Đến với vùng núi Tây Bắc, du khách không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, của các cung đường đèo như Khau Phạ, Ô Quy Hồ hay những mùa lúa, mùa hoa ở Sa Pa, Mù Cang Chải, Mộc Châu…, mà còn cảm nhận được nền ẩm thực độc đáo của người dân nơi đây. Vậy bữa sáng của người dân vùng Tây Bắc có gì khác với chúng ta, hãy cùng tìm hiểu những món ăn dưới đây nhé !
Đến Tây Bắc nên ăn món gì vào buổi sáng?
Cháo ấu tẩu Hà Giang
Cháo ấu tẩu là một món ăn nổi tiếng ở Hà Giang. Củ ấu tẩu còn có tên gọi khác là ô đầu và phụ tử, loại củ này thường mọc trên vùng núi cao, có khí hậu lạnh. Theo y học, củ ấu tẩu có vị cay tê, tính nóng, và có tác dụng chữa bệnh rất tốt.
Nguyên liệu khác bao gồm gạo nếp cái hoa vàng được trộn với gạo tẻ thơm nấu nhuyễn trong nước hầm xương chân giò và củ ấu đã hết độc tố. Thêm chút thịt nạc băm nhỏ, chút gia vị. Cháo khi ăn có vị đắng nên nhiều người gọi là cháo đắng. Nguyên liệu rất đơn giản nhưng khi qua bàn bàn tay chế biến của đồng bào nơi đây thì nó đã trở thành món ăn vô cùng độc đáo và thơm ngon, bùi ngậy, ăn rất ngon và no lâu.
Muốn biết cháo ăn được hay chưa thì chỉ có một cách duy nhất là nếm cháo. Khoảng vài phút sau khi nếm cháo, nếu cảm nhận đầu lưỡi tê cứng, máu đông cứng lại... thì có nghĩa là ấu tẩu chưa hết độc, nếu không thấy tê đầu lưỡi thì có nghĩa là cháo đã được nấu xong và có thể bán cho khách ăn ngay
Bát cháo ấu tẩu ban đầu chỉ được biết đến như món cháo giải cảm của đồng bào Mông. Sau này, người dân Hà Giang thêm một số gia vị, phụ gia khác, nấu thành món cháo "đặc sản" của xứ sở mờ sương, ăn ngon miệng lạ lùng. Cháo ấu tẩu Hà Giang có vị béo ngậy, thơm, cay và đặc biệt là đắng, vị đặc trưng của củ ấu tẩu. Khi mới ăn sẽ cảm nhận thấy một vị đắng bùi, khó nuốt, nhưng chỉ vài ba thìa đã thấy ngọt miệng, ăn nhiều còn có thể sinh nghiện.
Tuy nhiên củ ấu tẩu có một lượng độc tố nhất định, nếu nấu đúng cách, cháo ấu tẩu sẽ có tác dụng giải cảm, khử độc trong cơ thể, chữa nhức mỏi lưng... Còn Nếu không may có người trúng độc do ăn cháo ấu tẩu thì cần phải tẩm quất, mát xa ngay để giải độc. Đây là cách giải độc duy nhất khi bị trúng độc củ ấu tẩu.
Phở chua Lạng Sơn
Phở là một món ăn đã quá quen thuộc đối với chúng ta, nhưng có lẽ cái tên phở chua thì vẫn còn chưa được nhiều người biết đến. Đây là một món ăn đặc sản nổi tiếng của Lạng Sơn không chỉ lạ về tên gọi mà còn lạ cả về hình thức và hương vị vô cùng độc đáo. Chẳng ai biết chính xác món đặc sản phở chua Lạng Sơn có từ khi nào. Có người nói rằng nó có nguồn gốc từ Trung Quốc. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng phở chua chính là một “khúc biến tấu” độc đáo từ món phở nổi tiếng của Hà Nội hay Nam Định. Thế nhưng, dù xuất xứ của nó có như thế nào đi chăng nữa thì suốt bao năm qua, phở chua vẫn là một món ăn với hương vị tuyệt vời, đã làm say lòng biết bao thực khách và trở thành một niềm tự hào của mỗi người dân xứ Lạng.
