==HOTLINESHOW== ==HOTLINESHOWOTHER==

Chùa Hương từ lâu đã không còn là cái tên xa lạ đối với mỗi người dân Việt Nam nói chung, đặc biệt là người Hà Nội nói riêng. Cái tên của ngôi chùa đã gắn liền với đời sống tinh thần, tâm linh và ký ức tuổi thơ của biết bao thế hệ, Chùa Hương không chỉ được biết đến là một trong những địa điểm tâm linh, chốn hành hương linh thiêng mà còn nổi tiếng và để lại ấn tượng khắc sâu trong lòng người với vẻ đẹp non nước hữu tình. Lễ hội chùa Hương cũng là một trong những hoạt động nổi bật thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế tham gia hàng năm. Hãy cùng Vietsense Travel tìm hiểu và khám phá xem Chùa Hương ẩn chứa những điều thú vị gì nhé!

Đi lễ Chùa Hương và những điều du khách cần biết

Vị trí của Chùa Hương

Nổi tiếng là vậy, song không phải ai cũng từng được đặt chân đến ghé thăm Chùa Hương linh thiêng, và không phải ai cũng biết được Chùa Hương nằm ở đâu, có những gì nổi bật.

Trên thực tế, Chùa Hương có tên là Hương Sơn, cái tên Chùa Hương là cách nói dân gian đã có từ lâu và thân thuộc hơn với người dân. Chùa Hương có vị trí nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, phía bờ bên phải của Sông Đáy, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 50km. Chùa Hương nằm trong động Hương Tích, còn được gọi là Chùa Trong, là trung tâm của một quần thể văn hóa, tôn giáo Việt Nam bao gồm nhiều ngôi đền, chùa cổ kính, thiêng liêng khác.

Ngôi chùa linh thiêng này đã được xây dựng từ cuối thế kỷ 17, tuy nhiên sau khi trải qua bao thăng trầm của lịch sử và sự khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Pháp, ngôi chùa đã bị tàn phá nghiêm trọng, Thượng tọa Thích Viên Thành dưới sự chỉ dạy của cố Hòa thượng Thích Thanh Chân đã phục dựng lại ngôi chùa vào năm 1988.

Vị trí của Chùa HươngChùa Chính, hay còn gọi là Chùa Trong nằm ở bên trong động Hương Tích khong phải là một công trình kiến trúc được xây dựng bởi con người mà là một động đá thiên nhiên. Lối vào hang có một cổng lớn có ghi 4 chữ Hương Tích động môn. Sau đó là một con dốc dài với lối đi được xây thành 120 bậc thang lát đá. Du khách sẽ nhìn thấy 5 chữ Hán với nội dung Nam Thiên đệ nhất động được khắc ở bên vách động, những bút tích này đã được khắc từ năm 1770 bởi Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm. Ngoài ra, trong động vẫn còn một số bia đá và thi văn đặc sắc khác. Du khách còn có thể chiêm ngưỡng những bức tượng Phật được làm bằng đá xanh vô cùng tinh xảo bên trong động ví dụ như tượng Đức Phật, tượng Quan Âm. Những người hành hương còn truyền tai nhau rằng nếu chạm vào các nhũ đá trong hang sẽ giúp đem lại may mắn.

Với vẻ đẹp hữu tình của thiên nhiên và bầu không khí trong lành, yên bình trong Chùa, khi du khách tới thăm nơi đây sẽ có một cảm giác rất thanh thản và tự tại. Chùa Hương nhộn nhịp nhất là khoảng thời gian diễn ra lễ hội kéo dài từ tháng Giêng tới tháng tư hàng năm. Đường đến chùa cũng rất đẹp và thơ mộng với những hàng cây ăn quả được trồng bởi người dân địa phương. Nếu có cơ hội được ghé thăm Chùa Hương thì du khách còn có thể tham quan các địa điểm thú vị khác trong quần thể bao gồm: đền vọng, Chùa Thiên Sơn, động Thuyết Kinh,...

