Có lẽ đối với những người yêu thích hai kiệt tác trong văn học Hy Lạp cổ đại Iliad và Odyssey của Homer và yêu thích bộ phim nổi tiếng Cuộc chiến thành Troy (Tơ - Roa) hẳn đã từng ước mơ được một lần đặt chân đến nơi đây. Nếu bạn còn thắc mắc về địa điểm này, hãy cùng Vietsense Travel tham khảo qua bài viết chi tiết dưới đây nhé!
Thành Troy, một thời vang bóng
Câu chuyện về thành Troy thần thoại
Tưởng chừng như đó chỉ là câu chuyện được thêu dệt bằng trí tưởng tượng của con người vậy mà thành Troy lại có thật, trở thành di chỉ quý giá của nhân loại, được lưu giữ và tồn tại đến ngày nay.
Câu chuyện được viết trong các tác phẩm văn học Thần thoại Hy Lạp, quân Hy Lạp lúc bấy giờ đã kéo sang đất Thổ Nhĩ Kỳ để báo thù cho một diễn biến tình ái trước đó nhưng trận chiến kéo dài mười năm bất phân thắng bại và gây ra những hậu quả vô cùng đáng tiếc cho cuộc sống của người dân. Dù dũng sĩ Achilles nổi tiếng của Hy Lạp đã giết được Hector, hoàng tử của vua Priam vĩ đại, người chủ thành Troy lúc bấy giờ nhưng quân đội của Hy Lạp vẫn không sao vào được thành.
Tuy nhiên vào một ngày kia, Odysseus - một trong những vị tướng Hy Lạp đầy mưu trí đã ra lệnh phá thuyền làm một con ngựa khổng lồ bằng gỗ, bên trong rỗng ruột để có thể chứa thật nhiều người bên trong, sau đó ông đã cho quân núp vào trong đó. Đoàn quân còn lại vờ nhổ trại và rút quân, sau đó lên tàu rút lui ra khơi làm cho người trong thành bị mắc lừa. Người dân Troy sau khi trông thấy con ngựa khổng lồ thì lôi vào thành ăn mừng chiến thắng mà không đề phòng bất cứ điều gì. Tối đó, khi mọi người dân trong thành Troy đã say giấc, các binh lính của Hy Lạp phá tung ngựa gỗ, mở cửa thành cho quân xông vào. Thành Troy thất thủ. Trong trận chiến nổi tiếng này, Achilles bị Paris bắn trúng vào gân gót chân, tử trận, sau đó tòa thành này cũng hoàn toàn thuộc vào tay quân địch. Đó cũng là cội nguồn của thành ngữ “gót chân Achilles” mà chúng ta vẫn thường được nghe rất nhiều trong các câu chuyện.
Thành Troy – Từ thần thoại đến di sản thế giới
Khi đến với thànhTroy hôm nay, mọi người sẽ nhìn thấy hình ảnh con ngựa khổng lồ đặt trước thành làm bằng gỗ ván, đầu cúi xuống, mang nét buồn man mác. Còn con ngựa gỗ chúng ta từng thấy trong bộ phim “Cuộc chiến thành Troy” do Hollywood dàn dựng và tặng cho Canakkale lại bề thế hơn rất nhiều bản gốc của nó, hiện tại được đặt ở quảng trường kề bến phà vượt eo biển nối Canakkale với thủ đô Istanbul.
Có vô số tranh cãi xảy ra về sự hiện diện thực sự của thành Troy thì vào năm 1865, nhà tài phiệt Heinrich Schliemann - nhân vật đã có bước tiến quan trọng mở đầu cho hành trình gian nan đi tìm dấu tích thành Troy - cuối cùng cũng thành công và có được sự công nhận của dân chúng.
Theo những gì mà họ tìm thấy được thì đây được xem là một đô thị rất cổ được xây dựng lần đầu tiên khoảng trong niên đại 3.000 trước Công nguyên, bao gồm 9 thành phố, được đánh số ký hiệu từ I - IX. Với những đóng góp cho văn minh, lịch sử nhân loại, đến năm 1998, thành Troy được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Con đường dẫn vào phế tích gập ghềnh, hầu như chỉ có đá. Cổng thành cũng không còn hùng vĩ, uy nghiêm như những gì chúng ta vẫn tưởng tượng hay trong khắc hoạ của bộ phim. Cổng thành được chất bằng đá tạo thành một lối vào ngoằn ngoèo chắc chắn không ai từng tưởng tượng trước khi đặt chân. Cổng thành Troy thấp hơn mặt đất bình thường (được lý giải là sụt xuống do động đất vào thời kỳ sau này). Các thành nhỏ nằm rải rác trên các triền đồi khác nhau. Hiện nay, trong toà thành cổ vẫn còn tồn tại một nhà hát xếp nhỏ bằng đá, có hình vòng cung, có sưc chứa khoảng vài trăm người. Đây chắc chắn là địa điểm không thể bỏ qua khi ghé thăm thành Troy. Thỉnh thoảng trên đường đi, bạn sẽ bắt gặp một cái giếng cổ, đã cạn khô, có lẽ đã từng đầy áp nguồn nước ngầm tươi mát chảy qua nhưng bây giờ đã không nữa.
Bên ngoài bờ thành là một thung lũng bao quanh, xa xa là eo biển Dardanelle nổi tiếng nối dài một dải từ giữa biển Aegean và biển Marmara, đây chính là nơi có thể kiểm soát mọi hoạt động của tàu thuyền từ Địa Trung Hải vào Hắc Hải. Vì thế nhiều du khách đã tự tin khi cho rằng nàng Helen chỉ là cái cớ để Hy Lạp đem quân tấn công thành Troy lúc bấy giờ, bởi eo biển Dardanelle sẽ mang lại cho vị vua Agamemnon đầy tham vọng cả quyền lực lẫn lợi ích kinh tế mà bất cứ những người cầm quyền nào cũng mong muốn có được.
Gạt bỏ những yếu tố lịch sử, du khách quốc tế khi đặt chân đến nơi này sẽ được chìm đắm vào nét kiến trúc và văn hóa đặc trưng của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ và lòng hiếu khách của người dân nơi đây. Vietsense travel chắc chắn rằng chuyến tham quan đến thành Troy này sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời mà mọi người không thể quên trong đời mình đấy.