Mã Pí Lèng từ lâu đã nổi tiếng là một trong những điểm du lịch ấn tượng nhất với những cung đường uốn lượn, hiểm trở và các vách đá cheo leo nhưng lại có sức hút phi thường với những phượt thủ chuyên nghiệp luôn khao khát “xê dịch” và chinh phục cái đẹp.
Đèo Mã Pí Lèng - Chinh phục đại đỉnh kỳ vĩ nhất Hà Giang
Du lịch Hà Giang, khám phá Mã Pí Lèng, du khách sẽ được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ hồi hộp, nao núng đến những cảm giác mãn nhãn, vui sướng và tự hào khi được chiêm ngưỡng khung cảnh tuyệt vời của thiên nhiên với mây trắng lững lờ, đồi xanh bát ngát, dòng sống Nho Quế êm đềm, lặng lẽ… và còn nhiều hơn thế khi được đứng giữa con đèo này.
Đèo Mã Pí Lèng nằm ở đâu?
Đèo Mã Pí Lèng thuộc địa phận tỉnh du lịch Hà Giang với chiều dài khoảng 20 cây số. Đây được xem là một trong những cung đường cheo leo và hiểm trở bậc nhất ở Hà Giang nhưng lại mang những ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với bà con dân tộc nơi đây. Nó vinh dự nằm trên con đường Hạnh Phúc Hà Giang, nối liền thị trấn Mèo Vạc với thành phố du lịch Hà Giang. Đỉnh núi Mã Pí Lèng có độ cao khoảng 1.200m thuộc cao nguyên đá Đồng Văn, cách thị trấn Đồng Văn khoảng 10 km về phía tây, tọa lạc trên quốc lộ 4C, xã Pả Vi và Pải Lủng, huyện Mèo Vạc.
Đến với nơi đây, khách du lịch Hà Giang không những được chiêm ngưỡng khung cảnh kỳ vĩ của cao nguyên núi đá mà còn được hiểu hơn về lịch sử của ngọn đèo hùng vĩ này. Để xây dựng đoạn đường đèo Mã Pí Lèng nối liền Hà Giang với các tỉnh dưới xuôi, những người xây dựng đã phải vất vả suốt 6 năm trời để làm đường bằng những công cụ thô sơ và không có sự hỗ trợ nào của máy móc. Hơn thế nữa, những người làm đường còn phải đối mặt với hiểm nguy và cái chết từng giờ từng phút, song vượt lên trên tất cả, bằng lòng quyết tâm không gì lay chuyển nổi, nhân dân nơi đây đã xây dựng thành công “Kim tự tháp của người Mèo”. Phải chăng vì lẽ đó mà đây còn được xem là một trong những con đường đèo lịch sử của dân tộc.
Lý giải tên gọi Mã Pí Lèng?
Đèo Mã Pí Lèng, theo âm tiếng H'Mông viết chính xác hơn là Mả Pí Lèng – còn được gọi là Mã Pì Lèng hay Mã Pỉ Lèng. Đèo được đặt tên theo bản Mả Pì Lèng thuộc xã Pải Lủng khi mở đường hồi những năm 1960, trong đó giới chức quản lý cung đường đã sửa đổi "Mả" thành "Mã" để thuận nghe nói trong tiếng phổ thông.
Mả Pí Lèng là tên gọi theo ngôn ngữ vùng biên giới - tiếng H'Mông, chỉ sống “mũi con ngựa” theo nghĩa đen. Nhưng theo nghĩa bóng, tên gọi này chỉ sự hiểm trở bậc nhất của đỉnh núi, nơi dốc cao đến mức ngựa đi qua phải bạt vía, lạc hơi hoặc đỉnh núi dựng đứng như sống mũi con ngựa.
Đến Mã Pí Lèng bằng phương tiện gì?
Để đến với đèo Mã Pí Lèng trong tour du lịch Hà Giang từ Hà Nội, du khách có thể lựa chọn phương tiện di chuyển bằng xe khách hoặc xe máy. Đối với những người đam mê du lịch bụi, có thể lựa chọn di chuyển bằng xe máy. Tuy vậy, cần chú ý đoạn đường di chuyển lên đèo khá nguy hiểm, đòi hỏi người lái phải “cứng tay” và lựa chọn được loại xe phù hợp để đảm báo tính an toàn trong suốt chuyến đi. Khách du lịch Hà Giang nên mang theo xăng dự trữ và đồ sửa xe để phòng ngừa trường hợp gặp sự cố khó tìm được chỗ sửa.
