Bản Cát Cát hay thôn Cát Cát là một làng của người dân tộc Mông. Bản nằm cách thị trấn Sapa (tỉnh Lào Cai, Việt Nam) 2 km. Đây là điểm khám phá hấp dẫn, thu hút nhiều người trong hành trình tới Sapa nói riêng và Lào Cai nói chung. Làng Cát Cát được hình thành từ giữa thế kỷ 19 do một bộ phận dân tộc ít người quy tụ lại theo phương thức mật tập. Bên cạnh đó, bản Cát Cát còn có khá nhiều phong tục độc đáo mà ở các vùng khác không có, hoặc không còn tồn tại nguyên bản.
Khám phá Bản Cát Cát - ngôi làng cổ xinh đẹp giữa rừng Tây Bắc
Tìm hiểu văn hóa, kiến trúc của bản Cát Cát
Các hộ gia đình ở Bản Cát Cát sinh sống dựa vào sườn núi và quây quần bên nhau. Các nóc nhà cách nhau chừng vài chục mét. Họ trồng lúa trên ruộng bậc thang, trồng ngô trên núi theo phương pháp canh tác thủ công, sản lượng thấp. Phần lớn nhà cửa đều đơn giản, chỉ có một cái bàn, cái giường và bếp lửa nấu ăn . Họ biết trồng trọt, chăn nuôi rất giỏi. Một số nghề thủ công truyền thống của họ như trồng bông, lanh, dệt vải và chế tác đồ trang sức.
Với những khung dệt, người Mông đã khéo léo tạo nên những tấm thổ cẩm nhiều màu sắc và hoa văn mô phỏng cây, hoa, lá, muông thú... Đi cùng với công đoạn dệt vải bông, vải lanh là khâu nhuộm và in thêu hoa văn trên vải, phổ biến là kỹ thuật nhuộm chàm, nhuộm nước tro thảo mộc và cây lá rừng. Những tấm vải nhuộm xong được đánh bóng bằng cách lăn vải với khúc gỗ tròn trên phiến đá phẳng có bôi sáp ong.
Ở bản Cát Cát, nghề chế tác đồ trang sức bằng bạc, đồng đã có từ lâu đời và có tiếng. Những sản phẩm họ tạo ra rất tỉ mỉ và tinh xảo. Để làm nên những món trang sức bằng bạc, đồng gồm nhiều công đoạn. Đầu tiên, họ cho bạc vào nồi trên bễ lò đun đến khi nóng chảy thì rót vào máng đựng. Chờ đến khi kim loại nguội thì lấy ra dùng búa đập, rèn sao cho thanh bạc có kích cỡ to, nhỏ, dài, ngắn, vuông, tam giác, tròn, dẹt hay kéo thành sợi. Tiếp đến, họ giũa cho thật nhẵn và nếu cần trang trí hình thù thì họ dùng đinh để chạm khắc, vẽ những hoa văn nổi hoặc chìm rồi mới uốn hình sản phẩm. Cuối cùng là bước đánh nhẵn, làm trắng và đánh bóng. Sản phẩm chạm bạc ở Cát Cát rất phong phú về thể loại với những đường nét vô cùng tinh xảo, nhất là đồ trang sức của phụ nữ như: nhẫn, vòng cổ, vòng tay, dây xà tích,...
Những người Mông ở đây còn giữ được khá nhiều phong tục tập quán độc đáo, ví dụ như tục kéo vợ. Sẽ thật thú vị khi các bạn đến và chứng kiến phong tục này. Nếu một chàng trai sau khi quen biết và đem lòng yêu một cô gái, anh ấy sẽ tổ chức cỗ mời bạn bè, người thân và nhờ các bạn lập kế hoạch "kéo" cô gái về nhà một cách bất ngờ giữ cô trong ba ngày. Sau đó, nếu cô gái ấy cũng có tình cảm và đồng ý làm vợ chàng trai thì sẽ ra tín hiệu và chàng trai sẽ tiến hành lễ cưới chính thức. Còn nếu cô gái từ chối thì họ cùng nhau uống bát rượu kết bạn và mọi thứ trở lại bình thường. Lễ cưới hỏi của người Mông ở Cát Cát thường được tổ chức từ 2 đến 7 ngày.
