==HOTLINESHOW== ==HOTLINESHOWOTHER==

Một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam là thành kính, tôn thờ Tổ tiên thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn tới những người đã sinh thành, dưỡng dục cho mình. Đó là ý thức của người Việt về Tổ tiên, về cội nguồn mang giá trị nhân văn sâu sắc, được phát khởi từ mối thiện tâm trong mỗi con người và có sức lan tỏa rộng khắp trong mỗi gia đình, trong cộng đồng xã hội và đã trở thành một phong tục, tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên của người Việt Nam.

Bản Sắc Văn Hóa lễ hội Tiêu Biểu Của Dân Tộc Việt Nam

Lịch sử hình thành

Từ việc thờ cúng Tổ tiên trong mỗi gia đình, đến thờ cúng Tổ tiên của một chi, họ, thờ cúng ông Tổ chung của một làng, một xã tại các đền, đình, miếu…rồi cao hơn cả người Việt thờ cúng Tổ tiên chung của dân tộc - các Vua Hùng đã có công khai sơn, phá thạch gây dựng nên bờ cõi, non sông đất nước, lập nên nhà nước Văn Lang độc lập, có chủ quyền của người Việt cổ tạo tiền đề cho sự phát triền bền  vững cho dân tộc, quốc gia sau này.

Lịch sử hình thành

Thắp nén hương thơm tri ân công đức Tổ tiên tại bàn thờ Quốc Tổ trở thành nét đẹp của truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của mỗi người dân đất Việt trong dịp giỗ Tổ Hùng Vương.

Từ hàng ngàn đời nay, người Việt đã lập đền thờ và thờ cúng ông Tổ chung của mình - các Vua Hùng tại núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì. Ngoài ra, còn có rất nhiều đình, đền, miếu… thờ cúng Hùng Vương, vợ con và các tướng lĩnh thời các Vua Hùng ở Phú Thọ và nhiều tỉnh trong cả nước. Năm 2005, theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) có 1.417 di tích thờ Vua Hùng và liên quan đến thời kỳ đấu tranh dựng nước, giữ nước của các Vua Hùng trải dài từ Bắc tới Nam. Trong đó, các di tích thờ cúng Hùng Vương tập trung chủ yếu trên địa bàn tỉnh Phú Thọ (326 di tích), tâm điểm là Di tích lịch sử Đền Hùng; tỉnh Hà Tây cũ (364 di tích), Thành phố Hà Nội (161 di tích), tỉnh Bắc Ninh (168 di tích), tỉnh Vĩnh Phúc (62 di tích), Thành phố Hồ Chí Minh (14 di tích)... Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên đã ăn sâu vào tâm thức người Việt, dù ở bất cứ đâu, phương trời nào, dù là già hay trẻ, dù là gái hay trai, dù theo tôn giáo hay không theo tôn giáo người Việt không những luôn nhớ về cội rễ, cùng hướng về cội nguồn dân tộc, mà còn khẳng định với bạn bè quốc tế về nguồn cội - Tổ tiên của người Việt. Vì vậy, cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở một số nước đã về Đền Hùng xin đất, nước, chân nhang thờ cúng Tổ tiên và lập đền thờ các Vua Hùng.

