==HOTLINESHOW== ==HOTLINESHOWOTHER==

"Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba"

Câu ca dao cổ đã trở thành lời nhắn nhủ tự bao đời. Nhớ ngày giỗ Tổ tìm về Đền Hùng, đó là phong tục đẹp trở thành truyền thống văn hóa Việt Nam không phải quốc gia nào cũng có.

Đền Hùng Qua Những Vần Thơ

Các truyền thuyết về Vua Hùng, Đền Thượng, Đền Giếng, Đền Hạ, Đền Trung... là đề tài văn học mở rộng. Cảm hứng về nguồn gốc tổ tiên, các anh hùng dân tộc trong thơ Đền Hùng của các nhà thơ thời hiện đại mang tính dân tộc sâu sắc:

"Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba"

Đền Hùng Qua Những Vần Thơ - Ảnh 1

Câu ca dao cổ đã trở thành lời nhắn nhủ tự bao đời. Nhớ ngày giỗ Tổ tìm về Đền Hùng, đó là phong tục đẹp trở thành truyền thống văn hóa Việt Nam không phải quốc gia nào cũng có.

Bão giông giặc giã liên miên
Mà sao nước vẫn trong nguyên đến giờ
Đứng bên miệng giếng sững sỡ
Ai từng soi đến bây giờ là tôi
Lo toan suốt cả một thời
Soi vào lòng giếng thảnh thơi lạ lùng!
(Nguyễn Đình Ảnh)

Cảm hứng khi đến thăm Đền Hùng, Nông Quốc Tuấn đã có vần thơ hào hùng mang tính thời đại, dự báo cho cả tương lai:

Đứng trên ngọn núi Hùng
Nhìn bốn phương trời đất
Bốn ngàn năm sau lưng
Rực rỡ đường trước mặt.

Vùng đất Tổ được nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi liên tưởng tới một không gian truyền thuyết dân dã hòa quyện với không gian thời hiện đại:

Không còn dấu cũ lầu son
Phía sau, thành phố khói vờn trong mây
Trời cao bóng tỏa đường cây
Nhịp chày xưa thoảng đâu đây: Thậm Thình!

Nhà thơ Phạm Tiến Duật trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã viết về Đền Hùng với những vần thơ độc đáo, giàu trí tuệ:

Năm công nguyên thứ nhất là cái trụ xoay
Một nghìn chín trăm bảy mươi lăm năm sau là
năm tháng chúng ta đang sống
Một nghìn chín trăm bảy mươi lăm năm trước
niên đại Hùng Vương
Dân tộc ta là con chim Lạc ấy
Hai cánh thời gian đập sáng một con đường

Truyền thống văn hóa, văn hiến được đúc lại trên những nét hoa văn của trống đồng, tiếng trống ngân vang, mãi mãi cất lên khúc ca hùng tráng vang vọng đến ngàn năm. Nhà thơ Hoàng Hữu có vần thơ như được sống lại thời tiền sử:

Trống đồng sau lớp đất vùi
Vẫn ban mai một mặt trời đang lên...
Sóng tung lấp lóa chiến thuyền
Sông sâu từng đã nhấn chìm giặc tan.

Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, dân tộc ta đã phát huy truyền thống của ông cha bảo vệ Tổ quốc:

Ngọn núi Hùng xanh như một trái tim
Đập suốt bốn nghìn mùa xuân sinh nở
Nhịp đập anh hùng thời đánh Mỹ
Khắp thân mình từ Lũng Cú đến Cà Mau.
(Nguyễn Thái Vận)

Trở lại thăm Đền Hùng, Ngô Văn Phú thấy núi Nghĩa Lĩnh vẫn giữ được màu xanh tiền sử, đã viết:

Mây đó chăng hay sắc đá Hùng Vương
Thành đóng cửa, vua dàn voi tập trận
Rất thanh thản tươi xanh đồi Nghĩa Lĩnh
Chiều trung du hồn hậu gió Phong Châu.

Truyền thuyết về 99 con voi vùng đất Tổ, biểu tượng cộng đồng dân cư người Việt gắn kết, sống có đạo lý, giàu lòng yêu nước. Nhà thơ Trinh Đường đã cắt nghĩa một con voi bất nghĩa:

Tiếng nó rống lạc về thời nguyên thủy
Xác nó rơi trong nguyền rủa muôn đời.
Không ai buồn chôn cái đứa vô loài
Nên xác nó bây giờ thành đống đất.

Bài viết này chưa nêu hết những vần thơ viết về Đền Hùng - nơi cảm hứng về cội nguồn dân tộc. Đền Hùng - một di tích văn hóa, lịch sử đặc biệt là đề tài vô tận chảy mãi với không gian, thời gian, điểm gặp của tư tưởng yêu nước, tồn tại mãi mãi trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. Hy vọng sẽ có nhiều vần thơ hay viết về Đền Hùng để nhân dân cả nước hiểu biết thêm về mười tám đời Vua Hùng dựng nước, tri ân với tổ tiên các thế hệ người Việt Nam phải cùng nhau giữ lấy nước.

Xem thêm: Tour Du Lịch Tâm Linh Hành Hương 

 

 

79 8 87 166 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==