Bản du lịch cộng đồng Tà Số thuộc địa phận xã Chiềng Hắc được ví như một cao nguyên trên cao nguyên của huyện Mộc Châu, Sơn La đang là điểm đến mới lạ khiến những tín “đồ đam mê xê dịch” phải sốt xình xịch”. Nơi hội tụ vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, văn hoá nguyên sơ bản sắc đậm đà và phong tục đời sống đặc trưng của người H’Mông.
Bản Tà Số - Điểm hẹn mới trên cao nguyên Mộc Châu
Thiên nhiên hùng vĩ, thanh bình của Hang Táu, Bản Nguyên Thuỷ
Nằm chót vót trên cao cách mặt đường quốc lộ 6 địa phận Mộc Châu chừng 7 km đường dốc mới được đổ bê tông là bản Tà Số với phiến đá lũa đen quý kiếm khắc dòng chức. “ WELCOME TO TÀ SỐ KÍNH CHÀO QUÝ KHÁCH”. Đây là một khu vực rộng lớn với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ nhấp nhô núi đồi nhìn xuống những thung lũng xanh rì là những cánh đồng ngô, sắn, mận đào của người dân bản. Những con đường đất đá dốc cao, khúc khuỷ xuyên qua những khoảng rừng để đến Hang Táu, bản “Nguyên Thuỷ” bình yên đẹp đên nao lòng. Đến với Tà Số là hoà vào thiên nhiên đất trời để tận hưởng không khí trong lành, tươi mát của thảm cỏ mênh mông, khám phá những hang động kỳ thú có một không hai, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những loài vườn đồi, thung lũng hoa đào, hoa mận rực rỡ và đặc biệt là những trải nghiệm tự tay hái lượm trái cây ngay tại những ngôi nhà trong bản. Nếu như trước đây đến với cao nguyên Mộc Châu, du khách thường đến với những vườn cải trắng, con đường hoa Ban, hoa Dã Quỳ, đồi chè trái tim hay rừng thông bản Áng thì nay bản du lịch cộng đồng Tà Số sẽ một điểm hẹn mới đầy thú vị để du khách bổ sung vào hành trình của mình.
Nguyên sơ phong tục người Mông ở Tà Số
Bản Tà Số hiện nay có gần 200 hộ với hơn 1115 nhân khẩu, đây là nơi sinh sống của đồng bào tộc người Mông Hoa (Đỏ) vẫn còn giữ được nguyên bản văn hoá, phong tục. Bước vào bản Tà Số ta thấy ngay được nét văn hoá đặc trưng của những nếp nhà gỗ trình tường ba gian hai trái, dù to hay nhỏ cũng đều thống nhất theo một khuôn mẫu truyền thống. Đặc biệt, các ngôi của người H’Mông không nằm dính sát vào nhau, kể cả anh em ruột thịt. Người Mông quan niệm khi làm ma tươi cho người chết, người ta có tục lệ thổi khèn, kèn, tù và, vác nỏ đi vòng quanh nhà 3 lần đi, 5 lượt về (đối với nam giới), 5 lượt đi và 7 lượt về (đối với nữ giới) để xua đuổi các loại ma đói, ma yểu khỏi về quấy rầy người chết. Chính vì vậy, người Mông cho rằng nếu làm nhà dính vào nhau, khi nhà có tang ma sẽ không tiến hành được nghi lễ trên thì coi như đám ma ấy không làm đúng luật lệ tổ tiên đã quy định, không đảm bảo cho người chết được yên ổn trong cõi vĩnh hằng.
Trang phục truyền thống của dân tộc Mông là trang phục rất đặc biệt. So với truyền thống người Mông xưa thì nay đã có sự cách tân đều có chủ đích riêng để làm nổi bật thêm những nét độc đáo, riêng có của bộ trang phục này. Trong đó, trang phục nổi bật và đặc biệt nhất phải kể đến là váy của phụ nữ Mông. Những chiếc váy có hình nón cụt, phần eo hông bó sát, phần thân váy xòe rộng do kỹ thuật xếp nếp sóng váy độc đáo, thân váy được trang trí bằng hoa văn vẽ từ sáp ong, ghép vải màu với những hoạ tiết bậc thang, đan chéo.
Nguời Mông ở Tà số thân thiện, hiếu khách
Ai đã từng đến bản Tà Số đều có chung một nhận định về con người nơi đây, sự thân thiện, hiếu khách có lẽ đã là bản tính sẵn có chứ không phải trạng thái của những người làm phục vụ du lịch. Từ cụ già cao tuổi, các cháu nhỏ ngây thơ, người giữ chức sắc trưởng bản hay thường dân đều rất đôn hậu và chất phác. Đi khắp bản, gặp gỡ, tiếp xúc với họ du khách đều thấy sự chân thành, nhiệt tình, khách muốn hái mận, hái đào đều được vui vẻ cho phép, khách cần chụp ảnh, xin nước hay cần chỉ đường… cũng đều được chỉ dẫn cặn kẽ. Trên hết, điều làm du khách sững sờ nhất là sự thông thái của người Mông, họ không chỉ hiền lành, thật thà, chân chất mà còn rất có sự biết rộng, hiểu sâu về xã hội, văn hoá giao tiếp và tâm tư tình cảm của du khách trong nước và quốc tế. Bản tính cần cù, chịu thương chịu khó được thể hiện qua những hình ảnh hăng say lao động trên những cánh đồng dưới thung lũng, thửa ruộng bậc thang, nương ngô, xắn lưng chừng đồi hàng ngày khiến du khách dễ dàng có những bức ảnh đẹp mỗi hành trình trải nghiệm tại Tà Số.
Sản vật phong phú, ẩm thực thơm ngon của người Mông ở Tà Số
Hiếm có nơi nào trên thế giới được thiên nhiên ưu ái cho địa hình, khí hậu và thổ nhưỡng tốt như ở Tà Số. Có lẽ chính vì vậy mà các loại nông sản ở đây đều có hương vị thơm ngon hơn hẳn ở những vùng khác. Khi du khách thưởng thức những quả dâu tây chín mọng ngọt thanh, thơm lừng, hay tấm tắc với mận hậu chín cây ròn ngon được ví như những viên “ Ruby – Hồng ngọc. Đào đỏ ở đây 100% là chín cây đở thắm bên ngoài, vàng ươm bên trong, róc hạt không dính không sơ khác biệt hẳn đào ở nơi khác. Ẩm thực của người Mông ở Tà Số cũng được đánh giá rất cao, món lợn bản đen, mõm dài được nuôi thả tự nhiên tự tìm kiếm thức ăn quanh bản và tìm về chỗ ngủ quanh mỗi hiên nhà nên cho chất lượng thịt tuyệt vời. Các giống gà được nuôi thả trong các vườn đào, vườn mận, kiếm ăn tự nhiên, ngủ trên các cành cây nên thịt săn chắc, thơm ngon vô cùng, ngoài ra những món ăn truyền thống như Thắng cố, bánh dày dã tay truyền thống là những tinh hoa ẩm thực của người Mông.
Sự hoà quện vẻ đẹp thiên nhiên, nét văn hoá truyền thống, sự thân thiện, hiếu khách cùng sản vật và ẩm thực tạo nên một sự cuốn hút không thể khước từ với du khách đến với Bản Tà, một viên ngọc đang dần toả sáng trên bản đồ du lịch của Mộc Châu, Sơn La nói riêng và Việt Nam nói chung.
Andrew Nguyen