Có cơ hội ghé thăm Hội An mà không một lần đến tham quan Nhà cổ Tấn Ký, công trình cổ kính được xây dựng với sự kết hợp hài hòa của 3 phong cách kiến trúc Trung - Việt - Nhật thì quả là đáng tiếc. Nhà cổ Tấn Ký được người dân địa phương cũng như các du khách đánh giá là một nơi lưu giữ những loại hiện vật, cổ vật quý giá, lối kiến trúc độc đáo, và ẩn chứa nhiều bài học nhân sinh tích cực, ý nghĩa nhắc nhở đời sau về cách làm người, xem trọng nhân nghĩa và lễ độ. Chính bởi những điều đặc biệt ấy mà nhà cổ Tấn Ký luôn nằm trong top những điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Đây cũng là nơi mà các quan chức chính phủ thường đến để chiêm ngưỡng, thưởng lãm. Hãy để Vietsense Travel giới thiệu đến bạn kĩ hơn những điều thú vị của nhà cổ Tấn Ký với bài viết sau đây.
Nhà cổ Tấn Ký - Ngôi nhà mang dấu ấn thời gian
Tìm hiểu về nhà cổ Tấn Ký
Địa chỉ: Số 101, đường Nguyễn Thái Học, ph. Minh An, Hội An, Quảng Nam, Việt Nam.
Giờ mở cửa: 08h30 – 17h45
Giá vé vào cửa: 35.000 đồng/người
Vé ra vào có giá trị sử dụng trong ngày, du khách đi theo nhóm từ 8 người trở lên sẽ đợc miễn lệ phí dành cho hướng dẫn viên thuyết minh.
Thời lượng tham quan điểm du lịch này sẽ kéo dài khoảng 20 phút
Nhà cổ Tấn Ký tọa lạc ở trong khu vực phố cổ Hội An với mặt trước của tòa nhà là con phố buôn bán sầm uất Nguyễn Thái Học, còn mặt sau của tòa nhà Tấn Ký chính là dòng sông Thu Bồn êm dịu uốn mình. Với vị trí đắc địa và thuận lợi như vậy mà du khách rất dễ dàng để có thể ghé thăm nơi đây khi có dịp khám phá Hội An.
Được biết, nhà cổ Tấn Ký chính là công trình nhà cổ đầu tiên được nhà nước tôn vinh là Di sản Quốc gia tại phố cổ Hội An, đây cũng là nơi thường xuyên được góp mặt trong các danh sách những điểm đến hàng đầu của thành phố cổ Hội An. Nhà cổ Tấn Ký không chỉ sở hữu lối phong cách kiến trúc cổ điển mang màu sắc của ba văn hóa Trung - Việt - Nhật mà còn là nơi trưng bày, lưu giữ nhiều hiện vật, cổ vật quý giá. Du khách tới thăm nhà cổ Tấn Ký chỉ với 35 nghìn đồng đã có thể chiêm ngưỡng được tận mắt vẻ đẹp kiến trúc độ đáo của ngôi nhà cổ, ngắm nhìn những cổ vật giá trị cao và tìm hiểu về nếp sống truyền thống của người Việt xưa.
Hướng dẫn cách di chuyển tới nhà cổ Tấn Ký
Nếu du khách đang ở Đà Nẵng thì để đến Hội An sẽ chỉ mất khoảng 1 giờ đồng hồ xe chạy, với con đường chỉ dài khoảng 35km. Có rất nhiều loại phương tiện để du khách có thể lựa chọn đi tới phố cổ Hội An, Vietsense Travel xin gợi ý cho du khách các cách di chuyển phổ biến sau đây:
- Nếu các du khách có thể tự túc đi xe cá nhân thì đi theo Quốc lộ 1A về hướng phái Nam với đoạn đường dài khoảng 27km , sau khi đến được đường Vĩnh Điền thì đi tiếp vào trung tâm thành phố Hội An.