Lễ hội chùa Hương

Lễ hội Chùa Hương là một trong những sự kiện tôn giáo quan trọng và lớn nhất sau Tết Nguyên Đán ở miền Bắc Việt Nam, mỗi khi lễ hội này được diễn ra, lại có rất nhiều Phật Tử, tín đồ và du khách thập phương đổ về cùng nhau tham dự. Lễ hội này cũng được diễn ra trong khoảng thời gian khá dài, từ ngày mùng 6 tháng Giêng Âm Lịch cho tới tận ngày mùng 6 tháng Ba Âm Lịch. Phần chính của lễ hội thường diễn ra trong khoảng từ ngày 15 đến 20 tháng Hai Âm Lịch.
Lễ hội Chùa Hương được chia làm ba phần chính là lễ dâng hương, lễ rước và lễ thiền. Đây là những sự kiện tâm linh được nhiều tín đồ và du khách quan tâm nhất trong suốt thời gian lễ hội diễn ra. Phật Giáo, Đạo giáo và Nho giáo là ba tôn giáo quan trọng trong lễ hội này. Chính bởi sự nổi tiếng và tầm ảnh hưởng lớn đối với đời sống tâm linh của người Việt Nam mà lễ hội này đã thu hút hàng nghìn lượt khách hành hương tới địa điểm này để mong cầu những điều tốt đẹp, một năm mới bình an. Những người tham gia vào lễ hội chùa Hương đều cố gắng hết sức để vượt qua những chặng đường dài và khó khăn tới Động Hương Tích với niềm tin rằng lòng lành của họ sẽ được các vị thần trên cao nhìn thấu và ban cho họ phước lành và biến những điều ước mà họ mong cầu trở thành hiện thực. Lễ hội là nơi để các du khách được hòa mình và khám phá, tìm hiểu một cách chân thực những nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam. Các trò chơi dân gian truyền thông như thổi cơm, kéo co,... là những yếu tố thu hút đông đảo người chơi tham gia và là một phần quan trọng khiến cho lễ hội càng thêm nhộn nhịp và thú vị. Lễ hội Chùa Hương là một trong những lễ hội có khoảng thời gian diễn ra dài nhất, chính vì vậy mà lượng khách du lịch, các tín đồ từ khắp muôn nơi đến thời điểm này đều rủ nhau kéo về để tham gia lễ hội.

Ngày khai hội là ngày mùng 6 tháng Giêng, lễ hội chùa Hương được kéo dài đến gần hết tháng 3 âm lịch. Dịp lễ hội diễn ra thu hút hàng triệu tín đồ phật tử cùng du khách tứ phương tụ hội về mảnh đất Phật, nơi tu hành của Quan Thế Âm Bồ Tát. Thời điểm đỉnh cao của lễ hội bắt đầu từ rằm tháng Giêng đến 18 tháng 2 âm lịch. Đây được coi là ngày lễ khai sơn của địa phương, cho tới ngày nay, nghi lễ khai sơn - mở cửa rừng còn mang một hàm ý nữa là mở cửa chùa. Phần lễ của lễ hội chùa Hương nhìn chung lại được thực hiện khá đơn giản, trước ngày mở hội thì các đèn chùa, đình miếu trong khu vực này được khói hương nghi ngút trước một ngày.

Lễ dâng hương là lúc các lễ vật như hương, hoa, đèn, nến và hoa quả, đồ ăn chay được dâng lên. Hai tăng ni mặc áo cà sa sẽ mang những đồ lễ này để lên bàn thờ cúng. Trong suốt lễ hội thỉnh thoảng sẽ có các sư đến gõ mõ tụng kinh tại các miếu, đền và chùa trong khoảng nửa giờ còn hương khói tại đây luôn đảm bảo được thắp không bao giờ dứt.

Lễ hội chùa HươngPhần lễ có phần nghiêng về “thiền”, lễ hội là nơi hội tụ của nhiều giáo phái nên du khách khi tới đây sẽ thấy được những đền thờ các vị sơn thần thượng đẳng của Đạo giáo. Đền Cửa Vòng là nơi thờ phụng bà chúa Thượng Ngàn, người cai quản cả một vùng núi rừng rộng lớn bao quanh. Ngoài ra du khách còn cơ cơ hội ghé thăm Chùa Bắc Đài, chùa Tuyết Sơn, chùa Cả và đình Quân thờ ngũ hổ và nhiều tín ngưỡng khác.

