Là huyện thuộc vùng núi cao của tỉnh với 13 dân tộc anh em cùng sinh sống đã tạo nên những nét văn hóa độc đáo tạo cho Sơn Động tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái và du lịch văn hóa tín ngưỡng. Theo số liệu thống kê thì toàn huyện có 67.900 nhân khẩu, gồm 13 dân tộc cùng sinh sống tiêu biểu là dân tộc Dao, Tày, Nùng, Cao Lan, Hoa….
Phát triển Du lịch cộng đồng tại Sơn Động Bắc Giang
Là huyện thuộc vùng núi cao của tỉnh với 13 dân tộc anh em cùng sinh sống đã tạo nên những nét văn hóa độc đáo tạo cho Sơn Động tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái và du lịch văn hóa tín ngưỡng. Theo số liệu thống kê thì toàn huyện có 67.900 nhân khẩu, gồm 13 dân tộc cùng sinh sống tiêu biểu là dân tộc Dao, Tày, Nùng, Cao Lan, Hoa….
Các dân tộc này còn giữ được tiếng nói của dân tộc mình và nhiều nét sinh hoạt văn hóa truyền thống như lễ cấp sắc, lễ cúng rừng, lễ cầu lương thực của đồng bào dân tộc Dao xã Tuấn Mậu, lễ hội Bơi chải ở An Châu, lễ hội hát Soong hao của dân tộc Nùng ở 6 xã khu vực Cẩm Đàn, hội hát Then ở 5 xã vùng Vân Sơn, hát Sình ca của dân tộc Cao Lan ở các thôn, bản thuần dân tộc Cao Lan (xóm Lái, xã An Bá; xóm Khe Táu, xóm Đồng Hả, xã Yên Định; xóm Tam Hiệp, Mo Reo, xã An Lập; xóm Lừa, xã An Châu; xóm Việt Trong, Việt Ngoài, xã Giáo Liêm)... hay nghề bốc thuốc nam, nghề thêu thổ cẩm của người Dao dưới chân núi Yên Tử…
Ngoài những nét độc đáo về bản sắc của các dân tộc thiểu số, Sơn Động còn có địa hình phong phú, đa dạng với nhiều dãy núi cao, có hệ thống rừng nguyên sinh chứa đựng hệ động thực vật đa dạng, với những thắng cảnh nổi tiếng như khu Vũng Tròn, Khe Rỗ, Khu du lịch Đồng Thông, thác Ba tia ngay dưới chân chùa Đồng Yên Tử; các di tích lịch sử như Đình, chùa Chẽ, đình Vua Bà thuộc thị trấn An Châu, đình Đặng xã Vĩnh Khương, Đình Lục Liễu thuộc xã Long Sơn … đã tạo cho Sơn Động một tiềm năng to lớn để khai thác phát triển nhiều loại hình du lịch như: Du lịch cộng định đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa – tín ngưỡng…
Để phát khai thác tiềm năng du lịch của huyện Sơn Động, UBND tỉnh đã có quyết phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch bảo tồn và phát triển hệ thống di tích danh thắng Tây Yên Tử, trong đó khu vực Đồng Thông của Sơn Động là một trong những điểm nhấn quan trọng trong quy hoạch phát triển. Tại Đồng Thông hiện đã có dự án xây dựng hạ tầng khu du lịch sinh thái Đồng Thông đang được triển khai với số vốn khoảng 50 tỷ đồng bao gồm nhiều hạng mục như xây dựng đường lên chùa Đồng, khu nhà điều hành, bãi đỗ xe, hồ nước, các khu dịch vụ... hay tại xã An Lạc tổ chức GTV ( một tổ chức phi chính phủ của Italia) đã triển khai dự án “Phát triển du lịch sinh thái tại Khu bảo tồn thiên nhiên Khe Rỗ”.
