==HOTLINESHOW== ==HOTLINESHOWOTHER==

Lặng lẽ ẩn mình giữa hai trung tâm du lịch nổi tiếng Sapa (Lào Cai) và Điện Biên Phủ (Điện Biên), Lai Châu ẩn chứa bao điều bí ấn còn chưa được khám phá, với vẻ đẹp mĩ miều, trong trẻo và tỏa ra sắc hưng ngào ngạt khắp vùng biên giới địa đầu tổ quốc. Đặc trưng với những con đèo uốn lượn, những thửa ruộng bậc thang tầng lớp, những bản dân tộc của nhiều tộc Người vơi những nét văn hóa mang bản sắc riêng, những món ăn rất lạ không trùng lắp với vùng miền nào trên tổ quốc, Lai Châu thực sự đang là điểm đến của những điều mới lạ dành cho những ai đam mê xê dịch và trải nghiệm phiêu lưu cùng thiên nhiên hùng vĩ. 

Toàn cảnh thăm quan Lai Châu 2024

Toàn cảnh du lịch Lai Châu - Ảnh 1

Để giúp bạn dễ dàng khám phá vùng đất ẩn chứa nhiều điều bí ẩn và còn khá lạ lẫm nơi biên cương phía Bắc tổ quốc, VietSense Travel xin giới thiệu toàn cảnh các điểm du lịch của các huyện trên địa bản toàn tỉnh Lai Châu.

Huyện Tam Đường

Tam Đường là huyện nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Lai Châu, tổng diện tích tự nhiên gần 690km2, toàn huyện có 14 xã, thị trấn với 156 banr gồm 12 dân tộc cùng sinh sống với nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc vẫn còn được bảo tồn và lưu giữ. Khí hậu trong lành với nền nhiệt trung bình năm giao động ở mức từ 22- 26 độ C, rất phù hợp cho du lịch sinh thái, khám phá.

Huyện Tam Đường

Là huyện của ngõ của tỉnh Lai Châu có quốc lộ 4D, quốc lộ 32 đi qua, giáp với huyện Sapa của Lào Cai. Với nhiều tiềm năng phong phú đa dạng vùng những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, bản du lịch cộng đồng đã được công nhận, xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia, Tam Đường có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.

Đỉnh Pu Ta Leng

Nằm cách thành phố Lai Châu khoảng 20 km về phía Đông Bắc, Pu Ta Leng có độ cao 3049 m. Nếu Fansipan được ví như nóc nhà Đông Dương, thì Pu Ta Leng chính là nóc nhà thứ hai mà các phượt thủ hay các bạn trẻ ham mê thử thách muốn chinh phục dù chỉ một lần.

Hàng năm, từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau là khoảng thời gian đẹp nhất mà du khách nên lựa chọn để chinh phục đỉnh Pu Ta Leng bởi vẻ đẹp thiên nhiên cùng các loài hoa rừng đặc biệt là hoa đỗ quyên nở rộ từ khắp sườn núi lên tới đỉnh.

Chinh phục đỉnh Pu Ta Leng du khách sẽ phải vượt qua những khu rừng nguyên sinh, những thác nước, khe suối hay những thảm thực vật phong phú … đêt rồi khi lên tới đỉnh sẽ thấy những ốc đảo ẩn hiện giữa đại dương mây trên độ cao 3049m. Tầng tầng, lớp lớp mây trắng giữa màu xanh đại dương của bầu trời và màu xanh lá cây của núi rừng nơi đây giống như một bức tranh tuyệt vời.

Bản Tả Lèng

Là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Mông, Dao. Bản Tả Lèng nằm cách trung tâm thành phố TP Lai Châu khoảng 10km, đến với Tả Lèng du khách có dịp được đắm mình trong màu vàng của hoa dã quỳ nằm hai bên cung đường quanh co uốn lượn, được ngắm những thửa ruộng bậc thang nhiều màu sắc hay tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống đặc sắc trong đời sống của người dân nơi đây.

Động Tiên Sơn

Nằm bên quốc lộ 4D, Động Tiên Sơn thuộc địa phận xã Bình Lư.  Động gồm 49 khoang, nối tiếp nhau chạy dài thông qua hai sườn núi, càng vào sâu các khoang càng lớn. Động mang những giá trị về cảnh quan, địa chất, văn hóa, lịch sử và đặc biệt là giá trị thẩm mỹ cao với những khối đá, thạch nhũ kỳ ảo, là thường. Đặc biệt trong động có dòng suối trong vắt chảy qua, uốn lượn quanh co tạo thành nét đẹp riêng mà ít nơi nào có được.

Động Tiên Sơn  nằm trong khu di tích lịch sử được coi là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân các dân tộc quang vùng, nơi đây hàng năm diễn ra lễ hội văn hóa Động Tiên Sơn. Với diện tích rộng lớn cùng nhiều công trình khác như nhà thờ, cầu, hệ thống hồ nước, khuôn viên cây xanh … khu di tích lịch sử Động Tiên Sơn thu hút đông đảo du khách tham quan.

