Chùa Bái Đính với bề dày lịch sử hơn 1000 năm đã tồn tại song hành cùng các triều đại phong kiến lâu đời như nhà Đinh, Tiền Lê và đầu nhà Lý. Mặc kệ thời gian có trôi qua, nhưng chùa Bái Đính vẫn ở đó giữa đất trời Ninh Bình, vẫn một lòng son sắt gìn giữ nét sử Việt. Ngày nay, nơi đây đã trở thành một trong những danh thắng tâm linh nổi bật bậc nhất của tình Ninh Bình. Vậy nên, hôm nay hãy cùng VietSense Travel tìm hiểu về ngôi chùa đặc biệt này nhé.
Kinh nghiệm tham quan Chùa Bái Đính về với chốn an yên
Chùa Bái Đính nằm ở vị trí nào?
Địa chỉ: núi Bái Đính, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình
Tọa lạc tại vùng núi Bái Đính yên bình, Chùa Bái Đính nằm ở vị trí tương đối đắc địa, cách khu vực Cố đô Hoa Lư khoảng chừng 5 km và khu du lịch Tràng An tầm 11.5 km. Chùa Bái Đính là một phần thuộc quần thể di sản thế giới Tràng An, đồng thời đây là ngôi chùa gắn liền với ba triều đại phong kiến lớn của nước ta chính là Đinh, Tiền Lê và Lý.
Nên tham quan Chùa Bái Đính thời điểm nào?
Mỗi năm khi mùa tết đến xuân về, Chùa Bái Đính thường diễn ra nhiều lễ hội chùa thu hút hàng ngàn du khách cũng như khách hành hương ghé đến viếng Phật, vãn cảnh chùa và cầu mong một năm mới thật nhiều bình an và may mắn. Thông thường, lễ hội sẽ được chính thức khai mạc vào mùng Sáu tháng Giêng âm lịch và kết thúc vào tận cuối tháng Ba. Thế nhưng nhiều người dân vẫn thường lựa chọn ghé đến tham quan ngay từ chiều mùng Một tháng Giêng.
Vậy nên nếu bạn có ý định đến Chùa Bái Đính, muốn tận hưởng bầu không khí náo nhiệt của tiết trời Ninh Bình vào xuân thì khoảng thời gian từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch sẽ là lựa chọn hoàn hảo. Tuy nhiên đây là lúc Chùa Bái Đính bước vào mùa cao điểm nên lượng người đổ về tham quan cũng trở nên đông đúc hơn so với những ngày thường. Người người chen chúc nhau là tình trạng không thể tránh khỏi vậy nên nếu bạn không chịu được sự ồn ào náo nhiệt thì chúng tôi không khuyến khích bạn tham quan vào thời điểm này.
Phương tiện để di chuyển đến Chùa Bái Đính
Nếu xuất phát điểm từ Hà Nội, bạn có thể dễ dàng di chuyển đến Chùa Bái Đính bằng các loại phương tiện như xe khách, tàu hỏa hoặc xe máy. Chùa Bái Đính cách trung tâm Hà Nội khoảng 96km về phía nam.
Đi tham quan Chùa Bái Đính bằng xe khách
Hiện nay, từ bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, bạn có thể đón các tuyến xe khách đi từ Ninh Bình để đến được Chùa Bái Đính. giá vé cho mỗi chuyến đi khá phải chăng chỉ từ 70.000 VNĐ đến 80.000 VNĐ/người. Sau khi xuống bến xe Ninh Bình bạn có thể tiếp tục di chuyển bằng xe buýt hoặc taxi để đến được Chùa Bái Đính.
Di chuyển bằng xe máy
Nếu bạn muốn tiết kiệm chi phí đi lại và chủ động về mặt thời gian vậy thì đi xe mấy sẽ là sự lựa chọn tuyệt vời. Bên cạnh đó, bạn còn có thể tận hưởng quang cảnh xinh đẹp trên đường đi. Khi di chuyển bằng xe máy, bạn có thể đi theo Quốc lộ 1A đến khu vực trung tâm thành phố Ninh Bình, sau đó tiếp tục đi theo chỉ dẫn là có thể đến được Chùa.
Di chuyển bằng tàu hỏa
Di chuyển bằng tàu hỏa là lựa chọn hoàn hảo cho những du khách có thời gian dư dả và đồng thời chiêm ngưỡng quang cảnh núi trời trên suốt đường đi. Bạn có thể đón tàu ga ở Hà Nội tới ga Ninh Bình, sau đó đi bằng xe buýt hoặc taxi đến Chùa Bái Đính. Giá vé cho một chuyến tàu khoảng 120.000 VND và có thể cao hơn tùy vào hạng ghế ngồi.