Kiến trúc nhà của người Mông ở bản Cát Cát mang nhiều nét cổ xưa và nghèo: nhà ba gian lợp ván gỗ pơmu. Bộ khung nhà chỉ có ba cột ngang. Các cột đều được kê trên phiến đá tròn hoặc vuông. Tường nhà được làm bằng bằng gỗ xẻ, có 3 cửa ra vào: cửa chính ở gian giữa, 2 cửa phụ ở hai đầu nhà. Cửa chính luôn được đóng kín, chỉ mở khi có việc lớn như đám cưới, tang ma, cúng ma vào dịp lễ Tết. Ngoài ra, trong nhà có không gian thờ, nơi ngủ, bếp, sàn gác lương thực dự trữ và nơi tiếp khách.Nơi đây xứng đáng được xem là điểm du lịch văn hóa vừa là du lịch sinh thái lý thú dành cho du khách và là điểm du lịch văn hóa cộng đồng vệ tinh của vùng này .
Một vài kinh nghiệm đi bản Cát Cát cho bạn
Trên đường trờ về, từ điểm dừng chân cuối cùng của bản Cát Cát đến thị trấn là hơn 3km. Sau quá trình khám phá ngôi làng với quãng đường khá dài thì đoạn đường 3km để trở về đó sẽ khiến bạn khá mệt vì thế bạn nếu sức khỏe không tốt bạn nên đi xe máy và gửi xe ở cổng bản (không được đi xe ở trong bản).
Giá vé gửi xe máy là 10k
Vé vào bản Cát Cát là 50k/người.
Giá thuê quần áo dân tộc 50k/người
Trước cổng bản có rất nhiều cửa hàng cho thuê quần áo dân tộc, bạn có thể sắm cho mình một bộ . Ngoài ra còn nhiều phụ kiện khác đi kèm mà bạn có thể thuê thêm như ô che nắng của người dân tộc,…
Một chú ý nhỏ nữa là lúc mua vé, ở quầy bán vé có rất nhiều những tấm bản đồ. Bạn có thể lấy miễn phí và tấm bản đồ đó rất hữu dụng. Trên đó có ghi tất cả các điểm tham quan nổi tiếng ở bản Cát Cát và hướng dẫn đường đi – rất hữu dụng
Bạn nên chuẩn bị trong túi ít kẹo vì trên đường tham quan bản có rất nhiều những đứa bé dân tộc sẽ đi theo bạn. Mấy bé đó bán đồ thủ công và mời bạn mua hàng, nếu bạn không muốn mua hãy cho mấy bé đó viên kẹo là chúng sẽ không bám theo bạn nữa.
Bản Cát Cát có gì đẹp?
Ở bản Cát Cát có rất nhiều những điểm đến thú vị và hấp dẫn để cho bạn khám phá. Từ những con đường nhỏ, những ngôi nhà bé xíu, làng nghề thủ công, thác suối, Gem valley bản Cát Cát,..
1. Đường dẫn vào bản Cát Cát
Trong chuyến trải nghiệm đến bản Cát Cát, có 2 con đường sẽ để lại cho bạn nhiều ấn tượng nhất đó là con đường đi vào bản Cát Cát và đoạn bậc thang từ cổng của bản Cát Cát dẫn lối vào bên trong bản.
Trên quãng đường dẫn vào bản dài gần 2 km dẫn vào bản, Khung cảnh đất trời nơi đây sẽ làm bạn say đắm đấy. Một bên là những dãy núi cao trùng trùng điệp điệp còn một bên là thung lũng Sapa hiện lên với những cánh đồng với ruộng bậc thang bao la.
