Đông Bắc là một vùng không gian rộng lớn với diện tích chủ yếu là đồi núi, sông ngòi đa dạng. Đây còn được biết đến cái nôi của cách mạng với chiến khu Việt Bắc vẫn còn lưu giữ nhiều di tích gắn tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của chủ tịch Hồ Chí Minh. Đông Bắc có là nơi hội tụ nhiều các tộc người khác nhau với những nét văn hoá, phong tục đa dạng và đậm đà bản sắc. Ẩm thực của vùng này cũng có nhiều món ăn truyền nức tiếng cả nước được du khách tìm đến thưởng thức. Có thể nói vùng Đông Bắc hội tụ nhiều tài nguyên thiên nhiên, văn hoá, lịch sử cách mạng, ẩm thực là tiền đề để phát triển du lịch. Trong bài viết này, VietSense Travel sẽ chỉ ra những thực trạng và tiềm năng lợi thế du lịch đặc thù của vùng để xây dựng sản phấm du lịch đặc trưng của vùng mà không đâu có được.
Nhận diện tiềm năng lợi thế du lịch đặc trưng vùng Đông Bắc
Thực trạng du lịch Đông Bắc
Sự phát triển du lịch của các tỉnh trong vùng Việt Bắc có những bước tiến đáng kể trong những năm trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Cụ thể là một số điểm du lịch như Hồ Ba Bể, Thác Bản Giốc, hồ Na Hang đã có được thương hiệu và thu hút lượng khách lớn và đặc biệt là Hà giang với hiệu ứng mùa hoa tam giác mạch đã gây tiếng vang đối với thị trường du lịch.
Tuy nhiên những hạn chế còn tồn tại của vùng là việc khai thác du lịch vẫn phụ thuộc chủ yếu vào các tài nguyên thiên nhiên có sẵn. Công tác xây dựng sản phẩm du lịch chưa được chú trọng và đầu tư xứng tầm vì thế dẫn đến sự đơn điệu, thiếu tính hấp dẫn theo xu thế thời đại và trùng lặp ở nhiều địa phương. Hệ thống dịch vụ còn nghèo nàn chưa có nhiều cơ sở đạt tiêu chuẩn cao đáp ứng được nhu cầu của du khách. Đặc biệt, hoạt động liên kết giữa các địa phương trong việc nghiên cứu xây dựng sản phẩm đặc thù, hợp tác xúc tiến quảng bá còn chưa chặt chẽ, thiết thực dẫn đến năng lực cạnh tranh chưa cao và không phát huy được hết lợi thế về tài nguyên để phát triển du lịch một cách hiệu quả.
Tiềm năng lợi thế đặc thù vùng Đông Bắc
Vùng Việt Bắc qua 6 tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Cao Bằng và Hà Giang. Đây là một khu vực rộng lớn với rất nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch đặc trưng riêng biệt.
- Lợi thế về địa danh lịch sử: đây là cái nôi chiến khu Cách mạng với nhiều di tích nổi tiếng gắn liền với sự nghiệp cách mạng của lãnh tụ Hồ Chí Minh như hang Pác Bó, rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng); Tân Trào (Tuyên Quang); ATK Chợ Đồn (Bắc Kạn); ATK Định Hoá (Thái Nguyên); các di tích chiến thắng Đông Khê, Thất Khê... và các di tích gắn với lịch sử chống giặc ngoại xâm của cha ông như Ải Chi Lăng (Lạng Sơn).
- Lợi thế không gian và cảnh quan: Đa số các địa phương đều có vùng núi trung bình và thấp, địa hình đa dạng với khí hậu trong lành, cảnh quan tươi đẹp. Đây chính nguồn tài nguyên du lịch sinh thái tự nhiên giá trị.
- Lợi thế từ hệ thống hang động, núi đá vôi đa dạng và có giá trị mỹ thuật cao gồm Nhất, Nhị, Tam Thanh ở Lạng Sơn, Ngườm Ngao ở Cao Bằng, động Puông ở Bắc Kạn;
- Tiềm năng dung lịch sông hồ tiêu biểu có Sông Nho Quế (Hà Giang), Sông Gâm, hồ Ba Bể (Bắc Kạn), hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), hồ Thang Hen (Cao Bằng); về điểm danh thắng và nghỉ mát có thác Bản Giốc (Cao Bằng), Mẫu Sơn (Lạng Sơn).
- Tiềm năng du lịch văn hoá đặc sắc với sự đa dạng của nhiều dân tộc anh em như Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu, H'Mông... trong đó bản sắc văn hoá dân tộc Tày, Nùng với nhiều lễ hội, sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc có sức hấp dẫn lớn đối với khách du lịch.
Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Đông Bắc
Tài nguyên du lịch phong phú của vùng chiến khu Việt Bắc có nhiều nét đặc thù, khác biệt, là các giá trị cạnh tranh cao. Vì thế công tác xây dựng sản phẩm cần được đặc biệt quan tâm để hình thành và phát triển những sản phẩm du lịch văn hóa có chất lượng; kết nối các điểm di tích văn hóa, lịch sử cách mạng để hình thành các tuyến điểm du lịch đặc trưng của vùng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác kết hợp với các loại hình du lịch khác: du lịch sinh thái, cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm thiên nhiên, du lịch nông nghiệp theo hướng xanh gắn với bảo tồn di sản gìn giữ môi trường thiên nhiên.
Chiến lược xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng cho vùng chiến khu Việt Bắc là công tác rất quan trọng đòi hỏi sự quan tâm và đầu tư thích đáng của chính quyền địa phương. Cùng với đó là sự kết hợp liên kết của nhiều bên liên quan, cùng người dân, doanh nghiệp và các chuyên gia, có trách nhiệm, tầm nhìn. Tôi hy vọng trong thời gian tới, thương hiệu du lịch du lịch đặc thù của vùng chiến khu Việt Bắc với những giá trị thiên nhiên, văn hóa, di tích sẽ lan toả sâu rộng và gặt hái được thành công mang lại hiệu quả kinh tế cao cho toàn vùng.
Andrew Nguyen