==HOTLINESHOW== ==HOTLINESHOWOTHER==

Trong bối cảnh xu hướng du lịch Trung Quốc bùng nổ dữ dội thời hậu Covid, khi người ngừời, nhà nhà nô nức nối đuôi nhau đi Trung Quốc thì tôi cũng không là ngoại lệ. Bản thân là một người làm du lịch lâu năm, công ty cũng đã và đang tổ chức các đoàn khách đi Lệ Giang – Shangri – La. Nhưng thay vì tận hưởng một chuyến đi nhẹ nhàng bằng đường bay và được đối tác tiếp đón trọng thị thì tôi lại lướt mạng tìm cho mình chuyến đi của một doanh nghiệp khác cùng ngành với mục đích xem họ làm thế nào? Và kết quả là 6 ngày vi vu với những người lạ rồi thành quen. Nếm mùi vất vả ít trải qua và đặc biệt là biết được thiên hạ họ làm gì, dân ta đang sính Trung Quốc thế nào. Dưới đây là một những dòng ký sự chân thực và khách quan mà Andrew Nguyen vừa trải qua.

Ký sự Đại Lí - Shangrila - Lệ Giang những ngày cuối tháng 6

Khởi đầu vội vã, vất vả và kém vui

10h30 tối với cái vali vài bộ quần áo và những đồ dùng cá nhân được sắp xếp gọn gàng vội vàng rời nhà đón chiếc taxi ra điểm hẹn khởi hành tại nhà xe Sao Việt nằm trên đường Giải  Phóng. Với lợi thế ở đó và căn giờ cũng khá chuẩn, cùng sự thuận lợi của giao thông về đêm, tôi đã có mặt đúng giờ để lên xe xuất phát. Chiếc xe giường nằm hạng phổ thông cùng ông tài xế trung tuổi giọng nói ồm ồm, chịu khó đón khách đưa túi đựng giày và rất hay trêu khách nữ xinh (giống tôi) cũng đã khởi hành nhanh chóng chỉ sau chừng 15 phút tập trung. Đây là lần đầu tiên tôi thấy một tour kết hợp với một hãng vận tải theo phong cách chắp nối thế này, công ty tôi chưa từng làm. Một bài học tốt về việc liên kết tổ chức từng phần giữa các đơn vị chạy tuyến cố định và công ty lữ hành. Sau 5 giờ chạy trên con đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai vắng vẻ về đêm, xe đưa đoàn đến nhà hàng Việt – Trung ở thành phố Lào Cai, một điểm hẹn quen thuộc của các chương trình tour Trung Quốc đường bộ. Cơn mưa mùa hạ cứ rả rích vẫn cứ rơi đều từng hạt làm cho việc xuống xe và lấy hành lý có chút vội vàng và ướt át. Một khung cảnh có lẽ là mơ ước của bất cứ nhà hàng hay cơ sở kinh doanh nào hiện ra trước mắt tôi đó sự đông đúc ồn ào. Cả một không gian chừng 200m2 được lấp kín người từ trong ra ngoài bởi các chuyến xe cứ nối đuôi nhau trả khách ở đây. Sự háo hức dần qua đi thay vào đó là cảm giác mệt mỏi và sốt ruột vì lâu lâu không thấy hướng dẫn viên đâu. Cũng phải chừng hơn 1 tiếng từ khi đến đây, ăn sáng và đứng ngồi ngóng chờ, thì cũng thấy trên nhóm thông báo đoàn tập kết để ra cửa khẩu chỉ cách nhà hàng này khoảng 100m nhưng cơn mưa và mặt đường đầy nước nên việc di chuyển cũng không hề thuận lợi. May mắn tôi nhanh chân lên được chiếc xe điện nên thoát ướt, xuống xe phải mua ngay chiếc ô fake của bà bán rong rồi kéo vali vào trước khu nhà xuất cảnh. Từ trên các bậc hè, đã kín hành khách đứng chờ không còn một chỗ trống vì thế chúng tôi phải sếp hàng dưới sân. Cái ô che được đầu và thân nhưng đôi giày thì ướt sũng vì một phần mưa hắt một phần nước dưới mặt sân. Cảm giác khó chịu nhưng vẫn rất kiên nhẫn sếp hàng và 1 em hướng dẫn nam xuất hiện yêu cầu theo số với giọng nói đầy nghiêm nghị và nghiêm trọng về việc tuân thủ theo hàng nhớ số. sau 30 phút dưới sân cũng được vào bên trong nhà. Tưởng chừng việc qua cửa khẩu với cái hộ chiếu dày đặc visa các nước sẽ dễ dàng qua cửa, nhưng có lẽ do phẩm hạnh nên vẫn bị cán bộ quản lý cửa khẩu mời vào khu vực chờ kiểm tra thêm thông tin. Đứng chờ trong hàng người đông đúc tại của phòng xem xét thủ tục cũng gần 2 tiếng mới được trả lại hộ chiếu để chính thức bước vào địa giới Trung Hoa dân quốc. Tiếp tục kéo theo vali dưới cái trời mưa nhỏ chừng vài trăm mét để đến nhà hàng ăn trưa. Sau bữa trưa là được đón bằng chiếc xe buýt địa phương đưa ra ga tàu nối chuyến từ đó đến ga Hồng Hà rồi vội vã xuống tàu lại tất bật lên tàu đi Đại Lý. Vẫn những lời cảnh báo từ hướng dẫn về việc nhanh xuống khẩn trương lên để tránh bị lỡ tàu là về “Côn Minh” một mình vài ngày. Thực sự với hành trình này, sau một đêm trên xe và cả ngày vội vã như vậy thì khó mà làm cho du khách vui vẻ. Khi bầu trời không còn sáng, là lúc xe đưa được đoàn đến một khách sạn nằm trên con phố ăn đêm kề bên thành cổ Đại Lý. Mặc dù mệt nhưng cũng nhanh chóng nhận phòng rồi xuống chợ đêm gặp được ông bạn biết mình, 2 chị lạ vui tính và 2 em khá "hớn" cùng đoàn thế là thành một mâm 6 người với vài lon bia và dăm ba xiên thịt. Ngày đầu khép lại sau những bước chân đầu tiên trong thành cổ Đại Lý lúc nửa đêm.

