Bắc Kạn là tỉnh giàu tiềm năng du lịch bởi sự phong phú của tài nguyên, khoáng sản và nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc miền núi đông bắc Việt Nam. Bắc Kạn được tự nhiên ưu đãi cho nhiều tiềm năng phát triển kinh tế xã hội với nguồn tài nguyên rừng, đất rừng, khoáng sản phong phú và vườn Quốc gia Ba Bể, nơi có hồ Ba Bể – một trong 20 hồ nước ngọt lớn trên thế giới…
Cùng nhiều di tích lịch sử lâu đời gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử. Cùng với đó tại Bắc Kạn cũng tồn tại vô số các hang động tự nhiên với vẻ đẹp mê hồn đối với các du khách ưa thích khám phá, mạo hiểm. Bắc Kạn còn thu hút du khách bởi hình thức du lịch cộng đồng, sinh sống và tìm hiểu phong tục văn hóa cùng với đồng bào các dân tộc. Tuy hiện nay du lịch Bắc Kạn chưa phát triển nhưng cũng là một trong những địa điểm hấp dẫn vùng Đông Bắc mà các bạn không nên bỏ qua.
Nên đi Bắc Kạn mùa nào ?
Khí hậu Bắc Kạn
Bắc Kạn nằm hoàn toàn trong vành đai nhiệt đới khu vực gió mùa Đông Nam Á. Ở vị trí này, Bắc Kạn có sự phân hóa khí hậu theo mùa rõ rệt.
Với chế độ nhiệt đới gió mùa, một năm ở Bắc Kạn có hai mùa rõ rệt: mùa mưa nóng ẩm từ tháng 5 đến tháng 10, chiếm 70 – 80% lượng mưa cả năm; mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, lượng mưa chỉ chiếm khoảng 20 – 25% tổng lượng mưa trong năm, tháng mưa ít nhất là tháng 12.
Do nằm giữa hai hệ thống núi cánh cung miền Đông Bắc nên Bắc Kạn chịu ảnh hưởng mạnh của khí hậu lục địa châu Á, thời tiết lạnh về mùa đông, đồng thời hạn chế ảnh hưởng mưa bão về mùa hạ
Do ảnh hưởng của vị trí địa lý, địa hình, địa mạo nên khí hậu Bắc Kạn có những nét đặc trưng như: nhiệt độ trung bình hàng năm từ 20 – 220C, nhiệt độ thấp tuyệt đối -0,10C ở thị xã Bắc Kạn và -0,60C ở Ba Bể, -20C ở Ngân Sơn, gây băng giá ảnh hưởng lớn đến cây trồng, vật nuôi.
Độ ẩm trung bình trên toàn tỉnh là 84%. Bắc Kạn có lượng mưa thấp so với các tỉnh Đông Bắc do bị che chắn bởi cánh cung Ngân Sơn ở phía Đông Bắc và cánh cung Sông Gâm ở phía Tây Nam.
Bên cạnh những thuận lợi, Bắc Kạn cũng có nhiều khó khăn do khí hậu như sương muối, mưa đá, lốc… làm ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động kinh tế trong tỉnh.
Du lịch Bắc Kạn mùa nào đẹp ?
Khí hậu trên Bắc Kạn rất mát mẻ nên bạn có thể đi vào bất cứ thời điểm nào trong năm, nhưng thời điểm lý tưởng nhất là vào mùa hè (tháng 5-7) vì đây là lúc Bắc Kạn có cảnh sắc thiên nhiên tuyệt diệu nhất.
Những địa điểm du lịch Bắc Kạn mùa hè
Hồ Ba Bể
Hồ Ba Bể - 1 trong 20 hồ nước ngọt đẹp nhất thế giới (xếp hạng bởi UNESCO) - là địa danh nổi tiếng thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch tham quan mỗi năm. Cách Hà Nội khoảng 230km về hướng bắc, hồ Ba Bể thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Hồ được hình thành trong một cuộc kiến tạo lục địa Đông Nam Á vào khoảng 200 triệu năm về trước.