-
Nếu du khách không có phương tiện di chuyển riêng thì có thể lựa chọn đi taxi có tiện lợi và nhanh chóng, tuy nhiên hình thức di chuyển này sẽ có giá khá cao, dao động trong khoảng 450000 500000 VNĐ dành cho 1 lượt tùy theo thời giá và hãng xe mà bạn lựa chọn. Tuy nhiên nếu đi theo nhóm đông thì cũng có thể tiết kiệm được kha khá chi phí. Hình thức này sẽ tốn khoảng từ 50 tới 60 phút di chuyển.
-
Đối với các du khách có nhiều thời gian và muốn tiết kiệm chi phí đi lại hơn thì có thể sử dụng loại phương tiện công cộng phố biến nhất chính là xe buýt. Giá vé xe buýt từ Đà Nẵng tới Hội An chỉ mất 30000đ/ lượt, rất rẻ cho du khách với hành trình dài 80 phút mỗi chuyến.
Khám phá Nhà cổ Tấn Ký
Lịch sử ngôi nhà cổ Tấn Ký
Nhà cổ Tấn Ký là một ngôi nhà cổ thuộc quyền sở hữu tư nhân đã được xây dựng từ năm 1741. Với bề dày lịch sử đó mà ngôi nhà chính là nơi từng trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, chứng kiến rất nhiều sự kiện quan trọng đã xảy ra trong hơn 200 năm qua. Đến nay ngôi nhà vẫn được sử dụng để cho khách tham quan phần trệt, chủ nhân của ngôi nhà vẫn tiếp tục sinh sống tại tầng trên của tòa nhà. Nhà cổ Tấn Ký đã được 7 thế hệ nhà họ Lê sở hữu và gìn giữ, bảo vệ nên vẫn giữ được gần như nguyên vẹn hình dạng và lối kiến trúc ban đầu. Công trình này tạo nên cho du khách một không gian rất chân thực và cảm giác thân thuộc, gần gũi chứ không quá xa cách và trang trọng như các di tích lịch sử khác.
Chủ nhân đầu tiên của nhà cổ Tấn Ký là ông Lê Công, một thương nhân người gốc Hoa tới Hội An sinh sống, kinh doanh và đã làm giàu từ việc buôn bán, trao đổi nông sản. Ông Lê Công cũng chính là thương nhân đầu tiên dùng thuyền ngược dòng Thu Bồn lên vùng cao lấy hàng hóa, nông sản về Hội An buôn bán. Vị trí đắc địa của tòa nhà cũng đã góp phần giúp cho công việc buôn bán của ông càng thêm phát đạt và suôn sẻ. Phía trước nhà chính là con phố Nguyễn Thái Học sầm uất luôn tấp nập người qua kẻ lại, còn phía sau nhà là dòng sông Thu Bồn thì lại vô cùng thuận tiện cho việc nhập hàng hóa. Ngôi nhà này đến đời con của ông Lê Công thì được đặt tên là Tấn Ký, với ý nghĩa là phát đạt, thuận lợi cho kinh doanh.
Nhà cổ Tấn Ký là nơi đã chứng kiến nhiều đợt lũ lịch sử và nhiều biến động thăng trầm của thời gian, thời đại. Năm 1964 là lúc xảy ra một trận lụt lịch sử, trận lũ lụt này khiến cho toàn bộ tầng 1 của tòa nhà bị ngập trong nước, tuy nhiên nó vẫn sừng sững không hề hấn gì, điều này giống như đang thách thức sự bào mòn, tàn phá của thời gian. Sự vững chắc của tòa nhà có thể là do kiến trúc độc đáo và sự trùng tu, tôn tạo thường xuyên của gia chủ nhà họ Lê.
Thế kỷ 20 là thời gian phù sa của sông Thu Bồn nâng cao hơn khiến cửa sông hẹp lại, lúc này các thuyền buôn đã không thể đến được Hội An nữa, nên thương cảng phát triển nhất một thời cũng vì đó mà trở nên suy yếu dần, việc này cũng làm ảnh hưởng khá nhiều tới việc buôn bán, kinh doanh của nhà họ Lê. Nhà cổ Tấn Ký là công trình đầu tiên được nhà nước công nhận là Di sản cấp Quốc Gia, và được cấp bằng Di sản văn hóa Thế giới bởi UNESCO vào năm 1990.
