==HOTLINESHOW== ==HOTLINESHOWOTHER==

Người dân Việt Nam ta luôn tự hào vì có nền văn hóa ẩm thực đa dạng, phong phú, độc đáo, ngon miệng. Quả đúng vậy, cứ mỗi một vùng miền ta lại nhận thấy được sự đặc trưng trong phong cách chế biến: miền Bắc ăn nhạt, miền Trung ăn mặn, miền Nam ăn ngọt. Sự đặc trưng ấy còn được thể hiện qua đặc sản từng tỉnh, thành phố khác nhau và Lạng Sơn cũng tự hào với những tinh hoa ẩm thực của vùng đất này. Hôm nay Vietsense Travel sẽ đưa bạn về với xứ Lạng để tận hưởng top 5 món ngon nức tiếng nơi đây!

1. Phở chua Lạng Sơn

Khác với phở bò, phở gà hay phở sốt vang là nguyên liệu ăn kèm và nước dùng luôn ẩm ướt, nóng. Một bát phở chua làm lay động không biết bao du khách này chỉ bao gồm hai “nội dung chính” đó là nguyên liệu ăn kèm khô và nước dùng.

Top 5 món ngon xứ Lạng nhất định phải thưởng thức - Ảnh 1Phần nguyên liệu ăn kèm khô của phở chua cũng giông giống như phở trộn Hà Nội, nào thì thịt heo xá xíu, nào thì lạc rang thơm bùi béo, rau húng lìu, hành khô, tất nhiên không thể thiếu những sợi phở mềm và đặc biệt món này còn có sự xuất hiện của khoai lang và khoai môn. Nghe qua thôi cũng thấy món ăn này thật đặc biệt, vừa lạ vừa quen rồi đúng không nào?

Tuy nhiên phần quyết định hương vị cho món ăn lại là phần nước dùng, nước dùng phải sánh mịn, dậy mùi, đủ vị. Một nhà nấu phở chua gia truyền đã chia sẻ phần nước dùng này chính là linh hồn của món ăn, ngoài ra, người dân ở đây còn có nhiều cách gọi khác nhau về phần nước dùng như “nước đủ” hoặc “nước sốt”. Để chuẩn bị được phần nước dùng ngon, người nấu phải rất cầu kỳ trong từng công đoạn.

Đầu tiên, người đầu bếp phải chuẩn bị đầy đủ những nguyên liệu khác nhau, tiến hành sơ chế qua một lượt. Bắc chảo hoặc nồi lên bếp, phi thơm hành tỏi, chú ý không được làm cháy khét. Sau đó đun hỗn hợp vừa rồi cùng với ớt, cà chua chín, một chút dấm đường và đường, để đậm vị hơn, người ta cho thêm mắm và một chút gừng. Để tạo độ sánh cho phần nước, cần chuẩn bị một chút bột năng, hòa với nước rồi đỏ vào đun cùng một vài phút. Điểm khác biệt ở nước dùng này chính là nằm ở một nguyên liệu đặc biệt ở Lạng Sơn: dấm đường. Bật mí một chút, phần dấm đường này được làm từ những quả chuối tây chín theo công thức riêng của người dân trong vùng.

Chuẩn bị xong cả phần khô và phần nước dùng là món phở chua đã sẵn sàng để bạn thưởng thức rồi! Khi thưởng thức, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn cách trộn hoặc không trộn tùy theo sở thích của mình. Món ăn này khá phù hợp khi dùng vào mùa hè nhưng nếu bạn vẫn muốn thưởng thức nó vào mùa đông thì nhớ hâm nóng phần nước dùng hoặc bánh phở trước khi thưởng thức. Hoặc khi ăn, bạn có thể tùy ý thêm bớt gia vị như nước cốt chanh, tiêu xay… để tăng thêm hương vị cho món ăn.

Không biết từ khi nào món phở chua đã trở thành một đặc sản của vùng đất Lạng Sơn, nếu có dịp ghé thăm, bạn hãy thử một lần để thưởng thức trọn vẹn hương vị của món phở chua này nhé. Tuy món phở chua hiện nay đã trở nên phổ biến hơn, dễ tìm kiếm hơn ở nhiều nơi, nhưng theo đánh giá của mọi người phở chua có vị ngon nổi bật hơn cả là phở chua vùng Thất Khê và ở thị xã Cao Bằng.

2. Món vịt quay lá mác mật đặc biệt của Lạng Sơn

Với những ai là tín đồ của những món được chiên nấu dưới nhiệt độ cao, tẩm ướp đậm vị thì chắc chắn không thể bỏ qua món vịt quay lá mác mật nổi tiếng của xứ Lạng. Nhìn những miếng thịt vàng óng, tỏa hương thơm phức, nóng hổi kèm theo đó là một vài lá rau thơm, chấm cùng nước chấm đặc biệt thực sự khiến những tín đồ ẩm thực không thể ngồi yên.

