==HOTLINESHOW== ==HOTLINESHOWOTHER==

Các hoạt động du lịch nói riêng và hoạt động kinh tế nói chung đều có tác động đến tài nguyên và môi trường. Những hoạt động này vừa có mặt tích cực , song cũng có mặt tiêu cực đến tài nguyên và môi trường, nhất là các trường hợp không có tổ  chức, quy hoạch chưa hợp lý, sử dụng không biết tái sử dụng tài nguyên một cách đúng đắn.

Tác động của ngành du lịch đến môi trường và xã hội - Ảnh 1

1. Nhu cầu của con người về du lịch

Con người bên cạnh những hoạt động hằng ngày còn có nhu cầu về vui chơi, giải trí, du lịch,... Du lịch là những chuyến đi ra khỏi nơi mình sinh sống với những mục đích khác nhau: thay đổi không khí, tham quan di tích lịch sử, thắng cảnh, nâng cao hiểu biết, thăm khám chữa bệnh,...

Hiện nay, trên phạm vi toàn cầu, du lịch trở thành nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi chúng ta và ngành du lịch là thành phần kinh tế quan trọng của mỗi quốc gia. Du lịch đem lại hiệu quả kinh tế rất cao và thường được gọi với cái tên là ngành công nghiệp không khói.

2. Chức năng ngành du lịch 

Du lịch bao gồm bốn chức năng chính:

Về xã hội: phục hồi thể trạng, tinh thần và mang lại sức sống tràn trề cho con người,...

Về  kinh tế: tạo công ăn việc làm, tăng sức lao động của cong người

Về  sinh thái: bảo vệ môi trường, gìn giữ tài nguyên thiên nhiên, tạo ra môi trường sống ôn hòa

Về  chính trị: củng cố hòa bình, tăng cường hữu nghị hợp tác giữa các nước láng giềng

Hiện nay Việt Nam thực hiện chiến lược mở cửa “làm bạn với tất cả các nước”, phát triển kinh tế; giao lưu phát triển văn hoá-xã hội thông qua du lịch được tập trung đẩy mạnh. Số khách nước ngoài đến thăm du lịch Việt Nam mỗi ngày một tăng. Chúng ta đã quy hoạch phát triển du lịch ở các cấp từ quốc gia đến cấp vùng và cấp tỉnh. Nhiều dự án hoạt động du lịch liên doanh đã được thực hiện.

3. Tác động của ngành du lịch đến môi trường sống

3.1 Tác động tích cực

Hoạt động du lịch góp phần tích cực vào việc bảo tồn các vườn quốc gia, các khu bảo tồn tự nhiên, các khu rừng văn hóa – di tích lịch sử – môi trường, tu sửa, bảo vệ hệ thống điện đền đài lịch sử, công trình kiến trúc mỹ thuật. Ở Việt Nam hiện nay đã xác nhận và đưa vào bảo vệ cấp quốc gia 105 khu rừng đặc dụng (trong đó có 55 khu bảo tồn tự nhiên, 16 vườn quốc gia và 34 khu rừng – văn hóa – lịch sử – môi trường). Tạo được sự đa dạng sinh học tại những điểm du lịch nhờ sự xuất hiện nhiều dự án có các công viên cảnh quan, khu nuôi bảo tồn động vật hoặc giữ gìn đa dạng sinh học thông qua nuôi trồng nhân tạo phục vụ cho du lịch.

Du lịch góp phần rất lớn tu sửa nâng cấp cảnh quan đô thị, cảnh quan tại các điểm du lịch. Đối với các làng chài ven bờ biển trong khu vực được xác nhận phát triển thành các khu du lịch biển. Tăng hiệu quả sử dụng đất bằng cách sử dụng triệt để quỹ đất còn trống chưa được sử dụng hiệu quả. Giảm sức ép khai thác tài nguyên quá mức từ các hoạt động dân sinh tại các khu vực phát triển du lịch nếu như các giải pháp kỹ thuật trong cấp thoát nước được áp dụng. Du lịch phát triển đồng nghĩa với việc kiểm soát ở các điểm du lịch từ đó giữ gìn bảo vệ môi trường.

3.2. Tác động tiêu cực 

3.2.1 Tác động tiêu cực đến tài nguyên nước

Hiện nay rất nhiều dự án chặt phá rừng ngập mặn để xây bến cảng, làm cho chất lượng nước giảm sâu, quá trình trầm lắng tăng, nước bị đục. Sinh vật bị huỷ diệt vì mất đi môi trường sống, chất bẩn do nạo vét tạo nên. Biển và đất bị nhiễm độc bởi chất thải chưa qua xử lý của nhiều doanh nghiệp chưa tuân thủ việc xử lý chất thải. Việc giải tỏa mặt bằng và san ủi đất để xây dựng công trình và làm đường có thể gây ra sạt lở, xói mòn, ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước mặt. Việc vứt rác và đổ nước thải trực tiếp bừa bãi vào các nguồn nước cũng như thải ra một lượng chất thải công nghiệp nhất định trong quá trình vận hành máy móc thi công.

Đất bị sạt lở hoặc rác rưởi trôi dạt sẽ làm tăng hàm lượng bùn và chất cặn, từ đó mà chất lượng nguồn nước kém đi. Ô nhiễm nguồn nước xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như do các chất thải chưa được xử lý thải vào nguồn nước, do việc thải dầu, mỡ của các phương tiện giao thông thuỷ (tàu, ca nô, thuyền du lịch,…) tạo các vết dầu loang dẫn đến nhiễm độc nặng, chất lượng nước kém đi. Hoạt động du khách cũng là nguyên nhân gây ra ô nhiễm nguồn nước như: xả rác bừa bãi làm nguồn cấp nước bị nhiễm bẩn.

