==HOTLINESHOW== ==HOTLINESHOWOTHER==

Tỉnh Lạng Sơn nằm ở biên giới phía Bắc của Việt Nam nên ẩm thực Lạng Sơn có sự pha trộn của nền ẩm thực nước ngoài. Đến với mảnh đất Lạng Sơn, du khách không chỉ mãn nhãn với cảnh sắc hùng vĩ, thả hồn cùng sông núi, mà còn được thưởng thức những đặc sản Lạng Sơn mang đậm hương vị con người vùng rừng núi Đông Bắc.

Ẩm Thực Lạng Sơn - Ăn Một Lần, Nhớ Cả Đời

Vịt quay lá móc mật

Nhắc đến đặc sản Việt Nam nói chung và đặc sản nơi đây nói riêng không thể không nhắc đến món vịt quay. Khi đến Lạng Sơn, du khách nhất định phải một lần thưởng thức món vịt quay Thất Khê ở mảnh đất này. Món ăn này nhất định sẽ mang đến cho du khách hương vị khó quên. Vịt ở đây được quay với lá móc mật rất thơm.

Vịt quay lá móc mật

Sau khi làm sạch vịt, người đầu bếp sẽ loại bỏ những phần không cần thiết và thổi cho vịt phồng lên. Tiếp đó cho vịt vào nước sôi để thịt săn lại, làm vậy thịt vịt sẽ ngon hơn. Vịt quay có phần nước sốt bao gồm mật ong pha loãng với nước tương và mạch nha. Bao tử vịt nhồi u hành khô, mộc nhĩ, xí muội, hương thảo quả, mắm, hạt nêm, bột canh, mật ong rừng, đường mạch nha, một ít mỡ và hơn nửa bát con nước. Tất cả được đem đi xào chín cho thơm. Điều đặc biệt là không thể thiếu lá mắc khén. Sau đó mọi nguyên liệu được nhồi trong bụng vịt và khâu lại và tiến hành quay vịt trên bếp than hồng.

Đến Lạng Sơn du khách sẽ thấy món này xuất hiện trong tất cả các dịp: bữa ăn gia đình, đám cưới, đám giỗ,...Thưởng thức vịt quay như là thói quen của người dân Lạng Sơn. Để tạo thêm sức hấp dẫn cho món ăn, vịt còn được dùng kèm với rượu Mẫu Sơn hay với các loại bánh tiêu, bánh tẻ. Mùi vị của vịt quay làm mềm lòng bao nhiêu thực khách. Nếu có dịp tới vùng này , hãy ghé vào bất cứ nhà hàng vịt quay nào bạn thấy để thưởng thức món đặc sản này.

Địa chỉ ăn phở vịt quay và vịt quay ngon ở Lạng Sơn

– Phở Vịt Quay Hải Xồm trên đường Bà Triệu
– Quán phở ở mặt sau Bưu điện Tỉnh Lạng Sơn (phố Thân Thừa Quý – Tp Lạng Sơn)
– Quán vịt quay Mật Mật 15 Bắc Sơn – Tp Lạng Sơn
– Quán vịt quay Hùng Hưng 13 Bắc Sơn – Tp Lạng Sơn
– Quán vịt quay Hương Nga 128 Bắc Sơn – Tp Lạng Sơn ‎
– Quán vịt quay Hà Nga 157 Hùng Vương – Tp Lạng Sơn

Phở chua Lạng Sơn

Phở là món ăn nổi tiếng nhất trong tất cả các món ăn truyền thống của Việt Nam. Trong ẩm thực Việt có rất nhiều loại phở, một trong số đó là phở chua. Phở chua được nấu theo một quy trình phức tạp và kì công. Ngày nay, mặc dù phở chua đã xuất hiện ở nhiều nhà hàng ở miền Bắc, nhưng món ngon nhất thì chỉ có thể tìm thấy ở Thất Khê, Lạng Sơn.

