Thời gian cứ trôi dần theo tháng năm, không biết tự bao giờ mà món ăn đặc sản “ cháo độc dược” ở quê hương Hà Giang thân yêu đã trở thành món ăn truyền thống, dân dã giản dị của biết bao nhiêu người con nơi này và là món ăn độc đáo thu hút các vị khách thập phương. Do đặc tính độc dược trong củ ấu tẩu mà để chế biến ra món cháo này thì thực sự người nấu cháo đã phải nấu rất kỳ công, công phu và nấu bằng cả trái tim của mình để có thể cho ra một món ăn thơm ngon, bổ dưỡng như vậy.
Cháo Ấu Tẩu - món ăn độc đáo ở Hà Giang
Hôm nay các bạn hãy cùng VietSense Travel tìm hiểu thêm về món ăn truyền thống, độc đáo và nổi tiếng là lí do các thực khách đến với mảnh đất Hà Giang này nhé.
Cháo ấu tẩu là một món ăn đặc sản của người Mông ở Hà Giang. Món ăn này được làm từ củ ấu tẩu, một loại củ có vị đắng nhưng rất bổ dưỡng. Củ ấu tẩu có tác dụng chữa nhiều bệnh như đau nhức xương khớp, tê bì chân tay, đau đầu,... Cháo ấu tẩu được nấu bằng cách ninh củ ấu tẩu với gạo và một số gia vị khác như gừng, hành, tỏi,... Khi cháo chín, bạn có thể cho thêm một chút thịt gà hoặc thịt bò để món ăn thêm ngon và hấp dẫn.
Giới thiệu về món cháo Ấu tẩu ở Hà Giang
Món cháo ấu tẩu được làm từ củ ấu tẩu. Đó là một loại độc dược có thể gây chết người nếu như không biết cách chế biến đúng cách. Củ ấu tẩu (còn có tên gọi khác là củ ấu tàu) hay nói chính xác hơn đó là rễ của cây ô đầu, nó có tên là Aconitum fortunei, thuộc họ Ranunculaceae, là một trong 4 loại thuốc cực kỳ quý hiếm “tứ đại danh dược”. Nhưng nó chỉ đúng khi củ ấu tẩu được bào chế và sử dụng đúng cách. Vì củ ấu tàu cũng là loại độc dược có độc tính cực cao, được xếp vào bảng A khi xét về độ độc.
Cây ô đầu thường mọc trên các vùng núi cao ở khu vực biên giới phía Bắc của Việt Nam như Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Nghĩa Lộ, Cao Bằng, Bắc Kạn… Là loại cây có tính độc rất cao, nhất là ở phần củ, lượng độc trong củ ấu tẩu có thể làm cho con người tắc nghẽn mạch máu dẫn đến tử vong.
Cây ô đầu thuộc loại cỏ cao, chúng có thân thẳng đứng có ít cành thường chỉ có một cành thẳng đứng. Cây có rễ phát triển thành củ, gọi là củ ấu tẩu, nó có hình nón. Lá hình mắt chim, chia thành 3 thùy,nhìn giống như lá ngải cứu, có răng cưa ở nữa trên lá. Rễ có hình nón, mọc thành chuỗi, có củ cái lớn( củ mẹ- ô đầu) và củ con( phụ tử).
Củ mẹ có hình con quay, vừa dai vừa chắc, khó bẻ, mặt ngoài có màu nâu hoặc nâu đen, có nhiều nếp nhăn dọc và vết tích của rễ con và củ con. Bên trong củ có màu xám nhạt, nếm thử có cảm giác hơi tê đầu lưỡi, vị nhạt sau hơi chát.
Củ con cũng có hình con quay, mặt ngoài có màu nâu đen, phía dưới thuôn nhỏ dần, vòng quanh phụ tử có một số rễ nhánh lồi lên như cục bướu. Củ cái thường nhẹ, rỗng, củ con nặng, chắc hơn và có nhân màu vàng. Cả hai đều rất cứng và chắc, vì vậy người ta phải ninh củ ấu tẩu nhiều giờ đồng hồ trước khi chế biến món ăn.
Ngoài ra theo y học cổ truyền, ô đầu có vị cay tê tê, họ thường dùng ô đầu để ngâm rượu để xoa bóp khi bị đau nhức tay chân, đau khớp, bong gân, hay dùng để uống khi điều trị bán thân bất toại, chân tay co quắp. Tuy nhiên ô dầu tính cực kì nóng, độc vô cùng, có tác dụng bổ dương trợ hỏa, trừ phong hàn nếu điều chế đúng cách. Củ ấu tẩu cần được sử dụng đúng liều lượng để tránh ngộ độc.
Cháo ấu tẩu đã trở thành món ăn độc đáo chiếm trọn trái tim của không biết bao nhiêu du khách nơi đây.
Cách làm và thưởng thức cháo Ấu tẩu đúng vị
Cách làm cháo ấu tẩu
Đầu tiên phải ngâm kỹ củ ấu tẩu trong nước vo gạo trong 12 tiếng, đem ninh tới khi chúng bở tung ra để loại bỏ hết độc tố trong củ.
