Khách du lịch trong và ngoài nước biết đến Sapa không chỉ bởi những danh lam thắng cảnh vô cùng tuyệt vời, hút mắt người xem khiến những du khách không thể đứng yên trước vẻ đẹp đẹp đến nao lòng của nơi này, mà còn vì những món ăn ngon, độc đáo khiến cho du khách khi tới đây sẽ có những kỉ niệm không thể nào quên. Đặc biệt là những món ăn sáng tại Sapa là những món ăn tuyệt vời hơn cả. Hãy cùng Vietsense Travel khám phá danh sách những món ăn ngon và hấp dẫn du khách này nhé!
Thưởng thức những món ăn sáng ngon nhất ở Sapa
Cốn Sủi Sapa
Với giá 35 nghìn đồng/bát và giá này là giá không thay đổi kể cả trong dịp Tết Nguyên đán, các món cốn sủi, sủi cảo, mì vằn thắn tại quán là một lựa chọn vô cùng thích hợp dành cho bữa sáng ở Sapa của bất kì người dân sinh sống tại đây hay là những du khách ghé thăm, nghỉ dưỡng tại đây.
Cốn sủi là món ăn rất độc đáo, người ta sử dụng loại mì dẹt giống như bánh phở để làm nên món ăn này. Vậy nên cốn sủi còn được gọi với cái tên dễ nhớ hơn là phở khan, vì đây là món ăn không sử dụng với nước dùng mà ăn với nước sốt. Đây là loại nước sốt sệt sệt và thơm nức nở bởi người ta sử dụng những hương liệu rất đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Mùi thơm này chắc khó tìm được ở chỗ thứ 2. Một bát cốn sủi, ngoài mì còn có khoai rán giòn, thịt thái chỉ. Rắc thêm chút hạt tiêu, ớt, ăn kèm với các loại rau sống như rau thơm bạc hà, mùi thơm của rau, của thịt, của nước dùng, cùng vị bùi bùi của sợi phở. Sợi phở do chính tay chủ quán tự làm, từ nhào bột, cán mì tới vắt phở. Ông chủ tự hào quán ăn của mình không dùng chất phụ gia và bảo quản.
Ngoài cốn sủi, Sapa cũng có cả mì vằn thắn và sủi cảo. Mì vằn thắn cũng dùng loại mì tương tự như cốn sủi. Sủi cảo vừa ngọt thịt, vừa ngọt rau, mang đến một cảm giác thanh mát rất dễ chịu sau những ngày Tết ăn quá nhiều cỗ bàn linh đình rượu thịt. Ba loại thức ăn dân dã này đủ để làm ấm lòng du khách, đặc biệt trong những ngày đông sương mù phủ kín. Ăn xong một bát, cảm giác như đã thu đủ năng lượng vào trong người.
Phở Chua Sapa - Phở Bắc Hà
Nhiều người nói đến Bắc Hà mà bạn chưa thưởng thức phở chua thì coi như chưa đến với Sapa này. Phở chua là món ăn dân dã, rất đỗi quen thuộc và vô cùng giản dị nhưng món ăn này lại rất đậm đà, chứa đựng nét văn hóa của người dân vùng cao Bắc Hà - Lào Cai. Ai đến Bắc Hà cũng đều nên cố gắng để thưởng thức phở chua và mua về làm quà cho người thân. Nguồn gốc của món phở chua là món ăn đặc trưng của người Tày. Trải qua thời gian, phở chua đã trở thành món ăn được ưa thích của tất cả cộng đồng các dân tộc ở Bắc Hà nói riêng và Lào Cai nói chung. Nó đã vượt qua giới hạn món ăn đặc trưng của một dân tộc và trở thành một món ăn nổi tiếng của cả một vùng miền. Bây giờ, khi nhắc đến những món ăn độc đáo ở Bắc Hà là người ta nghĩ ngay đến phở chua.
Với bất kì du khách nào lần đầu tiên thưởng thức phở chua đều bất ngờ vì bát phở chua trông lạnh tanh, đơn giản, không có một làn khói nghi ngút bốc lên như trong tưởng tượng của người ta về món phở cổ điển, cũng chẳng thấy mùi thơm của hành, của thịt, của nước phở lan toả trong không gian chinh phục khứu giác người thưởng thức. Nguyên liệu để làm phở chua gồm: sợi phở, dưa chua; rau xanh (rau xà lách, rau húng) thái nhỏ; một ít thịt nạc thái sợi chỉ; lạc rang giòn, giã vừa nhỏ; một ít đậu xị cho thêm hương vị đặc trưng; lẽ dĩ nhiên là phải có sợi phở và nước dùng và một ít tương ớt. Trước đây, phở chua của người Tày không dùng thịt mà chỉ có bánh phở và gia vị. Ngày nay, người ta cho thêm thịt vào phở để tăng chất đạm và độ thơm ngon.
