Những dòng sông luôn giữ vai trò, vị trí quan trọng mà thiên nhiên ban tặng và là nguồn cội tạo nên bề dày lịch sử, đời sống và văn hóa của một vùng miền. Nhắc đến sông ngòi nổi tiếng nào ở Điện Biên thì không thể không nói về dòng sông Nậm Rốm huyền thoại. Dòng sông huyền thoại, dòng sông chứng nhân lịch sử. Trong dòng chảy thời gian, trải qua bao biến cố và đổi thay của đời sống xã hội đất nước, dòng sông Nậm Rốm vẫn chảy êm đềm giữa cánh đồng Mường Thanh, ngày ngày bồi đắp phù sa màu mỡ, cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho Mường Trời, phục vụ sinh hoạt người dân ngày càng trù phú, no đủ. Hãy cùng VietSense Travel tìm hiểu về dòng sông lịch sử này nhé!
Sông Nậm Rốm - Êm đềm chảy qua những thăng trầm lịch sử
Đời sống văn hóa bên dòng Nậm Rốm
Sông Nậm Rốm bắt nguồn từ dãy núi Pù Huổi Luông, là phụ lưu bờ phải của Nậm Nứa, thuộc xã Nà Tấu, thành phố Điện Biên Phủ. Đây là dãy núi có nhiều suối, lạch với lượng nước dồi dào đổ thẳng ra sông Nậm Rốm. Sông Nậm Rốm và Nậm Nứa đều thuộc lưu vực sông Mê Kông. Đây là một trong các địa danh lịch sử gắn liền với Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 của quân đội, nhân dân ta.
Theo ngôn ngữ của người dân tộc Thái xưa, “Nậm” nghĩa là nước, sông, suối còn “Rốm” nghĩa là cây lát. Nậm Rốm có thể hiểu là dòng sông này bắt nguồn từ rừng lát thuở xa xưa. Bây giờ, Nậm Rốm theo tiếng Thái nghĩa là Sông Sâu, là một con sông nhỏ ở thung lũng Mường Thanh. Trong suốt chiều dài lịch sử của Mường Then, sông Nậm Rốm đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, tín ngưỡng và sản xuất nông nghiệp của cư dân địa phương.
Sông Nậm Rốm có chiều dài khoảng 35km, chảy theo hướng Bắc - Nam, qua địa phận thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên rồi hợp lưu với sông Nậm Nứa trước khi hợp lưu với sông Cửu Long.
Dọc hành trình chuyển động của mình, nhiều đoạn sông Nậm Rốm vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ và cũng rất nên thơ của một dòng sông giữa lòng núi rừng Tây Bắc. Có đoạn, sông chảy ngay dưới chân đồi núi, chảy hiền hòa qua những cánh đồng, thung lũng rộng lớn. Có khúc sông chảy qua những xóm làng bốc từng ngọn khói bếp chiều tà, thấp thoáng sau lũy tre làng xanh mướt rì rào. Và khi trở lại vùng lòng chảo Mường Thanh, nó êm đềm trôi lửng thửng như muốn ở lại nơi đây lâu hơn một chút, hai bên bờ sông là những bãi ngô và đồng lúa xanh mướt, tốt tươi.
Xung quanh dòng sông là núi rừng bao phủ, những ngọn núi như những tường thành ôm ấp bảo vệ vùng đất nơi đây. Cánh đồng Mường Thanh trải dài quanh dòng sông Nậm Rốm uốn lượn khúc khuỷu xinh đẹp. Tất cả hội tụ toát lên một vẻ đẹp vừa hùng vĩ vừa mộc mạc, bình yên cho Điện Biên Phủ, như một bức tranh thủy mặc được vẽ bởi bàn tay tài ba của người họa sĩ.
Bên cạnh sự hùng vĩ và vẻ đẹp tự nhiên, sông Nậm Rốm còn là chứng nhân lịch sử của một thời hào hùng của dân tộc.
Điện Biên Phủ là một thung lũng giữa rừng núi hoang vu của tỉnh Điện Biên thuộc khu vực Tây Bắc hiểm trở, vì thế địa hình Điện Biên Phủ như một lòng chảo rộng, được vây quanh là những dãy núi cao trập trùng bao bọc, ở trận địa trung tâm có một dòng sông nhỏ gọi là Nậm Rốm chảy qua chia cắt phân khu trung tâm thành hai nửa là tả ngạn và hữu ngạn sông. Chính vì vậy, việc có thể liên lạc từ sở chỉ huy trung tâm bên này sông với các cụm cứ điểm khác trên dãy đồi phía Đông và Đông Bắc không được thuận tiện, gặp phải rất nhiều khó khăn.
Và vấn đề này cần phải được giải quyết sớm nhất, cuối cùng để giải quyết những khó khăn đó, quân Pháp đã nghĩ ra việc phải cho xây dựng một cây cầu bắc ngang qua 2 bên và bây giờ nó còn gọi là cầu Mường Thanh bắc qua dòng sông Nậm Rốm tuyệt đẹp.
