==HOTLINESHOW== ==HOTLINESHOWOTHER==

Nằm dọc theo tả ngạn sông Đà, đối ngạn là dãy Ba Vì quanh năm mây trắng bao phủ mênh mang huyền thoại Tản Viên Sơn thánh, Thanh Thủy hiện còn rất nhiều các di tích lịch sử văn hóa với các lễ hội dân gian độc đáo gắn với truyền thuyết thời đại Hùng Vương dựng nước và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mới được UNESSCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tài sản vô giá này đang được Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trên địa bàn gìn giữ, phục dựng, nâng lên tầm cao mới gắn với phát triển kinh tế-xã hội địa phương…

Huyền Tích Hùng Vương Nơi Tả Ngạn Đà Giang

Nằm dọc theo tả ngạn sông Đà, đối ngạn là dãy Ba Vì quanh năm mây trắng bao phủ mênh mang huyền thoại Tản Viên Sơn thánh, Thanh Thủy hiện còn rất nhiều các di tích lịch sử văn hóa với các lễ hội dân gian độc đáo gắn với truyền thuyết thời đại Hùng Vương dựng nước và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mới được UNESSCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tài sản vô giá này đang được Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trên địa bàn gìn giữ, phục dựng, nâng lên tầm cao mới gắn với phát triển kinh tế-xã hội địa phương…

Là con dân đất Việt mấy ai không biết đến truyền thuyết cha rồng mẹ tiên-mối duyên lành giữa Lạc Long QuânÂu Cơ sinh ra bọc trăm trứng nở thành trăm người con trai khởi đầu cho dân tộc Việt với cuộc chia tay mở mang bờ cõi, 50 người con theo cha xuống biển, 49 người theo mẹ lên non, người con cả ở lại Phong Châu lên ngôi vua hiệu là Hùng Vương hình thành nên Nhà nước đầu tiên. Nhưng không phải ai cũng biết rằng, nơi gặp gỡ, kết mối duyên lành cũng là nơi Quốc Mẫu Âu Cơ chào đời, khôn lớn trưởng thành chính là động Lăng Sương thuộc xã Trung Nghĩa, Thanh Thủy ngày nay.

Cũng tại nơi đây, Tản Viên Sơn thánh-một trong Tứ bất tử huyền thoại, con rể của Hùng Vương thứ 18 có nhiều chiến công hiển hách dẹp giặc ngoại xâm, giúp dân trị thủy, mở mang sản xuất được nhân dân quanh năm khói hương thờ phụng đã cất tiếng khóc chào đời. Vậy là chỉ riêng đất Trung Nghĩa, theo truyền thuyết là nơi chôn rau cắt rốn của Quốc Mẫu Âu Cơ-mẹ của Hùng Vương thứ nhất và Sơn Tinh-con rể của Hùng Vương thứ 18. Bỏ qua các yếu tố hoang đường của truyền thuyết, có thể khẳng định mối liên hệ gắn bó chặt chẽ, thiêng liêng giữa đất Thanh Thủy qua các di tích lịch sử văn hóa còn tồn tại đến ngày nay với Nhà nước Văn Lang cổ đại của các Vua Hùng.

Theo thư tịch cổ, thời Hùng Vương, địa bàn Thanh Thủy còn gọi là Trại Tu Vũ, nằm trong bộ Văn Lang-một bộ trung tâm của quốc gia Văn Lang trong buổi bình minh lịch sử dựng nước của dân tộc. Trải qua bao dâu bể thời gian, vùng đất cổ này vẫn lưu giữ được nhiều di tích văn hóa cùng các lễ hội dân gian độc đáo mang đậm nét đẹp văn hóa truyền thống, thể hiện sinh động đạo lý tri ân, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mà điển hình là Đền Lăng Sương (nơi thờ gốc gia đình Tản Viên Sơn thánh), Đền Đào Xá thờ Hùng Hải Vương, Đình Đào Xá, Đình Hạ Bì Trung…với các lễ hội dân gian: Lễ hội Đình Viễn Lãm (xã Bảo yên) thờ vị Tuấn Vương thời Hùng Vương tổ chức vào ngày mùng 7 tháng giêng với nghi thức tế lễ, rước kiệu, đánh cờ tướng. Lễ hội Đình Đào Xá (xã Đào Xá) tổ chức vào 28-29 tháng giêng hàng năm. Đình thờ Hùng Hải Công, đền thờ ba vị thủy thần húy là Tam Công con của Hùng Hải Công.