Ngày thứ 2 hoài nghi về cảnh sắc Vân Nam

Một ngày mới bắt đầu với hành trình thăm quan Hồ Nhĩ Hải, một địa danh gắn với bộ phim “ Đi về nơi có gió” của Trung Quốc khá nổi tiếng ở Việt Nam. Tận mắt chứng kiến một khung cảnh không lấy gì là đặc sắc được bơm thổi bởi truyền thông đã có chút làm cho tôi cảm thấy hoài nghi về sức hấp dẫn của chuyến đi này. Sau hơn 1 giờ đồng hồ đạp xe và checkin với những kiểu ảnh trong khung cảnh bầu trời sầm sì, xám xịt ở hồ, xe đưa đoàn đi điểm đến tiếp theo. Giờ trưa là lúc chúng tôi đến được nhà hàng ở Sakhe Cổ Trấn, niềm vui le lói khí khung cảnh cũng khá thơ, phía cổng  thành phía trước nhà hàng cũng có những ngôi nhà cổ khá đẹp. Bữa trưa nhanh chóng để dành thời gian đi săn những tấm hình tư liệu. Các em gái váy trắng vày xanh thi nhau uốn éo tạo dáng, chỉnh hình checkin giúp tôi cũng có được vài ba bức ảnh khá đẹp. Sau khi cả đoàn đã xong bữa trưa và thời gian dong dạo trong Sa Khê Cổ Trấn cũng khá đẹp với nhiều ki ốt và cửa hàng bán đồ lưu niệm, thực phẩm và quán cà phê. Tâm điểm của du khách là ngôi nhà từng làm bối cảnh trong bộ phim nay là quán cà phê với khung cảnh khá điện ảnh và vị trí nơi diễn viên từng ngồi là điểm cuốn hút những cậu ấm cô chiêu thay phiên lên hình sống ảo. Rời Đại lý với tâm trạng không mấy ấn tượng về 2 điểm đến bình thường của nơi này. Xe đưa đoàn đi Shangri-La trên một quãng đường khá dài, lại với những cảnh báo lặp đi lặp lại và về “ Phản ứng cao nguyên” từ Hướng dẫn viên trước và sau trạm dừng chân làm mọi người ai nấy cũng đều trang bị cho mình những bình oxy mini và lọ thuốc chống “Phản ứng cao nguyên”. Khi hoàng hôn đã tắt là lúc một nhà hàng rực rỡ xanh đỏ với cái cổng khá ấn tượng cùng đôi trai gái trong trang phục dân tộc bản địa đứng chào đón đoàn trước khi dùng bữa tối với món lầu bò Yak trong tiếng sập sình văn nghệ của những vũ công vũ nữ bản xứ biểu diễn. Về một khách sạn khá lớn với kiến trúc đặc trưng truyền thống nghỉ đêm, kết thúc ngày thứ 2 trong hành trình ở đây.

