Tây Nguyên – vùng đất cao nguyên hùng vĩ của Việt Nam không chỉ nổi tiếng với những cảnh quan thiên nhiên thơ mộng mà còn là nơi cư trú của nhiều dân tộc và tôn giáo khác nhau. Đó là những dân tộc nào và họ theo tôn ngưỡng gì? Hãy cùng VietSense tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Đặc sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên
Tây Nguyên có 49 dân tộc cùng chung sống, trong đó bao gồm 12 dân tộc bản địa và 37 dân tộc từ nơi khác đến. Dân tộc thiểu số có 375.825 người, chiếm tỷ lệ 7,48%; có 8 dân tộc ít người chiếm tỷ lệ 0,01% dân số.
Vì nơi đây chiếm hầu hết các dân tộc ở Việt Nam, nên nền văn hóa được xem như một đậm đà bản sắc dân tộc nhất của cả nước. Điều đó thể hiện qua sự đa dạng về ngôn ngữ, chữ viết, tiếng nói và phong tục của đồng bào nơi đây.
Văn hóa cồng, chiêng Tây Nguyên - Di sản văn hóa phi vật thể
Cồng chiêng là loại hình nghệ thuật gắn bó mật thiết với lịch sử và văn hóa của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên sống dọc dải Trường Sơn, bao phủ các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, và Lâm Đồng.
Các dân tộc sử dụng cồng, chiêng ở Tây Nguyên hiện nay: Ê Đê, Ba Na, Mạ, Lạch, Xê Đăng, và Gia Rai.
Đối với các tộc người Tây Nguyên, cồng chiêng là một biểu tượng thiêng liêng, đại diện cho sức mạnh tâm linh, truyền tải niềm vui và nỗi buồn trong cuộc sống. Mỗi chiếc cồng, chiêng đều mang trong mình một vị thần, và càng cổ thì vị thần đó càng có quyền lực lớn.
Cồng chiêng cũng là tài sản quý giá, biểu tượng của sự giàu có và quyền lực trong cộng đồng. Dòng họ nào sở hữu nhiều cồng chiêng sẽ được các dòng họ và làng khác kính trọng và ngưỡng mộ.
Nhà rông - Kiến trúc độc đáo của người Ba Na
Nhà rông của người Ba Na nổi bật với chiều cao ấn tượng, đồ sộ nhưng lại mang nét thanh thoát, tạo nên vẻ uy nghiêm và độc đáo. Với thiết kế đặc trưng hình chữ A, nóc nhà cao khoảng 15 - 20m, trang trí bằng các hoa văn tinh tế trên đỉnh, nhà rông mang vẻ đẹp đặc trưng không lẫn vào đâu được.
Điều làm nhà rông trở nên đặc biệt, đó chính là vai trò của nó trong đời sống cộng đồng. Đây là nơi ngủ bắt buộc của thanh niên chưa lập gia đình, vì họ là lực lượng bảo vệ làng trước những mối nguy hiểm.
Nhà rông thường được xây dựng tại vị trí cao nhất trong làng, có tầm nhìn xa để dễ dàng phát hiện kẻ thù. Đây cũng là "sở chỉ huy" trong các cuộc chiến đấu bảo vệ làng khỏi sự tấn công từ bên ngoài.
Tuy nhiên, nhà rông đã từng trải qua thời kỳ mai một kéo dài, nhưng trong những năm gần đây, phong trào phục dựng nhà rông được đẩy mạnh.
Nghề săn bắt voi của người M’Nông
Đối với các dân tộc khác thì “con trâu là đầu cơ nghiệp”, tuy nhiên đối với đồng bào M’Nông ở Tây Nguyên “con voi mới là đầu cơ nghiệp”.
Từ bao đời nay, người M'Nông ở Buôn Đôn, Đắk Lắk và khắp Tây Nguyên luôn coi voi như một tài sản vô giá. Voi không chỉ là biểu tượng của sức mạnh và sự giàu có mà còn thể hiện tinh thần thượng võ của gia đình và buôn làng.
Sau khi bắt và thuần dưỡng, voi sẽ được đặt tên và chính thức trở thành một thành viên của gia đình, buôn làng. Vì sống gắn bó với thiên nhiên, người M'Nông thấu hiểu rõ tập tính của voi, nên việc thuần dưỡng loài vật khổng lồ này đối với họ trở thành một việc làm tự nhiên và không quá khó khăn.