Cầu Mường Thanh chính là đường vận chuyển vũ khí, nguyên vật liệu, dây thép gai, đạn dược nhằm phục vụ tiếp tế, cung cấp cho việc xây dựng các cứ điểm phòng ngự quan trọng ở phía Đông và phân khu phía Bắc khi chiến sự còn chưa xảy ra. Khi quân Việt Minh tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam, thì chính cây cầu này là cửa ngõ cho quân Pháp sử dụng cho xe cứu thương lưu thông lên tiếp nhận tù binh ở trung tâm đề kháng Him Lam.Tuy nhiên, chiều ngày 7-5-1954, quân ta đã vượt qua chính cây cầu này, đánh chiếm sở chỉ huy của tướng De Castrie.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng cây cầu Mường Thanh vẫn nằm lặng lẽ bắc qua dòng Nậm Rốm như một gạch nối giữa quá khứ và hiện tại. Dọc sông, nhiều cây cầu hiện đại, kiên cố được xây dựng phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương của người dân như cầu Thanh Bình, cầu A1, cầu C4, cầu C9, …. Tuy nhiên, cây cầu sắt sàn gỗ vẫn có một nét đặc biệt. có ý nghĩa và thu hút một lượng lớn du khách thập phương về để tận mắt chứng kiến nơi thế hệ cha anh làm nên chiến công lừng lẫy năm xưa.
Đến với Nậm Rốm, ngoài cây cầu Mương Thanh lịch sử, chắc chắn du khách không thể bỏ qua một điểm đến đặc biệt khác nữa, đó là công trình thủy lợi trên dòng sông Nậm Rốm. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ huy hoàng năm 1954, đời sống nhân dân Điện Biên gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Mặc dù có cánh đồng Mường Thanh rộng lớn, phù sa dồi dào nhưng do thiếu nước vào những mùa ít mưa cho sản xuất nên không đáp ứng được nhu cầu lương thực của người dân địa phương. Năm 1963, nhằm tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp trên mảnh đất Điện Biên lịch sử, Đảng và Nhà nước quyết định đầu tư công trình thủy nông Nậm Rốm. Đây là công trình thủy lợi lớn thứ hai ở miền Bắc Việt Nam lúc bấy giờ, chỉ sau công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Không chỉ lưu giữ những những dấu mốc lịch sử vàng son, nhiều câu chuyện huyền thoại gắn liền với đời sống văn hóa của một vùng đất, dòng sông Nậm Rốm còn có nhiều điều thú vị hấp dẫn du khách.
Đó là hành trình khám phá, hòa mình vào vẻ đẹp thiên nhiên, sông nước hùng vĩ, hoang sơ. Đó là nhịp sống thường nhật nhộn nhịp với nhiều nét riêng của một thành phố đi lên từ lịch sử nhuốm nhiều đau thương của mưa bom bão đạn, vươn mình phát triển bên dòng sông Nậm Rốm như ngày hôm nay. Đó là hành trình khám phá, trải nghiệm cuộc sống đời thường và những nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở những bản làng mộc mạc ven sông.
Gìn giữ, bảo vệ và phát huy dòng sông lịch sử
Dòng sông Nậm Rốm gắn liền với lịch sử của Điện Biên, có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần, văn hóa, xã hội và kinh tế đối với người dân nơi này, đã nuôi sống đời sống và sản xuất của người dân địa phương. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, dòng sông đã phải đối mặt với những tác động nghiêm trọng của thiên tai như lũ lụt và hạn hán do biến đổi khí hậu.
Tỉnh Điện Biên đã đưa ra dự án Quản lý đa thiên tai khu vực sông Nậm Rốm, tỉnh Điện Biên nhằm quản lý tổng hợp lưu vực sông Nậm Rốm theo định hướng quản lý đa rủi ro thiên tai liên quan đến nước nhằm giảm thiểu tác động và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; chống sạt lở, bảo vệ đất, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân; tăng khả năng thoát lũ, chống úng; cấp nước sinh hoạt và công nghiệp; bảo vệ môi trường sinh thái; hạn chế di dân, ổn định sản xuất nông nghiệp, góp phần ổn định dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội.
Sau khi có Quyết định chấp thuận đầu tư được Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý, UBND tỉnh Điện Biên đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình đa - Công trình quản lý thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm nhằm bảo vệ vệ sinh nhân dân, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội của khu vực tỉnh Điện Biên. UBND tỉnh phân công Ban quản lý dự án các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh đứng ra làm chủ đầu tư thực hiện dự án.
Dự án sẽ được triển khai xây dựng trong 5 năm 2021-2025 với tổng số vốn hơn 981 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn cho dự án bao gồm 665,5 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ phát triển chính thức, 275 tỷ đồng từ vốn đối ứng và 40,5 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ không hoàn lại của EU.
Theo dự án, Điện Biên sẽ xây dựng 14,7 km kè dọc sông Nậm Rốm, xây đập tràn và nạo vét một số đoạn sông. Dự án cũng sẽ bao gồm việc xây dựng một hệ thống giám sát, nâng cao năng lực quản lý nhiều thảm họa và các hoạt động truyền thông.
Dự án có ý nghĩa rất lớn trong việc giảm thiểu thiệt hại do thiên tai lũ lụt gây ra, bảo vệ an toàn cho 40.000 người dân địa phương và tăng khả năng thoát lũ trên 150 km2 của lưu vực Điện Biên. Dự án cũng sẽ giúp tăng cường cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các cơ sở sản xuất.
Hầu hết những du khách đến Điện Biên Phủ tham quan lại chiến trường xưa đều muốn nhìn ngắm dòng sông huyền thoại này. Vẻ đẹp từ lịch sử anh hùng cho đến ngày nay vẫn mạnh mẽ lưu chuyển, cống hiến cho sự phát triển đất nước. Nếu bạn có cơ hội đến Điện Biên tham quan du lịch thì hãy ghé qua chiêm ngưỡng dòng sông xinh đẹp này nhé!