==HOTLINESHOW== ==HOTLINESHOWOTHER==

Khám phá vùng núi Tây Bắc Việt Nam, bạn không chỉ được chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp của nơi đây mà còn được trải nghiệm đa văn hóa thông qua phong tục tập quán và các món ăn ngon. Tây Bắc hứa hẹn sẽ là một điểm đến vừa đã tầm mắt vừa thỏa niềm đam mê khám phá ẩm thực của du khách. Hãy cùng Vietsense Travel khám phá những món ăn ngon của miền núi Tây Bắc nhé!

TỔNG HỢP MÓN NGON TÂY BẮC - Ảnh 1

Món đặc sản Lào Cai

1. Thắng cố ngựa Bắc Hà

Đến Lào Cai, món ăn mà được nhiều du khách lựa chọn để thử đó chính là Thắng Cố. Cái tên mà khi vừa nghe thấy đã khiến du khách thắc mắc rằng không biết đây là món ăn như thế nào mà lại khiến nhiều du khách mê mẩn đến vậy. Thắng Cố có ở nhiều nơi ở vùng núi Bắc Bộ nhưng để thưởng thức hương vị "chuẩn" của món này có lẽ chỉ ở Lào Cai là ngon nhất. Thắng cố ngựa Bắc Hà luôn là món ăn được du khách tìm đến đầu tiên khi tới với Lào Cai.

Thắng Cố được làm từ nội tạng của ngựa. Các loại gia vị làm nên hương vị thơm ngon của Thắng Cố rất đa dạng gồm: quế, hồi, sả, địa liền, thảo quả, hạt dổi,… Các nguyên liệu và gia vị được ninh nhừ trong một chiếc chảo sâu lòng. Đây không phải là món ăn mà bất cứ ai thưởng thức cũng có thể cảm nhận được hương vị thơm ngon của nó, đối với một số người thì món ăn này khá khó ăn nhưng một khi đã quen với hương vị này thì chắc chắn nó sẽ khiến bạn mê mẩn.

Thang Co dac san Tay Bac, Thắng cố đặc sản Tây Bắc

Du khách khi tới Lào Cai thường lựa chọn đến chợ phiên Bắc Hà để thưởng thức món ăn này. Đến đây, bạn sẽ thấy hương thơm của món ăn này lan tỏa ở nhiều ngóc ngách trong chợ, vô cùng hấp dẫn và lôi cuốn thực khách. Đến chợ vừa tìm hiểu về nét truyền thống trong phong tục tập quán và văn hóa của người dân địa phương vừa thưởng thức món ăn đặc sản Thắng Cố là lựa chọn của nhiều du khách khi đến Lào Cai. Gọi một bát Thắng Cố nóng hổi kèm theo một chén rượu ngô Bản Phố chắc chắn sẽ là một ý tưởng tuyệt vời trong chuyến đi Lào Cai.

2. Cơm Lam

Cơm Lam là món ăn không còn xa lạ đối với bất cứ mọi người dân nào của Việt Nam. Đây là món ăn đặc sản dân dã nhưng thật sự rất ngon, mộc mạc, đơn giản như chính cái tên của nó. Món ăn bình dị này được nấu từ những hạt gạo được thu hoạch trên những thửa ruộng ở Lào Cai. Hương vị hạt gạo Lào Cai cũng khiến du khách mê mẩn vừa ngọt vừa dẻo lại thơm. Chắc chắn sẽ là một món ăn du khách không thể không thưởng thức khi tới Lào Cai.

Gạo sau khi ngâm và vo sạch thì được cho vào ống nứa rồi nướng trên bếp than hồng, Cơm Lam có hương thơm rất đỗi bình dị và quen thuộc. Gạo dẻo và thơm đặc trưng hòa quyện cùng mùi thơm của nứa nướng than hồng sẽ tạo ra một hương vị khó quên trong lòng du khách. Nướng Cơm Lam cũng là cả một "nghệ thuật" để làm sao không bị cháy, không bị sống. Cơm Lam để được lâu hơn so với cơm nấu ăn hằng ngày nên nhiều du khách có thể chọn mua mang về cho bạn bè và người thân.