Dự án có sự tham gia của 103 hộ gia đình ở 4 thôn Nà Ó, thôn Biểng, thôn Đội Mới và Đồng Bây. Đây là một dự án lồng ghép lần đầu tiên được tổ chức tại Bắc Giang theo hướng phát triển du lịch cộng động nhằm tồn các giá trị về bản sắc văn hóa và môi trường một cách bền vững. Hiện dự án đang được triển khai tích cực và đây sẽ là một mô hình tốt để có thể triển khai ra một số điểm có tiềm năng du lịch trên địa bàn. Huyện ủy Sơn Động cũng đãphê duyệt chương trình phát triển Văn hóa- Thể thao và Du lịch giai đoạn 2011-2015. Trong đó vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc trên địa bàn huyệnnhư khôi phục các lễ hội truyền thống, động viên người dân mặc quần áo và sử dụng tiếng nói của dân tộc minh…được đặc biệt quan tâm.
Tuy nhiên, hiện nay hoạt động du lịch của Sơn Động mới chỉ bắt đầu hình thành, bên cạnh những khó khăn về giao thông, hạ tầng, trên địa bàn huyện chưa hình thành các sản phẩm du lịch rõ nét để thu hút khách du lịch đến với Sơn Động. Vấn đề hiện nay là làm thế nào để khai thác tốt văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch còn là một bài toán khó đối với địa phương Sơn Động cũng như ngành du lịch Bắc Giang. Để giải bài toán này cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của mỗi người dân địa phương.
Trước hết chúng ta cần bảo tồn tiếng nói, tập tục sinh hoạt, nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn và cần được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để khai thác du lịch, từ tạo thành các tour du lịch sinh thái kết hợp tìm hiểu văn hóa, tín ngưỡng của người bản địa; khai thác hiệu quả nguồn vốn của nhà nước đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, khuyến khích nguồn vốn của xã hội để xây dựng nhà hàng, khách sạn, các dịch vụ phục vụ du khách. Đồng thời đầu tư xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ về phương pháp, về tập huấn nghiệp vụ và một phần về cơ sở hạ tầng như xây dựng nhà vệ sinh, đường làng và các thiết bị vệ sinh môi trường để người dân chủ động tham gia vào hoạt động du lịch, có như vậy du lịch sẽ không phá vỡ cảnh quan môi trường, ít tác động đến tập tục, đời sống của người dân lại vừa tạo ra được những sản phẩm du lịch độc đáo hấp dẫn mang tính vùng miền.
Hiện ở nơi đây có nhiều loại cây, lá là những sản vật quí của rừng ban tặng cho con người để phòng trừ và chữa các loại bệnh tật. Người dân nơi đây còn có nghề hái và bốc thuốc Nam, có những bài tắm lá thuốc cây rừng của người Dao. Không những vậy, ở đây nhiều nét văn hóa truyền thống của tộc người vẫn được gìn giữ. Hàng năm vào mùa xuân người dân trong bản thường tổ chức Lễ cúng rừng, Lễ cấp sắc, Lễ trình diện, Lễ khai đàn hay Lễ thụ đèn là những nghi lễ nghi lễ độc đáo được chuẩn bị công phu, đặc biệt trong lễ cấp sắc là cấp đạo sắc cho người thụ lễ với 10 điều cấm và 10 điều nguyện.
Phụ nữ người Dao ở đây cũng đang là những người gìn giữ nhiều nét văn hóa sinh hoạt truyền thống như việc tự tay thêu thùa may vá những bộ trang phục dân tộc, gìn giữ tiếng nói, lời ca của riêng dân tộc mình. Những vốn văn hóa của người Dao ở bản Mậu là nguồn tài nguyên quí để khai thác du lịch. Tại đây có thể xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, xây dựng các sản phẩm dịch vụ đi kèm gắn với truyền thống của đồng bào dân tộc.
Khách du lịch khi đến bản Mậu có thể tham gia vào lễ cấp sắc, cúng rừng được tái hiện, hay được nghe những điệu hát của dân tộc Dao, mua những món hàng thổ cẩm do người bản Mậu tự tay làm nên hay mua thuốc nam, sử dụng các dịch vụ tắm thuốc, chăm sóc sức khỏe của người Dao hay viếng thăn ngôi chùa Đồng linh thiêng trên đỉnh Yên Tử… Đây là những tiềm năng có thể xây dựng thành sản phẩm du lịch độc đáo của Sơn Động.