Điểm đến đình đám và trải nghiệm thực tế ở ngày thứ 3

Được chờ đợị nhất trong chương trình du lịch Shangri-La chính là tu viện Tùng Tán Lâm vì thế điểm đến đầu tiên của ngày hôm nay. Quả là “danh bất hư truyền”, một ngôi chùa với phong cách kiến trúc và tôn giáo Tây Tạng đồ sộ này hiện ra trước mắt sau khi xếp hàng và qua cửa soát vé và 20 phút ngồi xe trung chuyển. Vừa rời xe là cả đoàn háo hức checkin toàn cảnh công trình được coi là biểu tượng của Shangri-La. Chúng tôi dành hơn một giờ đồng hồ để chinh phục những bậc thanh leo lên chiêm ngưỡng từng tầng và từng gian nhà thờ phật và cũng nơi tu đạo của những nhà sư. Những cảm giác ám ảnh về cái gọi là “ phản ứng cao nguyên” dần bị lãng quên bởi những khung hình rất đẹp. Cá nhân tôi cũng thu lượm được những tấm hình và video làm tư liệu cho việc quảng bá sản phẩm du lịch Shangri-La ở điểm đến này. Điểm đến tiếp theo của đoàn thật không may, khi trời bắt đầu có mưa, những tầng mây xám xịt làm cho khung cảnh của thành cổ Dukezong kém hấp dẫn trong mắt du khách. Được mệnh danh là “thành cổ ánh trăng” nên có lẽ nó chỉ lung linh huyền ảo về đêm chứ ban ngày dưới bầu trời u ám hôm nay thì không có gì ấn tượng. Tập trung tại quảng trường tung tăng với đàn bồ câu, rồi leo lên những bậc thang để chiêm ngưỡng toà tháp vàng với bánh xe cầu nguyện sám hối rồi đi xuống. Di chuyển đến nhà hàng dùng cơm trưa và khởi hành đi Lệ Giang. Kết thúc ngày 3 tại khách sạn ở thành phố Lệ Giang cũng không quá muộn nên một vài người còn kịp chinh phục thành cổ về đêm.

