==HOTLINESHOW== ==HOTLINESHOWOTHER==

Tả Phìn nằm cách 15km từ thị trấn Sapa về hướng đông. Mảnh đất này nổi tiếng và gây ấn tượng với du khách bởi không chỉ sở hữu cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, tươi đẹp mà còn giữ gìn được những nét văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc gần như nguyên vẹn, những lễ hội đặc sắc vùng cao. Du khách biết đến Tả Phìn hẳn sẽ cũng biết tới làng nghề thổ cẩm nổi tiếng của mảnh đất này. Bài viết sau đây sẽ cho bạn một cái nhìn chân thật và gần gũi hơn về làng nghề này.
 

Làng nghề thổ cẩm Tả Phìn - Ảnh 1

Tìm hiểu về làng nghề thổ cẩm Tả Phìn
Làng nghề này đã có từ lâu, dường như nó đã đi cùng với dòng chảy của lịch sử của người dân tộc vùng cao mà trở thành một truyền thống đã gắn bó với nếp sống sinh hoạt và văn hoá của họ từ lâu đời. Nếu có ai hỏi nghề thổ cẩm này có từ bao giờ thì hẳn sẽ chẳng có ai có thể nói được một đáp án rõ ràng và chính xác được. Cái nghề dệt vải thêu thùa thổ cẩm nó đã trở thành một điều không thể thiếu đối với bà con đồng bào dân tộc nơi đây. Với nhu cầu đang ngày một tăng cao của du khách đối với các loại mặt hàng lưu niệm bằng thổ cẩm, đứng trước xu hướng này và mong muốn bắt kịp được nó thì làng thổ cẩm Tả Phìn đã được ra đời và đi vào sản xuất, liên tục đổi mới, phát triển và mở rộng đa dạng hoá các loại hình mặt hàng từ trang phục đến quà lưu niệm túi, balo, khăn, thảm,... rồi dần dần trở thành một làng nghề mạnh, nổi tiếng cả vùng về ngành nghề sản xuất vải thổ cẩm truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc.
Làng nghề thổ cẩm Tả Phìn - Ảnh 2
Khi đến thăm bản Tả Phìn vào bất cứ thời điểm nào, du khách đều có thể dễ dàng bắt gặp những nhóm phụ nữ ngồi quây quần cạnh nhau để thêu thùa dệt vải, chuyện trò rất xôm, những hình ảnh như thế bạn có thể nhìn thấy ở bất cứ nơi đâu, ngay cả ở trên đường đi qua những cửa nhà, trên nương cao hay cả bên lề đường. Nhờ vào những bàn tay lao động khéo léo và tỉ mỉ chau chuốt trong từng đường kim mũi chỉ mà những tấm vải rực rỡ màu sắc và hoa văn tinh tế đã được ra đời. Những sản phẩm này không chỉ thể hiện sự cần mẫn tỉ mỉ của người phụ nữ dân tộc mà còn khẳng định được đầu óc thẩm mỹ nhạy cảm và tinh tế của họ. Người làm ra những tấm vải này đã gửi gắm không chỉ tâm tư, tình cảm cá nhân riêng biệt của mình mà còn cho vào đó cả một quá trình chắt lọc những tinh hoa văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc của họ trên tấm vải thổ cẩm. Chính nhờ vào quá trình không hề dễ dàng ấy mà thổ cẩm được sản xuất tại làng nghề thổ cẩm Tả Phìn luôn mang một nét độc đáo riêng mà không thể bị nhầm lẫn với bất cứ sản phẩm nơi khác.   

Làng nghề thổ cẩm Tả Phìn - Ảnh 3Các sản phẩm, hàng hoá được làm bằng vải thổ cẩm ở làng nghề thổ cẩm Tả Phìn được bán trực tiếp cho khách hàng khi họ ghé thăm bản này nhưng còn được bán gián tiếp thông qua các quầy, các cửa hàng và các chợ bán vải, bán đồ lưu niệm. Các sản phẩm được sản xuất tại làng thổ cẩm Tả Phìn rất được khách hàng yêu thích, không chỉ được mua lẻ số lượng nhỏ làm quà lưu niệm sau những lần đi chơi mà còn được thu mua với số lượng lớn, xuất khẩu ra nhiều thị trường nước ngoài như Đan Mạch, Pháp, Mỹ,... Chỉ cần nói đơn giản như vậy là du khách đã có thể hiểu được sức hút không thể xem thường của thứ thổ cẩm được làm ra từ làng nghề Tả Phìn này rồi phải không? Nếu có dịp ghé thăm nơi đây bạn nhất định đừng bỏ lỡ cơ hội mua các sản phẩm thổ cẩm “chính hiệu” về làm quà tặng ý nghĩa và độc đáo cho người thân, bạn bè nhé! 

Làng nghề thổ cẩm Tả Phìn - Ảnh 4Dần dần thổ cẩm đã trở thành một thứ biểu tượng cho người dân tộc vùng cao, cũng là món quà không thể thiếu của du khách mỗi dịp tới nghỉ dưỡng, khám phá và tham quan mảnh đất Sapa. Thổ cẩm không chỉ là thứ đồ trang trí đơn giản mà còn mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người dân bản địa, họ còn coi thổ cẩm là vật kỉ niệm, chứng minh tình yêu trong ngày cưới của những đôi trai gái trong bản.  

