Yên Bái là tỉnh nằm ở phía Tây Bắc nước ta, nơi đây sở hữu nhiều địa điểm du lịch, tìm hiểu bản sắc của các dân tộc như Mường Lò, Mù Cang Chải,… Yên Bái cũng là điểm đến lí tưởng mà du khách có thể thưởng thức các loại đặc sản thơm ngon của các đồng bào dân tộc vùng cao. Hãy cùng Vietsense Travel “điểm danh” những món ăn mà khi du khách đến Yên Bái nhất định phải nếm thử nhé!
Những món ăn đặc sản Yên Bái đến là phải nếm
Thịt trâu gác bếp
Thịt trâu gác bếp không còn là món ăn đặc sản xa lạ đối với hầu hết mọi người nữa, tuy không phải là đặc sản chỉ tìm thấy được ở Yên Bái nhưng do các chế biến, nêm nếm tẩm ướp của từng nơi mà thịt trâu gác bếp mỗi nơi sẽ có chút khác biệt. Đây được xem là đặc sản của đồng bào dân tộc Thái đen, món ăn này được chế biến từ thịt bắp của những con trâu được thả rông tại các núi đồi. Cách chế biến thịt trâu gác bếp tuy không khó nhưng cũng đòi hỏi khá nhiều thời gian và công sức. Người ta chọn thịt thăn, bắp vai và lưng của trâu, cắt thành từng miếng to hình con chì, thịt được thái dọc thớ, tẩm ướp với các loại gia vị như ớt, gừng, muối, lá mắc khén,... sau đó treo lên nơi gác bếp để hun khói, thịt trâu sẽ được sấy khô tự nhiên. Cách làm này không chỉ khiến thịt trâu được bảo quản tốt mà còn trở thành một món ăn có hương vị đặc biệt.
Thịt trâu gác bếp có màu nâu thẫm bên ngoài, bên trong thịt có màu đỏ, hương vị đậm đà, mang phong vị của núi rừng Tây Bắc. Thịt có màu sắc bắt mắt, khi ăn sẽ có chút hăng hắc của mùi khói ám lâu ngày, nhưng có vị ngọt đọng lại khi thưởng thức. Thịt trâu gác bếp thường được dùng làm mồi nhậu, khi ăn sẽ xé nhỏ, chấm cùng với tương ớt hoặc chẩm chéo, hương vị bình dị mà tinh tế khiến biết bao du khách phải đổ gục trước món ăn đựac sản này. Đây cũng là món quà phổ biến mà du khách thường lựa chọn để biếu tặng người thân, bạn bè khi du lịch đến Yên Bái nói riêng và Tây Bắc nói chung.
Muồm muỗm rang
Nếu bạn là một tín đồ đam mê khám phá các loại đặc sản thú vị và độc lạ thì món ăn này sẽ là một trải nghiệm lí tưởng dành cho du khách. Muồm muỗm là loại côn trùng xuất hiện rất nhiều vào cuối các mùa gặt, muồm muỗm rang chính là đặc sản không thể thiếu của Mường Lò.
Để sơ chế muồm muỗm thì người ta phải vặt cánh, bẻ chân, ngắt đầu và rút ruột chúng, sau đó đem rửa sạch, để ráo nước rồi mới cho vào chảo để chế biến. Muồm muỗm sẽ được om với nước măng chua hoặc giấm gạo trên bếp với ngọn lửa liu riu, sau khi cạn nước thì mới cho dầu ăn hoặc mỡ vào chảo, đảo đều tay với lửa to, khi chín giòn muồm muỗm sẽ có tiếng nổ lách tách, lúc này người ta sẽ nêm nếm sao cho vừa ăn, đảo nhanh tay rồi cho lá chanh đã được thái sợi vào cho dậy mùi thơm. Món ăn này có màu vàng sậm, thơm và giòn tan, có vị bùi bùi béo béo trong miệng, sẽ càng thêm ngon khi ăn cùng với rượu ngô địa phương. Món ăn này mang hương vị độc đáo và đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Nếu có cơ hội thì đừng ngại thử ngay món ăn này nhé!
