Ngày 26/8/2022, tại trụ sở Huyện uỷ, HĐNN, UBND Huyện Đan Phượng đã diễn ra Đại hội Đại Biểu Hội Nghị Việt Nam - Thái Lan TP Hà Nội nhiệm kỳ VI, 2022-2027, Giám đốc Công ty Du lịch Vietsense, Ths Nguyễn Văn Tài vinh dự được mời tham dự và có bài tham luận với chủ đề " Đẩy mạnh kết nối hợp tác hiệu quả giữa doanh nghiệp Du lịch Lữ hành TP Hà Nội và Thái Lan. Dưới đây là toàn văn bài tham luận này.
Tham luận của Ths Nguyễn Văn Tài tại Đại Hội HN Việt Nam Thái Lan
Kính thưa các quý vị đại biểu
Thưa toàn thể Đại hội.
Trước tiên tôi rất vinh dự và cảm ơn Đại hội đã cho phép tôi tham dự để có cơ hội được trình bày những ý kiến của mình về việc “Đẩy mạnh kết nối, hợp tác kinh doanh hiệu quả giữa các doanh nghiệp du lịch TP Hà Nội và Thái Lan.
Kính thưa các quý vị!
Thái Lan và Việt Nam là hai quốc gia có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, phong tục tập quán, lối sống, từ làm nông nghiệp đến phát triển công nghiệp, thương mại, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Cả 2 đất nước đều coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, quan tâm thúc đẩy và phát triển doanh nghiệp lữ hành và thu hút nguồn khách quốc tế.
Nhiều năm qua, hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Thái Lan luôn được Chính phủ hai quốc gia thúc đẩy và phát triển mạnh mẽ. Bằng chứng là số lượng du khách Thái Lan và Việt Nam đi du lịch cả hai chiều tăng dần mỗi năm.
Thái Lan luôn là điểm đến hàng đầu của du khách Việt Nam. Năm 2019 trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, số lượng khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài đạt con số 9 triệu người trong tổng dân số 97 triệu người. Trong số này, có 1,07 triệu người Việt Nam đến Thái Lan du lịch, mang lại nguồn thu 33 tỷ Baht (hơn 1,08 tỷ USD) cho Thái Lan. Mức chi tiêu trung bình của mỗi du khách Việt Nam là 32.000 Baht (1.054 USD), với thời gian lưu trú trung bình 4 ngày 3 đêm. Hiện nay, trong năm 2022, sau khi dịch Covid-19, được kiểm soát, hai nước mở cửa trở lại hoạt động du lịch, Thái Lan tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng tìm kiếm điểm đến của du khách Việt.
Ở chiều ngược lại, theo Tổng cục Thống kê, năm 2019, Thái Lan là thị trường nguồn có tốc độ tăng trưởng khách đến Việt Nam cao nhất: tăng 45,9% so với năm trước, đạt con số 510 nghìn lượt khách, trở thành thị trường nguồn lớn thứ 8 của du lịch Việt Nam. Trong giai đoạn 2015-2019, lượng khách Thái Lan đến Việt Nam tăng đến 2,4 lần, tương đương bình quân 24,1% mỗi năm.
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng kể nhưng do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, từ năm 2020 đến nay hoạt động hợp tác, trao đổi nguồn khách giữa hai nướcđã bị gián đoạn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc phục hồi, phát triển du lịch của cả hai quốc gia. Bên cạnh đó, với tài nguyên du lịch của mỗi nước, tiềm năng và lợi thế trong mối quan hệ của hai quốc gia thì những kết quả đã đạt được đó còn rất hạn chế và chưa tương xứng. Việc thúc đẩy kết nối hợp tác giữa doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp du lịch lữ hành giữa hai nước còn chưa được quan tâm chú trọng đúng mức dẫn đến hiệu quả gia tăng lượng khách hai chiều chưa cao.
Như quý vị đã biết, thành phố Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hoá và kinh tế, cũng là nơi có số lượng doanh nghiệp du lịch lữ hành và cơ sở lưu trú đứng đầu cả nước. Hà Nội cũng đứng đầu cả nước về số lượng các điểm di tích lịch sử, văn hoá, làng nghề, ẩm thực độc đáo (trong đó phải kể đến 1 di sản thế giới là Hoàng thành Thăng Long, 12 di tích quốc gia đặc biệt). Ngoài ra, Hà Nội cũng có nhiều khu sinh thái, nghỉ dưỡng, các cơ sở lưu trú chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn 4 – 5 sao quốc tế ở cả khu vực nội thành và ngoại thành. Đó chính là nguồn tài nguyên lớn để Hà Nội phát triển nhiều loại hình du lịch độc đáo như: Du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch làng nghề, du lịch ẩm thực, du lịch thể thao, du lịch MICE…, là điểm đến lý tưởng cho khách quốc tế trong đó có du khách Thái Lan.