Từng hoạ tiết được thêu thùa trên những tấm vải thổ cẩm như cây cỏ, hoa lá, chim muông,... đều được xuất phát từ cái tâm và sự tài hoa, khéo léo cùng kiên nhẫn của các mẹ, các chị người dân tộc Mông, Dao,... khiến cho người mua phải hiếu kì và bị cuốn hút bởi nó. Những sản phẩm này đã trở thành thương hiệu lôi cuốn du khách tìm về với mảnh đất này để được tận mắt chứng kiến quá trình tạo nên chúng, tiếng tăm của thổ cẩm Tả Phìn cũng ngày một vang xa hơn bởi những cuộc triển lãm tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh. 

Hiện này cũng có rất nhiều bạn trẻ đang tìm về lại với những giá trị văn hoá truyền thống để tôn vinh và mang nó đến với nhiều thị trường lớn hơn để quảng bá về đất nước mình. Thổ cẩm cũng là một trong những mặt hàng không thể thiếu trong đó. Nếu như bạn đau đầu không biết chọn gì làm quà tặng cho người thân, bạn bè sau những chuyến du lịch thì thổ cẩm Tả Phìn chính là một món quà hợp lí, độc đáo và đầy ý nghĩa đấy!

Quá trình sản xuất công phu của những tấm vải thổ cẩm 

Chỉ khi bạn đến tận nơi chứng kiến từng công đoạn tạo nên những tấm vải thổ cẩm rực rỡ hoa văn sắc màu kia đòi hỏi người làm ra chúng phải kỳ công và tốn sức như thế nào. Nhưng cũng chính vì thế mà bạn sẽ cảm nhận được rõ nét sự ý nghĩa và giá trị của chúng, không đơn giản chỉ được đánh giá bằng giá tiền. 

Làng nghề thổ cẩm Tả Phìn - Ảnh 5Những cây lanh được người Dao, người Mông tại bản Tả Phìn trồng đến khi có chiều cao khoảng 2 mét thì sẽ được cắt về, đem phơi khô và tách đi phần vỏ cây lanh. Công đoạn tách cũng đòi hỏi người nghệ nhân phải hết sức khéo léo để những sợi lanh được tách ra vừa phải đảm bảo được về độ mảnh đều nhau và không bị đứt giữa chừng. Những bó vỏ sau khi được tách ra sẽ được cuộn chặt lại, giã bằng cối, đánh bong đi hết những lớp bột đến khi chỉ còn lại các sợi dai, cuộn thành những con sợi lớn. 
Chưa hết, để sợi lanh đạt được độ trắng và mềm thì người ta phải đem chúng đi luộc vài lần với nước tro bếp và luộc thêm một lần với nước sáp ong thì mới đem đi dệt thành vải bằng những chiếc khung cửi đai lưng. Những tấm vải sau khi được dệt xong còn được đem đi giặt rất nhiều lần đến khi thật trắng, rồi người ta đem trải chúng lên các khúc gỗ tròn, lấy phiến đá chà đi lớp sáp ong bám bên trên, trượt đi trượt lại nhiều lần tới khi tấm vải có độ phẳng nhất định. 
Nếu như bạn tưởng như thế đã là hoàn thành thì sai rồi nhé! Công đoạn tốn nhiều công sức và tỉ mỉ nhất bây giờ mới bắt đầu. Thứ tạo nên linh hồn và vẻ ngoài rực rỡ cho những tấm vải thổ cẩm chính là ở công đoạn thêu hoa văn trang trí. Hoa văn chủ yếu mà người Dao tại bản Tả Phìn thường dùng để trang trí lên các tấm vải của họ là các hình xoáy ốc, hoa bí, những hoa văn tượng trưng của cây cỏ, hoa lá, chim muông, đất trời, mây núi. Mỗi tấm vải đều mang một dấu ấn đặc biệt của người tạo ra nó, những đường nét tinh tế đó đã được trau dồi bằng rất nhiều năm kinh nghiệm, khiến người ta phải liên tưởng đến những bức tranh nhiều ý nghĩa và màu sắc. 

Làng nghề thổ cẩm Tả Phìn - Ảnh 6
Người dân tộc Dao đỏ rất cầu kỳ trong từng công đoạn, đặc biệt là khi thêu trang phục truyền thống của người phụ nữ. Không chỉ đơn giản là váy áo mà ngay cả khăn quấn đầu, áo trong áo ngoài, vải bó chân cũng phải được thêu thùa tỉ mỉ và đầy đủ nhất. Họ thường thêu riêng từng phần sau đó đem đi khâu lại thành một bộ trang phục hoàn chỉnh, những bộ trang phục này, đặc biệt là những bộ trang phục dành cho những ngày lễ lớn, ví dụ như ngày cưới càng được xem trọng và chú ý hơn, được xem như của hồi môn của người phụ nữ dân tộc Dao. 

Làng nghề thổ cẩm Tả Phìn - Ảnh 7Hãy đến tham quan bản Tả Phìn để có dịp được tìm hiểu quy trình sản xuất các sản phẩm thổ cẩm chính hiệu, tự tay thử sức thêu nên những hoa văn trên vải dưới sự chỉ dẫn tận tình và kĩ lưỡng của những người phụ nữ Dao đỏ hiếu khách nơi đây. Vietsense Travel tin rằng đó sẽ là một trải nghiệm hết sức thú vị và không thể nào quên đối với du khách trong chuyến hành trình du lịch Sapa đầy mới lạ và ý nghĩa.

 

 

Ghé thăm làng nghề thổ cẩm Tả Phìn tại Sapa

Ghé thăm làng nghề thổ cẩm Tả Phìn tại Sapa
39 4 43 82 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==