Thác Tình Yêu

Cách trung tâm thị trấn Tam Đường 1,5km, thác Tác Tình nằm bên trục đường quốc lộ 4D nối Sapa với Lai Châu. Bắt nguồn từ dãy Hoang Liên Sơn hùng vĩ, thác cao chừng 130m, đổ xuống theo hướng thẳng đứng, chân thác rộng khoảng 40m, dưới chân thác là một hồ nước lớn rộng chừng 200m2. Đứng ngang tầm mắt thác Tạc Tình hiện lên như một bức tranh sơn thủy hữu tình trong ánh nắng hoàng hôn du khách sẽ thấy hình ảnh của cầu vồng hiện lên trên làn nước trong mát đang ào ào đổ xuống lòng hồ, một cảm giác thật thư thái, lâng lâng để rồi mỗi du khách không quên lưu lại những cảnh sắc tuyệt vời đó bằng những bức hình, những góc máy ưng ý nhât.

Bản Sì Thâu Chải

Thuộc địa phận xã Hồ Thầu, cách thành phố Lai Châu gần 30km, Bản Sì Thâu Chải nằm ở độ cao 1400m so với mực nước biển, nơi đây có trên 60 hộ dân với trên 300 nhân khẩu, trong đó 100% là người đồng bào dân tộc Dao đầu bằng sinh sống. Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ cùng với những phong tục tập quán độc đáo của người dân nơi đây. Bản Sì Thâu Chải rất thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái cùng tìm hiểu nét văn hóa dân tộc và khám phá chinh phục thiên nhiên.

Đèo Hoàng Liên Sơn

Hay còn gọi là Đèo Ô Quý Hồ, đứng đầu trong tứ đại đỉnh đèo ở Tây Bắc, đèo Hoàng Liên Sơn nằm trên độ cao hơn 2000m, dài gần 50km, trong đó 2/3 con đường thuộc huyện Tam Đường – Lai Châu, 1/3 còn lại thuộc huyện Sapa – Lào Cai. Đèo uốn lượn, quanh co và hiểm trở ôm chặt tình yêu mây núi quanh dãy núi Hoàng Liên, nơi có đỉnh Phan Xi Păng – nóc nhà Đông Dương lộng gió trên đỉnh cao 3143. Là điểm du lịch cấp tỉnh đã được công nhận đèo Hoàng Liên Sơn từ lâu đã nổi tiếng không chỉ vì vị trị giao thông quan trọng mà còn bởi vẻ đẹp hùng vĩ bậc nhất Tây Bắc.

Bản Hon

Cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng 12km, bản Hon là bản du lịch cộng đồng duy nhất của người Lự ở nước ta. Nơi đây còn giữ được những nét văn hóa đặc trưng dân tộc Lự: Phụ nữ nhuộm răng đen, nghề dệt thổ cẩm truyền thống, những nếp nhà sàn truyền thống, tập quán canh tác, đánh băt, lao động sản xuất…

Đến thăm bản Hon, du khách sẽ được nghe các bà, các chị hát những làn điệu dân ca Lự êm dịu, những tiết mục ca múa do chính những chàng trai cô gái trong bản biểu diễn với các loại nhạc cụ như trống, chiêng, sáo mẹ, sáo con hoặc được thưởng thức những những món ăn đậm đà bản sắc do bà con dân bản chế biến… hay mua váy làm quà tặng cho bạn bè, người thân.

Bản Nà Luồng

Bản du lịch cộng đồng Nà Luồng nằm cách thị trấn Tam Đường khoảng 10 km. Bản Nà Luồng thuộc xã Nà Tăm. Nà Luồng trong tiếng dân tộc Lào “Nà” có nghĩa là ruộng, đồng. “Luồng” có nghĩa là con rồng. Bản có vị trí đẹp, nằm cạnh dòng suối Nậm Mu uốn lượn quanh những thửa ruộng bậc thang. Người Lào ở bản Nà Luồng rất chân thật, thân thiện và mến khách. Đến với Nà Luồng, du khách sẽ được tìm hiểu những nét văn hóa, phong tục tập quán độc đáo của người Lào qua trang phục dân tộc, nghề dệt thổ cẩm hay tục nhuộm răng đen… được thưởng thức văn nghệ truyền thống với các điệu xòe và múa Lăm Vông, được tham gia các trò chơi dân gian, khám phá những món ăn mang đậm bản sắc địa phương như các loại rau rừng, cad suối…

Tp Lai Châu

Thành phố Lai Châu là một cao nguyên đá vôi có độ cao trung bình gần 1.000 m (Điểm thấp nhất gần 895m, điểm cao nhất gần 1.300m). Đây là trung tâm tỉnh lỵ có độ cao lớn nhất miền Bắc xuống Đông Nam và trong vùng có độ cao lớn nhất cả nước – từ 900m đến trên 2.000m giữa hai dãy núi lớn Hoàng Liên Sơn (phía Đông) và Pu Sam Cát (Phía Tây) dọc theo quốc lộ 4D. Thành phố Lai Châu có khí hậu quanh năm mát mẻ với nền nhiệt độ trung bình từ 18 -19 độ C.