Sau đó nấu củ ấu tẩu với gạo tẻ( có thể trộn thêm ít gạo nếp cho cháo đặc sánh lại) cộng thêm với nước ninh từ chân giò lợn cho cháo thêm phần ngọt ngậy.
Điều quan trọng nhất của việc nấu cháo là ở việc nếm cháo. Khi cảm thấy cháo đã chín, bạn hãy thử nếm một chút cháo (đây là công đoạn quan trọng- bạn hãy chắc chắn là không bỏ qua bước này nhé). Nếu sau khi thử cháo khoảng tầm 1–2 phút bạn cảm thấy đầu lưỡi tê dại, không cảm giác, các đầu ngón tay, ngón chân tê cứng… thì độc tố trong củ ấu tẩu vẫn còn cần ninh cháo cháo thêm chút thời gian nữa để loại bỏ hết độc tố. Nếu không thấy tê đầu lưỡi thì có nghĩa là cháo đã được nấu xong và bạn có thể thưởng thức cháo ngay.
Một điều quan trọng tạo nên hương vị đặc trưng của cháo ấu tẩu còn là ở công đoạn thưởng thức cháo.
Cháo sau khi nấu xong hãy múc ra bát, rắc thêm hành, tiêu, rau mùi, trứng gà và thịt nạc thăn băm nhỏ lên. Đến đây thì chắc chắn bạn sẽ không thể cưỡng lại hương vị thơm ngon của bát cháo với đầy đủ các hương vật liệu tạo nên nét riêng của cháo ấu tẩu.
Cháo ấu tẩu ăn có vị hơi ngai ngái, vị đăng đắng, béo ngậy… Chắc hẳn lần đầu mọi người có thể thấy hơi “nhát gan” nhưng ăn được một lần rồi lại chắn hẳn bạn lại muốn thử lần hai rồi ba rồi nhiều lần sau nữa. Cháo ấu tẩu nấu ra có vị nhẩn nhẹ lạ kỳ ở cuống họng, hòa quyện cùng vị ngọt của nước hầm xương,vị béo của lòng đỏ trứng gà, tất cả tạo nên một hương vị riêng biệt không thể lẫn với các món cháo khác.
Với những du khách phương xa sau khi đi một chặng đường dài đến Hà Giang mà được thưởng thức một bát cháo nóng hổi đậm vị hương núi rừng phía Bắc thì chắc hẳn người sẽ khỏe khoắn trở lại, đầu óc minh mẫn, hào hứng hơn. Bởi bát cháo ấu tẩu còn được biết đến là bát cháo giải cảm, chữa bệnh, có lợi cho sức khỏe. Hơn nữa, cháo ấu tẩu được dân gian truyền rằng cháo chữa bệnh rất tốt vào ban đêm. Nên các hàng cháo ở Hà Giang thường chỉ bán vào buổi tối hoặc ban đêm. Ngồi trong quán cháo nhỏ nơi góc phố mà xuýt xoa với tô cháo nóng hôi hổi, vừa đắng vừa bùi vừa béo ngậy mà thêm chút vị cay nồng của rượu thì còn gì thích thú hơn nữa.
Lưu ý khi thưởng thức món cháo Ấu tẩu
Món cháo ấu tẩu là đặc sản nơi đây nhưng hãy cẩn thẩn vì nó mang trong mình một độc tính rất mạnh.
Củ ấu tẩu tuy được xem là nhân sâm dùng cho người nghèo, nhưng khi chế biến không cẩn thận lại trở nên độc vô cùng. Vì vậy khi sử dụng cần hết sức lưu ý và cẩn trọng về liều lượng của nó. Trong củ ấu tẩu có một lượng Aconitin (chiếm đến 90% củ ấu tẩu)- chất này được xếp vào bảng A độc dược. Nó là một chất độc cực mạnh, với liều 1mg có thể gây ngộ độc nặng, 2-3mg gây tử vong ở người trưởng thành.
Nếu bệnh nhân lỡ ăn phải độc tính thì triệu chứng ban đầu sẽ cảm thấy bần thần, tê lưỡi, tê cứng tay chân. Sau đó cảm thấy toàn thân lạnh buốt rồi không đứng được, hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi, khó nói, chảy nước dãi, tiêu chảy, buồn nôn, tức ngực, da lạnh, tim đập nhanh,...
Khi cơ thể xuất hiện những triệu chứng trên bệnh nhân cần gây nôn hết tất cả ra ngoài, sau đó tới bệnh viện chữa trị ngay lập tức.
Kết thúc bài viết tìm hiểu về món cháo ấu tẩu, một món ăn truyền thống độc đáo của mảnh đất Hà Giang, VietSense Travel mong rằng các bạn đã có thêm hiểu biết về món ăn nổi tiếng này và nếu có cơ hội thưởng thức, các bạn hãy đừng ngần ngại thử món ăn này và nhớ những lưu ý mình vừa kể trên nhé. Cảm ơn và hẹn các bạn ở hành trình tìm hiểu món ăn tiếp theo.
Đinh Hoàng Lâm