==HOTLINESHOW== ==HOTLINESHOWOTHER==

Thế kỷ XI, dưới sự bảo trợ của triều đình nhà Lý, Phật giáo đã phát triển rất mạnh mẽ và rộng khắp. Lý Công Uẩn với sự dạy dỗ, giúp đỡ của thiền sư Vạn Hạnh, đã trở thành một nhân tài của đất nước, vào Hoa Lư làm quan dưới triều Tiền Lê. Vốn ở trong Phật phái mà ra, nên khi lên ngôi vua, ngài rất sùng trọng Phật giáo. Từ đó mà các công trình chùa, tháp được xây dựng nhiều trong thời kỳ này, trong đó phải kể đến chùa Vân Yên tại vùng núi Yên Tử.

Thế kỷ XI, dưới sự bảo trợ của triều đình nhà Lý, Phật giáo đã phát triển rất mạnh mẽ và rộng khắp. Lý Công Uẩn với sự dạy dỗ, giúp đỡ của thiền sư Vạn Hạnh, đã trở thành một nhân tài của đất nước, vào Hoa Lư làm quan dưới triều Tiền Lê. Vốn ở trong Phật phái mà ra, nên khi lên ngôi vua, ngài rất sùng trọng Phật giáo. Từ đó mà các công trình chùa, tháp được xây dựng nhiều trong thời kỳ này, trong đó phải kể đến chùa Vân Yên tại vùng núi Yên Tử.

Vào giai đoạn cuối thời Lý, tại sườn núi phía nam núi Yên Tử, Thiền sư Hiện Quang (thế hệ thứ 14 của thiền phái Vô Ngôn Thông) được coi là Tổ khai sơn dòng Thiền Yên Tử, thấy Yên Tử là vùng linh sơn, nên đã lên đó kết am tranh để tu hành, thờ Phật. Sau đó, các đệ tử của ông kế thừa và phát triển xây dựng thành chùa, đến đầu thế kỷ XIII, sư trụ trì chùa là Thiền sư Đạo Viên (ông trở thành vị Tổ thứ hai của dòng Thiền Yên Tử, đạo hiệu “Trúc Lâm Quốc sư Đại sa môn”).

Về Ngôi Chùa Cổ Nhất Tại Yên Tử - Ảnh 1

Chùa Hoa Yên.

Chùa Vân Yên, được biết đến là ngôi chùa đầu tiên tại Yên Tử, nằm ở độ cao 600m so với mực nước biển, chùa còn có tên là chùa Cả, toạ lạc trên sườn núi có dáng giống hình đầu voi, gọi là núi Đầu Voi. Thời Lê, khi vua Thánh Tông lên vãn cảnh chùa, thấy cảnh trí nơi đây tuyệt đẹp, trăm hoa đua nở, mây kết thành hoa giăng trước cửa, nên đổi tên thành chùa Hoa Yên. Tên chữ là Hoa Yên tự. Chùa xây dựng theo hướng tây - nam, lưng tựa vào núi trên một địa thế đẹp, rất phong thuỷ, tương truyền nơi chùa toạ lạc là nơi rồng nằm và chùa dựng trên trán rồng. Xưa chùa Hoa Yên được coi là ngôi chùa chính của cả hệ thống chùa Yên Tử và được nhắc nhiều trong sử sách.

Khi thượng hoàng Trần Nhân Tông lên Yên Tử tu hành, chùa được các nhà sư thời Lý xây dựng, mái lợp bằng lá cây rừng. Sau khi lên tu hành và đắc đạo, vua Trần Nhân Tông đã thường xuyên mở các lớp truyền yếu kỷ thiền tông cho các đệ tử Pháp Loa, Huyền Quang, Bảo Sái, Pháp Không và các đệ tử khác ở đây. Đến thời kỳ Pháp Loa được truyền y bát và trở thành Đệ nhị Tam Tổ, chùa Hoa Yên mới được xây dựng nguy nga, tạo thành một quần thể kiến trúc rộng lớn. Các công trình hạng mục của chùa trước ngoài tiền đường, thượng điện để thờ phật, chùa còn có lầu trống, lầu chuông, nhà nghỉ khách, nhà giảng đạo, nhà dưỡng tăng... Là một ngôi chùa trong số ít còn giữ lại ít nhiều dấu tích xưa, chùa Hoa Yên được xây dựng trên một triền núi rộng thoai thoải, những người xây dựng đã dựa vào thế núi mà bạt thành hai cấp nền lớn có bó đá chắc chắn.

Đến thời Nguyễn, chùa bị hoả hoạn chỉ còn lại phế tích, di vật là những tảng đá kê chân cột có kích thước lớn cho thấy kiến trúc chùa xưa rất rộng rãi. Cuối năm 2002 chùa được phục dựng lại với quy mô lớn và khang trang, kiến trúc chùa chính theo hình chữ công gồm tiền đường, bái đường và hậu cung, toàn bộ kiến trúc được làm bằng gỗ, ngoài ra còn có nhà tổ, tả vu, hữu vu, lầu chuông, lầu trống. Toàn bộ chùa được xây dựng bằng gỗ, lợp ngói mũi hài kép, các hoạ tiết trang trí điêu khắc đều mang đậm nét đặc trưng thời Trần. Hiện nay trong chùa có khoảng 35 pho tượng thờ hầu hết đều mới, được đưa vào thờ tự từ năm 2002 khi khánh thành chùa.

Trong quần thể chùa Hoa Yên, trên đường hành hương lên chùa Hoa Yên (tương truyền do Trần Nhân Tông khai mở), ven đường có 2 hàng tùng cổ thụ tuổi thọ hơn 700 năm; khu tháp Hòn Ngọc, Vườn tháp tổ nơi lưu giữ xá lỵ của các vị thiền sư trụ trì chùa Yên Tử. Tháp tổ Huệ Quang với hệ thống mái ngói và đường đi lát hàng gạch hoa cúc phía sau tháp mang đậm dấu ấn thời Trần. Trên khu vực chùa Hoa Yên còn tồn tại cây đại cổ thụ với hơn 700 năm tuổi, đôi sấu đá và tảng kê chân cột có niên đại Trần; bia, tháp thời Lê cùng tồn tại và phát triển với lịch sử ngôi chùa.

Với những giá trị đặc biệt của mình, chùa Hoa Yên đã góp phần tôn vinh giá trị văn hoá tâm linh cho Khu di tích - danh thắng Yên Tử trong lịch sử dân tộc, tạo nên quần thể di sản văn hoá đặc sắc của tỉnh Quảng Ninh và trong cả nước.

Nguồn: baoquangninh.com.vn

 

 

Về Ngôi Chùa Cổ Nhất Tại Yên Tử

Về Ngôi Chùa Cổ Nhất Tại Yên Tử
48 5 53 101 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==