Ngày thứ 4 chứng thực những kỳ quan trong trí tưởng tượng

Một buổi sáng với nhiều kỳ vọng khi giấc ngủ còn dang dở, 4h sáng là lúc chuông báo thức inh ỏi bên tai thôi thúc bật dậy. Có mặt tại lễ tân trước 10 phút kẻo sợ bị bỏ lại nếu quá giờ, ngồi lên cái ghế trong xe và mơ về khung cảnh núi tuyết kỳ vĩ trắng phau nơi lưng chừng bầu trời bởi giá trị trong tư tưởng được gieo từ ngày hôm trước về sự khan hiếm của tấm vé “cáp to” do đơn vị tổ chức thông báo. Thật không may, trời không chiều lòng người, cơn mưa buổi sớm cùng sương mù dày đặc đã biến một hành trình chiêm ngưỡng thành chuyến đi lên cao xuống thấp với những nỗi hoang mang về “phản ứng cao nguyên”. Sẽ gặp vấn đề nếu ở lại cái nơi chỉ thấy 1 cái cột nhỏ với số 4056 và vài cái nhà lều tềnh toàng rồi vội vã ngồi cáp treo xuống mặt đất chờ đợi. Không hiểu là mấy bác khách lớn tuổi muốn kiểm chứng sự nguy hiểm của “ phản ứng cao nguyên” và cái lạnh của độ cao ghê gớm trên đỉnh núi Tuyết Ngọc Long như lời hướng dẫn truyền đạt hay không mà lán lại trên đó đến tận vài giờ đồng hồ. Những người tuân thủ như chúng tôi, ngồi dài cổ mong ngóng dưới điểm tập kết và cũng lỡ nhịp chương trình xem Ấn tượng Lệ Giang theo lịch trình. Điểm tiếp theo chúng tôi được đưa đến là 2 cái tên rất mỹ miều Lam Nguyệt Cốc và Bạch Thuỷ Hà. Một khung cảnh thiên nhiên khá thơ với hồ nước xanh lam với diện tích không quá rộng nhưng màu nước thật đặc biệt, dòng suối chảy có một điểm trên những thềm đĩa ở phía đầu nguồn cũng rất bắt mắt gọi là Bạch Thuỷ Hà. Do thời gian vượt quá dự kiến vì lạc người ở núi tuyết Ngọc Long nên thời gian ở đây cũng chỉ chòm chèm 1 giờ đồng hồ. Nhưng có lẽ như vậy cũng là đủ cho việc checkin điểm đến này trong tình trạng cơn mưa nhỏ vẫn rơi đều xuống những đoàn khách đam mê sống ảo. Rời danh lam thắng cảnh thiên nhiên, chúng tôi được đưa đến một nhà hàng cơm buffet, cố lấy phần cơm với chút thức ăn không khoái khẩu để lấp cái dạ dày trước khi chứng thực sức hấp dẫn của show diễn được tuyên truyền là do đạo diễn đình đám bậc nhất Trung Quốc giàn dựng. Vẫn là cơn mưa, cùng với sự đại trà và tính thương mại của show diễn này đã biến nó không thực sự như cái tên “ Ấn tượng Lệ Giang” của chính nó. Buổi chiều tối là thời gian nhóm chúng tôi đi xem show diễn “ Lệ Giang Thiên Cổ Tình” với mức giá 300 tệ và quả thực chất lượng nó mang lại cũng rất tương xứng. Bữa tối tự do với món lẩu nấm Vân Nam lừng danh tự túc được chúng tôi thưởng thức lúc đã gần nửa đêm trước khi dạo bộ ngỡ ngàng với phố đêm thành cổ Đại Nghiên.

Ngày thứ 5 đi Côn Minh và cảm xúc chạnh lòng về quê hương

Công viên Hắc Long Đàm, cái tên có nhĩa đối nghịch với núi tuyết Ngọc Long là điểm dừng chân trong buổi sáng. Không quá nổi diệu kỳ nhưng cũng được vài ba tấm hình với cảnh sặc đặc trưng Trung Hoa. Hồ nước, mái đền và cây cầu cùng những lối đi nhỏ cũng đủ tạo ra một khuôn hình không chán mắt cho những lữ khách phương xa từ trời nam đất Việt.

