết, phóng lao rồi về hát môn tụ nghĩa. Hàng năm tại Đền thờ ở Hiền Quan, lễ hội tưởng niệm nữ tướng và chơi trò đánh phếp tổ chức vào ngày 12-13 tháng giêng. Hàng vạn người đổ về đây để đắm mình trong không khí lễ hội.
Tranh đoạt quả phết là phần hào hứng và hấp dẫn nhấp, chỉ có những trai làng cường tráng và nhanh nhẹn mới chiến thắng. Tưởng nhớ tiền nhân có công với nước và tinh thần thượng võ tạo nên giá trị văn hoá muôn đời của hội phết Hiền Quan. Tiếp theo hành trình du lịch về nguồn, Hiền Lương là một điểm đến của văn hoá tâm linh. Giữa cánh đồng thẳng cánh cò bay của huyện miền núi Hạ Hoà là Đền Mẫu Âu Cơ tương truyền mẹ Âu Cơ đem 50 người con lên đây thấy phong cảnh hữu tình bèn dừng chân lập ấp. Ngày nay, ngôi Đền nằm ẩn dưới một gốc cây đa cổ thụ, mặt quay về hướng chính Nam, bên tả có giếng Loan, bên hữu có giếng Phượng, phía trước có núi Giác đẹp như một áng thư, sau lưng sông Hồng uốn khúc như Rồng thiêng bao bọc; xung quanh đền cây cối xum xuê, bốn mùa hương bay thơm ngát. Ngày mùng 7 tết hàng năm là ngày lễ chính, dân gian gọi là ngày " Tiên Giáng". Trong vùng từ già tới trẻ ai ai cũng thuộc câu ca dao được lưu truyền từ bao đời nay:
" Mồng bẩy trong tiết tháng giêng
Dân Hiền Lương lễ, trống chiêng vang trời".
Thực hiện nghị quyết TW5" xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đạm đà bản sắc dân tộc". Trong những năm qua nhiều lễ hội ở Phú Thọ đã được khôi phục và phát triển những giá trị truyền thống của cha ông đã được khơi dậy góp thêm những mạch nguồn tốt lành vào dòng chảy văn hoá dân tộc Việt Nam. Mời bạn đến với Phú Thọ để cảm nhận sự linh diệu muôn đời của vùng đất tổ Hùng Vương.
Nguồn: denhung.org.vn