Trong quá trình chiến tranh

Trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, người Việt Nam luôn tôn vinh các Vua Hùng là ông Tổ của mình và lấy đó làm điểm tựa tinh thần, đức tin vào sự linh thiêng huyền diệu của Tổ tiên để chiến thắng thiên tai, giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn bờ cõi. Truyền thuyết tại Đền Hùng đã ghi lại: Sau khi được Vua Hùng thứ 18 nhường ngôi, Thục Phán đã dựng Cột đá thề trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh và thề nguyện sẽ trọn đời bảo vệ giang sơn, gấm vóc mà Vua Hùng trao lại và đời đời hương khói trông nom lăng miếu Tổ tiên. Những năm đầu công nguyên (40 - 43), Hai Bà Trưng phát động cuộc khởi nghĩa chống quân Hán đã đọc lời thề trên cửa sông Hát "Một xin rửa sạch nước thù/ Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng", các tài liệu sử sách sớm nhất ghi chép về thời đại Hùng Vương là " Đại Việt sử lược" và "Đại Việt sử ký toàn thư" đã khẳng định và lý giải về nguồn gốc, nguồn cội chung của dân tộc Việt Nam - các Vua Hùng. Thời Hậu Lê năm Hồng Đức thứ nhất đã cho soạn "Ngọc phả Hùng Vương" đã chép "Từ đời nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần rồi đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa (Cổ Tích)", ở đây nhân dân toàn quốc đều đến lễ bái để tưởng nhớ công lao của đấng Thánh Tổ xưa"...

Thời nhà Nguyễn kinh đô đặt tại Huế, năm 1823 vua Minh Mạng đã cho rước bài vị thờ Hùng Vương vào thờ ở miếu Lịch đại Đế Vương, còn tại Đền Hùng thì cấp sắc để phụng thờ.

Từ khi nước nhà được độc lập

Từ khi nước nhà được độc lập Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn đặc biệt quan tâm tới việc thờ tự các Vua Hùng thông qua nhiều hoạt động trong đó có đầu tư nguồn kinh phí nhằm tu bổ, tôn tạo Khu di tích lịch sử Đền Hùng ngày càng khang trang hơn, xứng tầm là nơi thờ tự Tổ tiên chung của dân tộc: Ngày 18 tháng 2 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 22C NV/CC quy định về những ngày lễ lớn hàng năm, trong đó có ghi giỗ Tổ Hùng Vương được nghỉ 1 ngày. Trong ngày giỗ Tổ Hùng Vương năm Bính Tuất (1946) - năm đầu tiên của Chính phủ mới được thành lập, cụ Huỳnh Thúc Kháng - Quyền Chủ tịch nước về dự giỗ Tổ và dâng tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm nhằm kính cáo với Tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái, dân an, thiên hạ thái bình thịnh trị, cùng nhau đoàn kết đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ của đất nước. Ngày 19 tháng 9 năm 1954, sau khi lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Đền Hùng. Tại đây, Người đã gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên Phong trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên Phong, đây cũng là lời căn dặn đồng bào cả nước "Các Vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Ngày 2 tháng 4 năm 2007, Quốc hội đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày giỗ Tổ Hùng Vương (mồng 10 tháng 3 âm lịch).

Từ khi nước nhà được độc lập

Hàng triệu người dân đất Việt hành hương về với Đền Hùng  cội nguồn của dân tộc Việt Nam trị ân công đức Tổ tiên

Nghi lễ tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương

Nghi lễ tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương được quy định cụ thể, chặt chẽ thể hiện sự tôn kính của các triều đại và nhân dân đối với Tổ tiên. Trong cuốn "Ngọc phả Hùng Vương" do Trực học sỹ Nguyễn Cố soạn năm 1470 đã ghi lại: "... Phụng ban hương Trung Nghãi (Cổ Tích) làm dân Trưởng tạo lệ, cấp 500 mẫu ruộng tại xã Hy Cương, lại cho thu thuế ruộng từ của một vùng trên từ Tuyên Quang, Hưng Hóa, dưới Việt Trì làm hương hỏa phụng thờ". Đến thời nhà Nguyễn, định lệ 5 năm mở hội lớn một lần (vào các năm thứ 5 và 10 của thập kỷ), đến năm Khải Định thứ 2 (1917) đã ấn định ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm làm ngày Quốc tế, còn ngày giỗ 11 tháng 3 âm lịch do dân sở tại làm lễ. Hiện nay, nội dung bia ghi về "Điển lệ miếu thờ Hùng Vương, niên hiệu Khải Định thứ 8 (1923) có đoạn ghi: "Phụng sao văn bản của Bộ lễ định ngày Quốc tế": Từ nay về sau lấy ngày mùng 10 tháng 3, lĩnh tiền chi vào việc công, phụng mệnh kính trước một ngày so với ngày quốc tế của bản hạt. Lễ nghi vào ngày hội kỷ niệm hàng năm: Chiều ngày mùng 9 tháng 3 các quan liệt hiến trong tỉnh cùng các quan viên trong các phủ, huyện của tỉnh đều mặc phẩm phục tề tựu, túc trực tại nhà Công Quán. Sáng sớm hôm sau (mồng 10 tháng 3) đến miếu kính lễ. Lễ phẩm dùng cho ngày này gồm: Bò, dê, lợn, xôi. Trước kỳ này, vị Hội trưởng thông báo cho các hội viên trong hội đồng bàn bạc trình tại Phủ đường thẩm xét, trích số tiền lợi tự điền bao nhiêu, cùng số tiền 100 đồng do Nhà Nước cấp mỗi năm, giao cho quan Phủ Lâm Thao nhận lấy mua lễ phẩm và chi tiêu vào các khoản...