Là trung tâm của cả tỉnh, tp Lai Châu là một trong những đô thị có quy hoạch đẹp nhất cả nước được đầu tư xây dựng hiện đại nhưng vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống độc đáo vủa vùng Tây Bắc, thành phố Lai Châu đã trở thành điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Quảng trường nhân dân và trung tâm hành chính – chính trị tỉnh

Nằm ở vị trí trang trọng  giữa trung tâm thành phố, quảng trường nhân dân và trung tâm hành chính, chính trị tỉnh Lai Châu là một điểm nhấn về kiến trúc và cảnh quan của cả tỉnh. Các công trình nhưu trung tâm hội nghị, tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Lai Châu, quảng trường,, khu hành chính… được thiết kế hiện đại và đẹp mắt đã trở thành một điểm dừng chân không thể thiếu của khách du lịch khi đến với Lai Châu.

Quần thể hang động Pu Sam Cap

Cách thành phố Lai Châu khoảng 6km, bên tỉnh lộ 129 nối thành phố Lai Châu với huyện Sìn Hồ, quần thể hang động Pu Sam Cap rộng gần 600ha được ví là “ Tây Bắc Đệ Nhất Động”. Hiện Pu Sam Cap có hai động đang đón khách du lịch là động Thiên Môn và động Thiên Đường với nhiều nhũ đá kỳ ảo, huyền bí, ẩn chứa nhiều câu chuyện cảm động của con người miền núi. Pu Sam Cap luôn là lời mời gọi hấp dẫn đối với mọi du khách gần xa.

Bản du lịch Cộng đồng Gia Khâu

Bản du lịch cộng đồng Gia Khâu (xã Nậm Loong) hấp dẫn khách du lịch bởi phong cảnh yên bình được tạo bởi những cánh đồng ngô xanh mát, chen lẫn những bậc ruộng lấp lánh mùa nước đổ và được điểm xuyết bằng màu hoa dã quỳ vàng rực rỡ uốn lượn theo những con đường ôm quanh bản. Không những  thê, được khám phá những nét văn hóa truyền thống độc đáo, giản dị của người Mông qua lễ hội Gầu tào, qua ẩm thực truyền thống hay qua những nét sinh hoạt văn hóa hàng ngày của người dân nơi đây cũng làm khách du lịch thích thú và ấn tượng. Hiện nay, bản Gia Khâu được thành phố chú trọng đầu tư, quảng bá trở thành một điểm nhấn quan trọng của du lịch thành phố Lai Châu.

Bản du lịch cộng đồng San Thàng I

Nằm ngay cửa ngõ vào thành phố, bản San Thàng I là nơi sinh sống của hơn 70 hộ gia đình người dân tộc Giáy. Đến San Thàng, khách du lịch luôn ấn tượng bởi vẻ đẹp hòa quyện giữa con người với thiên nhiên. Những nếp nhà gỗ lợp mái ngói đã cũ màu thời gian ẩn hiện dưới những tán cây xanh mắt. Những tường rào đá cuội quanh nhà, quanh bản, ven suối được sắp xếp tài tình tạo cho bản một cảnh quan thơ mộng đến lạ kỳ. Đến San Thàng, du khách được thưởng thức nhiều món bánh truyền thống hấp dẫn, lạ miệng được chính những người phụ nữ Giáy khéo léo làm lên như bánh bò, bánh khảo, bánh ngô, bánh bỏng…

Chợ phiên San Thàng

Chợ Phiên San Thàng là một trong những chợ phiên vùng cao còn giữ được những nét văn hóa truyền thống không chỉ của riêng Lai Châu mà còn của cả vùng Tây Bắc. Chợ họp vào mỗi sáng thứ năm và sáng chủ nhật hàng tuần. Đến chợ phiên San Thàng, du khách có thể dễ dàng tìm thấy những đặc sản của vùng núi Lai Châu như thổ cẩm, lợn cắp nách, rau, quả rừng, nấm hương, thảo quả… Đối với người dân Lai Châu, chợ phiên còn là nơi hội tụ, nơi gặp gỡ và giao lưu của đồng bào các dân tộc sinh sống quanh vùng.

Huyện Phong Thổ

Là một huyện nằm ở phía Bắc của tỉnh Lai Châu, có diện tích hơn 102,94 km2, dân số khoảng 75 nghìn người, trong đó chủ yếu là người Thái, Mông, Hà Nhì, Dao, Kinh… Huyện có 98,95 km đường biên giới với Trung Quốc, có cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng. Với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú cùng nhiều phong tục tập quán của người dân còn được bảo tồn lưu giữ đến ngày nay, huyện Phong Thổ có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.

