Thị trấn Tam Đảo thuộc tỉnh Vĩnh Phúc là nơi có khí hậu mát mẻ quanh năm và được rất nhiều du khách trong và ngoài nước lựa chọn làm điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng. Không chỉ được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho khí hậu trong lành mát mẻ, cảnh đẹp hữu tình, Tam Đảo còn có rất nhiều món ăn ngon.
Ăn sáng ở Tam Đảo, Gợi ý những món ăn ngon nhất ở Tam Đảo
Dưới đây tôi sẽ giới thiệu cho các bạn những món ăn sáng khi du lịch Tam Đảo.
Những món ăn sáng ở Tam Đảo
Xôi đen Tam Đảo
Người dân tộc ở Tam Đảo nấu xôi với nước lá lau và lá bánh tẻ giã nhuyễn, tạo thành màu xanh đen tự nhiên, thẫm bóng. Gạo nếp ngon ngâm từ 2 – 3 ngày nên nở hạt tròn căng, thơm mềm. Xôi đen tốt cho tiêu hóa, bổ máu, chữa đau đầu, ốm yếu nên không chỉ là món ăn mà còn là bài thuốc. Ngoài ra, ở Tam Đảo còn có các loại xôi ngũ sắc làm từ quả rôm, quả dành dành.
Bánh cuốn Tam Đảo
Không sở hữu nhiều nét khác biệt, nhưng hương vị của loại bánh chế biến từ gạo trên rẫy thơm lừng lại là điều du khách sẽ nhận ra ngay. Món bánh cuốn Tam Đảo ăn cùng thịt lợn đồi nướng xiên rất hợp vị, nếu không thậm chí bánh cuốn ở đây còn có thể ăn với trứng chiên, thịt luộc.
Bánh trùng mật mía Vĩnh Tường
Bánh trùng mật mía là đặc sản nổi tiếng Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, loại bánh lại được là từ những nguyên liệu hết sức dân giã và bình dị. Đó là gạo nếp và mật mía. Để có được món bánh thơm ngon, đầu tiên cần phải lựa chọn được loại gạo nếp ngon, hạt to đều, trắng thơm. Gạo được vo sạch và ngâm nước qua 1 đêm để tạo ra loại bột bánh dẻo quyện. Sau khi gạo được ngâm nước đủ lâu, đem đi nghiền thành bột min. Bột bánh cần có độ mềm vừa phải không quá cứng cũng không quá mềm. Bột được viên thành những miếng có hình quả tram, kích cỡ lớn hơn viên bánh trôi 1 chút. Bánh trùng sẽ không có nhân mà chỉ là bột nếp viên lại như vậy. Hương vị của bánh được tạo nên chủ yếu từ thành phần mật mía.
Điều đặc biệt của món bánh trùng mật mía đó là bánh không phải được luộc với nước sôi mà luộc bằng mật mía. Mật mía làm bánh muốn ngon thì phải lựa chọn được loại mật của làng Tân An. Vì Tân An là làng nghề sản xuất mật mía truyền thống của huyện Vĩnh Tường. Mật của làng này có mùi thơm của mía nướng, sánh đặc và màu đỏ đậm. Chính nhờ loại mật mía ấy mà bánh trùng có được màu đỏ nâu rất đẹp và mùi thơm hấp dẫn.
Món súp Tam Đảo
Trong tiết trời se lạnh buổi sớm tại Tam Đảo, được thưởng thức các món súp nóng hổi vừa ấm dạ, vừa thấy sảng khoái. Món súp giàu dinh dưỡng sẽ tiếp thêm năng lượng để bạn trải nghiệm các địa điểm tham quan tại Tam Đảo.
Bánh Tro Tam Đảo
Loại bánh này được làm từ gạo nếp cộng với nước tro tinh khiết từ vỏ đỗ tương và măng tre được phơi khô. Điểm đặc biệt của loại bánh này là không có nhân nhưng khi thưởng thức mà chấm với mật thì ăn rất mát và rất ngon.
Bánh tro chấm mật là loại bánh điển hình của người Sán dìu đặc biệt là ở xã Đạo Trù. Theo tôi được biết, con gái Sán Dìu phải biết gói bánh trước khi đi lấy chồng, con gái Sán Dìu ít nhất phải biết làm 4 loại bánh: Bánh trưng Gù, bánh Trôi, bánh Dậm và bánh Tro, bánh Tro là bánh kỳ công hơn cả 3 loại bánh trên. Bánh Tro chấm mật theo tiếng Sán Dìu được gọi là "Bánh Lảng chấm mật".
Ngoài ra còn có một số đặc sản ở Tam Đảo như:
Rau và quả su su
Món ngon nổi tiếng nhất Tam Đảo là su su, bạn có thể nhìn thấy su su được trồng ở mọi nơi trong thị trấn Tam Đảo. Một điều đặc biệt là Su Su trồng ở thị trấn Tam Đảo sau khi chế biến vẫn giữ được màu xanh tự nhiên, độ giòn, vị ngọt và hương thơm đặc trưng.
Su su ở Tam Đảo trồng quanh năm, từ năm này qua năm khác, điểm đặc biệt ở Tam Đảo là su su không cần chăm sóc, không bón phân, cứ thế tự phát triển, sinh sôi. Cứ ba ngày người dân lại cắt ngọn một lần để lấy rau su su ăn và để hạn chế việc ra quả, bởi su su ở Tam Đảo chủ yếu lấy ngọn chứ không thu hoạch quả.
Ngoài thưởng thức rau su su bạn còn có thể mua một ít bánh su su về làm quả, bánh su su được sản xuất công nghiệp phân phối trên toàn quốc, bạn có thể mua những gói bánh này ngay tại chợ Tam Đảo.
Măng rừng
Măng Tam Đảo chủ yếu là măng sặt và măng nứa, thân nhỏ. Măng chặt về, bóc nõn, bỏ hết vỏ rồi ngâm nước muối, trần qua nước sôi đem bỏ vào bình, thêm giấm, tỏi, ớt là có thể để lâu ngày. Ngoài ra, củ măng tươi khi luộc lên, chấm mắm tôm, chanh ớt, khi ăn cầm trực tiếp bằng tay mới thấy hết cái thú ăn chơi của người vùng núi.
Thịt bò tái kiến đốt
Nếu chưa từng biết đến Tam Đảo thì chắc chắn đây là lần đầu tiên bạn được nghe đến món ăn này. Thịt bò được cắt lát to, mang đến treo cạnh ổ kiến trên cây. Đợi sau khi bầy kiến bám kín và đốt miếng thịt, người ta sẽ mang về rửa sạch rồi nướng trên bếp than. Điều đặc biệt là mỗi loại kiến sẽ tạo ra một hương vị khác nhau. Nước chấm ăn cùng món này là một loại tương làm từ ngô và đậu tương, pha cùng với đường, gừng thái sợi. Ăn kèm với rau ngổ, rau thơm, khế và chuối chát.
Hy vọng qua bài tổng hợp này du khách sẽ có những kiến thức nhất định về ẩm thực bữa sáng, cũng như là một số món đặc sản tại Tam Đảo.
PV&BT: Bùi Lê Lâm Hoa