==HOTLINESHOW== ==HOTLINESHOWOTHER==

Ngôi đền cổ kính ở Hà Nội với cái tên Văn Trai bấy lâu nay là nơi thờ cúng thành hoàng làng, điểm tựa tinh thần, tín ngưỡng và là khu di tích tâm linh của người dân xã Văn Phú, huyện Thường Tín. Với lịch sử nghìn năm văn hiến, những phong tục tập quán lâu đời được tiếp nối qua nhiều thế hệ và trở thành hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị tinh thần truyền thống tốt đẹp. Đối với tục kết chạ làng Văn Trai cũng vậy, hoạt động này biểu thị cái tình, cái nghĩa sâu sắc, ý chí kiên cường, đồng lòng chung sức tạo nên sức mạnh vững vàng của người Văn Trai với các làng Nhân Hiền, làng Nguộn, làng Phụng Công….. Trong bài viết ngày hôm nay, cùng VietSense Travel tìm hiểu về phong tục này nhé!

Toàn cảnh Đình Đền Làng Văn Trai

Giữa chốn yên bình của làng Văn Trai, thuộc xã Văn Phú huyện Thường Tín, đền Văn Trai đã tồn tại được hàng mấy trăm năm nay, mang theo vẻ cổ kính, uy nghiêm của chốn thờ tự thiêng liêng. Để đi đến ngôi đền, men theo quốc lộ 1A từ trung tâm thành phố, đến ga Thường Tín rồi rẽ phải tới đường 427 khoảng chừng 2km là tới nơi. Ngôi đền với kiến trúc truyền thống đặc trưng, nơi đây thờ thành hoàng làng đó là hai vị tướng thời Hùng Vương 18: Tây Công và Lô Công. 

Toàn cảnh Đình Đền Làng Văn Trai - Ảnh 1

Tương truyền hai vị tướng đều là con của ông Nguyễn Bình cùng với bà Chương Thị Chước, sống ở huyện Thanh Miện tỉnh Hải Dương. Bậc sinh thành của hai ông là người hiền lành, chất phác và nhân hậu. Sự tích kể rằng ngày 10 tháng 3 của năm Nhâm Tuất thuở ấy, ông Bình và bà Chước sinh được bọc có hai người con trai và đặt tên như giấc mộng đã báo. Sau đó, khi hai ông lớn lên năm 20 tuổi đã được Hùng Duệ Vương phong chức tước làm việc trong triều đình. 

Toàn cảnh Đình Đền Làng Văn Trai - Ảnh 2

Trong những năm tháng giặc ngoại xâm phía Nam bờ cõi, Hùng Duệ Vương đã sai hai ông chỉ đạo đội quân, đánh thắng trận trở về và được phong lên làm đại tướng quân. Khi đó, cả hai anh em người ở lại triều đình, người về trị nhậm ở phủ Thường Tín bấy giờ. Lôi Công khi trị nhậm rất gần gũi bà con nông dân, thường xuống tận làng để chỉ bảo, được dân yêu quý. Còn Tây Công ở trong triều đình cũng ghi nhiều công trạng.  Tới ngày Thục Phán chiếm đất vua Hùng, hai vị tướng lại tiếp tục chinh chiến trên sa trận. Đến ngày 13 tháng 4, một ngày trời thịnh nộ lạ thường, thì hai vị đều cùng hoá lên trời. Để bày tỏ lòng thành và sự biết ơn, kính trọng, nhân dân đã lập đền thờ đến nay và các triều đại sắc phong hai ông là Thượng đẳng thần. 