Lạp xưởng Yên Bái
Lạp xưởng Yên Bái là món ăn rất được người dân địa phương và du khách yêu thích, đặc biệt là vào mùa đông. Được nhâm nhi chén rượu nồng, nhấm nháp miếng lạp xưởng chấm cùng với tương ớt cay xè trong cái thời tiết se lạnh của đêm đông chính là một trải nghiệm tuyệt vời.
Để chế biến món ăn này, người ta sử dụng lòng non, thịt nạc xay nhuyễn và các loại gia vị tẩm ướp. Lòng non phải được rửa kĩ và thật sạch với rượu trắng thì lạp xưởng mới không bị hôi, thịt lợn phải được lựa chọn kĩ, từ thịt nạc vai, thịt thăn, nạc mông, đây là những phần thịt ngon nhất của con lợn, xay nhuyễn và tẩm ướp các loại gia vị như hạt tiêu, bột canh hoặc muối, mật ong, đường, một chút rượu trắng,... sau đó nhồi căng tròn vào phần lòng non đã được làm sạch. Sau đó phần lạp xưởng này được đem đi phơi nắng 3 ngày rồi mới treo lên gác bếp. Mấy ngày đầu cần phải chú ý khá nhiều đến khâu hun khói sấy khô, không được để tắt bếp trong quá trình thịt lên men. Sấy lạp xưởng cũng phải dùng đến than hoa, bã mía, lá quế tươi, vỏ trấu, thân cây quế. Lạp xưởng sau khi trải qua các giai đoạn này thì sẽ được bảo quản rất lâu mà không bị hỏng. Tuỳ vào cách chế biến, tẩm ướp mà hương vị của món lạp xưởng mỗi nơi mỗi khác. Lạp xưởng Yên Bái có màu sẫm, khô hơn nhiều chỗ khác và có hương thơm, mùi vị đặc biệt khiến bất cứ du khách nào từng ăn món này cũng phải nhớ mãi.
Xôi và cốm tan Tú Lệ
Nằm ở phía Tây của tỉnh Yên Bái, thung lũng Tú Lệ là một trong những địa danh nổi tiếng gây ấn tượng với du khách trong và ngoài nước bởi vẻ đẹp thiên nhiên mà khó có từ ngữ nào diễn tả hết được, đặc biệt là vào mùa lúa chín.
Thiên nhiên đất trời đã ban tặng cho Tú Lệ loại nếp tan đặc sản độc đáo mà không nơi nào khác có được, cũng chính vì vậy mà dù chế biến theo hình thức nào thì món ăn vẫn thơm ngon khó cưỡng, đặc biệt trong số đó phải kể đến loại cốm tan Tú Lệ. Để chế biến được thức cốm thơm ngon mang hương vị đậm đà quyến rũ, mang đậm nét đặc trưng của vùng cao Yên Bái thì bà con dân tộc Thái tại đây đã phải dùng rất nhiều công sức và trải qua nhiều giai đoạn công phu. Người ta gặt các hạt lúa vẫn còn nguyên sữa ngay khi nó khum ngọn về để làm cốm, lúa để làm cốm phải được tuốt, sàng bỏ rơm và lọc hạt thóc lép thay vì vò hay đập như thông thường, sau đó được đem đãi qua nước rồi mới được bỏ vào chảo rang. Rang cốm phải sử dụng bếp lò được đắp xỉ than nhưng không dùng than để đốt mà dùng củi.
Với những giá trị tinh tế và thơm ngon của mình, món cốm Tú Lệ đã trở thành mặt hàng được nhiều người săn đón, ưa chuộng, du khách đến du lịch Yên Bái, Tú Lệ thường lựa chọn món đặc sản này về làm quà biếu tặng bạn bè, người thân.