Điều làm nên nét đặc trưng của phở chua Bắc Hà chính là ở nước dùng độc lạ. Nước dùng phở chua không phải đơn thuần chỉ là nước xương hầm nóng mà khi người làm phải chuẩn bị từ trước đó khá lâu. Công đoạn làm nước dùng cho phở chua khá công phu và đòi hỏi người nấu phải am hiểu về món ăn này. Nước sạch đun sôi cho vào chum sành. Để tạo màu cho nước dùng người ta cho vào chum một ít đường đỏ ngay từ khi nước còn nóng. Khi nước đã nguội, người ta thả vào trong chum mấy quả chuối tiêu chín trứng quốc đã bóc sạch vỏ. Cuối cùng, dùng túi linon bọc kín miệng chum lại để cho các nguyên liệu lên men một cách tự nhiên nhất. Sau khoảng 15 ngày, khi nguyên liệu lên men đủ độ là người nấu có thể đem ra sử dụng để nấu một nồi nước dùng thơm ngon nhất. Lúc này, nước trong chum đã có đầy đủ hương vị đặc trưng của nước dùng món phở chua: màu vàng của đường đỏ, vị chua của chuối chín lên men, vị ngọt từ đường,…Tất cả những hương vị này sẽ tạo nên món nước dùng độc đáo của món ăn này.
Nước dùng đã ngon, nhưng nếu sợi phở không ngon thì dù thứ phở nổi tiếng đến mấy cũng không để lại ấn tượng tốt trong lòng thực khách. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều du khách khi tới đến Bắc Hà ăn phở chua, lúc về họ còn mua thêm vài cân sợi phở đem về quê làm quà. Sợi phở Bắc Hà vừa thơm ngon, vừa dai và mềm vừa phải vì do người ở đây tự tráng lấy bằng thứ gạo nương truyền thống chỉ có ở Bắc Hà. Sợi phở không trắng bóng như sợi phở ta thường thấy mà nó có màu hơi đỏ. Vì gạo nương dùng để làm bánh phở có màu nâu đỏ. Người dân khi nấu món ăn này thì làm hoàn toàn bằng thủ công không sử dụng bất kì phụ gia hay chất hóa học nào khác. Vì thế sợi phở chỉ có thể dùng được trong ngày.
Khi thưởng thức phở chua, ta sẽ cảm nhận được sự thơm ngon từ gạo của bánh phở, vị giòn của lạc, vị chua dịu nhẹ của nước dùng và dưa chua, vị dai mềm của thịt, vị cay của tương ớt, vị thơm nồng của rau húng... Phở chua, ăn một lần còn lạ miệng khi ăn nhiều lần món ăn này, chắc hẳn nhiều người sẽ "nghiện" cũng vì hương vị độc đáo của nó. Đến với Bắc Hà - Lào Cai, thưởng thức một bát phở chua cho biết dư vị vùng cao cũng là một cái thú vui của thực khách.
Mì Xào Rau Ngọt
Đây là món ăn rất đỗi quen thuộc với những người dân sinh sống tại đây cũng như những du khách khi tới Sapa có nhu cầu thưởng thức quà sáng. Chỉ với khoảng 35.000 – 40.000vnđ, thực khách sẽ có thể chọn món mỳ xào rau cho bữa sáng ở Sapa đầy năng lượng. Món mỳ xào Sapa có điểm khác biệt lớn với những món mì xào thông thường khác là cách đầu bếp dùng các loại rau đặc trưng của Sapa để xào mì như: rau cải mèo, rau ngồng cải.
Mỳ xào rau ở SaPa lạ ở hương vị của các loại rau: rau cải mèo có vị hơi hơi đắng, rau ngồng cải, ngồng su su, ngồng su hào mỗi loại đều có những hương vị đặc trưng riêng… Người ta đem những loại rau ngon miệng này đi xào cùng nhau tạo ra vị ngọt dịu ở ngọn, ngọt đậm ở cuộng pha lẫn cái đắng nhè nhẹ rất lạ miệng khiến cho du khách ăn một lần là sẽ nhớ mãi. Bạn có thể gọi suất mỳ xào rau kèm các loại thịt bò, gà và hải sản. Mỳ xào rau được ăn kèm với một bát nước canh để riêng bên ngoài và bạn có thể thêm các gia vị thêm tùy theo sở thích cũng như nhu cầu ăn uống của bạn.