Tìm hiểu về lịch sử xây dựng Chùa Bái Đính
Nằm trong quần thể danh thắng Tràng An, Chùa Bái Đính ở cửa ngõ phía tây Cố đô Hoa Lư ngày trước. Chùa tọa lạc ở sườn núi Bái Đính yên bình với xung quanh là những thung lũng mênh mông, những đầm hồ lăn tăn gợn sóng nhỏ và những dãy núi đá vôi hùng vĩ. Chùa Bái Đính đã tồn tại hơn 1000 năm qua giữa vùng đất cố đô lịch sử này, gắn liền với với ba triều đại phong kiến lớn của nước ta giai đoạn trước. Chùa được xây dựng từ năm 1136 do thiền sư Nguyễn Minh Không sáng lập. Xung quanh chùa còn có vô vàn những công trình kiến trúc lộng lẫy và có ý nghĩa tâm linh như Giếng Ngọc, Động thờ Tổ sư, Động thờ Phật, Động thờ Mẫu, Bàn thờ Thánh Cao Sơn, v.v. Chùa Bái Đính đã gắn liền với những giai thoại và các tích xưa cũ về Thiền sư Nguyễn Minh Không vang danh khắp trời Nam ngày trước. Chính ông là vị cao tăng đặt nền móng cho nền Phật giáo nước nhà, đồng thời cho tiến hành xây dựng tượng Phật và khai mở miền đất Phật tại nơi này.
Tương truyền rằng vào thời Lý, Đức Thánh Nguyễn Minh Không đã đến núi Bái Đính tìm thuốc chữa bệnh cho nhà vua. Ngay lập tức ông nhận ra rằng đây là vùng đất tiên cảnh, có thế núi hướng về phía Tây như chầu về đất Phật. Ngoài ra, rừng núi nơi đây cũng có vô vàn cây thuốc quý, vậy nên ông đã quyết định dừng chân và xây chùa tại đây.
Cái tên Chùa Bái Đính được sinh ra là bởi lẽ theo quan niệm xưa, Bái có nghĩa là lễ bái, cúng bái đất thời, Tiên Phật. Trong khi đó, Đính lại có nghĩa là đỉnh, là tọa lạc nơi cao. Bởi thế nên Bái Đính có nghĩa là cúng bái trời đất, Tiên Phật ngự ở trên cao. Ngoài ra, tên chùa còn có ý nghĩa là hướng về núi Đính – ngọn núi gắn liền với những sự kiện oai hùng của lịch sử nước ta thời kỳ trước. Dẫu thời gian thoi đưa, dẫu vùng đất này đã chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử nước nhà thì Chùa Bái Đính vẫn oai linh đứng vững mặc cho sương gió bụi trần.
Chùa Bái Đính và những cái “nhất”
Chùa Bái Đính là ngôi chùa rộng nhất cả nước, chùa có diện tích lên đến 539 ha, trong đó khu chùa Bái Đính mới rộng 80 ha và khu chùa cổ rộng 27 ha cùng cá công trình Phật giáo khác. Toàn thể kiến trúc của Chùa Bái Đính được coi như một quy chuẩn ngày nay, là thước đo chuẩn mực cho kiến trúc chùa cổ ở Việt Nam. Cùng với sự phát triển hiện nay Chùa Bái Đính đã mở rộng thêm nhiều công trình mới với quy mô đồ sộ như Cổng tam quan, Gác chuông, Điện Quán Âm, Điện Giáo Chủ, hành lang La Hán, Điện Tam Thế, Bảo tháp,...Cùng với đó là những cái nhất mà đi dọc Việt Nam bạn chỉ có thể bắt gặp được tại Chùa Bái Đính như: chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, chùa có chuông đồng lớn nhất Việt Nam, chùa có Bảo tháp cao nhất châu Á, khu chùa rộng nhất Việt Nam, hành lang La Hán dài nhất châu Á.
Những lưu ý khi ghé thăm Chùa Bái Đính
Là một trong những điểm tham quan được nhiều du khách lựa chọn khi tớ Ninh Bình đồng thời cũng là khu di tích tâm linh với ý nghĩa lịch sử, văn hóa vô cùng to lớn. Do đó, khi đến thăm Chùa Bái Đính bạn cũng cần phải lưu ý một số lời khuyên này: nên lựa chọn những đôi giày thể thao thoải mái để thuận lợi cho việc di chuyển, đi lại; lựa chọn trang phục thoải mái, lịch sự, phù hợp với hoàn cảnh; có thể mang theo tiền lẻ để quyên góp, cầu may mắn cho gia đình, bạn bè; nên mang theo một chiếc ô nhỏ để phòng trừ trường hợp trời mưa nếu bạn đi vào dịp đầu xuân, thời điểm này thường hay xuất hiện mưa phùn rải rác.
Chùa Bái Đính là một trong những di tích tâm linh lịch sử được nhiều du khách ghé thăm mỗi năm. VietSense Travel nghĩ rằng ai cũng nên đến Chùa Bái Đính một lần trong đời để cảm nhận được tâm hồn thanh tịnh giữa đất trời bao la. Nếu có dịp về với Ninh Bình hãy nhớ tới Chùa Bái Đính bạn nhé.