Huyện Phong Thổ

Bạch mộc lương tử

Đỉnh Bạch Mộc Lương Tử thuộc địa phận xã Sin Súi Hồ. Với độ cao 3045m so với mực nước biển, Bạch Mộc Lương Tử là một trong năm ngọn núi cao nhất Việt Nam và Đông Nam Á trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Chinh phục Bạch Mộc Lương Tử luôn là một thách thức nhưng cũng đầy hấp dẫn đối với các phượt thủ. Không phải là đỉnh núi cao nhất, nhưng Bạch Mộc Lương Tử được biết đến là đỉnh núi có cảnh quan đẹp nhất và cung đường khám phá thú vị nhất.

Bản Sin Suối Hồ

Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ thuộc xã Sin Suối Hồ nằm cách thành phố Lai Châu chừng 30km. Nằm ở độ cao khoảng trên 1500m, bản Sin Suối Hồ là nơi sinh sống của hơn 100 hộ dân là người Mông. Tuy mới được đưa vào khai thác du lịch, song Sin Suối Hồ đã chinh phục được cả những vị khách khó tính nhất. Sin Suối Hồ được ví như một bức tranh thủy mạc với những cánh rừng nguyên sinh xanh tốt, những thác nước bọt tung trắng suốt bốn mùa, những ngôi nhà trình tường, những vườn địa lan, vườn đào rực rỡ. Khí hậu trong lành, mát mẻ  quanh năm cùng lòng hiếu khách và sự thân thiện của người dân đã biến nơi đây thành một điểm đến không thể bỏ qua cho khách du lịch đến với Lai Châu.

Bản Vàng Pheo

Được coi là cái nôi của người Thái Trắng, bản Vàng Pheo thuộc địa phận xã Mường So. Cách thành phố Lai Châu khoảng 25km, trên tuyến du lịch Lai Châu – Điện Biên. Bản nằm ở điểm gặp gỡ của hai dòng suối Nậm So và Nạm Lùn, với gần 100 hộ dân cùng hơn 400 nhân khẩu, trong đó 100% là người Thái Trắng. Với những nét văn hóa đặc trưng như : nhà sàn truyền thống, văn nghệ dân gian, những lễ hội đặc sắc cùng ẩm thực độc đáo của địa phương. Vang Pheo được khách du lịch yêu mến ví von như là thung lũng Mỹ nhân.

Đền thờ Nàng Han

Theo truyền thuyết Nàng Han xuất thân trong một gia đình người Thái nghèo ở Chiềng Sa ( nay là Mường So, Huyện Phong Thổ, Lai Châu). Nàng là người có công lãnh đạo nhân dân đánh đuổi giặc xâm lược phương Bắc, giữ yên bờ cõi quê hương. Sau khi dẫn đoàn quân thắng trận trở về, nàng tắm gội ở mó nước Tây An (xã Mường So) rồi bay lên trời. Nhân dân nhớ công ơn của nàng, lập đền thờ và tổ chức lễ hội ngay ở mó nước nàng tắm.

Bản Nà Củng và hang kháng chiến Nà Củng

Nà củng được biết đến là một trong những điểm đầu tiên mà người Thái Trắng di cư vào Lai Châu chọn nơi lập bản sinh sống. Cách thành phố Lai Châu gần 30km, bản nằm giữa thung lũng bình yên có dòng Nậm So trong mát, róc rách bốn mùa, có cánh đồng Tùng So ngạt ngào hương lúa. Không chỉ có cảnh quan đẹp, con người thân thiện, trong bản còn có di tích Hang kháng chiến Nà Củng là nơi người dân đã che dấu bộ đội trong những năm tháng chiến tranh.

Cao nguyên Dào San

Là nơi cư trú chủ yếu của các dân tộc Mông, Dao, Thái, Hà Nhì… Ấn tượng của du khách về Dào San là những cánh rừng xanh ngút ngàn, những đồi thảo quả trải dài đến vô tận, những con đường nhiều tầng xuyên qua mây trắng, những dòng suối róc rách chảy, những thửa ruộng bậc thang leo lên đỉnh núi… Không chỉ thế, khách du lịch còn có dịp trải nghiệm văn hóa vùng cao qua phiên chợ Dào San. Chợ được họp vào chủ nhật hàng tuần, đây cũng là phiên chợ mang đậm nét văn hóa chung của vùng cao Tây Bắc, nơi giao thoa những giá trị của bản sắc văn hóa truyền thống.

Cửa khẩu Ma Lù Thàng

Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng có tổng diện tích là 43ha, cách thành phố Lai Châu 50km trên quốc lộ 4D và quốc lộ 12, tiếp giáp với của khẩu Kim Thủy Hà, xã Nà Phà, huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Với mỗi du khách khi đặt chân đến Ma Lù Thàng và được chiêm ngưỡng cột mộc 66 đều có một cảm xúc thiêng liêng về chủ quyền biên giới quốc gia, cảm xúc ấy càng được dân lên mãnh liệt hơn khi giang tay ôm cột mốc, được đặt mũi bàn chân lên nét vạch sơn chỉ giới kẻ ngang trên mặt cầu hữu nghị.