Người dân Bắc Kạn gọi Hồ Ba Bể là trái tim xanh của của Vườn quốc gia Ba Bể bởi vai trò điều tiết nguồn nước cho những khu vực xung quanh.
Nằm ở độ cao khoảng 150m so với mực nước biển, Hồ Ba Bể có độ sâu vào khoảng 20m, có nơi sâu nhất là 35m với khoảng 9 triệu m3 nước và được bao quanh bởi những dãy núi đá hùng vĩ và bạt ngàn những cánh rừng nhiệt đới. Cấu tạo ảnh hưởng từ cơ chế địa chất và thủy văn đã khiến cho hồ trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết, nhưng độc đáo nhất phải kể đến là hồ chưa bao giờ cạn nước.
Mùa hè, bầu trời cao và xanh hơn, soi bóng xuống mặt hồ một màu xanh thẳm cùng với những cơn gió nhè nhẹ thoảng qua. Du khách có thể đi dạo quanh hồ, ngắm nhìn cảnh sắc núi non hùng vĩ và chụp hình, ghi lại những khoảnh khắc để đời tại một trong những hồ nước đẹp nhất thế giới này.
Quanh khu vực Hồ Ba Bể cũng có rất nhiều thắng cảnh đẹp khác có thể kể đến như đền An Mạ, đảo Bà Góa, Ao Tiên... Đảo Bà Góa là một ốc đảo bé nhỏ, giống một hòn non bộ nằm giữa lòng hồ với nét trầm mặc, tĩnh lặng qua năm tháng. Người ta kể rằng đảo được hình thành từ một sự tích về một trận hồng thủy cách đây hàng ngàn năm. Khi ấy, có hai mẹ con người phụ nữ góa chồng đã quả cảm cứu cả dân làng qua trận thiên tai chỉ nhờ vào hai hạt trấu được một con giao long ban tặng. Từ ấy, người ta đặt tên hòn đảo (chính là nơi sinh sống của người đàn bà góa) là Đảo Góa để tưởng nhớ và bày tỏ lòng thành với công lao to lớn của bà.
Thác Đầu Đẳng
Thác Đầu Đẳng nằm giữa hai dãy núi đá vôi trên dòng sông Năng, nơi tiếp giáp giữa Bắc Kạn và Tuyên Quang. Sông Năng sau khi luồn dưới núi Lũng Nham tạo thành động Puông, khi chảy đến bản Húa Tạng thì bị chặn lại bởi hàng trăm tảng đá lớn, nhỏ xếp chồng lên nhau với độ dốc chừng 500m, tạo thành một thác nước kỳ vĩ ba bậc, mỗi bậc thác cách nhau từ 3-4m theo chiều dài. Khu vực này cũng là nơi xuất hiện loại cá chiên, một trong những loài cá hiếm thấy hiện nay với nhưng con có cân nặng hàng chục kg.
Thác Bạc
Thác Bạc nằm ở địa bàn xã Hoàng Trĩ thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Ba Bể. Từ đỉnh đèo Khau Vàng nhìn Thác Bạc như một dải lụa trắng, là điểm du lịch lý tưởng cho những ngày hè oi bức.