Phở chua Lạng Sơn

Món ăn có hai thành phần: nguyên liệu khô và nước lèo. Nguyên liệu làm khô đầu tiên là sợi mì. Không giống như các loại phở khác, nó có kích thước tương đối nhỏ và rất dai. Khoai tây được cắt lát và chiên đến khi vàng giòn trong dầu sôi. Gan lợn và sườn lợn cũng được chiên giòn. Nguyên liệu làm khô cuối cùng không thể thiếu là vịt quay. Thành phần thứ hai của món phở chua là nước súp được làm từ tỏi, giấm và đường. Nhưng cốt vẫn là nước dùng bên trong vịt quay, vừa có vị béo của mỡ vịt, vừa có mùi thơm của các loại gia vị được thêm vào trong quá trình quay. Những nguyên liệu này sẽ được đầu bếp chuẩn bị trước, sau khi có khác gọi món  đầu bếp sẽ trộn chúng với tỷ lệ hoàn hảo giữa nước súp và mì để các nguyên liệu thấm đều gia vị. Công đoạn trộn tuy là bước cuối cùng nhưng có thể coi là bước quan trọng nhất. Để cho món ăn thêm béo ngậy và hấp dẫn đầu bếp sẽ cho thêm đậu phộng vụn, rau thơm tươi, tỏi phi và xúc xích thái lát vào tô phở. Mỗi người ăn có thể thêm chanh, ớt hoặc gia vị tùy theo sở thích của mình.

Địa chỉ ăn phở chua ngon ở Lạng Sơn

– Phở chua trên đường Lê Lai
– Phở chua trên đường Bắc Sơn (Gần trường THCS Hoàng Văn Thụ)
– Quán phở Phượng 73 Nhị Thanh

Bánh chưng đen Bắc Sơn

Bắc Sơn luôn tự hào với nhiều điều khiến du khách tò mò muốn khám phá, đặc biệt là những món ăn chiếm được cảm tình của bất cứ ai đã từng nếm qua, trong đó có “bánh chưng đen” - món ăn truyền thống và độc đáo trong ngày Tết Nguyên đán, lễ hội của đồng bào dân tộc Tày tại địa phương. Mỗi khi Tết đến, người dân huyện Bắc Sơn lại tất bật chuẩn bị nguyên liệu làm bánh chưng đe. Đây là một phong tục được truyền từ đời này sang đời khác trong cộng đồng dân tộc Tày ở địa phương. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, ngày nay người dân địa phương làm bánh chưng đen vừa để phục vụ Tết hay các lễ hội truyền thống khác mà còn để bán cho du khách.

Bánh chưng đen Bắc Sơn

Bánh chưng đen được làm từ những nguyên liệu tương tự như bánh chưng truyền thống. Tuy nhiên, một nguyên liệu đặc biệt tạo nên sự khác biệt so với món ăn truyền thống chính là tro của rơm rạ, tạo nên màu đen bóng bám trên từng hạt gạo cùng với hương thơm và vị tươi ngon của món ăn. Ngay từ tháng 10 âm lịch, người Tày ở Bắc Sơn đã chuẩn bị những nguyên liệu cho món ăn. Họ chọn những cọng lúa nếp to, phơi khô rồi đốt thành tro. Sau đó, tro được xay cho đến khi mịn và trộn với gạo nếp để tạo nên màu sắc đặc biệt của món ăn. Gạo làm bánh chưng đen phải là gạo nếp thơm, hạt tròn, mẩy, không bị vỡ. Gạo được vo sạch trước khi trộn với muối và tro. Các nguyên liệu được trộn càng kỹ thì tro càng ngấm vào gạo và bánh sẽ thơm hơn. Sau đó, người dân sẽ gói gạo đậu xanh và thịt lợn trong lá dong. Những chiếc bánh hình trụ, dài khoảng 28-30cm được ngâm nước trong thời gian ngắn trước khi cho vào nồi đầy nước và nấu trong khoảng 4-5 tiếng. Khi ăn, người ta dùng dây tre buộc bánh lại để cắt thành từng khoanh.

Bánh ngải Lạng Sơn

Bánh ngải là một trong những đặc sản nổi tiếng của dân tộc Tày. Món ăn bình dân này để lại ấn tượng cho bất kỳ du khách nào từng ghé chân tới đây.

Bánh ngải Lạng Sơn

Giống như bánh dày của người Kinh, bánh ngải cũng có hình tròn, nấu từ ngải cứu. Nguyên liệu làm bánh gồm loại gạo nếp đặc biệt thơm dẻo, chỉ trồng ở tỉnh. Bên trong cũng có mè và đường phên hình chữ nhật. Bánh ngải thơm và ngon gây ấn tượng với người dân địa phương và du khách đến tỉnh Lạng Sơn. Để làm được bánh ngải ngon cần phải lựa chọn kỹ lưỡng loại ngải tươi, gạo nếp chất lượng và đường phèn vàng nhạt. Bánh ngải được dùng trong các dịp lễ quan trọng như cúng tổ tiên dịp Tết , mừng lúa mới. Người ta tin rằng bánh ngải ngon sẽ mang lại sức khỏe và may mắn quanh năm.