Trong trường hợp du khách không đủ khả năng di chuyển bằng xe máy thì có thể lựa chọn di chuyển bằng xe khách có các bác tài đầy kinh nghiệm vượt qua những đoạn đèo dốc, hiểm trở và đảm bảo độ an toàn cho chuyến đi của mình.
Thời điểm nào nên tới Mã Pí Lèng?
Hà Giang mùa nào cũng đẹp, do đó bạn có thể du lịch Hà Giang vào bất cứ mùa nào trong năm.
Tháng 1 đến tháng 3, thời điểm sau Tết Âm lịch luôn được nhiều du khách lựa chọn để đi du xuân. Vào khoảng thời gian này, Hà Giang như được khoác trên mình một chiếc áo mới với hoa mai, hoa mận và hoa cải vàng nở rộ. Chiêm ngưỡng khung cảnh Hà Giang từ trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng, du khách sẽ được chứng kiến một khung cảnh ngày xuân rực rỡ đẹp như mơ với sự đan xen tuyệt diệu của những gam màu rực rỡ và gam màu dịu nhẹ.
Du lịch Hà Giang vào tháng 4, du khách sẽ có cơ hội tham dự phiên chợ tình Khâu Vai, khám phá những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của bà con đồng bào dân tộc nơi đây. Nếu như chợ Tình ở các vùng khác là nơi nam nữ kết duyên thì chợ tình Khâu Vai ở du lịch Hà Giang lại rất đặc biệt, vào dịp này các đôi trai gái đã từng yêu nhau nhưng không đến được với nhau sẽ đến đây để tìm gặp, trò chuyện và chia sẻ về cuộc sống hiện tại. Các cặp vợ chồng có thể dắt nhau đến đây để tìm lại những người bạn cũ của mình và họ luôn tôn trọng nhau coi đó là trách nhiệm của mình.
Du lịch Hà Giang vào dịp tháng 5 – mùa nước đổ ải, từ trên đỉnh Mã Pí Lèng du khách sẽ được chiêm ngưỡng một bức bích họa với gam màu trầm nhưng vô cùng cuốn hút được tạo nên từ những thửa ruộng bậc thang.
Tháng 6 đến tháng 8 là thời điểm lý tưởng để chinh phục những đoạn đường đèo và khám phá cao nguyên đá kỳ vĩ, hoang sơ. Vào thời điểm này, Hà Giang có khí hậu mát mẻ, không quá nóng giúp du khách thuận lợi hơn khi khám phá các địa điểm và chinh phục những đỉnh đèo hiểm trở.
Du lịch Hà Giang tháng 9, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một khung cảnh rực rỡ và hút hồn hơn bao giờ hết, với những thửa ruộng bậc thang vàng rực khi bước vào mùa lúa chín. Dọc đường dẫn lối lên đỉnh đèo Mã Pí Léng, khách du lịch Hà Giang sẽ được chiêm ngưỡng những thửa ruộng vàng rực giữa rừng sâu núi đá.
Du lịch Hà Giang tháng 10 và tháng 11, là thời điểm những cánh Hoa tam giác mạch bắt đầu nở e ấp, những cánh hoa nhỏ li ti phớn phớt sắc hồng sau đó sẽ đậm dần khi về cuối mùa đem đến cho du khách một cảm giác thanh bình, dịu nhẹ khi thả hồn giữa những cánh đồng hoa tam giác mạch trải dài bát ngát, mênh mông.
Tháng 12, du lịch Hà Giang chào đón du khách với tiết trời lạnh hơn, lúc này những bông hoa cải vàng đã nở rộ một góc trời và dần dần phủ kín những cao nguyên đá bằng sắc vàng rực rỡ của nó. Từ những đoạn đường đèo đến những con đường dẫn lối vào các làng bản đều được phủ kín bằng sắc hoa cải vàng, khiến cho bức tranh du lịch Hà Giang mùa đông không còn ảm đạm, hiu hắt mà trở nên rực rỡ và quyến rũ vô ngần.
Vẻ đẹp hùng vĩ Mã Pí Lèng
Được đặt chân trên đỉnh Mã Pí Lèng, trải rộng tầm mắt ngắm cảnh thiên nhiên hoang dã và nghe tiếng khèn Mông, khách du lịch Hà Giang mới cảm nhận hết cái phóng khoáng của núi rừng, những phong cảnh tuyệt mỹ mà tạo hóa đã ban tặng cho Mèo Vạc. Danh thắng Mã Pí Lèng nằm trên địa bàn 3 xã Pải Lủng, Pả Vi và Xín Cái, huyện Mèo Vạc, đồng thời nằm trên đỉnh núi cao khoảng 2.000m so với mực nước biển, với diện tích được khoanh vùng bảo vệ là 796 ha.