Phở Sapa
Phở là món ăn sáng được rất nhiều du khách khi lên du lịch tại Sapa lựa chọn để bắt đầu cho một ngày mới. Phở Sapa khác với những nơi khác, sợi phở có màu trắng hơi tím ngà. Bên cạnh đó, sợi phở ở đây có bản to và dày, phần thịt gà săn chắc hơn gà ta được dùng ở dưới đồng bằng. Nước dùng có vị thơm ngào ngạt, thoáng chút vị cay của mắc khén, vị ngọt dịu của nước xương hoặc nước luộc gà. Những nguyên liệu làm phở Sapa đều do người dân tự làm, tự nuôi, tự trồng được nên luôn có hương vị riêng và đảm bảo về độ sạch.
Giá phở tại Sapa rơi vào 40.000 - 50.000đ/ bát. Giá này có thể cao hơn sao với nơi khác một chút. Tuy nhiên, hương vị của món ăn này chắc chắn không làm bạn thất vọng.
Xôi Ngũ Sắc
Xôi ngũ sắc là món ăn truyền thống của các dân tộc vào dịp lễ Tết, ngày mùng 5 tháng 5, những dịp lễ lớn của người dân tộc thiểu số tại Sapa, khi nhà có khách quý…Gọi là xôi ngũ sắc vì món xôi này khác với các loại xôi thông thường, xôi ngũ sắc được tạo nên bởi năm loại xôi với năm màu khác nhau tượng trưng cho ngũ hành. Đó là màu đỏ (hỏa), màu vàng (kim), màu xanh (mộc), màu tím (thổ) và màu trắng (thủy). Tuy nhiên, tùy điều kiện từng vùng, họ có thể pha trộn hoặc dùng các màu khác nhau ngoài những màu cơ bản trên để tạo nên xôi ngũ sắc.
Nguyên liệu làm xôi ngũ sắc rất đơn giản và có thể dễ dàng mua được, bao gồm: gạo nếp thơm dẻo, hạt đều không lẫn với gạo tẻ, trộn với các loại lá cây rừng để tạo ra những màu sắc sặc sỡ đó. Màu đỏ dùng quả gấc, lá cơm đỏ. Màu xanh thì phải dùng lá gừng, lá cơm xôi xanh, hoặc vỏ bưởi, vỏ măng đắng, đốt lấy tro ngâm với nước có pha chút vôi. Màu vàng dùng củ nghệ già giã lấy nước. Màu tím dùng lá cơm đen, hoặc lá cây sau sau… Trước khi nhuộm màu xôi, gạo nếp vo sạch đem ngâm trong nước lã từ 6 - 8 giờ để hạt gạo có độ nở vừa phải và sạch hết các tạp chất. Sau đó, người ta chia gạo ra thành 5 phần, mỗi phần tương ứng với một màu.
Sau khi nhuộm màu, đến công đoạn cuối cùng là đồ xôi. Đây là bước đòi hỏi người làm phải thật khéo léo mới có được món xôi ngon như ý. Gạo ngâm màu nào dễ phai nhất thì phải được cho vào chõ đầu tiên,sau đó đến là các màu còn lại và cuối cùng là màu trắng (trên cùng). Đồng bào Tày quan niệm: Nếu xôi nhà ai pha chế màu chuẩn, đẹp thì được xem là người khéo tay, làm ăn phát đạt.
Sapa - nơi giao thoa vẻ đẹp và hương sắc bất tận của đất trời, nơi thiên nhiên ưu đãi ban tặng những ngọn núi cao, đồ sộ ẩn hiện trong làn sương mờ ảo, những thung lũng sâu thẳm, những con đèo dài uốn lượn quanh co, những thửa ruộng bậc thang vàng óng mùa lúa chín, những cánh đồng hoa cải mang sắc trắng tinh khôi. Sapa quả thực là một điểm đến thực sự hấp dẫn dành cho du khách vào cuối tuần hay những dịp lễ lớn cùng với gia đình và bạn bè. Bạn hãy lên Sapa để có thể vừa ngắm cảnh đẹp tuyệt sắc tại đây cùng với đó là thưởng thức những món ăn sáng ngon nức lòng du khách tại đây. Hãy đặt tour của Vietsense Travel để có thể tận hưởng những điều tuyệt vời nhất tại Sapa.