Tản bộ trên con đường này bạn sẽ được đi qua một quán cafe đẹp nhất thị trấn Sapa. Đường ở đây khá dốc và cao lớn hơn so với bản Cát Cát. Vì vậy trong quá trình di chuyển bạn sẽ được chiêm ngưỡng toàn bộ thiên nhiên và bản làng từ trên cao với những nếp nhà san sát nhau hòa lẫn với cỏ cây hoa lá.
2. Con đường bậc thang lát đá
Bước qua cánh cổng dẫn lối vào Cát Cát, bạn sẽ bị bất ngờ bởi con đường bậc thang nhỏ hẹp được lát bằng đá bóng loáng. Con đường này khá dốc lọt thỏm giữa hai dãy nhà tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp.
Dọc hai bên đường là những quầy hàng với đủ các thứ đồ thủ công như: đồ thổ cẩm, trang sức dân tộc, những món ăn đặc sản Sapa,… Tới đây bạn có thể dừng lại ngắm nhìn và mua một vài món đồ về làm kỉ niệm hoặc dành tặng cho người thân, bạn bè.
3. Những ngôi nhà dân tộc mộc mạc
Được hình thành từ những năm của thế kỷ 19, những ngôi nhà nằm trên bản Cát Cát của người h’mông. Họ sống trên lưng chừng núi, bên cạnh những những sườn đồi để trồng trọt chăn nuôi.
Những ngôi nhà ba gian được làm bằng gỗ hay còn gọi là “nhà trình tường”, có lẽ bạn đã từng bắt gặp nó trong những bộ phim Việt Nam lấy bối cảnh của vùng Tây Bắc. Không gian bên trong của những ngôi nhà vô cùng đơn giản, cái bếp ngay cạnh chỗ tiếp khách, chỗ ăn, chỉ có thêm một hai gian chỗ ngủ riêng.
Trên con đường đá bậc thang bạn sẽ được chiêm ngưỡng rõ nhất những ngôi nhà này. Tuy nhỏ bé đơn sơ nhưng lại rất xinh xắn với một vài chậu hoa, chậu cây đặt ở trên mái nhà, đôi khi là cái xích đu bằng gỗ trước cửa nhà cho mấy đứa trẻ nô đùa.
4. Trung tâm bản Cát Cát
Đây là điểm dừng chân nổi bật nhất trong chuyến đi đến bản Cát Cát. Băng qua con đường dốc thẳng đứng được lát đá là đến trung tâm bản. Tới đây bạn sẽ ngỡ ngàng khi thấy cả một khung trời tuyệt đẹp trước mắt mình: dòng thác trắng xóa, chảy xiết với âm thanh róc rách, chiếc cầu tre chênh vênh trên dòng thác cuốn, những chiếc du quay bằng gỗ, chiếc cối xay nước khổng lồ, những căn nhà tranh mộc mạc, Tuy nhiên bạn lưu ý cẩn thận bởi con đường này khá trơn, có thể ngã nếu không cẩn thận. Tất cả đều rất mê hoặc làm bạn không thể rời đi.
5. Thác Bạc
Chỉ cần vài chục bước chân nữa, bạn sẽ bắt gặp một dòng thác dựng đứng đang chảy xiết những dòng nước trắng xóa dội thẳng từ trên xuống như hình ảnh trong phim cổ trang. Thác Bạc được người Pháp tìm thấy và đặt tên cho là thác Cát Cát.
Với không gian núi rừng hoang sơ rộng lớn mênh mông, nghe tiếng nước chảy lên qua các mỏm đá,… với bầu trời trong xanh sẽ khiến cho tâm hồn bạn như được thư giãn nghỉ ngơi.
Hi vọng những thông tin mà VietSense Travel vừa cung cấp sẽ giúp ích cho các bạn trong hành trình khám phá du lịch Sapa. Chúc các bạn có những chuyến xê dịch thật lí thú.