Trong lễ hội Chùa Hương còn có mục rước lễ và rước văn. Người trong làng sẽ dinh kiệu tới nhà người soạn văn tế, rước bản văn tế ra đền để chủ tế của buổi lễ trịnh trọng đọc, sau đó sẽ phân công cho các bô lão của ngôi làng làm lễ tế rước các vị thần làng.

Lễ hội chùa Hương là nơi hội tụ các hoạt động văn hóa sinh hoạt các dân tộc vô cùng đa dạng và độc đáo như bơi thuyền, leo núi và hát chèo, hát văn … Vào những ngày tổ chức lễ hội chùa Hương thuyền bè ra vào tấp nập đưa các phật tử và du khách ghé thăm tham quan. Du khách có thể thưởng thức phong cảnh hữu tình và bình yên khi ngồi trên những con thuyền này.

Chuẩn bị hành trang đi lễ Chùa Hương

*Chuẩn bị hành trang:

  • Quần áo phù hợp, lịch sự khi đến những địa điểm tâm linh, du khách nên mang theo mũ và ô dù che chắn, bảo vệ sức khỏe vào những ngày mưa nắng.

  • Dép hoặc giày thể thao để thuận tiện cho việc di chuyển giữa các điểm đến và leo núi

  • Đồ ăn và nước khoáng

*Chuẩn bị đồ lễ: trầu cau, vàng, hương, rượu cúng, hoa quả, chè, bánh kẹo, và tiền lẻ để đặt lên mâm lễ

Chuẩn bị hành trang đi lễ Chùa Hương - Ảnh 1Nếu du khách chưa kịp chuẩn bị từ trước thì cũng có thể yên tâm vì tại đây du khách cũng có thể mua được những đồ lễ này, tuy nhiên giá cả sẽ đắt đỏ hơn do điều kiện tự nhiên là sông nước khó khăn cho việc vận chuyển hàng hóa. Nếu muốn tiết kiệm hoặc chọn lựa được đồ cúng, hoa quả tươi ngon thì du khách nên chuẩn bị tại nhà.

*Những lễ vật cung tiến tại chùa:

– Lễ chay: Du khách cần chuẩn bị mâm lễ có vàng hương, hoa tươi, đăng, trà, hoa quả, và đồ ăn chay dùng để lễ ban Phật, Bồ Tát (du khách có thể sắm lễ cúng có sẵn ở chùa). Lễ chay như trên cũng được dùng để dâng ban Thánh Mẫu. Tuy nhiên nếu dâng ban này, du khách sẽ cần phải sắm thêm một số hàng mã để dâng lên ban như: tiền, vàng, nón, giày,…

– Lễ đồ sống: Lễ này bao gồm muối, gạo và trứng hoặc thịt mồi (một miếng thịt lợn khoảng vài lạng). Đây là lễ được sử dụng dành riêng cho việc dâng cúng lên quan Ngũ Hổ, Bạch xà, Thanh xà đặt ở hạ ban Công Đồng Tứ phủ. Theo lễ thường thì sẽ có 5 quả trứng vịt tươi đặt trong một đĩa có muối, gạo, cùng với đó là hai quả trứng gà tươi đặt trong hai cốc chén nhỏ, và một miếng thịt mồi - thịt tươi sống được chia khía thành năm phần không đứt rời. Kèm theo lễ này du khách còn có thể đặt thêm tiền vàng.

– Lễ Mặn: Lễ này là những món ăn mặn như giò chả, gà, lợn… được chế biến cẩn thận, nấu chín. Nếu du khách chuẩn bị lễ này thì hãy đặt lên bàn thờ Ngũ vị quan lớn tức là ban công đồng.

Chuẩn bị hành trang đi lễ Chùa Hương - Ảnh 2– Cỗ mặn sơn trang: Gồm những món ăn đặc sản truyền thống dễ kiếm của Việt Nam như: cua, ốc, lươn,… kèm với các loại gia vị như mắm, chanh, ớt… Xôi chè được làm từ gạo nếp cẩm cũng thuộc vào lễ cỗ mặn sơn trang. Theo lệ thường, khi người ta sắm lễ mặn sơn trang, họ thường mua sắm theo con số 15: 15 con ốc, cua, 15 quả ớt, chanh hoặc có thể chỉ được chia làm 15 phần… Con số 15 này tương ứng với 15 vị được thờ tại ban sơn trang.