Gợi ý lịch trình tour du lịch Sapa 2 ngày 2 đêm

Cơm Lam ở Lào Cai không chỉ là món ăn đặc sản mà còn mang trong mình cả một vùng văn hóa, những điều quý báu nhất của đất trời và mồ hôi của đồng bào dân tộc sinh sống ở nơi đây.

Món ăn đặc sản Yên Bái

1. Bánh Chưng Đen Mường Lò

Bánh chưng đen là món đặc sản ở Yên Bái mà bạn không nên bỏ lỡ trong chuyến đi của mình. Đây là món ăn được người dân tộc Thái sáng tạo ra để truyền dạy cho con cháu từ bao đời nay gìn giữ nét văn hóa truyền thống này. Món ăn này thường được người dân Yên Bái thưởng thức vào mỗi dịp tết hay những dịp quan trọng. Hương vị của món bánh chưng này rất đặc biệt: mùi gạo, mùi than, hoa cây vừng đen,...Tất cả tạo nên một hương vị đặc trưng của thiên nhiên Tây Bắc. Bánh được đồng bào dân tộc Thái làm ra với ý nghĩa thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời. Bánh chưng đen là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ cúng tổ tiên, trời đất mỗi khi xuân về của người dân tộc Thái.

Để làm được một chiếc bánh chưng đen, người Thái chọn lựa kỹ càng các nguyên liệu: lá dong bánh tẻ, khổ vừa phải, rửa sạch, lau khô; gạo nếp Tú Lệ, nhân đỗ xanh hoặc đỗ nho nhe (đỗ gạo) đãi sạch, không có sạn; thịt lợn ba chỉ, nhiều mỡ một chút, thái mỏng, ướp với gia vị, hạt tiêu, hành củ.

Người Thái lấy thân cây núc nác (loại cây của vùng núi phía Bắc) tước vỏ hoặc lấy hoa cây vừng đen để đốt thành than rồi giã thật mịn rồi trộn với gạo nếp, đảo đều cho đến khi gạo quyện với bột than thành màu đen rồi đem gói. Gói bánh chưng đen phải gói bằng tay, đun bằng củi to để giữ lửa cháy to. Một nồi bánh chưng đen phải luộc 6 đến 7 tiếng mới chín.

1. Bánh Chưng Đen Mường Lò

Vị thơm của nếp, vị ngọt, béo của thịt lợn, vị ngậy của đỗ xanh, vị là lạ của cây rừng tất cả như hòa quyện trong miếng bánh chưng mà du khách thưởng thức.

2. Gà Nướng Lá Mắc Mật

Gà nướng mắc mật là món ăn đặc sản Yên Bái được rất nhiều du khách yêu thích. Món ăn này nổi tiếng là bởi đây là món ăn hội tụ của rất nhiều hương vị núi rừng. Gà được dùng để nướng là “gà chạy bộ” được người dân nuôi thả tại vườn, sau khi làm sạch, gà được nướng cùng với là mắc mật nên khi ăn có vị chua, ngọt đặc trưng.

Gà nướng lá mắc mật thường được chấm với chẩm chéo (gia vị đặc trưng Tây Bắc). Chẩm chéo là một hỗn hợp gồm tiết, gan gà, chanh ớt, tỏi, quả mắc khén. Gia vị vừa chua cay vừa có vị thanh nhẹ của mắc khén nên rất hợp với món gà nướng. Bất cứ ai đến Tây Bắc mà được thưởng thức món ăn này chắc sẽ không thể nào quên hương vị của món ăn đậm đà hương vị núi rừng của văn hóa đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc.

Món ăn này khi chế biến cũng rất cầu kỳ. Gà được làm sạch rồi nhồi lá mắc mật vào bụng, tẩm thêm gia vị cho vừa ăn sau đó nướng trên bếp than. Than, củi dùng để nướng phải là loại than củi giữ nhiệt, không để nguội hay lửa cháy quá to, nướng từ từ để gà chín từ trong ra ngoài, mỡ gà chảy ra tự nhiên.