Toàn cảnh Đình Đền Làng Văn Trai - Ảnh 3

Ngôi đền này được xây ở phía Bắc làng Văn Trai, có hướng mở về phía Tây. Người xưa xây dựng với lối kiến trúc Đại bái, Hậu cung truyền thống. Ở khu vực Đại bái có 5 gian, các cột đều được dùng bằng gỗ lim quý giá, vững chãi, phía dưới là đá tảng chắc chắn. Những bức cốn được điêu khắc, chạm trổ hình Ngư long hí thuỷ vô cùng tinh xảo, đẹp mắt. Tiếp đến là phần ống nối liền khu vực Đại bái và Hậu cung phía sau. Ở đây, du khách sẽ thấy nổi lên phần diêm bốn mái, giúp hứng ánh sáng, thông thoáng vô cùng. Điều này cũng làm nên điểm nhấn cho toàn bộ kiến trúc ngôi đền trở nên đặc biệt và sinh động cảnh quan hơn. Cuối cùng là Hậu cung gồm 3 gian, được điêu khắc hoa văn lá lật hay lá ngô đồng, là kiến trúc điêu khắc rất phổ biến của thời nhà Nguyễn. Đền Văn Trai trải qua nhiều thăng trầm thời đại đã để lại một di sản kiến trúc, lịch sử ấn tượng và độc đáo. Bạn còn được chiêm ngưỡng cả những di vật của thời nhà Lê với hình ảnh 2 ông Phỗng đóng khố, cởi trần hầu chầu hai bên, hay nghê gỗ được chạm trổ đầy tinh tế từ vây đến bờm xoắn,...Ngôi đền linh thiêng cảnh quan yên bình và đẹp mắt, cùng những câu chuyện sử tích công trạng ý nghĩa là nơi không chỉ người dân xã Văn Phú, huyện Thường Tín tìm về mà còn kéo biết bao du khách thập phương đến chiêm bái. Mỗi dịp lễ hội mồng 10 tháng 3, nơi đây lại nghi ngút hương khói, nô nức tổ chức lễ hội bởi các dân làng. Từ đấu võ dân tộc, văn nghệ linh đình chiêng trống, hay rước kiệu,... vô cùng thú vị, hấp dẫn. 

Hội Làng Văn Trai và Truyền thống Kết Chạ

Hội Làng Văn Trai và Truyền thống Kết ChạCó thể bạn chưa biết, tục kết chạ hay còn được người dân địa phương gọi là tục kết nghĩa anh em, là một hoạt động đã có từ thời xa xưa ở mảnh đất Kinh Bắc trù phú. Cũng chính nó được xem là cái nôi văn hóa ở đồng bằng Bắc Bộ, nơi tình làng nghĩa xóm được đề cao và trở thành sức mạnh trong bất kỳ cuộc chiến nào. Đến nay khi đã trở về đời sống hiện đại, tục kết chạ vẫn được đông đảo người dân lưu truyền, phát huy. Đối với làng Văn Trai hay có tên khác là Vân Trai, tục gọi là làng Giai thuộc xã Văn Phú đã có tục kết chạ với làng Nhân Hiền hay làng Chiếc, xã Hiền Giang đều thuộc huyện Thường Tín, ngoại ô thành phố Hà Nội từ hàng trăm năm nay. Hoạt động với nghĩ nghĩa sâu sắc này không ngừng được phát triển và tiếp nối qua nhiều thế hệ. Bên cạnh đó, làng Văn Trai còn có “tình làng” sâu sắc với làng Nguộn thuộc xã Văn Tự và làng Phụng Công xã Hòa Bình đều ở huyện Thường Tín.

Kết chạ, kết tình làng

Sau khi lập thành hoàng làng, những câu chuyện tâm linh ly kỳ vẫn thường xuyên xảy ra điển hình như vào thời nhà Trần nhân dân làng Chiếc trong vùng khốn đốn vì đại dịch, cảnh người bệnh tật, chết chóc la liệt. Trước tình cảnh đó, Hoàng hậu Ả Nương đã khuyên dân làng đến thỉnh cầu, nhờ sự uy linh của Lôi Công và Tây Công - hai vị Thành hoàng làng Giai hiển ứng, giúp sức. Quả nhiên lời thỉnh cầu hiệu nghiệm, nhân dân làng Chiếc vượt qua kiếp nạn tưởng chừng như thập tử nhất sinh này. Cũng chính từ đó mà làng Chiếc đã kết chạ với làng Giai để tỏ lòng thành kính, cảm tạ.

Mối tâm giao từ trăm năm nay đã góp phần gắn kết hai làng Giai - Chiếc lại với nhau. Những câu chuyện tình sâu nghĩa nặng được viết nên thể hiện tinh thần đoàn kết, đồng lòng chung sức, trước sau như một, nhân dân hai làng đều coi nhau như anh em một nhà. Cũng chính vì vậy mà những tục lệ cũng được ra đời như là một cách để biểu thị tinh thần giá trị to lớn.

Chính vì đã là anh em nên có lệ trai gái hai làng tuyệt đối không thể lấy nhau, nếu có mâu thuẫn gì cần ngồi lại bàn bạc, hòa giải, tuyệt đối không được xung đột làm mất lễ nghĩa. Những công việc chung của cả hai làng cũng được quan tâm, không được phân biệt gây chia rẽ, mất tinh thần đoàn kết. Có thể nói đây chính là truyền thống đặc sắc hiếm có đối với văn hóa lâu đời của Đồng bằng Bắc Bộ.

