==HOTLINESHOW== ==HOTLINESHOWOTHER==

Chùa Cầm Thực tọa lạc trên một đỉnh núi tròn như "mâm xôi" ở về phía trái lộ trình vào Yên Tử. Tương truyền: Hơn 700 năm trước, Vua Trần Nhân Tông cùng đệ tử Bảo Sái sau khi xuống suối tắm gội sạch bụi trần, tiếp tục lộ trình vào Yên Tử. Trời đã sang trưa, Bảo Sái mở túi lấy cơm chay mời Thầy dùng bữa mới sực nhớ suất ăn của hai Thầy trò đã bố thí cho người hành khuất ở Cửa Ngăn. Vua Trần vui vẻ cùng Bảo Sái uống nước suối thay cơm rồi nghỉ trưa trên núi "mâm xôi" này.

Sự tích chùa Cẩm Thực

Để ghi lại sự tích trên, người xưa dựng chùa đặt tên là: "Cầm Thực" (có nghĩa là "không ăn") như thế khắc ghi đức bố thí cứu độ chúng sinh của Vua Trần Nhân Tông và đệ tử Bảo Sái. Chùa còn có tên là "Linh Nhâm Tự". Linh Nhâm là một vị Thiền sư có công xây dựng và trụ trì nhiều năm ở chùa này. Chùa xưa được dựng vào thời Trần, chỉ còn lại dấu tích và được trùng tu, tôn tạo nhiều lần.

Cửa chùa được làm bằng gỗ lim, cánh cửa kiểu "Thượng song hạ bản", ở trên con song tiện, ở dưới là bản gỗ trơn không trang trí tạo sự thông thoáng và dáng vẻ cổ xưa. Đầu hồi cửa sổ hình vuông trang trí hình chữ Thọ. Tiền đường cao hơn sân 0,75m, bậc lên được làm bằng đá xanh, hai bên lan can đá xanh trạm trổ hình Rồng cách điệu.

Sự tích chùa Cẩm Thực - Ảnh 1

Đường lên chùa Cầm Thực 

Sự tích chùa Cẩm Thực - Ảnh 2

Chùa Cầm Thực (Trùng tu năm 2004)

Năm 1988, nhờ vào công đức của thập phương, cụ quản tự Bùi Văn Hài (là người địa phương) đã cùng Phật tử xây dựng lại ngôi chùa, Nhà khách, Cổng Tam Quan và cầu qua suối trước cửa chùa. Cổng Tam Quan hiện vẫn còn câu đối do ông Nguyễn Thi phụng đề:

 "Cổ tự lưu danh Linh Nhâm Tự

 Kim thời hiển tích Trúc Lâm Thiền"

 Dịch nghĩa:

"Chùa Linh Nhâm lưu danh cổ tự

 Phái Trúc Lâm hiển tích đến nay"

Kiến trúc chùa Cẩm Thực

Năm 2004, bằng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và nguồn công đức của thập phương, chùa Cầm Thực được xây dựng lại khang trang như ngày nay. Chùa có kết cấu kiến trúc bằng bê tông cốt thép, hình chữ "Đinh" (J) gồm 3 gian 2 chái, chiều dài 14,31m; chiều rộng 7,11m; Hậu cung 7,19m x 6,87m, mái lợp ngói vẩy, tường chùa xây gạch đỏ không trát, bờ nóc đắp vữa ở giữa đắp một hình chữ nhật không có chữ, hai đầu nóc đắp hình Rồng, vân mây. Bốn bờ mái xuôi dài tạo ra bốn đầu đao cong lên với những hình lá, vân mây cách điệu.

Tượng thờ trong chùa được bài trí theo kiến trúc chùa Việt và Phật giáo Đại thừa. Tiền đường bên trái thờ Đức Chúa Ông, tiếp theo là Hộ pháp Khuyến thiện. Bên phải là ban thờ Thánh tăng, Tổ Bồ Đề Đạt Ma. Hậu cung chia thành 5 cấp: Cấp trên cùng là 3 pho tượng Tam Thế Phật; cấp thứ hai là Phật A-Di-Đà ở giữa, Quán Thế Âm Bồ Tát bên trái, Đại Thế Chí Bồ Tát bên phải; cấp thứ ba là Tam Tổ Trúc Lâm; cấp thứ tư là Ngọc Hoàng, Nam tào, Bắc Đẩu; cấp thứ năm là Toà Cửu Long. Bên trái Hậu cung là Quan Âm Chuẩn Đề, bên phải là Quan Âm Bồ Tát.

Kiến trúc chùa Cẩm Thực - Ảnh 1

Kiến trúc chùa Cẩm Thực - Ảnh 2

Điện thờ Mẫu ở bên phải chùa, kết cấu kiến trúc bê tông cốt thép, tường xây gạch đỏ theo kiểu nhà hình chữ "Nhất" (-), chiều dài: 9,39m; chiều rộng: 5,3m, mái lợp ngói vẩy. Bờ nóc đắp vữa không trang trí, hai đầu nóc đắp hình đấu vuông loe, trên thót dưới. Phía dưới bờ mái được xây thành tường thấp theo thế tam cấp. Cửa chùa kết cấu khung, tạo ra các ô bức bàn làm bằng gỗ lim để trơn không trang trí. Chính điện là ban thờ Mẫu, bên trái là ban thờ Đức Thánh Trần. Tượng thờ trong chùa và điện thờ Mẫu có niên đại muộn và được bài trí thờ từ khi xây dựng lại chùa .

Nguồn: banquanlyyentu.vn

 

 

Chùa Cầm Thực

Chùa Cầm Thực
65 7 72 137 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==