Kiến trúc của nhà cổ Tấn Ký
Điểm đặc biệt trong kiến trúc của Nhà cổ Tấn Ký nổi tiếng nhất phải kể tới sự kết hợp giao thoa vô cùng hài hòa của 3 lối phong cách văn hóa Nhật - Trung - Việt. Toàn bộ công trình bao gồm 2 tầng và 3 gian. Nhà cổ Tấn Ký được xây dựng mang đặc điểm đặc trưng của các ngôi nhà cổ Trung Hoa xưa nhưng đã được chủ nhân kết hợp thêm phong cách kiến trúc Việt Nam và Nhật Bản, từ đó khiến công trình thêm độc đáo và riêng biệt hơn hẳn các công trình lịch sử khác.
Phong cách kiến trúc của Nhật Bản: Những ngôi nhà theo lối kiến trúc Nhật Bản sẽ được xây dựng theo phong thủy ngũ hành bao gồm Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Phòng khách của nhà cổ Tấn Ký cũng được xây dựng dựa theo đặc điểm đặc trưng này. Phần mái ngói của tòa nhà được lợp kiểu âm dương cân bằng hòa hợp, tạo nên không khí ấm cúng vào mùa đông và thoáng đãng, mát mẻ vào mùa hè.
Phong cách kiến trúc của Trung Hoa: Ứng dụng kiến trúc Trung Hoa trong ngôi nhà cổ Tấn Ký chính là kiểu hình ống đặc trưng, kiểu xây dựng này có thể dễ dàng nhìn thấy tại các ngôi nhà cổ tại Hội An. Tuy nhiên kiểu hình ống không khiến cho không gian bí bức hay nóng mà rất thoáng đãng, mặt tiền của ngôi nhà được sử dụng là nơi mở cửa hiệu buôn bán, cửa sau của ngôi nhà thì được sử dụng làm nơi nhập hàng hóa bởi phía sau tòa nhà là dòng sông Thu Bồn chạy qua. Giữa nhà là một chiếc giếng trời giúp ánh sáng và không khí được chiếu vào trong nhà.
Phong cách kiến trúc của Việt Nam: Điểm đặc trưng theo lối kiến trúc truyền thống của người Việt dễ được nhận ra nhất tại nhà cổ Tấn Ký chính là kiểu nhà ba gian với trần nhà lợp ngói âm dương. Những cây cột, kèo, xuyên, trính trong nhà được chạm trổ các hình ảnh ẩn dụ nhiều ý nghĩa như đầu cá đuôi rồng, quả lựu, trái bí đỏ, quả đào, con dơi,... và các linh vật khác biểu tượng cho sự hạnh phúc, trường thọ, sung túc, giàu sang. Những hình ảnh được người nghệ nhân tài hoa tỉ mỉ chạm khắc đã trở thành điểm nhấn của ngôi nhà và để lại ấn tượng sâu sắc đối với bất cứ ai từng ghé thăm nơi đây. Những hình chạm trổ này được thực hiện khéo léo và tỉ mỉ bởi bàn tay của những nghệ nhân làng mộc Kim Bồng của Hội An nên chúng mang đậm nét văn hóa phương Đông và vô cùng tinh tế.
Chất liệu chủ đạo được sử dụng trong quá trình xây dựng nhà cổ Tấn Ký chính là gỗ. Kèo và sườn nhà được làm bằng gỗ Lim, loại gỗ quý mà ai cũng biết, các tấm cửa thì được làm bằng gỗ mít nên có độ bền lâu và chắc chắn. Các loại gạch và đá được sử dụng để lót sàn, trang trí ngoại thất đều được lựa chọn kĩ từ Bát Tràng và nhiều thương hiệu nổi tiếng khác nên có độ bền có thể sánh là vĩnh cửu theo thời gian.