Top 5 món ngon xứ Lạng nhất định phải thưởng thức - Ảnh 2Vịt quay lá mác mật muốn ngon đạt chuẩn cần phải được chuẩn bị ngay từ khua chọn nguyên liệu. Vịt được chọn phải là những con vịt to vừa phải, không quá ốm cũng không quá to. Đặc biệt, giống vịt được chọn luôn là loại bịt Bầu Thất Khê, một giống vịt nổi tiếng bởi chất lượng thịt ở Lạng Sơn. Chọn được vịt rồi, tiến hành sơ chế, bỏ phần lông, rửa sạch, thổi cho da vịt căng phồng lên. Để làm da vịt căng bạn có thể làm nhiều cách khác nhau, nhưng cách phổ biến của người dân ở đây là dùng miệng thổi qua một đoạn ống lá đu đủ đã được rửa sạch.

Chuẩn bị xong phần vịt, tiến hành tẩm ướp cho món ăn của chúng ta. Gia vị tẩm ướp món thịt vịt Lạng Sơn không quá khó tìm, nhưng lại rất đa dạng và phức tạp trong cách pha chế. Chỉ những ai là con cháu trong nhà, hoặc được truyền mới có thể được trao lại toàn bộ công thức ướp vịt này. Có lẽ, vì chính phần ướp thịt này tạo nên sự độc đáo của món ăn, của mỗi người bán nên nó được coi như một bí truyền không thể tiết lộ.

Chuẩn bị xong phần tẩm ướp, cho hết hỗn hợp ấy vào bụng vịt, khâu lại, để yên trong vài tiếng để thịt được ngấm gia vị. Thời gian ướp lý tưởng là khoảng 2 đến 3 tiếng để có phần thịt vịt ngấm gia vị vừa đủ vừa để bạn có thể căn chỉnh thời gian nấu nướng hợp lý. Sau khi tẩm ướp, mang vịt đi quay trên lò than. Chú ý quay đều tay, điều chỉnh nhiệt phù hợp để thịt được chín đều từ trong ra ngoài.

Món thịt vịt thành phẩm đạt chuẩn là phần thịt vịt chín đều, phần bên trong mềm, giữ được độ ẩm không bị khô, phần bên ngoài có màu vàng hoặc nâu đẹp mắt, lớp da giòn nhẹ, khi ăn có vị giòn dai đặc trưng. Quan trọng nhất, là món vịt phải nổi bật được mùi lá mác mật thơm nhẹ.

Thưởng thức món vịt quay cùng nước chấm riêng với công thức của mỗi người khác nhau, hoặc nếu không quen pha chế, bạn hoàn toàn có thể tận dụng phần nước trong bụng vịt để làm nước chấm.

Miếng thịt mềm, dậy mùi thơm phức, lớp da giòn màu vàng hấp dẫn, chấm đượm phần nước chấm đặc biệt sẽ là một trải nghiệm ẩm thực mà bất cứ ai cũng nên thử một lần khi tới Lạng Sơn.

3. Lợn quay xứ Lạng

Lợn quay có ở rất nhiều nơi, nhưng để tạo dựng được thương hiệu riêng và ghi dấu trong lòng thực khách bốn phương như lợn quay xứ Lạng thì không có nhiều. Món thịt lợn quay xứ Lạng nổi tiếng cả ở hương vị lẫn cách chế biến cầu kỳ.

Top 5 món ngon xứ Lạng nhất định phải thưởng thức - Ảnh 3

Để chế biến được món ăn, đầu tiên đó là bước chọn nguyên liệu. Lợn được chọn phải là những con có độ to vừa phải, thường là từ 20 đến 35 kg được nhiều người lựa chọn, Những con lợn trong tầm cân này thì khi nấu có độ mềm vừa đủ, không bị quá nạc hay quá mỡ. Ngon nhất là bạn chọn được giống lợn móng cái hay còn gọi là giống lợn ỉn, đây là giống lợn rất ngon, hợp với món ăn.

Lợn sau khi giết mổ thì để nguyên con chỉ bỏ phần nội tạng, tẩm ướp gia vị ngay vào trong bụng lợn. Đầu tiên, dùng muối tiêu xoa đều kỹ khắp bụng lợn để ngấm gia vị, chuẩn bị lá mác mật, có thể để nguyên cành nhỏ rửa sạch nhét vào phía trong bụng lợn. Dùng một cây lớn, xiên xuyên lợn từ phần mõm đến phần dưới, cố định phần bụng lại bằng lạt. Cuối cùng người ta phết đều lên da lợn hỗn hợp mật ong và giấm rồi đem đi nướng trên than hồng. Khi nướng chú ý quay đều tay để thịt được chín đều.

Phần thịt lợn chín có mùi thơm, vị đậm đà, phần bì lợn thì được nướng vàng, có màu vàng đẹp mắt. Thưởng thức món thịt lợn quay Lạng Sơn vào những ngày lạnh cùng gia đình thực sự rất tuyệt vời. Nếu không tiện tự tay thực hiện món ăn, bạn hoàn toàn có thể mua lẻ một phần nhỏ về để thưởng thức mà vẫn đảm bảo được vị ngon của đặc sản Lạng Sơn.