Huyện Sìn Hồ

Sìn Hồ là huyện nằm giữa tỉnh Lai Châu, phía Bắc giáp Vân Nam, Trung Quooca, phía Nam là huyện Tủa Chùa, Điện Biên, phía Đông là huyện Phong Thổ, phía Tây giáp huyện Mường Tè. Sìn Hồ có diện tích 1.764 km2 gồm có 22 xã và một thị trấn, huyện lỵ là thị trấn Sìn Hồ nằm cách thành phố Lai Châu 60km về hướng Tây. Sìn Hồ theo tiếng bản địa có nghĩa là nơi có nhiều con suối, những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp và một thung lũng với cánh đồng lúa vàng rực.

Với khí hậu mát mẻ, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ cùng những phong tục tập quán, nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc trong đời sống của đồng bào nơi đây, Sìn Hồ có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút du khách.

Cao nguyên Sìn Hồ

Cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng 60 km, Cao nguyên Sìn Hồ nằm trên độ cao hơn 1.500m. Được xem như Sapa thứ hai của khu vực Tây Bắc, thời tiết trong ngày ở đây mang đặc điểm của 4 mùa trong năm, nhiệt độ trung bình năm khoảng 18 độ C. Với khí hậu quanh năm mát mẻ cao nguyên Sìn Hồ rất thích hợp cho các loại cây dược liệu như Tam Thất, Táo Mèo, Astiso, cây tắm lá thuốc… cùng nhiều giống rau, hoa quả ôn đới đặc sắc như mận, đào, lê … phát triển.

Cao nguyên Sìn Hồ nằm giữa chập trùng núi đá, bạt ngàn rừng nguyên sinh, giữa biển mây mù, nơi đây với những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, những bản làng nằm thấp thoáng bên sườn núi… Lên thăm cao nguyên Sìn Hồ, du khách sẽ có dịp được ngắm nhìn thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng, được khám phá những phong tục tập quán độc đáo trong đời sống sinh hoạt của bà con người dân bản địa và đặc biệt là thưởng thức những món ăn ngon mang đậm đà hương vị núi rừng như thịt trâu quấn lá lốt, dê hấp, lợn bản, cá suối, thắng cố, xôi nếp nương cùng mọn cá hồi đặc sản của xứ lạnh được nuôi thành công tại Sìn Hồ.

Chợ phiên Sìn Hồ

Chợ phiên Sìn Hồ nằm ở trung tâm thị trấn Sìn Hồ, chợ họp vào chủ nhật hàng tuần. Chợ phiên Sìn Hồ là nơi lưu giữ nhiều nét đẹp của đồng bào vùng cao cho đến tận ngày nay. Ngoài mục đích trao đổi hàng hóa, chợ còn là là nơi thể hiện rõ những nét bản sắc văn hóa, những đặc trưng truyền thống, những phong tục tập quán của từng dân tộc vùng cao Sìn Hồ. Những nét đẹp truyền thống cùng với những giá trị về tinh thần duy trì và phát triển. Nơi đây thực sự là một điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm hiểu văn hóa vùng cao, Du khách hãy đến và cảm nhận.

Bản Tả Phìn

Nằm trên cao nguyên Sìn Hồ, cách thị trấn Sìn Hồ chỉ 5 km, bên tỉnh lộ 129 nối thành phố Lai Châu với huyện Sìn Hồ, trên tuyến du lịch Lai Châu – Sìn Hồ -Phong Thổ - Lai Châu. Nơi đây với khí hậu quanh năm mát mẻ nhiệt độ trung bình chỉ từ 18-23 độ C. Đến với bản Tả Phìn, du khách sẽ có dịp được khám phá cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ với những mái nhà đá đen cổ trên 200 năm tuổi, những thửa ruộng bậc thang mùa lúa chín, những vườn hoa lê, hoa mận, hoa đào dịp đầu xuân hay thưởng thức những trái mắc cọt, lê, mận, đào ngay dưới gốc cây. Bên cạnh đó du khách còn được tìm hiểu những nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng cùng với phương thức lao động sản xuất thủ công truyền thống trong đời sống của bà con nhân dân.

Núi Đá Ô và động Ông Tiên

Là di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh, nằm trên địa phận xã Tả Phìn huyện Sìn Hồ, gắn với sự tích của người Dao Khâu kể về ông Tiên xuống hạ giới du ngoạn để quên cái ô, qua thời gian cái ô hóa thành đá, Núi Đá Ô là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của bà con dân bản, nơi mà người dân thường thắp hương cầu nguyện đặt các lễ vật để dâng cúng cầu mong mùa màng bội thu, người khỏe mạnh… Nằm gần khu vực núi Đá Ô là động ông Tiên, động có nhiều thạch nhũ với hình thù kì lạ được hình thành do kiến tạo địa chất từ hàng nghìn năm.