Với những câu chuyện tâm linh gắn với hai vị thần hoàng làng Giai, nhân dân một số làng kéo đến điển hình như làng Nguyên Hanh còn gọi là làng Nguộn thuộc xã Văn Tự cũng xin sắc về thờ phụng. Những làng khác như Phụng Công ở xã Hòa Bình trước những sự kiện trọng đại cũng đến thỉnh cầu, nhờ hai vị đại vương hiển linh cầu cho mọi sự thuận lợi. Câu chuyện thời xa xưa cũng lưu lại rằng, thuở bấy giờ nhân dân làng Phụng Công đi mua gỗ về sửa đình, khi bè gỗ trôi qua khúc sông nơi thờ hai vị Thành hoàng làng Giai thì bị mắc lại và cố gắng thế nào cũng không thể đi tiếp được nữa. Thế nên họ phải sắm lễ, nhờ đến những cụ cao trong làng ra khấn vái, xin phép Thành hoàng, lúc này thì bè gỗ mới di chuyển được. Từ đó, cứ dịp hội làng Giai mùng 10 tháng Ba âm lịch mà đại diện làng Phụng Công sẽ đến đền Văn Trai tạ lễ với thành hoàng làng.

Giữ gìn truyền thống tục kết chạ làng Văn Trai

Nhân dân Thường Tín nói chung và nhân dân làng Văn Trai nói riêng không ngừng tiếp nối, phát huy những giá trị truyền thống lâu đời đã được truyền lại từ hàng trăm năm nay, trong đó tục kết chạ là hoạt động không thể thiếu thể hiện sức mạnh tinh thần đoàn kết và gắn bó lâu dài. Cho đến nay, tục kết chạ không chỉ là nghi lễ tế thần mà còn đi vào thực tế đời sống, bất chấp sự phát triển ngày càng hiện đại của đời sống công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đối với đời sống hiện đại từ xa xưa đến hiện tại, người dân làng Giai và ba làng Chiếc, Nguộn, Phụng Công tôn trọng lẫn nhau, thường xuyên giúp đỡ nhau trong những công việc chung, góp sức trong hoạt động sản xuất. Đã từ lâu, làng Giai có nghề làm áo tơi thế nên người dân làng Chiếc, Nguộn, Phụng Công cho dù gặp hàng áo tơi ở đâu cũng về làng Giai mua để ủng hộ và giới thiệu khắp nơi. Còn người làng Giai thì đi đâu cũng rất mê đồ thủ công mỹ nghệ của làng Chiếc, đồ tiện gỗ của làng Phụng Công cũng như đồ mộc gia dụng của làng Nguộn. Nhân dân các làng cùng nhau ủng hộ, giới thiệu những sản vật của địa phương và không ngừng tiếp nối.

Người dân trong làng tự hào về tinh thần sâu rộng của tục kết chạ làng Văn Trai với những làng khác được tiếp nối và phát huy. Đối với các cụ cao niên trong làng, họ luôn luôn theo sau nhắc nhở con cháu của mình gìn giữ và tiếp nối tục lệ tốt đẹp này, đồng thời phải biết đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong đời sống hàng ngày. Đối với thế hệ trẻ, mối liên hệ giữa đoàn viên, thanh niên làng Văn Trai với đoàn viên, thanh niên các làng Chiếc, Nguộn, Phụng Công trở nên gần gũi, từ đó hình thành nên những chương trình thiện nguyện, lan tỏa tình yêu thương trong cộng đồng.

Đền và đình Văn Trai chiếm lĩnh vị trí quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của bà con nhân dân. Đây cũng là nơi diễn ra những nghi lễ thờ Thành hoàng  trang trọng nhất thu hút du khách như hội làng ngày 10 tháng Ba âm lịch. Đến năm 1991, nơi đây được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ đó thu hút ngày càng nhiều lượt khách đến tham quan và tìm hiểu.

Tìm về làng Văn Trai khám phá tục kết chạ vô cùng ý nghĩa là cách để bạn tìm hiểu về những giá trị văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng độc đáo của làng quê Bắc Bộ từ hàng trăm năm nay. Tham quan nhiều địa điểm du lịch Hà Nội kết hợp trên hành trình bạn vui lòng liên hệ với VietSense Travel để được tư vấn và hỗ trợ nhé!

 

 

Đình Đền Văn Trai và tục Kết Chạ anh em giữa các làng

Đình Đền Văn Trai và tục Kết Chạ anh em giữa các làng
32 3 35 67 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==