4. Khâu Nhục Lạng Sơn

Nếu có dịp tham dự một lễ cưới hay lễ tết của người dân tộc Nùng, Tày ở Lạng Sơn, chắc hẳn bạn sẽ không thể quên được món ăn đặc biệt từ cái tên đến hương vị và cách chế biến: món Khâu nhục. Khâu nhục được hiểu là món ăn thịt hấp đến khi chín nhừ của người dân Lạng Sơn, đây là một món ăn truyền thống, tồn tại lâu đời của vùng đất này.

Để làm được món ăn khâu nhục này, chúng ta cần chuẩn bị phần thịt ba chỉ. Phần thịt đã được chuẩn bị đem đi sơ chế, rửa sạch, chia thành các phần bằng nhau, bạn ước lượng tầm 0,5 kg cho mỗi phần thịt là được. Cho phần thịt này vào luộc sơ qua, chú ý là luộc trong thời gian ngắn, không để thịt chín hẳn. Vớt ra khỏi nồi, bạn lấy tăm nhọn xăm lên phần da lợn để khi chế biến được ngấm gia vị nhiều nhất.

Sau đó, tiến hành quay hoặc chiên phần thịt trên chảo mỡ nóng với nhiệt độ cao. Khi quay chú ý chuẩn bị một chút mật ong, phết đều lên các mặt của thịt nhiều lần để tạo màu và khi ăn có vị giòn, ngọt đặc trưng. Đến khi thịt chín, mang ra thái nhỏ, chia đều vào các bát, miếng thịt thái chú ý vừa phải, không quá mỏng, cũng không quá dày.

Tiếp đến là phần chuẩn bị gia vị cho món khâu nhục. Để chuẩn bị phần gia bị cần rất nhiều nguyên liệu khác nhau như hành, toit, húng, đường, tiêu, dầu hào, rượu trắng,... Những phần gia vị này, bạn có thể thêm bớt tùy khẩu vị của mình. Nhưng quan trọng nhất để tạo nên hương vị của món ăn chính là rau muối mặn. Đây sẽ là nguyên liệu tạo nên nét độc đáo cho món ăn ngày hôm nay, đồng thời cũng là một loại gia vị đặc biệt của người dân Tày, Nùng.

Chuẩn bị xong phần hỗn hợp gia vị, chia đều vào các bát đựng thịt trước đó, ướp tầm 15 đến 20 phút trước khi mang đi hấp. Thời gian hấp lý tưởng chính là khoảng 4 đến 5 tiếng để thịt được mềm, ngấm gia vị.

Thành phẩm đạt chuẩn là phần thịt mềm nhừ, khi mở nắp ra là thấy ngay mùi thơm của những gia vị mạnh. Tất cả những hương vị ngậy, béo của thịt lợn cùng vị của các loại gia vị kết hợp lại sẽ tạo nên sự bùng nổ hương vị trong khoang miệng khiến thực khách nhớ mãi.

5. Bánh ngải - đặc sản khó quên xứ Lạng

Bánh ngải của người Tày được biết đến như một món ăn đặc biệt, chuyên dùng trong những ngày lễ, đặc biệt còn là một vị thuốc của người dân nơi đây.

Bánh ngải về ngoại hình bạn có thể nhận thấy có hình dáng tương đối giống với bánh dày của người Kinh, nhưng về màu sắc, bánh ngải lại mang màu xanh, có lớp bóng bên ngoài trông rất đẹp mắt.

Top 5 món ngon xứ Lạng nhất định phải thưởng thức - Ảnh 4

Bánh ngải được làm từ cây ngải cứu. Phần lá ngải cứu được hái về, đem rửa sạch rồi lược với nước vôi, đun xong, lá ngải được vớt ra để một lúc cho ráo nước rồi cắt nhỏ. Phần lá ngải được cắt nhỏ đem đi xao lên, khi xao chú ý rang đều tay, đảo đều để làm giảm vị đắng của rau.

Xao khô xong phần lá, dùng phần này đi trộn với gạo nếp rồi đồ thành xôi. Muốn xôi được ngon, gạo phải được ngâm trước đó nhiều giờ. Xôi chín, mang ra trải đều cho bớt nóng rồi tiến hành giã nhuyễn. Phần xôi sau khi được giã nhuyễn được mọi người khéo léo nặn thành những chiếc bánh, tùy mỗi gia đình mà có thể gói bên ngoài lớp lá chuối hoặc không.

Những chiếc bánh ngải vừa dẻo thơm của bột nếp, lại có mùi đặc trưng của lá ngải cứu sẽ khiến bạn cảm thấy vừa lạ lại vừa thơm ngon. Đây là một món ăn rất giản dị, không cầu kỳ trong cách chế biến những nếu ai đã từng thưởng thức thì không thể quên hương vị của nó.

Như vậy, chúng ta đã đi một vòng khắp Lạng Sơn, tìm hiểu về những đặc sản nơi đây. Hi vọng, một ngày không xa bạn sẽ có dịp ghé thăm và thưởng thức những món ăn này!

 

 

Top 5 món ngon xứ Lạng nhất định phải thưởng thức!

Top 5 món ngon xứ Lạng nhất định phải thưởng thức!
40 4 44 84 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==