“30 phút cao su” rồi cũng qua và hành trình “quốc bộ” luồn lách qua vài khúc cua của những con ngõ nhỏ để chiêm ngưỡng đường hoa trong Lệ Giang Cổ Trấn. Mới vừa chứng kiến xứ sở bar pub bên con kênh nhỏ nơi này đêm qua, giờ trở lại theo lỗi khám phá những con ngõ nhỏ với những mái nhà đặc trưng thành cổ Trung Hoa vẫn mang lại sự khác biệt. Không phải là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, nhưng những kinh nghiệm chụp ảnh căn hình nhiều năm cũng làm tôi trở thành một một tay máy được vài ba người nhờ cậy. Những bức ảnh khá ảo trong không gian những con ngõ nhỏ của những nàng ăn gì không biết những ăn ảnh thì số 1 cũng là làm giàu thêm tư liệu quảng bá cho hành trình này. Một buổi sáng không còn quá vất như những ngày hôm trước nhưng cũng chả đủng đỉnh được vì còn phải ăn trưa và ra ga cho kịp giờ tàu đi Côn Minh. Dành trọn cả một chiều ngủ nghê, chém gió trên tàu để về đến thủ phủ thịnh vượng của Vân Nam. 

Sự phức tạp của cái ga tàu rộng lớn không làm khó được đoàn khách đông chúng tôi, chỉ chừng 15 phút là bái bai khỏi cái ga và đến thiên đường mua sắm hàng hiệu “đắt lòi mắt” ở  công viên 1903 cái tên gắn với lịch sử thời điểm Trung Hoa bị thực dân Pháp đô hộ. Đến đây được thấy những con đường rộng lớn toàn ô tô, những căn nhà mặt phố lớn không nắt nhắt như ở thủ đô ta và đặc biệt là vỉa hè đi bộ và lan can phân làn cùng những hàng cây xanh được quy hoạch rất rõ ràng. Một suy nghĩ chạnh lòng khi so sánh Hà Nội thân yêu là thủ phủ của nước Đại Việt ta với một trung tâm tỉnh lẻ của nước bạn sao mà chênh lệch vậy? Buổi tối đến phố Kim Mã Bích Kê chả có gì những cũng được ngắm con đường lớn xuyên tâm của Côn Minh đẹp lung linh. Đi tiếp đến chợ đêm Nam Cường lại bị bị choáng ngợp bởi những con đường nhỏ sạch đẹp, những trung tâm sầm uất và những phố đêm cực hiệu quả của Trung Quốc đã trở thành điểm đến nhất định phải ghé thăm. Dân ta đi du lịch nước ngoài lắm, các bác nhà ta cũng công du khá nhiều chẳng nhẽ không ai thấy sự ưu việt của quy hoạch tốt và ý thức người dân nước bạn để học hỏi và làm quê ta đẹp tương tự? Bỏ quên những ưu tư về quê hương, chúng tôi về phố đêm Nam Bình giải trí với những quán pub bên đường trước khi chìm vào giấc ngủ tại khách sạn gần đó.

Ngày cuối chả có gì ngoài đi về

Chợ hoa Nam Đầu làm sao sánh được với chợ hoa Yên Phụ của ta, nhưng có lẽ là một điểm để lấp thời gian chờ đợi trước khi ra tàu về Côn Minh. Với quan điểm của người làm du lịch, tôi góp ý đơn vị tổ chức nên bỏ điểm này thay vào đó là mua sắm tại một khu phố sầm uất nào đó thì hay hơn. Sau bữa trưa, là chuyến tàu dài hết cả buổi chiều. Hoàng hôn nóng lực Hà Khẩu chào đón chúng tôi và cũng là thời điểm chiếc xe tuyến Lào Cai – Hà Nội chờ sẵn đón về. Quá nửa đêm thấy văn phòng nhà xe, cũng là lúc nói lời tạm biệt với những anh chị trong đoàn. Về nhà kịp xem nửa trận bóng Anh – Slovakia đầy kịch tính cùng những tinh nhắn bình luận trên nhóm của thằng bạn “ Đ… ĩ  mồm đã chính thức khép lại hành trình được gọi là Famtrip. À quên, chưa hết, giờ mới là lúc kết thúc thực sự khi tôi ngừng gõ những lời ký sự này!

Andrew Nguyen

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

83 9 92 175 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==