Đèo Mã Pí Lèng được xem như là nóc nhà của Cao nguyên đá Đồng Văn. Từ chân đèo đến đỉnh đèo, các nhà khoa học của Viện Địa chất khoáng sản đã tìm thấy lớp đất có giá trị về thạch cổ học, sinh cổ học, kiến tạo, địa mạo… các dấu ấn do chuyển động kiến tạo được phản ánh đầy đủ các pha hoạt động, kiến tạo khác nhau từ giai đoạn cổ thạch có niên đại cách đây khoảng 200 triệu năm.
Dưới chân núi là toàn cảnh dòng sông Nho Quế chảy hiền hòa, êm đềm uốn quanh những dãy núi cao trập trùng, hùng vĩ và quyến rũ lòng người. Dòng Nho Quế như dải lụa mềm uốn quanh thật trữ tình, thơ mộng. Phải một lần đặt chân lên đỉnh Mã Pí Lèng, khách du lịch Hà Giang mới cảm nhận được hết cái hùng vĩ của núi, sông nơi đây. Song quả thực khi đã có mặt ở đây, đứng trên đỉnh núi đá tai mèo này, ngắm nhìn cảnh vật xung quanh, du khách mới thấy mình thật quá bé nhỏ, mới thấy được sự kỳ vĩ của núi sông cũng như sự vượt khó của đồng bào dân tộc thiểu số nơi này.
Dòng sông Nho Quế bắt nguồn ở độ cao 1.800 mét thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) chảy theo hướng Tây Bắc – đông nam rồi nhập với sông Gâm tại ngã ba Là Mát, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Tận dụng thủy năng của dòng Nho Quế, hiện nay trên dòng sông này đã qui hoạch 3 nhà máy thủy điện gồm Nho Quế 1, Nho Quế 2, Nho Quế 3 với công suất lắp máy lần lượt là 32MWh, 48MWh và 110MWh.
Để đem ánh sáng văn minh đến với những con người phía sau cổng trời, Trung ương Đảng, Khu uỷ Việt Bắc quyết định mở đường Hà Giang, Đồng Văn, Mèo Vạc dài 200 km. Mã Pí Lèng là địa danh gắn liền với những kỳ tích của hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của các tỉnh miền Bắc làm trong 6 năm (1959-1965) với hàng triệu lượt ngày công lao động, trong đó riêng đoạn đèo vượt Mã Pí Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi để làm trong 11 tháng.
Khi lên Mã Pí Lèng, khách du lịch Hà Giang như được hòa mình vào với “rừng đá”, rời xa với cái nắng hè oi ả, thả mình với thiên nhiên hoang sơ nơi này. Đến đây, du khách thấy mình như trẻ lại, niềm vui như lan tỏa, nhẹ nhàng thả hồn theo mây núi của Mã Pí Lèng, lòng người như bừng sắc của thiên nhiên với gió núi vi vu như ru lòng người. Thi thoảng lại có tiếng võ ngựa lốc cốc của người dân địa phương đi qua hòa quyện vào nhau như một bản nhạc rừng nơi thiên nhiên hùng vĩ này.
Danh thắng Mã Pí Lèng bao gồm đèo Mã Pí Lèng được coi là di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan. Khu vực đỉnh đèo được đánh giá là một trong những kiến tạo độc nhất vô nhị ở nước ta. Bên cạnh những giá trị về cảnh quan, địa chất, địa mạo, đường Mã Pí Lèng còn là nơi ghi dấu ấn cuộc trường chinh phá đá mở đường hạnh phúc và còn được ghi trong tấm bia đá ở nơi đây. Bằng sức người và những dụng cụ thô sơ như búa, xà beng… không có sự trợ giúp của máy móc, trong suốt 6 năm ròng trên công trường Mã Pí Lèng lúc nào cũng có trên 1.000 thanh niên của 8 tỉnh phía Bắc lao động trong suốt mấy năm mới hoàn thành được đoạn đèo.
Tháng 11/2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia đối với Mã Pí Lèng. Đây là cơ sở pháp lý cho việc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, danh lam thắng cảnh này. Bên cạnh sự kỳ vĩ của thiên nhiên, nơi đây còn được xem như một bằng chứng về sức mạnh của con người trong việc chinh phục, khai phá tự nhiên để gieo vào lòng đá những vạt ngô xanh ngút ngàn, những mái nhà ẩn hiện trong mây.