Thác có chiều cao khoảng 40m, có vách đá gần như thẳng đứng, ẩn trong màu xanh của rừng cây, phía dưới có các vũng nước trong vắt cùng với những hòn đá to, thoai thoải, bạn có thể tắm, hưởng thụ một không gian yên bình tại đây. Dòng chảy của nước hiền hòa mà cuồn cuộn đổ xuống từ trên cao, đập mạnh vào những tảng đá dưới chân thác làm tung lên hàng ngàn bọt nước trắng xóa. Cảm giác được ngâm mình thư giãn trong dòng nước mát rượi, bao mệt nhọc sẽ tan biến, chỉ còn lại sự thư thái đầy sảng khoái. Thác Bạc mang vẻ đẹp của thiên nhiên hoang sơ thuần khiết. Ngắm thác bạc, bạn như được đi vào một không gian thiên nhiên mênh mông, dù đã được Vườn Quốc gia Ba Bể đưa vào khai thác du lịch nhưng không gian nơi đây vẫn còn rất hoang sơ. Nước của con thác từ dòng suối đổ về, những khối đá chắn lại tạo thành những tầng bậc. Lúc thì dịu dàng lách qua những hòn đá để chảy về hạ nguồn, lúc thì tuôn trào dữ dội. Vào mùa mưa, nước từ trên cao đổ xuống tạo thành cuộn sóng lớn, không khí mát rượi, thiên nhiên thuần khiết, hiện nay thác được nhiều bạn tìm đến tham quan tắm mát trong những ngày hè.
Đứng ở dưới thác tầng một nhìn lên, bạn sẽ thấy thác đẹp như một bức tranh nhiều màu sắc, màu trắng trong tinh khiết của nước, màu tím, hung của đá, xen lẫn với màu xanh của cây rừng, tất cả sẽ làm bạn ấn tượng khó quên biết nhường nào. Nghỉ ngơi một lát, bạn đi tiếp đến điểm thác tầng 2 là điểm lý tưởng để thưởng thức dòng nước sạch trong mát và có thể dùng lực chảy của dòng nước để mát-xa đôi bàn chân sau chặng đường dài. Đến Thác Bạc, bạn sẽ cảm nhận được sự hùng vĩ trong sự bình yên, hoang sơ của núi rừng, không khí trong lành, tinh khiết mà man mác hương hoa rừng, tất cả sẽ là những giây phút khó quên để một lần đến rồi lại muốn nhiều lần đến nữa.
Thác Nà Khoang
Thác Nà Khoang nằm cách trung tâm thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn khoảng 6 km. Thác nằm ở chân Đèo Gió, cạnh quốc lộ 3 và khu vực thác có diện tích khoảng 12 ha. Thác Nà Khoang là nơi hợp thành của hai con suối lớn, suối Nà Đeng chảy qua khe núi Lũng Chang, một con suối nhỏ bắt nguồn từ đỉnh núi Phia Sliểng chảy từ hướng Tây Nam xuống khoảng 88 m thì hợp thủy với dòng suối Nà Đeng, với độ dốc lớn đã tạo thành hệ thống thác 4 tầng dài khoảng 600m, chiều rộng trung bình 15m, sau đó chảy xuống suối Bản Mạch. Phía trên thác còn có một hồ nước nhỏ trong xanh có thể sử dụng làm nơi bơi lội.
Ao Tiên
Nằm ở góc “hồ ba” của Hồ Ba Bể, Ao Tiên là một hồ nước nhỏ xinh xắn nằm lọt giữa lòng chảo đá vôi biệt lập với hồ chính. Từ bờ hồ chỉ đi bộ một chút là bạn có thể tới được ao. Ao được nuôi dưỡng bởi nước ngầm thấm qua đá ở xung quanh, làm cho Ao Tiên có cùng mực nước với Hồ Ba Bể.
Ao Tiên là nơi ở của một số loài cá địa phương và các động vật dưới nước khác. Những người đánh cá địa phương thỉnh thoảng đến đây đánh bắt cá, mặc dù chắc chắn rằng đây là nơi dành cho sự yên tĩnh và tách biệt hơn là để hy vọng đánh bắt lớn. Giống như các đặc trưng riêng biệt của Ba Bể, Ao Tiên gợi lên truyền thuyết địa phương; cái tên “Ao Tiên” muốn nói đến một câu chuyện về một người thợ săn trong lúc qua Ao Tiên đã bị hút hồn bởi vẻ đẹp của các nàng tiên đang tắm trong ao.
PV&BT: Trần Thị Thuỳ Linh