Nếu được bật mí rằng toàn bộ ngôi nhà cổ bằng gỗ này không hề sử dụng tới một chiếc đinh nào thì du khách hẳn sẽ phải bất ngờ và khó tin phải không? Tuy nhiên thực sự cột kèo trong ngôi nhà cổ Tấn Ký đã được xây dựng rất khớp nhau bằng mộng, dù không cần sử dụng tới đinh nhưng vẫn rất vững chắc. Điều đặc biệt này đã khiến cho nhà cổ Tấn Ký trở nên nổi tiếng và thu hút không ít du khách tò mò tới đây tận mắt chứng kiến và nhiều báo đài đến đây để quay phim, làm phóng sự về kiến trúc của ngôi nhà cổ.
Những cổ vật, hiện vật giá trị trong nhà cổ Tấn Ký
Một điểm đặc biệt khác tạo nên sức hút mạnh mẽ của nhà cổ Tấn Ký bên cạnh lối kiến trúc độc đáo chính là những hiện vật, cổ vật lâu đời và đặc biệt giá trị được trưng bày bên trong ngôi nhà đã hơn 200 tuổi này. Các du khách đến tham quan nhà cổ Tấn Ký vì thường mong muốn được tận mắt chiêm ngưỡng những cổ vật giá trị này và lắng nghe, tìm hiểu về các giai thoại liên quan đến chúng.
Bên trong khu vực trưng bày của nhà cổ Tấn Ký chính là những bức hoành phi giá trị, các loại cổ vật có niên đại hàng trăm năm tuổi, nhưng thứ đặc biệt và nổi tiếng nhất tại đây chính là chiếc chén đã có từ thời Khổng Tử. Được biết, ở Việt Nam chỉ có duy nhất một chiếc chén này nên để xét về độ quý hiếm và độc đáo thì hẳn là khỏi phải bàn cãi. Chiếc chén “Khổng Tử” này theo như ghi chép của lịch sử và các quá trình xác định niên đại thì đã có từ 550 đến 600 năm trước. Và chiếc chén này đã được gia đình họ Lê sở hữu từ 200 năm trước. Hình thù của chiếc chén rất kỳ lạ, tưởng như đơn giản nhưng lại ẩn chứa bên trong một bài học vô cùng sâu sắc với ý nghĩa nhân sinh to lớn. Nếu rót vào chén 8 phần thì chiếc chén không có vấn đề gì nhưng nếu đổ thêm nhiều nước hơn thì nước bên trong sẽ bị tràn ra ngoài. Bài học mà người xưa muốn gửi gắm trong thiết kế đặc biệt của chiếc chén tưởng như bình thường này chính là làm người ở đời phải có sự kiềm chế hành vi sao cho đúng mực, giữ cho tâm được thanh tịnh. Người nhà họ Lê kể lại rằng chiếc chén đã được cụ tổ của gia tộc mua từ tay của thương nhân giàu có đến từ Trung Hoa bằng rất nhiều tiền mới đổi lấy được.
Bên trong ngôi nhà còn có khu vực để trưng bày các loại huy hiệu và các món quà lưu niệm nhỏ xinh để du khách có thể lựa chọn mua về làm quà tặng cho người thân, bạn bè hoặc giữ làm kỉ niệm cho chuyến đi Hội An của mình.
Năm tháng qua đi khiến cho ngôi nhà Tấn Ký như một bằng chứng sống chứng kiến hết thảy những biến động của thời gian.