Hiện nay, lễ hội vẫn được bảo tồn tổ chức rất trọng thể với phần lễ trang nghiêm, phần hội gồm nhiều trò chơi dân gian tiêu biểu như rước voi trận, kéo lửa thổi cơm thi, kéo co, chọi gà, thi làm cỗ thờ, bơi chải… Lễ hội Đền Lăng Sương hay còn gọi là Đền Thánh Mẫu (xã Trung Nghĩa) tổ chức vào ngày rằm tháng giêng hàng năm thờ mẹ Đức Thánh Tản Viên Sơn với nhiều hoạt động lễ hội phong phú như: Tế, lễ, rước kiệu, kéo co, hát chèo, hát nhà trò, hát bội…

Xác định rõ tầm quan trọng đặc biệt của việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống mà đặc biệt là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, thời gian qua, huyện Thanh Thủy đã triển khai nhiều biện pháp tích cực, hữu hiệu trong việc nghiên cứu, phục dựng các lễ hội dân gian truyền thống, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ di sản văn hóa đến người dân trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Soạn - Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Thanh Thủy khẳng định: “Chúng tôi là địa phương đầu tiên trong tỉnh ban hành Quy chế Quản lý Di tích lịch sử văn hóa.

Qua đó có thể thấy Thanh Thủy đặc biệt quan tâm, chú trọng đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Toàn huyện hiện có 34 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, trong đó có 5 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp Quốc gia. Nằm trong vùng đất cổ Văn Lang, Thanh Thủy có nhiều di tích, lễ hội truyền thống gắn với thời đại Hùng Vương dựng nước, thể hiện sâu sắc, sinh động tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mà di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Đền Lăng Sương là điểm nhấn quan trọng. Cùng với việc nghiên cứu, phục dựng các lễ hội dân gian truyền thống, quản lý, tu bổ, tôn tạo các di tích, chúng tôi đang triển khai kế hoạch khôi phục lại Đền Quốc Tế (xã Thạch Đồng) tương truyền là nơi thờ cúng Hùng Vương…”.

“Biến di sản thành tài sản”, đó là cách bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hiệu quả, thiết thực nhất. Điều này đã và đang được Thanh Thủy hiện thực hóa qua các dự án phát triển du lịch gắn với tiềm năng thế mạnh của vùng. Hệ thống các di tích lịch sử văn hóa độc đáo cùng nguồn tài nguyên nước khoáng nóng được vị trí địa lý, hệ thống giao thông thuận lợi bổ trợ đã và đang phát huy thế mạnh giúp Thanh Thủy phát triển nhanh, mạnh các loại hình du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng.

Khách thập phương về dâng hương tri ân công đức Thánh Mẫu, Tản Viên Sơn Thánh tại núi Ba Vì (Hà Nội), Đền Lăng Sương (Trung Nghĩa, Thanh Thủy) tiện đường nghỉ dưỡng, thư giãn tại các điểm tắm nước khoáng nóng và khu vui chơi hiện đại, hoành tráng ven bờ sông Đà. Không còn là lý thuyết viển vông, các ngành nghề thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu kinh tế của huyện. Năm vừa qua, giá trị thương mai, dịch vụ của Thanh Thủy ước đạt 286.193 triệu đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ, chiếm 38,1% trong cơ cấu kinh tế. Rõ ràng các giá trị văn hóa biết bảo tồn, phát huy, sử dụng đúng cách sẽ góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Và di sản văn hóa cha ông để lại sẽ trường tồn cùng thời gian, ngày càng có tầm cao, vị thế mới.

Nguồn: denhung.org.vn

 

 

55 6 61 116 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==