Điều làm nên sự đặc biệt của phở chua Lạng Sơn nằm ở chính cách chế biến cầu kỳ của nó. Một bát phở chua thường bao gồm rất nhiều loại nguyên liệu khác nhau như: bánh phở, thịt xá xíu, thịt gà xé, hành phi, khoai lang, khoai môn, lạp sườn, xúng xàng, gan lợn,…
Phở chua Lạng Sơn thường được đựng vào trong một chiếc đĩa lớn. Phía dưới cùng là bánh phở trắng ngần, dẻo dai, tiếp đến là thịt xá xíu, dưa chuột. Lạc rang, khoai lang chiên, hành khô sẽ được rắc lên trên cùng. Tất cả các nguyên liệu hòa quyện lại với nhau một cách hài hòa và tinh tế để làm nên món ăn không chỉ đẹp về hình thức mà còn ngon về hương vị, khiến bất cứ ai khi nhìn thấy cũng đều muốn thưởng thức ngay lập tức.
Khi ăn, thực khách có thể trộn đều các nguyên liệu lên hoặc không. Phở chua của Lạng Sơn là một món ăn có tính hàn, rất phù hợp để thưởng thức vào những ngày thời tiết nắng nóng. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể ăn phở chua vào mùa đông khi nước sốt và bánh phở được hâm nóng lên.
Bánh cuốn Cao Bằng
Cao Bằng ngoài thăm quan các điểm đến nổi tiếng, thì khám phá ẩm thực nơi này là một trong những trải nghiệm bạn không thể bỏ qua. Cao Bằng có rất nhiều món ngon, trong đó bánh cuốn canh là một trong những món ngon hấp dẫn nhất, được lòng du khách thập phương.
Sở dĩ món bánh cuốn canh Cao Bằng trở nên đặc biệt và được nhiều du khách yêu thích là do hương vị hấp dẫn của món ăn, cũng như cách thưởng thức khác biệt so với món bánh cuốn ở những nơi khác. Món bánh cuốn ở đây vừa dai vừa dẻo và thơm, cộng thêm chén nước súp đặc biệt từ xương khiến ai nấy cũng phải xuýt xoa khi thưởng thức.
Để làm nên món bánh cuốn canh hấp dẫn nổi tiếng gần xa, người ta phải trải qua rất nhiều công đoạn với sự tỉ mẩn và tình yêu vô bờ với ẩm thực quê hương.
Đồ nghề làm bánh là những chiếc nồi gang rất to, khuôn tráng bánh hình tròn, miệng nồi bằng cật tre già, miếng bọc vải trắng được căng phẳng và một chiếc thanh tre dùng để lấy bánh.
Gạo dùng để làm bánh cuốn phải là loại gạo tẻ Đoàn Kết được trồng ở vùng núi cao Cao Bằng, hạt trắng đều, thơm, có độ dẻo vừa phải vì bánh dẻo quá hay không quá đều không ngon. Sau khi chọn được gạo ngon, người ta sẽ mang đi ngâm từ trước và bắt đầu chế biến từ 4-5 giờ sáng mỗi ngày để kịp bán vào buổi sáng sớm.
Gạo sau khi ngâm sẽ được vo thật sạch rồi say ướt, bột bánh khi xay xong sẽ có độ sánh và dẻo vừa phải, không quá đặc cũng không quá loãng. Đạt được độ lý tưởng khi xay bột, sẽ giúp bánh thành phẩm vừa dai lại vừa mềm.
Nhân bánh cũng được chuẩn bị trước với các nguyên liệu như trứng gà, thịt băm được nêm nếm vừa vặn. Đặc biệt, luôn có một nồi xương hầm hay còn gọi là súp được chuẩn bị sẵn để phục vụ thực khách.
Ở Cao Bằng, người ta không tráng bánh trước mà chờ khi nào có khách gọi rồi mới bắt đầu tráng, cũng chính vì vậy mà khi món ăn đến bàn của thực khách, bánh cuốn luôn nóng hổi và tươi mới.
Xôi nếp nương Mai Châu
Hòa Bình - Tây Bắc có một món ăn đi vào những câu thơ thật đẹp: "Mai Châu mùa em thơm nếp xôi". Dịu dàng nhưng "quyến rũ", như chính những người phụ nữ Thái làm ra nó vậy. Nếp xôi là món thay thế cơm phổ biến ở vùng cao Tây Bắc, Tiếng Thái gọi là “kháu càng nòi” – nghĩa là gạo dẻo thơm. Đến Mai Châu, thưởng thức được nếp xôi do chính phụ nữ Thái làm mới có thể cảm nhận hết vị ngon.