– Lễ thần Thành Hoàng: Người ta thường dùng lễ mặn để dâng lên Thành Hoàng, trong lễ thường có: xôi, rượu ,chân giò lợn luộc, và tiền, vàng hương…

– Lễ ban thờ cô, thờ cậu: Người ta thường sẵm lễ này gồm có oản, hoa quả, hoa tươi, giày, mũ nón, quần áo, gương, lược,... và những đồ chơi dành cho trẻ nhỏ. Những lễ vật này được chuẩn bị và sắp xếp khá cầu kỳ, nhỏ, đẹp và được bọc cẩn thận trong những túi, gói nhỏ xinh xắn, đẹp mắt.

Tất cả các lễ mà Vietsense Travel gợi ý bên trên du khách đều có thể dâng cúng tại các Đền, Miếu, Phủ, Đình… trong quần thể di tích chứ không nhất thiết là phải dâng tại các ban trong chùa. Những vật phẩm lễ dâng lên dù ít hay nhiều đều phải thật, thể hiện được tấm lòng thành và tâm thành của mình để các bậc bề trên chứng cho. Lễ phẩm là cách để biểu hiện tấm lòng thành của mình vậy nên không nên dùng lễ giả để biểu thị tấm lòng chân thành.

Kinh nghiệm đi lễ chùa Hương

Du khách có thể sẽ phải mất đến 2 hoặc 3 ngày thì mới có thể viếng thăm và khám phá hết tất cả các chùa trong quần thể di tích này. Nếu du khách chỉ có thể đi trong ngày thì nên đến thăm đền Trình, chùa Thiên Trù và động Hương Tích là những ngôi đền chùa chính và linh thiêng, nổi tiếng nhất trong khu vực. Du khách có thể sử dụng hệ thống cáp treo hiện đại để di chuyển thuận tiện, đỡ tốn sức và nhanh chóng hơn hoặc có thể tự mình leo núi để thể hiện tấm lòng thành của kẻ hành hương tìm về đất Phật.

Cả quần thể di tích được bao quanh bởi những ngọn núi đá vôi hùng vĩ và huyền bí, du khách chỉ có thể đến chùa Hương thông qua các chuyến đò kéo dài tới 45 phút. Đi thuyền đò dọc theo dòng suối Yến thơ mộng sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm tuyệt vời khi được ngắm cảnh thiên nhiên tuyệt vời và những giây phút tâm tình trở nên tĩnh lặng hơn.

Trái ngược với tình trạng vô cùng đông đúc và tấp nập của mùa lễ hội chùa Hương diễn ra vào mùa xuân thì chùa Hương có không khí tĩnh lặng vào những khoảng thời gian còn lại trong năm. Theo kinh nghiệm du lịch chùa Hương của Vietsense Travel, nếu du khách muốn thoát khỏi sự xô bồ và ồn ào của các thành phố lớn để tận hưởng những giây phút yên tĩnh ở vùng nông thôn bình dị, thì hãy đến thăm chùa Hương vào đầu tháng 4 khi những bông hoa lụa đỏ nở rộ báo hiệu mùa hè( đây là khoảng thời gian sau khi lễ hội kết thúc) hoặc khoảng thời gian giữa tháng 10 và tháng 11.

Kinh nghiệm đi lễ chùa HươngĐến thăm chùa Hương trong thời gian tháng 4, du khách sẽ phải choáng ngợp và ấn tượng bởi vẻ đẹp của những bông hoa đỏ rực rỡ như những đốm lửa khoe sắc dọc bờ suối Yến khi đi thuyền vào chùa.

Vào tháng 11 khi hoa súng bắt đầu nở, những bông hoa tím lộng lẫy điểm xuyết trên mặt dòng suối Yến trong xanh như ngọc tạo nên khung cảnh thơ mộng vô cùng. Ngồi trên những chuyến đò dọc Suối Yến vào những mùa hoa này, du khách sẽ có thể cảm nhận như đang lạc bị vào chốn bồng lai tiên cảnh vô cùng ảo diệu và trữ tình.

Chùa Hương là một quần thể kiến trúc nằm rải rác trong thung lũng Suối Yến, có 4 tuyến hành hương chính mà du khách có thể tham khảo :

Tuyến Hương Tích: Đền Trình – Chùa Thiên Trù – Động Tiên Sơn – Chùa Giải Oan – Đền Trần Song – Động Hương Tích – Chùa Hinh Bồng.