Ngày nay

Ngày nay, giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm là ngày lễ lớn - Quốc Lễ của cả nước và được Chính phủ quy định cụ thể về quy mô tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương theo năm chẵn, năm tròn và năm lẻ (Nghị định số 82/2001/NĐ-CP của Chính phủ quy định về Nghi lễ Nhà nước và đón tiếp khách nước ngoài). Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản số 796/HD-BVHTTDL ngày 18/3/2009 hướng dẫn Nghi thức tưởng niệm Các Vua Hùng trong ngày giỗ Tổ Hùng Vương về tổ chức nghi thức lễ đối với tỉnh Phú Thọ (nơi có Di tích lịch sử Đền Hùng) và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có đền thờ Vua Hùng, các di tích liên quan đến các Vua Hùng và những địa phương không có đền thờ Vua Hùng tổ chức nội dung và nghi lễ trong ngày giỗ Tổ 10 - 3 về lễ phẩm (gồm bánh chưng, bánh dầy và hương, hoa, nước, trầu, cau...); quy định trang phục của Chủ lễ, các đại biểu dự lễ; nhạc lễ sử dụng trong Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt và thống nhất sử dụng trong toàn quốc...

Như vậy, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong tiến trình lịch sử luôn là yếu tố nội sinh của văn hóa dân tộc Việt Nam, góp phần hun đúc lòng tự hào và tạo nên tinh thần đoàn kết, yêu nước thương nòi, dân tộc Việt Nam cùng một dòng máu Lạc Hồng, cùng một bọc mẹ sinh ra luôn được bảo tồn và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác: “Con người có Tổ, có Tông như cây có cội, như sông có nguồn”, “Cây có cội, nước có nguồn”... Có Tổ, có Tông là ý thức người Việt thờ cúng các Vua Hùng chính là để tôn vinh dân tộc mình. Đền Hùng không phải là gốc của một tôn giáo, các Vua Hùng không phải là giáo chủ, người Việt thờ Hùng Vương không có học thuyết và cũng không hề có giáo hội truyền bá, nhưng từ hàng ngàn đời nay, người Việt vẫn hành hương về nơi cội nguồn đất Tổ để tri ân các Vua Hùng - những người đã có công dựng nước, giữ nước. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - thờ cúng ông Tổ chung của cả nước, có lẽ hiện nay trên thế giới chỉ có duy nhất dân tộc Việt Nam, đó là bản sắc văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của dân tộc Việt Nam.

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống có ý nghĩa đặc biệt, tiêu biểu và đặc sắc của dân tộc Việt Nam trong việc tôn vinh và thờ cúng các Vua Hùng - ông Tổ chung của cả dân tộc Việt, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, sự đồng thuận của các cấp, ngành Trung ương, của tỉnh Phú Thọ và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh chúng ta tin tưởng rằng "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" sẽ được Tổ chức Khoa học, Văn hóa và Giáo dục của Liên Hiệp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nguồn: denhung.org.vn

 

 

89 9 98 187 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==