Huyện Tân Uyên

Đồi chè Tân Uyên

Được trải dài dọc theo quốc lộ 32, chè có tuổi đời từ 40 -50 năm với quy mô gần 20.000 ha, nằm cách trung tâm thị trấn Tân Uyên không xa, đồi chè Tân Uyên hiện là điểm đến yêu thích của nhiều người khi đến với Tân Uyên. Tới đây bạn sẽ được tận hưởng cảnh vật và thiên nhiên trong lành. Đây cũng là nơi được nhiều người chọn làm nơi chụp ảnh cưới, hoặc thực hiện một bộ ảnh lãng mạn trong đồng chè xanh mướt, giữa lấp lánh nắng vàng. Chè cũng là một trong những cây kinh tế chính của thị trấn với sản lượng chè nổi tiếng khắp cả nước như chè San tuyết, Ô Long, Thanh Tâm…

Quần thể danh thắng Phiêng Phát, thuộc địa phận xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên được công nhận là công danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. Nằm ẩn mình trong núi đá vôi, thắng cảnh Phiêng phát  đã thực sự trở nên nổi tiếng bởi sự hào phóng của tạo hóa đã ban tặng cho vùng đất này.

Bản Phiêng Hào

Thuộc xã Mường Khoa cách trung tâm huyện khoảng 13km là một bản văn hóa với 100% dân tộc Lào sinh sống. Bản Phiêng Hào có phong cảnh hữu tình, con người thân thiện và mến khách. Phiêng Hào còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc được thể hiện qua các làn điệu dân ca, dân vũ, văn hóa ẩm thực. phong tục truyền thống của như nhuộm răng đen của phụ nữ dân tộc Lào. Phiêng Hào vẫn còn lưu truyền nghề dệt truyền thống của địa phương. Những bộ trang phúc được thêu dệt một cách tỉ mỉ cầu kỳ với nhiều họa tiết văn hóa rất đẹp mang lại sức cuốn hút hấp dẫn của những bộ trang phục của dân tộc Lào.

Suối nước nóng Phiêng Phát

Nằm trong khu vực quần thể danh lam thắng cảnh Phiêng Phát xã Trung Đồng được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2010. Suối nước nóng với 2 điểm có nước nóng ổn định đạt 5l/s, suối nước nóng nằm cách trung tâm huyện khoảng 6km.

Hiện nay, số lượng người dân trên địa bàn huyện và địa phương khác đến tắm tại suối nước nóng ngày càng tăng, số lượng người tắm tăng cao vào khoảng tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau.

Huyện Than Uyên

Nằm ở phía Nam của tỉnh Lai Châu, huyện Than Uyên có tổng diện tích tự nhiên 792,52 km2. Dân số có khoảng 59, 78 nghìn người gồm 10 dân tộc. Huyện Than Uyên là huyện có bề dày truyền thống lịch sử. Là huyện có nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế nông nghiệp, có cánh đồng Mường Than lớn thứ 3 vùng Tây Bắc với diện tích hơn 2.000 ha, có 2 thủy điện là; Bản Chát có công suất 220 MW và Huổi Quảng có công suất 560 MW.

Di tích Bản Lướt

Thuộc xã Mường Kim là nơi ban cán sự tỉnh Lai Châu ra đời thông qua nghị quyết của liên khu ủy 10 về thành lập chi bộ đảng Lai Châu. Đây chính là tiền thân của đảng bộ tỉnh Lai Châu ngày nay.

Khu di tích được đầu tư xây dựng bia tưởng niệm và vòng quanh khuôn viên của bản. Tháng 10 năm 2003 huyện Than Uyên vinh dự được nhà nước trao tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Di tích Bản Lướt được tỉnh công nhận năm 2009 là di tích lịch sử cách mạng.

Cánh Đồng Mường Than

Là một trong bốn cánh đồng lớn nhất Tây Bắc thuộc địa phận xã Mường Than, huyện Than Uyên. Cánh đồng mênh mông không chỉ tạo vẻ đẹp nên thơ giữa núi rừng hùng vĩ còn là nơi cho ra nhiều sản vật nổi tiếng của địa phương như; Ngô non bao tử, khoai lang Hoàng Long, gạo Sén cù, gạo tám…

Hang Thẳm Đán Chể

Di tích khảo cổ học Thẳm Đán Chể thuộc xã Mường Kim, huyện Than Uyên, nằm trên sườn của một ngọn núi thấp, phía bắc là cánh đồng Nà Púng, phía Tây có cánh đồng Nà Thẳm và dòng suối Nặm Bốn. Người dân địa phương gọi đây là Hang Thẳm Đán Chể vì theo tiếng Thái có nghĩa là hang giấy (hang trắng như giấy). Là một trong những di chỉ khảo khổ học đặc biệt quan trọng trong hệ thống di tích cổ sinh hóa thạch ở Bắc Việt Nam. Đây là một điểm đến khi du khách đến với Than Uyên.

Hồ Thủy điện Huổi Quảng, thủy điện Bản Chát

Hồ thủy điện Bản Chát nằm trên sông Nậm Mu thuộc địa phận xã Mường Kim, cách trung tâm huyện khoảng 10km. Đây là một trong các đập thủy điện cao nhất Việt Nam, cũng là điểm có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch với phong cảnh đẹp, đa dạng, thuận lợi và phù hợp các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần.

