==HOTLINESHOW== ==HOTLINESHOWOTHER==

Du lịch là một hành trình khám phá và trải nghiệm những điều độc đáo khác lạ ở nơi đến. Du lịch hành hương tuy không mới nhưng là một loại hình du lịch hướng tới thị trường ngách – đối tượng khách hàng là những người am hiểu Phật pháp và có tâm hướng Phật. Đây sẽ là một thị trường rất tiềm năng góp phần làm phong phú, đa dạng sản phẩm của ngành kinh tế du lịch. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả sẽ bàn tới thực trạng của loại hình du lịch hành hương tại Ấn Độ hiện nay từ đó có những giải pháp khắc phục cho tình trạng này.

Du lịch hành hương Phật giáo Ấn Độ dưới góc nhìn chuyên gia

Du lịch hành hương Phật giáo Ấn Độ dưới góc nhìn chuyên gia - Ảnh 1

Du lịch hành hương Phật giáo là gì?

Theo Tiến sĩ Đỗ Trần Phương "Du lịch hành hương Phật giáo là một loại hình du lịch mà các du khách đến các thánh tích lưu dấu hành trạng và sự nghiệp của Đức Phật để thể hiện lòng thành tâm mộ đạo, niềm tin đồng thời được thẩm nhận những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo ở những thánh tích đó và cao hơn cả là được thỏa mãn nhu cầu tâm linh tinh thần liên quan đến Đức Phật và Phật Pháp.”

Du lịch hành hương Phật giáo là gì?

Những vấn đề đặt ra với du lịch hành hương Phật giáo Ấn Độ

Qua khảo sát các website của một số Công ty Du lịch, Ts Đỗ Trần Phương  nhận thấy rằng, chương trình du lịch hành hương Ấn Độ theo các thánh tích của Phật Giáo thường dao động từ 8 ngày đến 15 ngày. Những chương trình này, các công ty du lịch chú trọng vào 4 thánh địa (Giới Phật tử Việt Nam và Trung Hoa gọi là Tứ Động Tâm của Phật Giáo) bao gồm:

  1. Lumbini (Vườn Lâm Tì Ni): Nơi đản sinh của Đức Phật.
  2. Budhagaya (Bồ đề Đạo tràng): Nơi Đức Phật thành đạo, nơi ngài đã giác ngộ ra hòn đá tảng trong giáo lý của nhà Phật đó là Tứ diệu đế và Bát Chính đạo.
  3. Sarnath (Vườn Nai): Nơi Đức phật giảng bài Pháp đầu tiên cho nhóm 5 người bạn cùng tu hành khổ hạnh với Đức Phật. Trong lịch sử Phật giáo, các học giả và tín đồ đều xác nhận rằng, nơi đây chính là nơi bánh xe Pháp của nhà Phật được quay lần đầu tiên tức là giáo lý của nhà Phật được truyền đến tăng đồ, chính thức đủ Tam Bảo trong nhà Phật đó là: Phật, Pháp, Tăng
  4. Kusinagar (Câu Thi Na): Nơi mà Đức Phật nhập diệt Niết Bàn

Nếu các tour khác đi từ 11 – 15 ngày thì có thể đi thêm 4 thánh địa khách

  1. Savatthi (thành Xá Vệ): Nơi gắn với Đức Ông – Cấp Cô Độc, nơi đức Phật dành nhiều thời gian giảng đạo và kết hạ nhất
  2. Sankasia: Nơi Đức Phật hạ thế xuống trần gian từ Cung trời Đao Lợi
  3. Jajagaha: Nơi Đức Phật thần phục con voi say
  4. Vesali (Tì xá ly): Nơi ngài Anan 3 lần xin với Đức Phật cho giới nữ được phép tu hành theo Tăng đoàn.

Với 8 điểm quan trọng này, gắn với thánh tích của Phật giáo, thời gian thiết kế tour từ 8 – 15 ngày tùy vào quỹ thời gian của du khách. Nhưng thông thường đã đi Ấn Độ du khách sẽ đi đủ Tứ động tâm, nếu thời gian dài có thể đi thêm 4 nơi thần diệu. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả sẽ bàn tới một số vấn đề còn tồn tại đối với chương trình du lịch Hành hương tại Ấn Độ hiện nay. Còn về cơ bản, các nhà tổ chức đã và đang làm khá tốt về chương trình, dịch vụ, mang lại những trải nghiệm tâm linh độc đáo cho du khách.