Tuyến Thanh Sơn: Chùa Thanh Sơn – Động Hương Đài.

Tuyến Long Vân: Chùa Long Vân – Động Long Vân – Hang Sũng Sàm.

Tuyến Tuyết Sơn: Chùa Bảo Đài – Động Chùa Cá – Động Tuyết Sơn.

Kinh nghiệm mua vé tham quan chùa Hương

Giá vé tham quan chùa Hương là 80 nghìn đồng/ người với vé thắng cảnh và 40 nghìn đồng/ người vé đi đò. Giá vé cáp treo 2 chiều di chuyển từ chùa Thiên Trù lên tới động Hương Tích 140 nghìn đồng/ người và 90 nghìn đồng/ người cho vé 1 chiều. Vào dịp lễ hội thường du khách và các tín đồ kéo về đây rất đông, du khách nên xếp hàng mua vé sớm từ Ban tổ chức, tránh mua lại vé của các cò vé mời chào tại đây để tránh tình trạng bị chặt chém với giá trên trời.

 

Kinh nghiệm đi đò

Vào những dịp lễ hội diễn ra sẽ có rất nhiều cò đò mời chào du khách tại khu vực chùa hoặc cách xa khu vực chùa, Vietsense Travel khuyên bạn không nên mua vé của những cò đò này vì sẽ có nguy cơ cao bị chặt chém với giá rất cao, du khách nên lựa chọn mua vé đi đò tại cổng hội hoặc trực tiếp đi đến khu vực Suối Yến để tiện liên hệ với các nhà đò tại đây để mua vé với giá tốt nhất và đảm bảo uy tín.

Kinh nghiệm đi đòDu khách cần hỏi kỹ và có thỏa thuận với nhà đò để tránh tình trạng bị nhồi nhét chen chúc hoặc bị tăng giá quá cao. Giá đò dao động trong khoảng 45 nghìn đồng/ người. Du khách cần phải chủ động mặc áo phao và chú ý an toàn khi ngồi trên đò.

Ăn uống tại Chùa Hương

Dê núi, ngựa, bò rừng, nhím, tê tê… nổi tiếng là những món ăn đặc sản được du khách ưa thích khi du lịch Chùa Hương. Trên đường đi từ bến đò cho đến động Thiên Trù du khách sẽ thấy có rất nhiều nhà hàng ăn uống phục vụ với thực đơn khá phong phú cho du khách lựa chọn, tuy nhiên du khách nên hỏi giá cả trước để tránh bị chặt chém khi vào mùa lễ hội và để có thể lựa chọn được cho mình một nhà hàng phù hợp nhất. Vietsense Travel xin mách nhỏ bạn là nhà hàng Mai Lâm ở dưới chân núi trên đường lên chùa Thiên Trù là quán ăn có chất lượng dịch vụ khá tốt và giá cả cũng tương đối hợp lý, nếu chưa biết phải ăn uống nghỉ ngơi tại đâu thì du khách hoàn toàn có thể dừng chân tại nhà hàng này để trải nghiệm.

Những lưu ý khi mua sắm

Có rất nhiều đồ lưu niệm và các món đặc sản cho du khách lựa chọn mua về làm quà cho bạn bè, người thân sau khi đi thăm bái chùa Hương như: vòng tay, vòng cổ, gương lược, túi, áo,... hay mơ quả,rau sắng, chè …nhưng không phải mặt hàng nào  được bày bán tại đây cũng là chính hãng, khi mua du khách hãy hỏi giá cả cụ thể và thử mặc cả một mức giá hợp lí, nhớ kiểm tra đúng tên sản phẩm, số lượng, chất lượng của những món hàng này đặc biệt trong mùa lễ hội khi lượng du khách tăng cao thì bạn hãy hết sức chú ý khi quyết định mua hàng để tránh bị chặt chém, lừa đảo hoặc mua phải hàng kém chất lượng.

Có rất nhiều những quầy hàng bán thuốc nam trên đường đi lên động Hương Tích với giá 50k/ gói, được quảng cáo là uống 3 gói có thể chữa được bách bệnh, tuy nhiên du khách cần phải tỉnh táo và cẩn trọng vì đa số các bài thuốc này đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, khá khó để kiểm tra chất lượng và đảm bảo an toàn, vậy nên du khách không nên mua sắm và sử dụng các bài thuốc này.