Bên cạnh đó, với dân số hơn 10 triệu người, Hà Nội cũng là thị trường khách lớn của du lịch Thái Lan. Với những tiềm năng đó, việc thúc đẩy, kết nối hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch lữ hành trên địa bàn TP Hà Nội và các doanh nghiệp du lịch, điểm đến của Thái Lan là vô cùng cần thiết để có thể khai thác hiệu quả lợi thế của cả hai bên.
Thư quý vị!
Để thúc đẩy kết nối hợp tác giữa các doanh nghiệp TP Hà Nội và Thái Lan một cách hiệu quả, thiết thực tôi có một số đề xuất sau:
1. Tạo ra các diễn đàn kết nối doanh nghiệp du lịch lữ hành trên địa bàn TP Hà Nội và các doanh nghiệp du lịch Thái Lan. Hai bên cần trao đổi thông tin về những dịch vụ du lịch thế mạnh và phù hợp với nguồn khách của mỗi bên, từ đó xây dựng sản phẩm phù hợp với thị hiếu của thị trường hai phía. Trong đó, cần thông tin cụ thể, rõ ràng về điều kiện xuất nhập cảnh, thời tiết, những hoạt động - sự kiện thu hút khách và các yếu tố có tác động đến du lịch ở mỗi bên.
2. Tổ chức các đoàn khảo sát Fam trip hằng năm cho các doanh nghiệp hai phía đối với các điểm du lịch trọng yếu là các điểm du lịch mới. Qua các chuyến đi thực tế này, các doanh nghiệp của hai nước sẽ nắm bắt, cập nhật được tình hình điểm đến, hành trình tuyến điểm (có thể bổ sung tuyến điểm mới) và chất lượng dịch vụ, từ đó có tư liệu về thông tin và hình ảnh để thực hiện quảng bá, quảng cáo và tư vấn tốt nhất cho khách hàng mỗi bên.
3. Tăng cường liên kết, học hỏi nghiệp vụ và trao đổi kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp hai bên để nâng cao các kỹ năng, kinh nghiệm khai thác du lịch. Tôi tin rằng, với kinh nghiệm lâu năm trong hoạt động du lịch, các doanh nghiệp Thái Lan sẽ hỗ trợ cho nhân lực tại các doanh nghiệp Hà Nội rất nhiều về kỹ năng, kinh nghiệm làm nghề. Chúng tôi luôn cầu thị và mong muốn được học hỏi từ các bạn.
4. Hỗ trợ phục hồi các chuyến bay giữa Hà Nội và Thái Lan giúp kết nối thuận lợi để kích cầu du lịch từ người dân của hai nước. Khuyến khích các hãng hàng không tăng cường các chuyến bay với mật độ đây hơn. Hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành thuê bao các chuyến bay Charter nguyên chuyến phục vụ du khách với số lượng lớn hơn. Đồng thời, kéo giảm chi phí di chuyển để xây dựng chương trình du lịch đến mỗi nước với mức giá rẻ hơn, phù hợp với điều kiện kinh tế và khả năng chi trả của nhiều tầng lớp nhân dân ở mỗi bên.
5. Có chiến lược phối hợp, hỗ trợ quảng bá, truyền thông điểm đến cũng như các chính sách mở cửa, kích cầu du lịch của cả hai bên để nâng cao chất lượng hình ảnh điểm đến, kích thích nhu cầu du lịch của du khách từ hai phía. Tích cực trao đổi tư liệu truyền thông gồm hình ảnh, video về các điểm đến, danh lam thắng cảnh của mỗi bên. Phối hợp xây dựng cơ chế chia sẻ chi phí quảng bá quảng cáo giữa các doanh nghiệp hai bên với phương châm “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ” để cùng tiến và cùng thắng.
Tôi tin rằng với sự quan tâm của lãnh đạo hai nước và sự chủ động của các thành viên hội Hữu nghị Việt Nam – Thái Lan thành phố Hà Nội sẽ thúc đẩy hợp tác hiệu quả giữa các doanh nghiệp du lịch thành phố Hà Nội và Thái Lan.
Kính chúc quý vị đại biểu sức khoẻ, thành công và hạnh phúc! Chúc hội nghị thành công tốt đẹp!
Andrew Nguyen