Huyện Mường Tè

Nằm ở phía tây của tỉnh Lai Châu, phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía đông nối liền với huyện Nậm Nhùn và huyện Kim Bình, Trung Quốc, phía tây nam kề với huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) có đường biên giới dài 130,292 km nối liền với 03 huyện: Giang Thành, Lục Xuân, Kim Bình (Trung Quốc). Tổng diện tích đất tự nhiên của Mường Tè là 2.700 km2; dân số khoảng 4 vạn người gồm 13 dân tộc: Kinh, Thái, Mông, Dao, La Hủ, Hà Nhì… Đặc biệt là ba dân tộc: La Hủ. Mảng, Cống trên toàn quốc chỉ có duy nhất ở Mường Tè.

Là một huyện vùng cao biên giới, độ cao trung bình từ 900 – 1.500m có lòng hồ thủy điện Lai Châu nằm giữa trung tâm thị trấn, khí hậu nhiệt đới mát mẻ quanh năm. Huyện có 14 đơn vị hành chính trực thuộc gồm các xã: Bum Nưa, Bum Tở, Mường Tè, Mù Cả, Ka Lăng, Thu Lũm, Nậm Khao, Can Hồ, Tà Tổng, Pa Ủ, Pa Vệ Sủ, Vàng San, Tá Bạ và thị trấn Mương Tè.

Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Tè

Nằm trên địa bàn 2 xã Tà Tổng và Mù cả, Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Tè  là nơi có hệ thực vật và thảm thực vật vô cùng phong phú và đa dạng, nhất là hệ sinh thái rừng. Kết quả khảo sát điều tra của huyện Mường Tè cho thấy có 542 loài thực vật trong đó có 57 loài thực vật quí hiếm đã được ghi trong sách đỏ Việt Nam và 7 loài trong sách đỏ thế giới, đa số là những loài nằm trong Nghị định 32 của chính phủ và 6 loài đặc trưng cho vùng Tây bắc: Trám đen, chò nước, giổi xương, chò nâu, đinh, sến, lát hao …

Bản Nậm Khao

Với hai dân tộc sinh sống chủ yếu là Cống và La Hủ (là hai trong ba dân tộc ít người trên toàn quốc chỉ có duy nhất ở Mường Tè). Thuộc xã Nậm Khao, huyện Mường Tè. Cách trung tâm huyện 25km, có khoảng 90 hộ gia đình, là nơi lưu giữ được phong tục tập quán và nét bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo đầy bí ẩn. Với vẻ nguyên sơ, yên bình bản Nậm Khao còn có nhiều điều thú vị đang chờ du khách khám phá.

Di tích đồn Mường Tè

Đồn Mường Tè được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, nằm trên đồi Phụ Độn tức là núi Đồn thuộc bản Nậm Củm (xã Mường Tè). Được xây dựng trên đỉnh của ngọn đồi khá cao và hiểm trở, nằm giữa ngã ba của suối Nậm Củm và Sông Đà, rất thuận tiện cho việc quan sát bốn phía và lối thoát ra sông Đà sang Mù Cả.

Di tích nơi giam cố luật sư, chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ

Được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, nằm trên địa phận bản Giảng, xã Mường Tè, là nơi thực dân Pháp đã giam lỏng cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ và được nhân dân địa phương dựng một ngôi nhà sàn gỗ để ông sinh sống.

Tháng 2 năm 1962 Đại hội lần thứ nhất mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam tổ chức ông được bầu làm chủ tịch. Tháng 6 năm 1969 chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam được thành lập, ông giữ chức chủ tịch hội đồng cố vấn. Năm 1976 ông được bầu làm phó chủ tịch nước Việt Nam thống nhất. Tháng 4 năm 1980 sau khi chủ tịch nước Tôn Đức Thắng qua đời, ông làm quyền chủ tịch nước đến tháng 7 năm 1981. Năm 1981 đến năm 1987 ông làm chủ tịch quốc hội nước Việt Nam. Ông được tặng thưởng huân chương sao vàng.

Thượng nguồn Sông Đà

Sông Đà hay còn gọi là Sông Bờ hay Đà Giang là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng. Sông bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc chảy qua mốc giới số 17 theo hướng Tây bắc – Đông nam để rồi nhập với sông Hồng ở Phú Thọ.

Sông Đà dài trên 910 km , diện tích lưu vực là 52,900km2. Điểm đầu là biên giới Việt Nam – Trung Quốc tại huyện Mường Tè (Lai Châu). Sông Đà chảy vào Việt Nam tại mốc 17 – nơi con suối Nậm Náp chảy vào sông Đà.

Đỉnh Pu Si Lung

Là ngọn núi hoang sơ, bí ẩn và quyến rũ bậc nhất Việt Nam, đỉnh Pu Si Lung huyền thoại nằm ở biên giới Việt Nam và Trung Quốc thuộc xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu với độ cao 3.083m được mệnh danh là nóc nhà biên giới luôn là điểm đến trong mơ của các phượt thủ ưa khám phá.