Bánh cuốn trứng Lạng Sơn

Không được nhiều người biết đến như bánh cuốn Hải Phòng hay bánh cuốn Thanh Trì nhưng bánh cuốn trứng Lạng Sơn vẫn luôn là sự lựa chọn hàng đầu trong bữa sáng cho thực khách khi đến thăm xứ Lạng êm đềm.

Bánh cuốn trứng Lạng Sơn

Về cơ bản cách làm bánh cuốn trứng không khác biệt nhiều so với các loại bánh cuốn ở nhiều địa phương trên cả nước, chỉ khác nhau ở nhân bánh bên trong. Khi chiếc bánh trên nồi vừa chín tới, giở nắp vung ra đập vào hai bên của lá bánh hai quả trứng gà, đậy nắp lại một chút, chờ cho lớp lòng trắng đục lại, dính vào mặt bánh còn phần lòng đỏ lúc ấy chỉ cần vừa đủ chín tới độ lòng đào tạo thành lớp bọc mỏng giúp cho quả trứng không bị vỡ là được.

Khi bánh chín, người làm bánh dùng một chiếc đũa tre dẹp chia lá bánh làm hai phần, dùng các góc còn lại của bánh để phủ lên một nửa của lòng đào trứng gà chứ không phủ kín. Như vậy, bánh cuốn trứng đã được hoàn thiện chỉ việc bày ra đĩa rắc thêm một lớp thịt nạc kho được chà nhuyễn thành từng sợi nhỏ trông rất ngon mắt. Những chiếc bánh vừa mới hấp, mới cuốn, khói còn nghi ngút phải ăn ngay thì mới cảm nhận được hết vị ngon của bánh cuốn trứng.

Địa chỉ ăn bánh cuốn trứng ngon ở Lạng Sơn

– Cạnh khách sạn Nam Ninh 40 Ngô Gia Tự – Tp Lạng Sơn
– Quán Bà Thắm 14 Nguyễn Du – Tp Lạng Sơn
– Quán Bắc Hùng 21 Nguyễn Du – Tp Lạng Sơn
– Quán Hương Phi 27 Nguyễn Du – Tp Lạng Sơn
– Quán Thu Hiền 13 Nguyễn Du – Tp Lạng Sơn
– Quán Bà Thảo 13 Ngô Quyền – Tp Lạng Sơn

Khẩu nhục

Khâu nhục là món ăn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Người Trung Quốc coi khâu nhục là món ăn dân dã nhưng lại mang ý nghĩa tinh thần rất lớn, cách bài trí miếng thịt lên đĩa theo hình dạng một quả đồi nhỏ đang nhô cao thể hiện ý chí và sự lớn mạnh trong tương lai. Khi du nhập vào Việt Nam, khâu nhục được người dân tộc Tày, Nùng biến tấu, nêm nếm theo đúng khẩu vị của người Việt. Và qua thời gian khâu nhục đã trở thành món ăn đặc sản nổi tiếng của Lạng Sơn, được dùng trong những dịp gia đình có chuyện vui như lễ Tết, cưới hỏi…

Khẩu nhục

Theo truyền thống, khâu nhục được chế biến khá cầu kì. Thịt ba chỉ sau khi luộc sơ được tẩm gia vị, sau đó dùng tăm tre chọc thật kĩ lớp bì để bì có khả năng hút nước, đồng thời loại bỏ bớt lớp mỡ dưới da. Sau đó đem thịt đi quay, vừa quay vừa phết mật ong lên cho vàng bì, hoặc cũng có thể cho thịt vào chảo mỡ đảo cho vàng miếng thịt rồi vớt ra để nguội.

Sau đó thái thịt thành từng miếng khoảng 1,5 cm, úp bát to vào, lật lại để nguyên đĩa rồi xếp từng bát vào nồi chưng cách thuỷ trong khoảng thời gian từ 4-5 tiếng cho thịt chín và mềm nhừ. Khi ăn thì lật úp bát thịt ra đĩa, để phần da của thịt được bày lên trên, nếu có màu vàng đều cùng hương thơm đặc trưng là đã đạt yêu cầu. Khâu nhục có thể ăn với cơm hoặc xôi, nhưng ngon nhất vẫn là ăn với bánh gật gù.

Minh Phương

 

 

10 1 11 21 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==