Những vấn đề đặt ra với du lịch hành hương Phật giáo Ấn Độ

  • Giao thông

8 điểm thánh tích kể trên là khá xa nhau, hệ thống giao thông tại Ấn Độ lại không thực sự tốt nên đi lại thực sự khó khăn:

Từ sân bay Kolkata đến Bồ Đề Đạo tràng cách 471 km

Từ Bồ Đề Đạo tràng đến Câu Thi Na cách 460 km

Từ Câu Thi Na đến Lâm Tì Ni (Nepal) cách 170 km

Từ Lâm Tì Ni đến Xá Vệ 225 km

Từ Xá Vệ đến Vườn Nai: 310 km

Từ Vườn Nai về đến Lucknow: 310km

Từ Lucknow về đến Newdelhi: 700 km (có thể đi máy bay từ Lucknow về Newdelhi)

Tốc độ trung bình của xe ô tô tại Ấn Độ chỉ đạt cơ bản được 40km/1h và chất lượng xe cũng không thực sự tốt. Nếu ở các nước khác, việc còi xe là không văn minh nhưng ở Ấn Độ trên các tuyến hành hương Phật giáo các lái xe luôn ghi ở sau xe: “Please horn” (xin hãy còi để báo hiệu cho việc di chuyển). Chình vì vậy, khi du khách ngồi trên xe di chuyển đến các điểm tham quan là khá mệt và luôn phải chịu cảnh ồn ào.

  • Khách sạn

Những điểm du lịch trọng điểm của du lịch Ấn Độ không nằm ở các tour hành hương Phật giáo mà nằm ở những tour hành hương Hindu giáo hay những danh lam thắng cảnh khác. Chính vì vậy, khách sạn tại những nơi thánh tích Phật giáo thường không có khách sạn sang. Nói chung khách sạn sang nhất cũng chỉ đạt đến tầm 3 sao cộng. Hiện nay, một số du khách hành hương Việt Nam ở luôn trong những khu nhà với giá khoảng 10 USD/1 đêm trong những điều kiện nhà, điện nước, bếp nấu ăn chưa thật sự đầy đủ đặc biệt khi có những đoàn đông. Với cơ sở vật chất như vậy, nếu đoàn du khách đi dài ngày chắc chắn sẽ mệt mỏi.

  • Ẩm thực

Ấm thực Ấn Độ cũng là một trong những vấn đề của tour du lịch hành hương đối với du khách Việt, đặc biệt phải kể đến những món cà ri của Ấn Độ. Các loại gạo và bột mỳ của Ấn Độ thường khô và khó ăn, rất nhiều du khách không ăn được những món ăn của Ấn Độ cộng thêm thời gian di chuyển trên xe là khá dài, ngủ không ngon nên rất nhiều người đã ốm trong khi đang thực hiện chuyến đi. 

  • Độ tuổi của du khách

Đối tượng khách hành hương có độ tuổi khá cao thường là những người già và cận già. Những đối tượng khách này đi bằng cái tâm của mình tuy rất cố gắng nhưng với một hành trình dài như vậy khiến nhiều người mệt mỏi, điều này gây khó khăn rất lớn cho những người tổ chức tour. 

  • Hướng dẫn viên

Hiện nay, ở Ấn Độ không có Local guide tiếng Việt như một số thị trường Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia… mà chỉ có local guide tiếng Anh. Đây là một khó khăn cho hướng dẫn viên Việt Nam khi tác nghiệp. Hướng dẫn viên bên Ấn Độ chỉ lo cho du khách việc mua vé thăm quan, check in – check out khách sạn, sắp xếp bữa ăn còn việc thuyết minh hoàn toàn là phần việc của hướng dẫn viên từ Việt Nam. Đây là một gánh nặng bởi hướng dẫn viên Việt Nam vừa phải giới thiệu được về Ấn Độ - Đất nước – Con người trong suốt hành trình, phải giới thiệu được về lịch sử, kiến trúc các thánh tính bên cạnh đó lại phải am hiểu về văn hóa và triết học Phật giáo.

  • Những điểm tham quan hầu hết là phế tích

Trong 8 điểm thánh tích kể trên chỉ có Bồ Đề Đạo tràng và Lâm Tì Ni còn có nhiều cụm công trình kiến trúc để tham quan, những điểm còn lại thì hầu hết là “Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”. Nếu không có sự giới thiệu khéo léo, không làm công tác tư tưởng cho du khách thì nhiều khi sự kỳ vọng của du khách vượt quá sự mong đợi dẫn tới sự thất vọng cho khu khách khi phải phải một quãng đường khá xa, thời gian tiền bạc để đến được những thánh tích này.

