Khi nhắc tới Côn Đảo người ta không chỉ nhắc tới những hòn đảo, bãi bồi mà nó còn gợi lại lịch sử đau thương của dân tộc với hình ảnh nhà tù trong những năm tháng bị đô hộ. Một trong số đó là nghĩa trang Hàng Dương. Đây là di tích lịch sử như một chứng tích tố cáo chế độ thực dân, đế quốc. Đồng thời nó cũng có ý nghĩa giáo dục các thế hệ sau về lòng yêu nước. Bởi vậy, nghĩa trang Hàng Dương không giống như các nghĩa trang liệt sỹ khác trong nước ta. Nó hài hòa hợp với thiên nhiên, tạo cảm giác tưởng niệm sâu lắng. Trong bài viết dưới đây, hãy Vietsense travel tìm hiểu điểm đến này nhé!
Nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo hé lộ những bí mật chưa kể
Giới thiệu đôi nét về nghĩa trang Hàng Dương
Với diện tích 190.000m2, nghĩa trang Hàng Dương tại Côn Đảo gồm 3 khu : khu A, khu B và khu C. Theo lịch sử ghi lại: có khoảng: 20.000 tù nhân đã chết ở Côn Đảo. Tuy nhiên tất cả các thi hài không phải nằm ở Hàng Dương. Từ năm 1944, sau khởi nghĩa Nam Kỳ chế độ khủng bố trắng đã giết hại hàng ngàn tù nhân.
Từ ngày 19 tháng 12 năm 1992, nghĩa trang Hàng Dương được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội giao cho UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu làm chủ đầu tư và giao cho Viện Kỹ thuật Công binh xây dựng và tôn tạo lại. Sau đó nó lại được Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn tiếp tục mở rộng trên diện tích khoảng 20 ha, và được chia làm 4 khu: A, B , C, D.
Cũng chính bởi những điều trên mà nghĩa trang Hàng Dương được gìn giữ như một di tích lịch sử đặc biệt. Với hàng ngàn ngôi mộ có tên hay không có tên, nghĩa trang Hàng Dương là chứng cơ rõ ràng và hùng hồn về tội ác của đế quốc và thực dân đối với dân tộc Việt Nam. Đây là nơi yên nghỉ của hàng ngàn người con đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc. Họ đã không ngần ngại hy sinh cả tính mạng để đối mặt với kẻ thù gian ác giữa lao tù, xiềng xích.
Trãi qua 113 năm, có khoảng hai vạn người đã ngã xuống, nhưng thực tế dấu vết hiện nay còn lại là 1.921 phần mộ, trong đó chỉ tìm được 713 phần mộ có danh tính.
Những công trình điêu khắc thu hút ở nghĩa trang Hàng Dương
Trung tâm nghĩa trang là sân lễ với bức tượng Trao Áo. Tượng đài được xây dựng ngày 16/7/1980, cao 9m, nặng 25 tấn. Ở bên dưới bức tượng có ghi dòng chữ “Vĩnh biệt các đồng chí”. Ý tưởng để dựng lên bức tượng được tạo từ câu chuyện “ Chết còn cởi áo cho nhau”. Người trao áo là ông Vũ Văn Hiếu, nguyên là bí thư đầu tiên của đặc khu mỏ Hòn Gai (tháng 10/1930), trao cho cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Câu chuyện trên khơi gợi về tình yêu cách mạng vô sản, tinh thần sẵn sàng hiến dâng cho đất nước cho đến giây phút cuối cùng. Đó còn là khúc ca nói về sự hy sinh của người cộng sản, cả đời họ, tính mạng họ dành cho tổ quốc, cho cách mạng.
Ngày nay, Nghĩa trang Hàng Dương đã trở thành một quần thể kiến trúc điêu khắc vô cùng độc đáo. Tác phẩm đầu tiên khi bước vào khu tưởng niệm là tác phẩm mang tên “Bất khuất” của nhà điêu khắc Đào Châu Hải, tác phẩm có chiều dài 22m, cao 3,2 m.“Bất khuất” là một dãy khối nằm ngang như một dãy núi, một bức tường nhà lao. Những chi tiết được xếp chồng vào nhau, khoét lõm sâu vào thể hiện những nhân dân bị giam cầm xiềng xích đang giúp đỡ, nương tựa lẫn nhau. Tất cả chỉ trong một khối như sự kết nối tinh thần yêu nước, đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân.
Điểm thú vị của tác phẩm là có những lỗ thủng, chúng nằm chính diện tiền sảnh quần thể. Từ chính diện, rẽ sang trái là tác phẩm “Hy vọng” của nhà điêu khắc Phan Gia Hương cao 5m. Tác phẩm này tạc một khối nhân vật nữ đứng dang tay thả chim bồ câu trong gió biển. Tác phẩm này thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời và đầy hy vọng. Ngoài ra nó như hóa thân cho nữ anh hùng sáng chói của Việt Nam về tinh thần cách mạng - Võ Thị Sáu.
Năm ngôi mộ Anh hùng đặc biệt trong Nghĩa trang Hàng dương
Trong Nghĩa trang Hàng Dương có những ngôi mộ đặc biệt, được thiết kế xây dựng riêng với những dấu ấn đậm chất lịch sử.
Nguyễn An Ninh: Nhà cách mạng xuất sắc
Nguyễn An Ninh là nhà cách mạng nổi tiếng vào đầu thế kỷ XX. Ông bị thực dân Pháp bắt tù và hy sinh ở đây. Ngôi mộ của Nguyễn An Ninh nằm ở Khu A ( hàng mộ trước năm 1945). Trước khi được cải tạo và nâng cấp, ngôi mộ đã được xây khá đẹp. Sau này, được chính quyền cho tu sửa nhưng ngôi mộ vẫn giữ nguyên hình dáng cũ với dòng chữ ” Liệt sĩ chi mộ), được xây thêm tường rào, sân mộ, cảnh quan xung quanh cũng được trang trí khang trang hơn.
