==HOTLINESHOW== ==HOTLINESHOWOTHER==

Điểm thăm quan nổi tiếng bể chứa nước ngầm Basilica được ví như kỳ quan bí ấn dưới lòng đất ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, là công trình cổ bị lãng quên hàng trăm năm của đế chế Byzantine từ thế kỷ VI, trong thời kỳ hiện đại nơi đây được khôi phục và tôn tạo thành viện bảo tàng, phục vụ du lịch và cũng là nơi nghiên cứu, giáo dục và giải trí. Hãy cùng VietSense Travel khám phá di sản huyền bí Bể nước ngầm Basilica Cistern trong hành trình du lịch Thổ Nhĩ Kỳ tuyệt vời của chúng tôi.

Bể nước ngầm Basilica Cistern - Kỳ quan bí ẩn ở Istanbul

Basilica Cistern ở đâu có từ khi nào?

Đế chế Byzantine vào những thế kỷ VI là một nước thuộc địa của Hy Lạp cổ đại, có vị trí địa lý thuộc châu Âu, nằm ở eo Bosphorus, nơi nối liền Biển Đen với Địa Trung Hải. Suốt thời kỳ này, một hệ thống những ống dẫn nước từ rừng, biển, sông suối về Constantinople, cùng với những bể chứa nước được xây dựng nên nhằm mục đích đảm bảo nguồn cung nước sạch cho các cung điện, đền đài và sinh hoạt của dân chúng.

Basilica Cistern ở đâu có từ khi nào?

Con số bể chứa nước ngầm từng lên tới hàng trăm, tuy nhiên, cái quan trọng nhất và có thể tích lớn nhất lại chính là cái mà ta đang nói tới – bể nước ngầm Thánh đường Basilica Cistern. Nằm ngay dưới quảng trường Stoa Basilica, trên ngọn đồi đầu tiên của thành Costantinople, cùng với những sự kiện bạo loạn thế kỷ III – IV, đại thánh đường Stoa bị phá hủy, bể nước cũng đi vào quên lãng.

Basilica Cistern có gì đặc biệt?

Basilica Cistern, một công trình bao phủ diện tích rộng 9.800m2, được xây dựng và mở rộng trong những năm 530 dưới sự chỉ đạo của Hoàng đế Justinian. Với mục đích lưu trữ nước để cung cấp cho cung điện và các tòa nhà xung quanh, nước được đưa về qua hệ thống cống dẫn kết nối với một bể chứa khác tại rừng Belgrade, gần Biển Đen, cách đó khoảng 20km. Với chiều dài 140m và chiều rộng 70m, bể ngầm này có kích thước tương đương với một đại thánh đường hoặc sân bóng, có khả năng chứa lên đến 100.000m3 nước, mặc dù thường chỉ sử dụng khoảng 80% số đó để đảm bảo đáp ứng nước sinh hoạt cho thành phố trong cả tháng.

Basilica Cistern có gì đặc biệt? - Ảnh 1

Bể ngầm được gọi với cái tên "Cung điện dưới lòng đất" này nổi bật với ma trận cột đá hoa và cẩm thạch nổi lên từ dưới nước, tạo ra hình ảnh giống như các hàng cột trong các cung điện hoặc thánh đường theo kiến trúc La Mã và Hy Lạp cổ điển. Nằm ở quận Sultanahmet, Basilica Cistern gần như một ngôi đền lớn với hàng trăm cột đá trụ được tạo ra từ một khối đá duy nhất. Cụ thể hơn, có đến 336 cột đá được sắp xếp thành 12 hàng, mỗi hàng có 28 cột, mỗi cột cách nhau 4,8m để chống đỡ cho mái vòm phía trên. Nhiều cột được trang trí chi tiết với các đường viền, rãnh, và hoa văn chạm khắc tinh xảo. Một số cột được tái sử dụng từ các công trình khác đã bị phá hủy hoặc hư hỏng. Bề mặt của bể, cũng như tường và mái vòm, đều được làm từ gạch đỏ, tạo nên một không gian cổ kính ấn tượng.

Lang thang trong bể ngầm, một lúc du khách sẽ đi qua “cột khóc” – cây cột đá ướt quanh năm mang trên mình vòng oval điêu khắc chi tiết, trông hệt như hình ảnh con chim khổng lồ đang đẫm lệ. Một điều hơi tâm linh một chút về cột khóc là người dân truyền miệng với nhau về câu chuyện cây cột được dựng lên nhằm tưởng nhớ những nô lệ bị thiệt mạng trong số 70.000 người “thợ” tham gia vào quá trình xây dựng bể nước ngầm.

Basilica Cistern có gì đặc biệt? - Ảnh 2

Điểm độc đáo tiếp theo là góc phía tây bắc Basilica Cistern, nơi có hai chiếc đầu Medusa lớn được sử dụng làm bệ đỡ cho chân cột từ khi bể được xây dựng, đây là biểu tượng đặc trưng của kiến trúc thời La Mã. Một chiếc đầu Medusa nằm nghiêng trong khi chiếc còn lại bị lộn ngược. Medusa trong thần thoại Hy Lạp là một trong ba chị em nữ quái vật Gorgon thuộc thế giới ngầm, hình ảnh ba chị em nữ quái vật này là biểu tượng sức mạnh bảo vệ các công trình hoặc sự kiện lớn trong thời kỳ La Mã theo tín ngưỡng bấy giờ. Người ta tin rằng hai chiếc đầu này thuộc về một phế tích từ thời kỳ La Mã và đã được đưa về đây trang trí. Sự không phù hợp trong cách đặt hai đầu Medusa cũng dấy lên nhiều câu chuyện gây tò mò, gia tăng thêm điểm độc đáo của công trình cổ này.