Ngay từ cái nhìn đầu tiên, khi mà làn khói nóng hổi tỏa ra cùng hương thơm dịu nhẹ, ta có thể cảm nhận được sự tinh túy của ẩm thực Tây Bắc trong món ăn này. Từng hạt gạo nở căng, bóng mẩy, lại nhiều màu sắc bắt mắt, như là vàng ươm, tím nhạt, đỏ gấc hay xanh lá dứa. Buổi sớm mờ ảo giữa núi non, được thưởng thức xôi nếp nương Mai Châu chắc hẳn sẽ là một "niềm hạnh phúc nhỏ nhoi" của không ít vị khách.
Để làm ra được những chõ xôi "mê hoặc" lòng người như vậy, người Mai Châu phải chọn lọc giống gạo nếp được trồng trên chính những thửa ruộng bậc thang của thung lũng và trải qua công đoạn chế biến tỉ mỉ. Sau khi được ngâm nhiều giờ liền, gạo được đồ tới hai lần. Lần thứ nhất đủ chín, đảo cho thật đều, còn lần thứ hai khiến xôi mềm và dẻo hơn. Người ta nói, mỗi khi mở nắp nồi như vậy, hương thơm ngọt lan tỏa khắp vùng!
Thưởng thức xôi nếp nương, có thể ăn kèm với thịt gà đồi nướng, hay lợn rừng xiên que, hoặc là cá suối ngon ngọt. Nhưng chẳng cần phải "sang chảnh" đến vậy, chỉ đơn giản với bát muối vừng, là đã đủ khiến vị giác "ngây ngất". Quả thật, lấy một miếng xôi chấm muối vừng cho vào miệng, thực khách tận hưởng hết vị thơm và ngọt của lúa nương. Đặc biệt, cách đồ xôi hai lần tạo cho hạt xôi thêm mềm và dẻo. Nắm vắt xôi trong tay, vo tròn, hạt xôi quyện vào nhau, không dính bất cứ một hạt nào ra tay.
Người dân nơi đây thường nấu chúng mỗi khi lễ Tết, ngày hội xuống đồng, mừng lúa mới hay các dịp đặc biệt khác. Giờ đây, xôi nếp nương đã trở thành món ăn nhất-định-phải-thưởng-thức của bất cứ vị khách nào khi đến với Mai Châu.
Bánh chưng đen Mường Lò
Yên Bái không chỉ nổi tiếng với phong cảnh hoang sơ, hùng vĩ mà nơi đây còn là nơi ẩn chứa nét văn hóa ẩm thực nổi bật. Nhắc tới những món ngon nơi đây không thể không kể tới bánh chưng đen Mường Lò của người Thái.
Bánh chưng đen là món ăn đặc sắc trong ẩm thực của người dân tộc Thái ở Mường Lò, Yên Bái. Bánh được làm từ gạo nếp Tú Lệ, cùng nhân đậu xanh, thịt ba chỉ, và đặc biệt là cây núc nác được người đồng bào Thái hái trên rừng. Bánh chưng đen Mường Lò không chỉ hấp dẫn thực khách vì màu sắc mới lạ mà còn có hương vị thơm, ngon. Bánh vừa dẻo dẻo, ngọt ngọt, béo béo, bùi bùi quyện lại với nhau tạo nên món ngon khó có thực khách nào cưỡng nổi.
Sau khi tuyển chọn nguyên liệu tươi ngon thì bà con nơi đây bắt tay vào công đoạn gói bánh. Gạo nếp và đậu xanh được ngâm qua đêm để nó trở nên dẻo ngon hơn. Sau đó, đậu xanh được hấp chín. Thịt ba chỉ ướp với gia vị. Cây núc nác được tước vỏ, phơi khô, đốt lấy than. Người ta dùng tinh bột than của cây núc nác trộn với gạo nếp đã ngâm tạo nên hỗn hợp đen nhánh. Sau đó bánh được gói sẽ luộc khoảng 8-10 tiếng rồi vớt ra, rửa qua nước lạnh. Công đoạn luộc bánh cũng rất quan trọng. Khi luộc phải luộc với lửa to nhưng không được để bánh cháy.
Bánh chưng đen Mường Lò chỉ cần chấm với nước mắm đã rất ngon. Ngày trước, loại bánh này chỉ xuất hiện trong những ngày lễ, Tết, giỗ chạp… Tuy nhiên, hiện nay nó đã trở thành thứ đặc sản phổ biến mà bất cứ ai tới đây đều có thể mua về làm quà tặng người thân, bạn bè hay thưởng thức ngay tại chỗ.
Trên đây là danh sách những món ăn sáng ngon và đặc trưng của vùng cao Tây Bắc mà Vietsense Travel muốn giới thiệu tới bạn, chúc quý du khách sẽ có một hành trình thật thú vị và nhiều trải nghiệm khó quên!