Là một thành phố trung tâm của khu vực miền Trung, Đà Nẵng không chỉ nổi tiếng với những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, các bãi biển trong xanh cùng bờ cát trắng trải dài, hút hồn biết bao du khách cả trong và ngoài nước. Thành phố biển này còn hấp dẫn du khách bởi những nét văn hóa ẩm thực, các món ăn ngon ở Đà Nẵng tương đối đa dạng nhưng cũng rất đặc trưng của vùng đất miền Trung. Hãy cùng tìm hiểu về những nét đặc sắc, độc đáo trong văn hóa ẩm thực của thành phố biển xinh đẹp này để hiểu hơn lý do vì sao du khách đến đây lại mê đắm đến mức dù chỉ thưởng thức một lần mà cả đời luyến lưu.
Ẩm thực Đà Nẵng - Ăn một lần, nhớ một đời!
MÌ QUẢNG
Mì Quảng (hay còn gọi là Mì Quảng Khô) là món ăn mà du khách nhất định phải thử khi đi du lịch Đà Nẵng. Cùng với Cao lầu thì món mì trứ danh này của xứ Quảng đã được công nhận là món ăn ngon đạt kỷ lục Châu Á. Mì Quảng thường được làm từ bột gạo xay mịn và tráng thành từng lớp bánh mỏng, sau đó thái theo chiều ngang để có những sợi mì mỏng khoảng 5 -10mm. Dưới lớp mì là các loại rau sống, Mì Quảng phải ăn kèm với rau sống 9 vị thì mới chuẩn vị: húng quế, xà lách tươi, cải non mới nụ, giá trắng có thể được trụng chín hoặc để sống, ngò rí, rau răm với hành hoa thái nhỏ và thêm hoa chuối cắt mỏng. Để trên mì là thịt heo, tôm, thịt gà, thịt ếch, thịt cá lóc (tùy vào khẩu vị của người thưởng thức) và sau cùng là chan thêm nước dùng được hầm từ xương heo. Người ta còn bỏ thêm lạc rang khô và giã dập, hành lá thái nhỏ, rau thơm, ớt đỏ... Nước dùng cho món mì Quảng là loại nước lèo rất cô đặc và sền sệt, khi chan vào mì cũng không chan quá nhiều. Ăn Mì Quảng phải ăn với loại ớt xanh to thì mới ngon đúng vị. Ngoài ra mì còn được ăn kèm cùng bánh tráng mè, thêm cả đậu phụng rang giòn tạo nên hương vị thơm ngon đặc trưng.
Địa chỉ tham khảo:
- Mì Quảng Bà Mua: 19 Trần Bình Trọng, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng
- Mì Quảng Bà Vị: 166 Lê Đình Dương, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng
- Mì Quảng gà quê Tam Kỳ: 51 Thái Thị Bôi, quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng
- Mì Quảng Hải Mân: 205 Nguyễn Hữu Thọ, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng
BÊ THUI CẦU MỐNG
Có thể nói đây là một món ăn nức tiếng ngang hàng với đặc sản mì Quảng. Cầu Mống là một ngôi làng nhỏ nằm ở phía Bắc đầu cầu Câu Lâu, cây cầu bắt qua sông Thu Bồn, trên tuyến quốc lộ 1A thuộc địa bàn xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Nơi đây có rất nhiều quán ăn phục vụ món bê thui ngon trứ danh, có chất lượng mà không nơi nào có thể sánh được. Bê được chọn để thui phải là loại bê ít tuổi, nặng chừng 25kg – 35kg, đặc biệt phải chọn bê nuôi ở đồng bằng ăn cỏ. Khi thui bê bằng lửa than thì phải thui sao cho vừa lửa để thịt bên trong chín mềm và ngọt, da bên ngoài vàng ửng thì ăn sẽ giòn và rất ngon. Bê thui chín được xắt thành từng lát mỏng, xếp đều đặn trên một đĩa tròn lớn. Thành phần quan trọng quyết định đến sự thơm ngon đặc biệt của món bê thui Cầu Mống chính là nước chấm và rau sống. Nước chấm phải được pha từ loại mắm cái thượng hạng làm từ cá cơm, cá nục đánh bắt ven biển miền Trung. Mắm cái sau khi gạn ép xác, lọc lấy nước mới cho thêm tỏi ớt, gừng xay, mè rang, chanh… vào cho vừa miệng. Rau sống để cuốn bánh tráng cùng thịt bê thui cũng khá cầu kỳ, đủ loại của vùng quê sông nước. Tất cả được cuộn trong một lớp bánh tráng mỏng và chấm với nước mắm cá cơm Hội An, nhờ vậy mà hương vị đậm đà của nước chấm, cùng vị ngon ngọt của thịt bê, tươi mát của rau sống cứ thế mà hòa quyện lại với nhau, mang đến cảm giác ngon miệng đến khó quên cho thực khách.