Những lưu ý khác khi du lịch chùa Hương

– Đến du lịch chùa Hương hay bất cứ đâu, du khách cũng sẽ cần sử dụng rất nhiều đồ ăn và thức uống, tuy nhiên hãy là một du khách văn minh và ý thức, hãy vứt rác đúng nơi quy định và giữ gìn vệ sinh chung để bảo vệ môi trường của khu du lịch sạch sẽ.

– Vào mùa lễ hội diễn ra thường rất đông đúc du khách, chính vì vậy nên du khách cần phải  bảo quản hàng lý tư trang thật cẩn thận, tránh để bị kẻ gian lợi dụng dịp cao điểm để ăn trộm, móc túi của bạn.

– Du khách nên đi theo nhóm để tiết kiệm kha khá chi phí tiền đò, tiền vé

– Vì đây là một điểm du lịch tâm linh nên du khách cần chú ý ăn mặc trang phục đứng đắn, lịch sự, giữ ý tứ, không nên có những cử chỉ khiếm nhã hay cười đùa to tiếng gây mất trật tự trong khu vực đền chùa tại đây.

Những lưu ý khác khi du lịch chùa Hương– Việc phải di chuyển nhiều giữa các địa điểm nên du khách nên lựa chọn đi giày thể thao thay vì giày cao gót để tránh bị đau mỏi chân và thuận tiện hơn cho việc đi lại.

– Đặc biệt du khách cần cảnh giác với những trò lừa đảo tại đây kẻo bị mất tiền oan: “Chiếc nón kỳ diệu”, “Tôi nhanh tay hay bạn nhanh mắt – đoán chẵn lẻ”, “Tôm – Cua – Cá”… trên thực tế, những người “cầm cái” đã liên kết ngầm với những cò mồi xung quanh để đặt tiền to và trúng lớn để lừa đảo, chèo kéo khách.

Một số vật phẩm cung tiến vào chùa

Từ xưa đến nay, việc đóng góp công đức hay cúng tiến mỗi khi đi thăm đền chùa đã không chỉ là một nét văn hoá truyền thống tâm linh mà còn mang ý nghĩa rất lớn, là cách để mỗi người có thể thể hiện lòng thành, ước muốn gửi gắm tới các bậc bề trên.

Các vật phẩm được người hành hương lựa chọn nhiều nhất vì ý nghĩa của nó như bát hương, hoa sen, lọ hoa, đèn thờ, ngai chén,  đỉnh thờ, hạc thờ… đều rất tốt, được nhiều người cung tiến vào các ban ở khắp các đình chùa. Các vật phẩm cung tiến thường được làm bằng sứ, ngọc, đồng, đá… Tuy nhiên, ngày nay tượng phật, đồ thờ cúng… được dùng bằng đồng nhiều hơn cả do chất lượng bền đẹp hàng trăm năm, càng lâu càng có giá trị, hoạ tiết hoa văn phong phú ý nghĩa, nhiều người mạnh tay còn có thể dát vàng lên các vật phẩm và tượng Phật, khiến chúng trở nên cực kỳ giá trị và đẳng cấp. Tùy vào giá trị của vật phẩm mà du khách có thể lựa chọn vật phẩm cung tiến cho phù hợp điều kiện.  Nhiều cá nhân, công ty, nếu được sự đồng ý của trụ trì còn có thể cung tiến và thay thế các tượng Phật với kích cỡ lớn và chất lượng tốt hơn cho các đình chùa.

Trên đây là những kinh nghiệm du lịch chùa Hương mùa lễ hội cực kì chân thực và khá chi tiết của Vietsense Travel. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích được cho du khách trong các chuyến hành hương tìm về đất Phật, thăm bái chùa Hương. Nếu du khách đang muốn biết thêm những thông tin mới, và bổ ích về chùa Hương và các điểm du lịch khác thì hãy tham khảo thêm tại trang web của Vietsense Travel nhé. Chúc quý du khách có một chuyến đi thật trọn vẹn, an toàn và ý nghĩa!

 

 

 

 

25 2 27 52 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==