Hòn Đá thiêng

Được ví như người thủ lĩnh nằm cách trên đỉnh Pa Thắng cách trung tâm xã Thu Lũm 14km. Trước đây hòn đá thiêng có tên gọi là Phú Tứ nay được chuyển thành Thánh Thần trấn biên. Hòn đá chính là tâm hồn, là vị thần núi của đồng bào Hà Nhì ở thượng nguồn Sông Đà.

Huyện Nậm Nhùn

Giáp với Sìn Hồ ở phía Đông, Mường Nhé, Điện Biên ở phía Tây, Mường Lay (Điện Biên) ở phía Nam, tỉnh Vân Nam của Trung Quốc ở phía Bắc, với chiều dài đường biên giới là 24,671 km. Tổng diện tích đất tự nhiên của Nậm Nhùn là 1.388 km2, dân số 2,5 vạn người gồm 1 thị trấn và 10 xã. Thị trấn Nậm Nhùn và các xã: Mướng Mô, Hua Bum, Nậm Manh, Nậm Chà, Nậm Hangd, Lê Lợi, Pú Đao, Nậm Ban, Nậm Pi và Trung Chải.

Huyện có hai lòng hồ thủy điện lớn, hai di tích lịch sử cấp quốc gia, điểm đến đẹp nhất Đông Nam Á, những bản làng bình yên và hoang nguyên, những món ăn , điêu múa say đắm lòng người gắn với khí hậu nhiệt đới gió mùa, trong lành, mát mẻ, quanh năm. Nặm Nhùn đang là điểm đến tiềm năng đối với khách du lịch.

Bia Lê Lợi

Lịch sử kể lại rằng, năm 1432 vui Lê Lợi đã đưa quân ngược dòng sông Đà lên vùng Tây Bắc dẹp loạn tạo phản và ngoại xâm giữ vững biên ải đã khắc lên tấm bia đá khẳng định chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của nước ta.

Xã Pú Đao

Pú Đao là nơi ngắm hoàng hôn ngã ba sông nơi giao nhau của dòng Nậm Na và con sông Đà hùng vĩ, là một xã của người Mông, gồm bốn bản: Hồng Ngài, Nậm Đ oong, Nậm Đắc và Hồng Tý. Với cảnh quan thiên nhiên đẹp, hoang sơ, cùng với đó là những chiếc váy xòe của thiếu nữ Mông dập dìu trong nắng sớm, Pú Đao giống như thỏi nam châm hút những ai mê khám phá những vùng đất mới.

Thủy điện Lai Châu

Tọa lạc tại xã Nậm Hàng với công suất 1200MW đứng thứ 3 cả nước, được xây dựng ở bậc thang trên cùng của dòng chính sông Đà, bậc trên của thủy điện Sơn La với tổng diện tích lưu vực 26.000 km2, trong đó mực nước dân bình thường là 295m, mực nước chết là 270m. Dung tích toàn bộ hồ chứa là 1.215 triệu m3 tạo nên một hồ chứa nước khổng lồ giữa thiên nhiên bạt ngàn với mặt hồ trong vắt, bầu trời xanh trong veo đẹp như bức tranh thủy mạc.

Phế tích dinh thự Đèo Văn Long

Dinh thự Đèo Văn Long được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, được xây dựng có sự kết hợp giữa kiến trúc nhà sàn của người Thái với kiến trúc của người Pháp. Nằm ở ngã tư nơi gặp nhau của con sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay thuộc xã Lê Lợi. Đây là tổng hành dinh của vua người Thái vùng Tây Bắc Đèo Văn Long dưới thời Pháp thuộc.

Sông Đà

Bắt nguồn từ Trung Quốc, bắt đầu chảy vào Việt Nam từ xã Mù Cả, huyện Mường Tè, Lai Châu. Từ đây gắn liền với Lai Châu và cả Tây Bắc, dòng sông chính là linh hồn của những bản làng dưới bóng đại ngàn hùng vĩ, là mạch sống của Tây Bắc là bản hùng ca dữ dội, đầy hào khí, đậm chất thi ca của núi rừng.

Ngược dòng Đà Giang để ngắm những khung cảnh kỳ vĩ hai bên bờ, đắm mình trong những cung bậc cảm xúc độc đáo đầy chất Tây Bắc cùng những con người nơi đây sẽ là những trải nghiệm khó quên cho bất cứ lữ khách nào đã từng qua đây.

Trên đây là toàn cảnh các di tích, danh lam thắng cảnh và điểm thăm quan nổi bật nhất của du lịch Lai Châu, mỗi điểm đến lại có những nét đặc trưng độc đáo riêng biệt chờ bạn khám phá. Hãy xách Ba lô lên và bắt đầu trải nghiệm những cung đường mới trên vùng đất biên giới phía bắc của tổ quốc.

Quý khách có nhu cầu đặt Tour trọn gói: https://vietsensetravel.com/du-lich-lai-chau-c.html

 

 

17 1 18 35 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==