Địa chỉ tham khảo:
- Quán Rô: 08 Bắc Sơn, quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng
- Quán Bê thui Lão Hạc: 56 Lê Tấn Trung, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng
- Quán Ngọc Lan: 895 Ngô Quyền, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng
- Quán Hương: 18 Lê Quý Đôn, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng
BÁNH TRÁNG CUỐN THỊT HEO
Bánh tráng cuốn thịt heo chính là món ăn mà bất kỳ một du khách nào ghé thăm Đà Nẵng cũng không thể bỏ lỡ. Vậy điều gì đã làm nên sức hút đặc biệt của món ăn nghe chừng có vẻ đơn giản và thanh đạm này? Bánh tráng cuốn thịt heo của Đà Nẵng độc đáo ở chính những lát thịt mỡ hai đầu mỏng, mềm. Để tạo nên những lát thịt heo đều, đẹp mắt với da mỡ ở hai đầu miếng thịt đòi hỏi người đầu bếp phải thật tỉ mị trong bước chọn nguyên liệu và chế biến. Thịt heo được lựa chọn thường là thịt mông, thịt ba chỉ heo, hoặc tốt nhất là nguyên tảng thịt mông khoảng 2kg dày dặn để tạo ra được những miếng thịt nạc dày ở giữa và mỡ vừa vặn ở hai bên. Thịt được luộc từ khi nước lạnh, lửa điều chỉnh vừa không quá to. Khi thịt chín nên được để nguội hoàn toàn rồi mới thái lát để tránh miếng thịt bị nát, không đẹp mắt. Bên cạnh những lát thịt heo đẹp mắt và ngọt thơm, mắm nêm chính là linh hồn của món bánh tráng cuốn thịt heo trứ danh Đà Nẵng. Mắm nêm nguyên chất được người dân miền Trung làm ra từ cá cơm tươi và muối, thay vì được làm từ tương bần như một số người thường nhầm lẫn. Khi sử dụng, mắm nêm nguyên chất sẽ được pha chế và gia giảm giai vị cho phù hợp với khẩu vị của người ăn. Mắm nêm thường được pha chế với chanh, đường, tỏi, ớt, thơm (dứa) băm nhuyễn. Mọi thực khách dù là khó tính nhất thì cũng sẽ phải xuýt xao bởi hương vị thơm ngon, tươi mát và đậm đà của món ăn này.
Địa chỉ tham khảo:
- Ẩm Thực Trần: 04 Lê Duẩn, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng
- Quán Bà Mụa: 19 Trần Bình Trọng, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng
- Quán Mậu Con: 215 Trưng Nữ Vương, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng
- Bánh tráng thịt heo Trần Lê: 275 Lê Đại Hành, quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng
BÚN MẮM NÊM
Bún mắm nêm là món ăn ưa thích của người miền Trung nói chung và đặc biệt là người dân Đà Nẵng. Món ăn này luôn được lòng mọi thực khách bởi hương vị đặc trưng rất đỗi thơm ngon và đậm đà hương vị đồng nội của văn hóa ẩm thực miền Trung. Hẳn với ai đã từng nếm thử món ăn này thì chỉ cần nghe đến thôi cũng sẽ gật gù mà chóp chép thèm thuồng tưởng chừng như mình được nếm lại mùi thơm đặc trưng đó dâng lên trên đầu lưỡi. Vị đậm đà của mắm, vị béo ngậy của heo quay hay heo luộc, vị ngòn ngọt, cay cay của sate tế ớt Hội An, quyện với vị chả bò, thêm các loại rau thơm, đậu phộng rang. Mặc dù không cầu kì hay cao sang nhưng Bún mắm nêm vẫn thực sự chinh phục được rất nhiều tín đồ ẩm thực bởi sự mộc mạc, dung dị vốn có của nó. Để có một tô Bún mắm nêm ngon thì điều tiên quyết chính là ở mắm nêm. Người Đà Nẵng khi chế biến món ăn thì thường đem Mắm nêm nguyên chất xay nhuyễn lấy nước, sau đó thêm vào thơm (dứa) băm nhỏ, tỏi giã nhuyễn, ớt xay, đường, bột ngọt và vắt vào đó một ít chanh. Khi thưởng thức thì vị tanh nồng của mắm sẽ biến mất trong hương thơm dịu dàng của lá rau húng, rau bạc hà, rồi sự mềm mại của từng sợi bún quyện thật đều cùng mắm sền sệt, cùng những miếng thịt quay giòn tan. Bình dị như chính tính cách và con người miền Trung, Bún mắm nêm như mang cái hồn của người Đà Nẵng đặt vào trong ấy. Để chỉ dẫu một lần được thưởng thức thôi, thực khách sẽ như hiểu cả tấm chân tình của người dân nơi đây, mộc mạc nhưng lại vô cùng thân thiện, vương vấn bước chân du khách.