2. Gà Nướng Lá Mắc Mật

Khi chín, da gà săn lại, vàng rộm ở bên ngoài và ngọt mềm ở bên trong. Khi ăn chấm cùng chẩm chéo mới có thể cảm nhận được trọn vẹn vị ngon của món ăn này. Mọi món ăn dù đơn giản nhất mà được kèm với chẩm chéo đều trở nên cực kỳ hấp dẫn.

Món ăn Hòa Bình

1. Thịt Lợn Muối Chua

Thịt lợn muối chua là một trong những món đặc sản nổi tiếng nhất của Hòa Bình. Thịt lợn được dùng để muối chua ở Hòa Bình là giống lợn miền núi với cách nuôi thả rông khác hoàn toàn với cách nuôi thông thường. Do được thả và ăn những loại rau, cây rừng nên hương vị của lợn Hòa Bình rất đặc biệt. Nó được chế biến thành rất nhiều món ăn ngon như nướng, thui, gác bếp…

Đây là món ăn được người Mường sáng tạo nên và có cách chế biến khá cầu kỳ. Thịt lợn để muối chua được chọn là loại thịt chắc để muối không bị ướt. Thịt nhất định phải được lấy từ những chú lợn nuôi thả rông. Lên men thịt là công đoạn khó nhất nhưng đó chính là công đoạn làm nên hương vị đặc trưng của món ăn đặc sản này. Thịt sau khi thái được ướp với muối, giềng khô đã giã nhỏ, trộn cùng rượu nếp và lá cây rừng, trộn đều tay để thịt ngấm gia vị.

1. Thịt Lợn Muối Chua

Sau đó, thịt được đem ủ trong một cái bồ lót lá chuối bên dưới, một lớp thịt, một lớp lá xen kẽ nhau đến khi đầy bồ. Bồ thịt muối sẽ được nén chặt rồi đặt lên gác bếp, để 1 đến 2 tuần là thịt đã ngầm đều các gia vị và có thể thưởng thức chúng. Thịt muối chua có màu vàng ươm của bột gạo, vị ngậy của bì, vị mặn của muối và thơm của thính, vị chua khi lên men của thịt. Tất cả tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng lại của món ăn mang đậm chất núi rừng Tây Bắc.

Đồng bào Mường thường dùng lá mít, lá quế, lá trầu không để ăn kèm thịt muối chua. Thịt cuốn cùng các loại lá đó, bạn sẽ cảm nhận được rất nhiều hương vị khác nhau, ăn rất lạ miệng. Chắc chắn thưởng thức thịt lợn muối chua Hòa Bình sẽ đem đến cho bạn trải nghiệm không thể nào quên.

2. Thịt Trâu Lá Lồm

Thịt trâu lá lồm là một trong những món ăn đặc sản ở Thung Nai, Hòa Bình. Đây cũng là món ăn được đồng bào Mường ở Hòa Bình sáng tạo nên, đến Hòa Bình du lịch không ít du khách tìm đến món ăn đặc sản này để thưởng thức hương vị của núi rừng.

Cách làm món thịt trâu lá lồm khá đơn giản. Thịt trâu được thui, cạo sạch lông rồi thái miếng nhỏ hầm trong nồi đất cho chín kỹ rồi sau đó giã lá lồm, bỏ tấm gạo vào nồi hầm cùng thịt trâu. Món ăn thành công khi bạn thấy tấm chín, sánh, thịt trâu nhừ và ngấm gia vị.

2. Thịt Trâu Lá Lồm

Món ăn này có hương vị rất lạ, có vị chua chua thanh thanh của lá lồm, thịt trâu chín mềm và thơm mùi oi khói, không có vị gây. Đây là món ăn dễ chế biến nhưng người dân địa phương phải lựa chọn nguyên liệu thật kỹ càng mới có thể làm nên món ăn đặc sản mang hương vị đặc trưng truyền thống của đồng bào dân tộc Mường.