Hiện nay, việc săn bắt voi rừng đã bị cấm theo luật pháp Việt Nam và các công ước quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã. Qua thời gian, tập tục săn bắt và thuần dưỡng voi không còn nữa. Thay vào đó, người M'Nông duy trì tổ chức lễ cúng sức khỏe cho voi vào dịp đầu mùa Xuân, hoặc tái hiện phong tục này trong các lễ hội voi đặc trưng của vùng.
Các tôn giáo chính ở Tây Nguyên
Tây Nguyên là nơi có sự hiện diệ vô cùng đa dạng của tất cả các tôn giáo đang hoạt động tại Việt Nam như: Công Giáo, Phật giáo, Tin Lành, Cao Đài…
Do nhu cầu tín ngưỡng của người dân bản địa kết hợp với các dòng chảy văn hóa và sự di cư từ các vùng miền khác, Tây Nguyên trở thành khu vực tập trung nhiều dân tộc và tôn giáo. Điều này tạo nên sự phong phú về văn hóa và tín ngưỡng mà hiếm vùng nào trên cả nước có được.
Công giáo
Tây Nguyên là khu vực tập trung đông đảo tín đồ Công giáo, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 30,9% tổng số người theo Công giáo trong toàn vùng.
Công giáo đã du nhập vào Tây Nguyên từ khá sớm, với dấu mốc đầu tiên vào năm 1765 và chính thức phát triển từ năm 1850. Khu vực truyền giáo đầu tiên là Kon Tum, sau đó lan rộng đến Lâm Đồng và Đắk Lắk.
Trong quá trình hình thành và phát triển, Công giáo tại Tây Nguyên đã thiết lập 3 giáo phận: Kon Tum (1932), Đà Lạt (1960) và Buôn Ma Thuột (1967). Hiện tại, vùng này có khoảng 1.126.474 tín đồ, 5 giám mục, hơn 630 linh mục (bao gồm 396 linh mục triều và 234 linh mục dòng), cùng với hơn 2.714 tu sĩ nam nữ.
Phật giáo
Phật giáo tại Tây Nguyên phát triển chủ yếu trong cộng đồng người Kinh, với hơn 600.000 Phật tử.
Tuy nhiên, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo Phật ở khu vực này khá thấp so với các vùng miền khác trên cả nước, dù Phật giáo đã có sự phát triển mạnh mẽ và hoạt động hoằng pháp rộng rãi trên toàn quốc.
Điều này phản ánh sự khác biệt về văn hóa và tín ngưỡng giữa cộng đồng dân tộc thiểu số và cộng đồng người Kinh trong khu vực Tây Nguyên.
Tin Lành
Đạo Tin Lành bắt đầu được truyền bá vào Tây Nguyên từ cuối những năm 1920. Từ đầu thập niên 1990, tôn giáo này bắt đầu phục hồi và phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong các cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đến tháng 12/2020, số tín đồ Tin Lành ở 5 tỉnh Tây Nguyên đạt 529.410 người, trong đó có khoảng 511.450 người là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 96,6% tổng số tín đồ trong khu vực.
Số liệu cụ thể tín đồ theo đạo Tin Lành tại các tỉnh Tây Nguyên:
- Đắk Lắk 186.000 tín đồ
- Gia Lai 152.690
- Lâm Đồng 88.000
- Đắk Nông 76.050
- Kon Tum 17.710
Cao Đài
Đạo Cao Đài bắt đầu lan rộng lên Tây Nguyên từ năm 1938, cùng với chính sách khai thác khu vực này của thực dân Pháp.
Vào thập niên 1950-1960, khi nhiều gia đình từ miền Trung và các tỉnh đồng bằng di cư đến Tây Nguyên lập nghiệp, họ đã mang theo tín ngưỡng Cao Đài. Từ đó, các hệ phái như Cao Đài Chơn Lý, Cao Đài Cầu Kho, và Truyền Giáo Cao Đài cũng dần phát triển tại vùng đất này.
Giống như Phật giáo, đạo Cao Đài chủ yếu lan truyền trong cộng đồng người Kinh, với khoảng 22.000 tín đồ, trong khi số tín đồ người dân tộc thiểu số rất ít.
Trên đây là bài viết giúp du khách biết được Tây Nguyên có bao nhiêu dân tộc. Để hiểu rõ hơn về tour du lịch Tây Nguyên, đừng ngần ngại liên hệ ngay với VietSense Travel - đơn vị lữ hành uy tín sẽ giúp du khách cập nhật mọi thông tin cần thiết cho chuyến đi của mình nhé!
Tây Nguyên có bao nhiêu dân tộc? Các tôn giáo chính ở Tây Nguyên