Giải pháp phát triển du lịch hành hương Ấn Độ

  1. Quảng bá

Đẩy mạnh công tác quảng bá du lịch giữa 2 quốc gia Việt Nam - Ấn Độ, bên cạnh các hoạt động xúc tiến truyền thống, có thể sử dụng các hình thức như: E –Marketing, hợp tác với các hãng hàng không để có những đường bay thẳng, trực tiếp, trao đổi hợp tác giữa các công ty lữ hành ở 2 nước để giới thiệu được giá trị văn hóa, tâm linh của tour hành hương Phật giáo đến du khách. Trong tương lai chắc chắn khi mà du khách đã đi nhiều nơi du lịch nghỉ dưỡng, họ sẽ quay trở lại với chương trình du lịch hành hương Phật giáo (hoặc hành hương theo những tôn giáo khác) để chiêm nghiệm về ý nghĩa, mục đích của cuộc sống dưới góc nhìn tôn giáo.

  1. Hướng dẫn viên

Những công ty lữ hành tổ chức Tour du lịch hành hương nên tạo điều kiện để  hướng dẫn viên học thêm những chuyên đề về văn hóa, triết học Phật giáo với các chuyên gia, hoặc với các bậc tu hành để có thêm những kiến thức chuyên sâu giúp cho họ có thể giới thiệu tốt trên đường tour này. Trong điều kiện có thể, mỗi Tour du lich hành hương có thể mời được một nhà sư đi cùng đoàn để làm lễ cho đoàn tại các nơi thánh tích và giảng giải về Phật pháp cho du khách (Phật tử) trong suốt hành trình tour thì chuyến tour sẽ hoàn hảo.

  1. Ẩm thực

Khi đặt ăn cho du khách (dù là món chay, hay mặn) nên lưu ý các nhà hàng bên Ấn Độ nấu theo khẩu vị Việt Nam, bỏ bớt những món gia vị không phù hợp với người Việt. Trước mỗi chuyến đi, hướng dẫn viên nên nhắc  du khách mang theo một số đồ ăn cơ bản từ Việt Nam phòng khi không ăn được đồ ăn Ấn Độ. Những đồ ăn có thể mang theo: Mỳ ăn liền, cháo ăn liền, ruốc, đồ hộp, muối vừng….

  1. Thiết kế tuyến hợp lý

Do đối tượng khách của tour hành hương thường là những người lớn tuổi nên việc sắp xếp lịch trình cho phù hợp với độ tuổi là vô cùng quan trọng. Các công ty phải tùy vào đối tượng khách của đoàn mà thiết kế chương trình, sắp xếp các điểm đến sao cho hợp lý, tránh để trong một ngày phải di chuyển quá nhiều, gây ra mệt mỏi, ảnh hưởng đế hoạt động tổ chức của chương trình.

  1. Làm lễ

Hành lễ là một nghi thức rất quan trọng đối với người Việt Nam, đặc biệt đối với những người tham gia tour du lịch hành hương này. Đây là một trong những hoạt động mà du khách nào cũng mong muốn. Trong chuyến đi hành hương, họ không chỉ cầu khấn cho bản thân mà còn mong muốn sự an lạc cho gia đình. Do đó, nếu không có nhà sư đi cùng đoàn, tại những thánh tích quan trọng của Phật giáo công ty du lịch có thể liên hệ với các nhà sư ở chùa Việt tại các điểm thánh tích đó làm lễ cầu an cho du khách và gia đình. 

Kết luận

Dù vẫn tồn tại những vấn đề tương đối khó khăn nhưng du lịch hành hương Phật giáo vẫn là một điểm sáng thu hút du khách Việt Nam, đây sẽ là một thị trường rất tiềm năng cho các công ty lữ hành khai thác.  Xin mượn lời của sư trụ trì chùa Vạn Phúc trong thành phố Hồ Chí Minh (Người mà tác giả có dịp làm hướng dẫn viên trong chuyến hành hương Ấn Độ) để làm lời kết cho bài viết này: “Du lịch hành hương, không phải xem bằng mắt mà là cảm bằng tâm. Khi tâm đã cảm nhận được ánh sáng Phật pháp, muốn đi theo con đường trí tuệ và từ bi của Đức phật đã đi thì chỉ một viên gạch trong các phế tích kia vẫn gây được những xúc cảm tâm linh mà không có một cảnh đẹp nào có thể sánh được”

Nguồn:  " Du lịch hành hương Phật giáo Ấn Độ - Những vấn đề đặt ra", tác giả Ts Đỗ Trần Phương 

 

 

46 5 51 97 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==