Món ăn Điện Biên

1. Bánh Khẩu Xén

Bánh Khẩu Xén là loại bánh truyền thống của người Thái ở Điện Biên. Bánh được làm từ những nguyên liệu rất đơn giản như gạo nếp, sắn tươi. Bánh Khẩu Xén được người Thái ở xã Mường Lay, Điện Biên làm mỗi dịp tết đến xuân về. Người Thái thường dùng bánh Khẩu Xén để làm quà biếu khách và bạn bè, người thân đến chúc Tết. Phong tục ấy vẫn được người Thái giữ gìn cho đến ngày nay.

Món bánh Khẩu Xén thường được cắt thành hình bình hành, đem rán lên nở phồng rất ngon mắt. Bánh giòn tan có vị mặn, ngọt tùy theo sở thích của người chế biến nhưng vẫn không thể làm mất đi vị thơm của gạo nếp, sắn tươi. Bánh Khẩu Xén từ lâu nay đã trở thành món ăn đặc sản ở Điện Biên mà rất nhiều du khách đến đây tìm mua để thưởng thức và làm quà tặng sau khi tới với Điện Biên.

1. Bánh Khẩu Xén

2. Vịt Om Hoa Chuối

Vịt om hoa chuối là món ăn quen thuộc của người dân Điện Biên. Đây là một món ăn có trên mâm cơm đãi khách của mỗi gia đình người dân Điện Biên. Nguồn gốc của món ăn đến từ sự sáng tạo và khéo léo của người phụ nữ Thái đảm đang.

Ở Điện Biên, hầu hết các món ăn hấp hay om đều được gói kín trong lá chuối, lá dong. Vịt om hoa chuối cũng là món ăn như thế. Món ăn này có cách chế biến đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái. Vịt phải chọn vịt ngon, sau khi được sơ chế sạch sẽ, chặt thành những miếng bé bé vừa ăn, ướp với các loại gia vị đặc trưng như muối, gừng, sả, ớt, bột ngọt, cho thêm vài quả mắc khén rồi ướp trong khoảng 1 tiếng. Hoa chuối chọn những búp còn non, thái mỏng rồi ngâm ngay vào nước muối loãng cho hết nhựa rồi để ráo.

2. Vịt Om Hoa Chuối

Thịt vịt sau khi được tẩm ướp, trộn đều với hoa chuối rồi gói vào lá dong đem om lửa nhỏ khoảng 3 tiếng là có thể thưởng thức. Thịt vịt om hoa chuối của người Thái chín mềm, ngấm đều gia vị và vị hoa chuối thanh mát, chỉ cần bỏ lớp lá dong ra là tỏa hương thơm ngào ngạt kích thích vị giác của du khách.

Món ăn Sơn La

1. Nậm Pịa

Nậm Pịa là một trong những món ăn Tây Bắc nổi tiếng mà không phải ai cũng dám nếm thử. Đây là món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái sinh sống tại Sơn La, được làm vào những dịp lễ tết, cưới hỏi, những bữa tiệc chiêu đãi khách đến nhà. Nguyên liệu làm Nậm Pịa rất đặc biệt vì vậy nên rất ít người dám thử, gồm tiết đông, bạc nhạc, sụn, đuôi, thịt và nội tạng của bò, dê.

Không chỉ có vậy nguyên liệu khiến món ăn này trở nên “kinh khủng” với nhiều người đó là “pịa”. “Pịa” thực chất là phân non (chất sền sệt trong ruột non của các loài động vật ăn cỏ). Phong tục của người Thái mỗi khi mổ trâu, bò, dê thường để làm món nướng và nậm pịa và những món ăn đặc trưng của người Thái.

Đặc sản làm từ phân - Nậm Pịa, một món ăn kinh điển của dân tộc Thái chỉ có  ở vùng Tây Bắc,dac san lam tu phan nam pia mot mon an

Nậm pịa không phải là một món dễ ăn nhưng nó chắc chắn là món ăn bạn nên thử khi có dịp tới với Sơn La. Nó có vị đắng của lòng và pịa thì cũng đắng, tuy nhiên sau khi ăn sẽ để lại vị ngọt trong cuống họng của người thưởng thức ngoài ra nó còn có vị cay cay của hạt mắc khén. Nậm pịa cũng có tác dụng giải rượu rất tốt.