Basilica Cistern có gì đặc biệt? - Ảnh 3

Sau những cuộc chiến tranh đảo lộn với đế chế Ottoman trong thế kỷ XIV và XV, đế chế Byzantine cuối cùng bị Ottoman chiếm đóng vào năm 1453, kéo theo sự lãng quên của Basilica Cistern. Mãi đến năm 1545, khi nhà nghiên cứu người Pháp Petrus Gyllius đến Constantinople để tìm kiếm các di tích thời kỳ Byzantine, bể ngầm này mới được nhắc đến lại. Bấy giờ, ông đã tình cờ thấy người dân địa phương đang dùng xô lấy nước từ nền đất thông qua các lỗ nhỏ nên nảy sinh tò mò. Sau khi tìm hiểu, ông phát hiện ra lối vào của bể ngầm và đã ghi chú nó vào bản đồ. Thời kỳ dưới cai trị của đế chế Ottoman, họ không đánh giá cao công trình này và chỉ sử dụng để tưới tiêu cho các khu vườn ở cung điện Topkapi gần đó, bởi vậy mà bấy giờ bể ngầm gần như bị bỏ hoang, mặc cho rác rưởi xả xuống, thậm chí là xác người.

Basilica Cistern có gì đặc biệt? - Ảnh 4

Hiện nay, chính quyền thành phố Istanbul đã phát hiện và khai quật được hơn 80 bể ngầm, nhưng Basilica Cistern được coi là bể lớn nhất và được bảo tồn tốt nhất. Bể này đã được tẩy sạch và trùng tu vào năm 1985, và mở cửa cho công chúng tham quan vào năm 1987. Ngày nay, bể nước ngầm này là một trong những điểm đến nổi tiếng, gần các công trình nổi tiếng như Thánh đường Xanh, Cung điện Topkapi và thánh đường Hồi giáo Hagia Sophia.

Thăm quan bể nước ngầm Basilica Cistern

Vào 2013, Basilica Cistern đã ghi nhận 240.000 lượt khách trong một tháng, thiết lập kỷ lục về số lượng du khách tham quan sau khi nhà văn Dan Brown đến thăm cùng lúc ra mắt cuốn sách nổi tiếng “Inferno”. Bộ phim “Inferno” cũng được quay tại bể nước, càng làm tăng sự nổi tiếng cho công trình. Trước đó, Basilica Cistern đã là bối cảnh quay cho nhiều bom tấn điện ảnh, bao gồm tập “From Russia With Love” của series đình đám “James Bond” (1963).

Thăm quan bể nước ngầm Basilica Cistern - Ảnh 1

Đến năm 2017, bể nước ngầm xưa đã được gia cố với các hệ thống kết nối chống động đất và tô điểm bằng trình diễn ánh sáng nghệ thuật, tạo ra một không gian huyền bí và lung linh hơn. Basilica Cistern thường được sử dụng cho các buổi hòa nhạc cổ điển hoặc các vở diễn truyền thống của người Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, đâu đó trong đường hầm dưới lòng đất này, ánh sáng được điều chỉnh sao cho đủ để du khách có thể di chuyển một cách an toàn nhưng đồng thời cũng tạo ra không gian u tối ma mị giữa các hàng cột trong bể ngầm. Trong không gian yên tĩnh, du khách có thể nghe tiếng vang của những giọt nước rơi từ mái vòm xuống mặt nước dưới, cũng như tiếng đàn cá di chuyển dưới chân, phải chăng đó là lời thì thầm từ những người thợ xấu số đã bỏ mạng tại đây từ ngàn năm trước?

Thăm quan bể nước ngầm Basilica Cistern - Ảnh 2

Basilica Cistern ngày nay là điểm đến thú vị cho những ai say mê tìm tòi, khám phá. Khi loanh quanh khu vực cung điện Topkapi, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh một vài du khách xếp hàng trước cửa một văn phòng nhỏ, đó chính là cửa dẫn vào Basilica Cistern. Để vào bên trong, khách tham quan cần mua vé và bước qua cửa soát vé để kiểm tra an ninh.

Lối vào bể chứa nước là con đường bậc thang dài 50 bậc có lan can đi xuống lòng đất. Không khí càng đi xuống độ ẩm càng cao và khi ánh sáng không còn lọt đến nữa, cái mát từ hơi nước sẽ phả ra. Và rồi hệ thống cột chống chằng chịt hiện ra, lối đi được làm từ gỗ và có hệ thống đỡ bằng thép. Lúc này khách du lịch có thể bắt chuyến đi quanh bể nước, chiêm ngưỡng những lớp hoa văn, cột đá, kiến trúc của đế chế Byzantine.

 

 

10 1 11 21 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==