Một trong những Ủy viên Quốc tế Cộng sản cửa Việt Nam: Lê Hồng Phong
Phần mộ của Lê Hồng Phong nằm xa lối vào nhất thuộc khu A. Trước kia ngôi mộ chỉ được xây bằng gạch với bia bằng xi măng. Khi cải tạo, người ta đã xây mới hoàn toàn và thêm sân, hàng rào.
Người anh hùng Cao Văn Ngọc
Anh hùng Cao Văn Ngọc có biệt danh “ ông già chuồng cọp”, phần mộ của ông nằm ở khu B (đa số mộ từ 1945-1960). Chính quyền đã tôn tạo và xây dựng bổ sung năm 1999, sau khi được truy tặng Anh hùng vào tháng 12/1998.
Anh hùng Lê Văn Việt
Lê Văn Việt là một biệt động Sài gòn, khi tấn công Đại sứ quán Mỹ 1965 ông đã bị bắt, đày ra Côn Đảo và hy sinh ở đây. Sau này, mãi đến 20/12/1994, ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT. Ban đầu ngôi mộ được xây dựng khá đơn sơ và có bia mộ mang tên Nguyễn Văn Hai. Sau khi được truy tặng Danh hiệu AH, UBND thành phố Hồ Chí Minh đề nghị được tôn tạo, nhưng Ban QL Công trình không đồng ý nên nó chỉ được xây dựng theo mẫu đã được duyệt.
Nữ anh hùng Võ Thị Sáu
Chị Võ Thị Sáu tham gia hoạt động cách mạng bí mật ở địa phương từ năm 12 tuổi. Chị bị địch bắt năm 1950, Tòa án Binh của Pháp kết án tử hình chị vào tháng 4 năm 1951, bấy giờ chị mới 16 tuổi. Sau khi bị xử bắn vào 7 giờ sáng ngày 13 tháng 01 năm 1952, tại Côn Đảo, bọn cai ngục đã lấp xác chị trong bãi cát ở Hàng Dương.
Ở nghĩa trang Hàng Dương có những ngôi mộ tập thể
Ở các nghĩa trang, thông thường khi tôn tạo các ngôi mộ đều xếp theo hàng thẳng hay ngang – dọc. Tuy nhiên ở Hàng Dương người ta cho quy hoạch với ý đồ thiết kế: tất cả các ngôi mộ cũ nằm lộn xộn nhưng phải giữ đúng vị trí và theo hướng cũ. Trong quá trình tôn tạo, những bộ hài cốt mới phát hiện cũng được xây dựng như vậy. Thực tế số hài cốt phát hiện còn nhiều hơn cả số mộ có trước đó. Có khu vực chỉ sau một ngày, gió chướng cát bay để lộ rõ hàng chục bộ hài cốt. Những hài cốt không thể phân chia chính xác theo bộ thì người ta cho xây dựng chung thành mộ đôi, mộ ba, mộ năm… Người ta gọi là những ngôi mộ tập thể.
Những ngôi mộ ở đây không xây vuông vức nhau mà chỉ như một đống đá đổ trên mộ, chỉ được xây thô bằng đá. Trên mỗi ngôi mộ có một “trụ bia” gắn một khối đá Granite màu đỏ khắc tên (nếu xác định được) của anh hùng hi sinh và một ngôi sao. Khi mới tôn tạo, xây dựng các ngôi sao được đúc bằng đồng, tuy nhiên sau một thời gian chúng đã bị oxy hóa làm cho rỉ xanh và người ta quyết định gỡ bỏ. Sau nhiều lần thay đổi, người ta làm các ngôi sao bằng sứ màu vàng như hiện nay.
Với cách thiết kế trang trí như trên, các khu mộ nhìn rất lộn xộn như chưa được nâng cấp. Quanh các mộ vẫn là cát bao phủ.
Hiện nay, Nghĩa trang Hàng Dương tất cả có 25 ngôi mộ tập thể, đa số đều đã xác định được danh tính. Đặc biệt các ngôi mộ chuyển từ đảo Hòn Cau, khu Hàng Keo về đây đã chia thành lô thành hàng phía sau Bia tưởng niệm Trung tâm.
Thăm viếng ở nghĩa trang Hàng Dương
Đây là một trong những điểm đến vô cùng linh thiêng, để giữ được sự tôn nghiêm, an ninh trật tự và bảo vệ môi trường Ban Quản lý Di tích Côn Đảo quy định thời gian dâng hương tưởng niệm tại di tích. Thời gian được xác định từ 7h đến 22h hàng ngày. Du khách có thể đăng ký thăm viếng với ban quản lý di tích hoặc để lại thông tin như họ tên, số điện thoại, địa chỉ, thời gian để được hỗ trợ. Nếu muốn tham quan những địa điểm tâm linh, địa điểm văn hoá, vui chơi, giải trí khác có thể tham khảo tour Côn Đảo chi tiết nhất.
Như vậy chúng tôi đã cung cấp cho các bạn những thông tin về nghĩa trang Hàng Dương ở Côn Đảo. Hi vọng những điều này sẽ giúp ích cho các bạn. Đây là một nơi vô cùng thiêng liêng, nó gợi lại những đau thương mất mát của dân tộc ta trong những năm tháng chịu sự áp bức bóc lột của bọn thực dân và đế quốc. Nếu có cơ du lịch Côn Đảo thì đừng bỏ qua điểm đến này nhé. Chúc bạn có những chuyến đi thật suôn sẻ và ý nghĩa.