2. Bê Chao Mộc Châu

Bê chao Mộc Châu là món ăn mà bất cứ ai đi du lịch Mộc Châu đều nên thưởng thức. Món ăn này vừa thơm ngon vừa mang đậm hương vị của núi rừng Tây Bắc. Nguyên liệu để làm nên món ăn ngon này ngon nhất là bê đực khoảng 1 tuần tuổi, chưa từng ăn cỏ càng tốt bởi bê non chỉ bú sữa mẹ sẽ có vị thơm và mềm ngọt riêng mà bê già tuổi hơn không thể nào có được.

Bê được chế biến thành rất nhiều món ăn ngon hấp dẫn khác nhau như tái chanh, hấp, xào lăn,… nhưng bê chao là món ăn ngon đặc sản Mộc Châu được nhiều du khách yêu thích nhất. Thịt bê chao không được cháy không thì sẽ bị đắng. Thịt bê chỉ cần chao đến đoạn vừa tới là giữ được độ ngọt ngon nhất. Đến Mộc Châu, món ăn này sẽ là món mà bạn thật sự cần thử.

Bê Chao Mộc Châu

Món ăn Lai Châu

1. Nộm Rau Dớn

Rau dớn là một loại rau rất lạ, là đặc sản của người Thái ở Lai Châu. Trong tiếng Thái người ta gọi loại rau này là “pắc cút”(loại cây thuộc họ quyết, giống như cây dương xỉ, thân to, tán lá rộng, mặt lá có màu xanh nhẵn). Rau dớn là loại rau rừng mọc ở ven bờ suối, khe suối nên chỉ có thể thấy được chúng ở vùng núi Tây Bắc mà thôi.

Đồng bào Thái chỉ hái những ngọn rau dớn non, rửa sạch và phơi nắng cho đến khi rau tái rồi cho rau vào chõ đồ xôi để đồ. Sau khoảng 20 phút là rau chín và sẽ có được màu xanh bắt mắt. Khi rau đã chín, người nấu sẽ bỏ thêm các loại gia vị ăn cho vừa ăn. Sau đó, để một lúc cho rau ngấm gia vị rồi cho lạc rang giã vào là có thể thưởng thức món ăn này của Tây Bắc. Nộm rau dớn có mùi thơm đặc trưng của rau, vị bùi của lạc rang và vị chua ngọt cay cay của gia vị đi kèm ăn rất ngon miệng.

1. Nộm Rau Dớn

2. Thịt Lợn Trộn Lá Chua

Thịt lợn trộn lá chua là món ăn đặc sản của vùng đất Lai Châu. Thịt lợn ba chỉ sau khi luộc lên sẽ được trộn với lá chua và các loại gia vị độc đáo chỉ có ở vùng Tây Bắc, tạo nên một món ăn ngon mê mẩn thực khách.

Lá chua là loại lá cây rừng mọc quanh năm ở Lai Châu. Người ta hái lá chua về giã nhỏ, cho thêm chút ớt,  thêm hạt dổi rồi trộn đều với thịt ba chỉ đã thái nhỏ để món ăn có thêm hương vị thơm ngon mà ăn lạ miệng, không bị ngán. Đây là món ăn đặc sản của đồng bào Thái Trắng mà bạn nên thử ít nhất một lần khi đi du lịch Lai Châu.

2. Thịt Lợn Trộn Lá Chua

Trên đây là tổng hợp các món ăn ngon đặc sản của vùng đất Tây Bắc đẹp mộng mơ, hùng vĩ. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn có những thông tin bổ ích trong hành trình khám phá văn hóa ẩm thực Tây Bắc! Chúc bạn có thật nhiều những chuyến đi thú vị và ý nghĩa, có những trải nghiệm mới mẻ, đáng nhớ trong hành trình chinh phục những miền đất đẹp của tổ quốc!

 

 

Tổng hợp những món ngon Tây Bắc có thể bạn chưa biết

Tổng hợp những món ngon Tây Bắc có thể bạn chưa biết
63 6 69 132 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==