Thời điểm lý tưởng đến Nhà cổ Tấn Ký
Theo kinh nghiệm du lịch Hội An của Vietsense Travel thì thời điểm lý tưởng và phù hợp để đến khám phá mảnh đất xinh đẹp này khoảng từ tháng 3 tới tháng 8. Đây cũng là khoảng thời gian tuyệt vời nhất để du khách có thể tới tham quan tại các khu nhà cổ. Thời tiết lúc này sẽ có nhiều nắng, đây là điều kiện rất tốt để du khách có thể chụp những bức ảnh check in siêu đẹp. Tắm biển An Bàng là hoạt động được du khách vô cùng yêu thích sau các cuộc hành trình khám phá phố cổ Hội An. Nếu du khách không thích du lịch vào những thời gian cao điểm vì lo lắng sự đông đúc và giá cả bị đẩy lên đắt đỏ thì có thể du lịch Hội An vào tháng 1 và tháng 2 nhé. Đây là thời điểm không quá đông du khách và giá cả lưu trú, ăn uống cũng “mềm” hơn rất nhiều.
Đừng bỏ lỡ lễ hội đèn lồng và thả hoa đăng được tổ chức tại phố cổ Hội An vào mỗi 14, 15 âm lịch hàng tháng nhé. Về đêm là khoảng thời gian mà du khách có thể chiêm ngưỡng và hòa mình vào bầu không khí rực rỡ sắc màu và kì diệu của thành phố cổ Hội An, rất khác so với ban ngày đấy. Hãy lên kế hoạch vi vu đất Hội An vào đúng dịp này để được đắm chìm trong bầu không khí thơ mộng của những chiếc đèn lồng đủ sắc màu nhé.
Những điều cần lưu ý khi tham quan Nhà cổ Tấn Ký
Nhà cổ Tấn Ký mở cửa cho khách tham quan trong khung giờ 8h30 đến 17h45 nên nếu đi sớm du khách nên chuẩn bị các loại mũ nón, ô che chắn để tránh bị ảnh hưởng bởi thời tiết nắng nóng.
Các hiện vật, cổ vật tại nhà cổ Tấn Ký đều có giá trị rất lớn và khá dễ vỡ, nếu du khách đến đây tham quan thì chỉ nên ngắm nhìn chứ không nên động chạm vào chúng kẻo bị rơi vỡ thì sẽ phải đền bù cho nhà cổ Tấn Ký, nếu du khách đem theo trẻ nhỏ đến tham quan thì cần phải theo dõi và chú ý đến chúng
Tầng 2 vẫn là nơi chủ nhà sinh sống và sinh hoạt, vậy nên khi đến tham quan nhà cổ Tấn Ký du khách vẫn nên chú ý tế nhị, không gây ồn ào mất trật tự ảnh hưởng tới chủ nhà.
Đoàn khách từ 8 người trở lên sẽ được miễn phí hướng dẫn viên thuyết minh, nếu đi ít hơn mà cần thuê hướng dẫn viên thì hãy liên hệ với những người ở đây.
Khi tới tham quan Nhà cổ Tấn Ký du khách cần phải lựa chọn các loại trang phục kín đáo, lịch sự và có màu sắc nhã nhặn thì sẽ phù hợp hơn với “vibe” của nơi đây, những bức ảnh cũng sẽ trở nên đẹp hơn.
Không gian trưng bày tại Nhà cổ Tấn Ký còn có các gian hàng để du khách có thể lựa chọn và mua những món quà lưu niệm, hãy mua một vài món đồ để làm kỉ niệm cho chuyến đi hoặc tặng cho bạn bè, người thân nhé.
Chẳng phải ngoa khi người ta lại ví nhà cổ Tấn Ký là một bảo tàng sống hay một bằng chứng sống của thời đại đã qua, khi tham quan điểm du lịch này, du khách sẽ như được xuyên không gian và thời gian trở về những ngày tháng cũ, tìm hiểu nếp sống sinh hoạt của người dân Hội An xưa. Ngôi nhà cổ 200 tuổi với 7 thế hệ con cháu sinh sống sẽ là một kỷ niệm đáng nhớ và khó quên trong hành trình khám phá mảnh đất Hội An xinh đẹp của du khách đấy. Hy vọng bài viết này sẽ giúp cho du khách có thêm những thông tin bổ ích về ngôi nhà cổ đầu tiên được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia của Hội An nhé. Chúc quý du khách có một hành trình thật trọn vẹn và ý nghĩa.