3.2.2. Tác động tiêu cực đến tài nguyên không khí

Tuy được nhắc với cái tên là ngành “công nghiệp không khói”, nhưng du lịch vẫn có thể gây ô nhiễm không khí thông qua xả khí thải động cơ xe khách và tàu thuyền, đặc biệt là ở các khu vực trọng điểm và trục giao thông chính, gây hại cho cây xanh, động vật hoang dã và các công trình xây dựng bằng đá vôi và bê tông cũng làm tăng bụi mịn trong không khí. Bụi và các chất gây ô nhiễm không khí xuất hiện chủ yếu từ phương tiện giao thông, do sản xuất và sử dụng năng lượng. Việc không cấm triệt để được giao thông cơ giới càng làm bụi bặm và ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm tiếng ồn cũng là điều không thể tránh khỏi do việc tăng cường sử dụng các phương tiện cơ giới như xe máy, xe cải, thuyền, phà gắn máy…cũng như hoạt động của du khách tại các điểm đến tạo nên những hậu quả trước mắt cũng như sau này

3.2.3 Tác động tiêu cực đến tài nguyên đất

Phát triển du lịch đồng nghĩa với việc xây dựng kết cấu hạ tầng, khách sạn và công trình du lịch. Điều này đương nhiên dẫn đến hậu quả khôn lường thiệt hại về tài nguyên đất như xâm lấn đất trước đây là những cảnh quan tự nhiên, những khu đất trồng trọt và chăn nuôi. Hoạt động phát triển các khu du lịch thường tỷ lệ thuận với việc giảm quỹ đất canh tác nông nghiệp.

3.2.4. Tác động tiêu cực đến tài nguyên sinh vật

Một số hoạt động tự phát thái quá của du khách như chặt cây, bẻ cành, săn bắn chim thú tại những khu rừng cũng là lý do tại sao sụt giảm cả về số lượng lẫn chất lượng sinh vật trong phạm vi khu du lịch.

Các yếu tố như vứt rác bừa bãi và nước thải không qua xử lý ảnh hưởng trực tiếp đến các hệ sinh thái biển làm hủy hoại môi trường sống của hàng nghìn loại đồng thực vật dưới lòng đại dương.

Hoạt động nhỏ của du khách có tác động lớn đến hệ sinh thái… Các hoạt động du lịch trải nghiệm dưới nước như thu nhặt cua, tôm, ốc, sò , khai thác san hô làm đồ lưu niệm hay thả neo tại những bãi đá san hô đều trực tiếp ảnh hưởng xấu bãi san hô, nơi sinh sống của hàng nghìn loài động vật ở dưới nước. Bên cạnh đó, các hoạt động đánh bắt cá của du khách ở khu vực ven biển có tác động xấu đến việc bảo tồn các loài sinh vật quý đang cần được bảo vệ.

4. Những tác động của ngành du lịch với đời sống xã hội 

4.1. Những tác động đến nền kinh tế

Lợi ích kể đến đầu tiên là ngành du lịch mang lại cho các cấp địa phương là sự phát triển về kinh tế.Thu hút dòng tiền khách du lịch đến, tạo công ăn việc làm cho người dân bản địa. Bên cạnh lợi ích đó, sự phát triển của ngành du lịch khiến cho cộng đồng dân cư địa phương bị chèn ép, áp bức bởi nhiều tập đoàn, công ty nước ngoài chuyên cung cấp dịch vụ cho khách du lịch, điều này khiến người dân địa phương mất đi sự an cư, mất đi lợi ích truyền thống để phát triển kinh tế. 

4.2. Những tác động đến văn hóa

Văn hoá là yếu tố quan trọng và hấp dẫn hàng đầu của ngành du lịch. Thông thường, khách du lịch thường mong muốn được trải nghiệm một nền văn hóa mới lạ, đó là lý do tại sao họ đi du lịch, chính điều này mang đến lợi nhuận kinh tế cao cho cộng đồng. Nhưng đồng thời nếu như không cẩn thận thì việc phát triển ngành du lịch là quá trình chúng ta đang đẩy cộng đồng truyền thống vào guồng quay của hiện đại hóa, từ đó đánh mất đi những điều được coi là cội nguồn, truyền thống của nền văn hóa đó.

4.3.  Những tác động đến xã hội

Du lịch mang đến cho người dân địa phương cơ hội việc làm mới đem lại cho họ nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên như chúng ta có thể thấy, các cá nhân và nhiều hộ gia đình lại phụ thuộc quá nhiều vào điều đó. Chính vì vậy, khiến cho các cá nhân và hộ gia đình địa phương có khuynh hướng ít hoặc không tham gia vào các hoạt động xã hội khác dẫn đến việc không đa dạng hoạt động xã hội tại địa phương. Người người nhà nhà kinh doanh du lịch, buôn bán đồ lưu niệm quên đi những điều thiết yếu khác trong xã hội.

4.4.  Những tác động đến chính trị

Ngành du lịch được coi như là một trong các phương tiện xóa nhòa đi khoảng cách giữa các nền văn hóa, dân tộc hay tôn giáo. Tuy nhiên, với sự chênh lệch khá lớn về giàu nghèo, có thể xảy ra mâu thuẫn lối sống giữa người dân địa phương và khách du lịch ở một số vùng.

 

 

Tác động của ngành du lịch đến môi trường và xã hội

Tác động của ngành du lịch đến môi trường và xã hội
17 1 18 35 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==