Địa chỉ tham khảo:
- Xóm bún mắm Trần Kế Xương: K23/14 Trần Kế Xương, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng
- Bún mắm cô Sáu: 93 Hồ Xuân Hương, quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng
- Bún mắm Bà Thuyên: k424/03 Lê Duẩn, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng
- Bún mắm Ngọc Đà Nẵng: 20 Đoàn Thị Điểm, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng
BÁNH XÈO
Đà Nẵng nổi tiếng với bạt ngàn những món ngon, khiến du khách tứ phương phải luyến lưu mỗi khi ghé thăm nơi đây. Kể ra thì nào là mỳ Quảng, bánh tráng thịt heo, bún chả cá, gỏi cá Nam Ô,… Và đương nhiên, bánh xèo cũng là một trong những món ngon quá đỗi tự hào của những người dân Đà Nẵng. Bánh xèo vốn là món ăn quen thuộc của người dân Việt Nam, từ những chiếc bánh bột đơn giản giờ đây nó là đặc sản của vùng miền đối với khách du lịch gần xa trong và ngoài nước. Món ăn dân dã có tên gọi xuất phát từ tiếng “xèo xèo” tí tách khi bột trong chảo gặp mỡ nóng già này không biết đã nức tiếng Đà Nẵng từ bao giờ. Bánh xèo của xứ Đà Thành có lớp vỏ mỏng, giòn rụm, nóng hổi được chế biến công phu từ nguyên liệu tuyển chọn. Bột gạo làm bánh phải là bột gạo ngon, ngâm nửa ngày, xay nhuyễn thành bột, kế đến đem trộn chung với lòng đỏ trứng, bột nghệ, nước dừa theo một tỉ lệ nhất định mà chỉ những nghệ nhân bánh xèo tài hoa nhất mới tường tỏ, ấy thế là được mẻ bột bánh. Về nhân bánh thì phải lựa loại tôm tươi, còn nhảy tanh tách, cùng với đó là thịt ba chỉ, sau khi sơ chế kĩ càng, thì ướp chút với nước mắm ngon, hành khô, gia vị rồi đem xào sơ. Khi đổ bánh xèo, người đầu bếp phải thật khéo léo để sao cho lớp vỏ bánh có được độ mỏng và giòn tan, sau cùng là cho vào thịt, tôm và giá đỗ rồi gập đôi miếng bánh lại. Ấy thế mà đặc trưng nhất của bánh xèo Đà Nẵng lại còn ở thứ nước chấm vừa bùi vừa béo, vừa ngọt vừa thanh cơ. Bên cạnh thứ nước chấm tỏi ớt chua ngọt truyền thống, người Đà Nẵng đã chế ra một loại nước chấm bánh xèo riêng biệt, vô cùng độc đáo được làm từ gan heo và đậu phộng. Đĩa bánh giòn rụm, cọng rau xanh mướt, chén nước chấm bùi béo, món ăn này đã nức lòng biết bao du khách thập phương tứ xứ. Gắp miếng bánh thật giòn, thêm lá xà lách, ngọn cải non, lát chuối chát và dăm ba cọng húng cọng mùi, đem cuộn thật chặt trong miếng bánh tráng, chấm ngập bát nước lèo thơm phức… Còn gì tuyệt vời hơn nữa nhỉ?
Địa chỉ tham khảo:
- Bánh xèo Bà Dưỡng: K280/23 Hoàng Diệu, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng
- Bánh xèo tôm nhảy Năm Hiền: 46 Phan Thanh, quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng
- Ẩm Thực Xèo: 75 Hoàng Văn Thụ, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng
- Đặc sản bánh xèo Hai Lúa: 77 Nguyễn Thị Định, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng
Nền ẩm thực đất Đà Thành là tổng hòa tinh hoa giữa ẩm thực cung đình Huế và văn hóa ẩm thực xứ Quảng. Chính vì vậy mà khi đến với Đà Nẵng, du khách có thể dễ dàng cảm nhận được hương vị đồng quê dân dã chứa đựng tình người trong vô vàn đặc sản thơm ngon của dải đất miền Trung này như Mì Quảng, Cao Lầu phố Hội, Bún Mắm, Chả Cá chợ Cồn hay Hải Sản, Nem Nướng, Gỏi Cá, Bánh Tráng Cuốn Thịt Heo, Bánh Xèo… tất cả đều hội tụ tại thành phố biển xinh đẹp này và níu chân hàng triệu du khách.
PV-BT: KIM CHI