Bánh chưng đen
Bánh chưng đen là món ăn truyền thống của người dân tộc Thái, họ làm bánh chưng đen vào mỗi dịp tết đến xuân về như một cách để thể hiện lòng biết ơn và tôn kính đối với ông bà tổ tiên và đất trời. Để làm bánh chưng đen người ta lựa chọn nguyên liệu rất kĩ càng: lá dong bánh tẻ được rửa sạch lau khô, gạo nếp làm bánh phải là loại gạo nếp Tú Lệ thơm ngon, nhân đỗ xanh phải được đãi sạch vỏ không lẫn sạn, thịt lợn chọn loại ba chỉ ngon nhất, nhiều mỡ, thái mỏng đã được ướp với các loại gia vị, hạt tiêu và hành củ. Người dân tộc Thái sử dụng thân cây núc nác được tước vỏ hoặc hoa cây vừng đen đốt thành than, giã mịn thành bột, trộn lẫn với gạo nếp Tú Lệ, đảo đều để tạo thành màu đen độc đáo cho món bánh chưng.
Món ăn này tuy giản dị và mộc mạc nhưng chứa đựng tinh tuý của đất trời và tấm lòng chân thành của người làm bánh. Giờ đây, món bánh chưng đen không chỉ còn được làm, thưởng thức trong các ngày lễ tết nữa mà đã trở thành món đặc sản độc đáo được du khách và người dân địa phương ưa chuộng khi tới Mường Lò.
Mật ong nhãn Văn Chấn
Nếu đã có dịp đến với Văn Chấn thì du khách nhất định không được bỏ lỡ cơ hội thưởng thức hương vị của loại mật ong nhãn.
Không được làm theo hình thức cho ong ăn đường như một số nơi, mật ong nhãn Văn Chấn là sản phẩm hoàn toàn tự nhiên được tạo thành từ quá trình ong hút mật từ hoa nhãn chuyển hoá mà thành, tạo nên mùi thơm đặc trưng và hương vị thơm ngon độc đáo. Mật ong nhãn Văn Chấn chứa nhiều vitamin và giàu dinh dưỡng, có thành phần chủ yếu là các loại đường đơn dễ hấp thụ và các loại men cần thiết với sức khoẻ như ligase, amilase,... các loại vitamin D, B, E, C,... và cả các loại khoáng chất có lợi cho sức khoẻ.
Măng sặt Yên Bái
Măng Sặt là loại măng có nhiều tại các huyện Trạm Tấu, Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ của tỉnh Yên Bái. Đây là một loại măng thuộc họ tre, thân nhỏ, thẳng, búp măng chỉ cỡ chuôi liềm, có màu trắng ngon, có vị ngọt và mềm, mọc trong tự nhiên, mùa măng vào khoảng tháng 2 đến tháng 4.
Măng sặt có hương vị ngọt mềm dễ chịu và dễ chế biến thành nhiều món ăn phù hợp với khẩu vị của nhiều người. Ngon nhất là khi mặng mới nhú, còn tươi và mập mạp, thân trắng trẻo. Có thể luộc, om, hay xào, nướng,... thì đều ngon.
Món ăn từ măng sặt tuy giản dị nhưng lại thơm ngon, ngọt bùi, mang hương vị tinh tuý của núi rừng Tây Bắc và là món đặc sản của tỉnh Yên Bái.
Mắc khén
Một trong những loại gia vị độc đáo và đặc trưng của Tây Bắc không thể nào thiếu được Mắc khén. Mắc khén là loại gia vị được cả đồng bào dân tộc miền núi lẫn du khách đều yêu thích. Cây mắc khén thuộc họ hồi, có hương thơm độc đáo và có tinh dầu, đây là thứ tạo nên loại gia vị đậm đà không thể thiếu trong các bữa ăn của người đồng bào Tây Bắc.
Người ta thu hái quả mắc khén về đem phơi khô hoặc treo gác bếp để dùng dần, bữa ăn quan trọng nào cũng không thể thiếu được mắc khén, người ta thường lấy một nắm quả mắc khén cho vào bát và nướng với viên than củi đang cháy đượm, sau đó nghiền, giã nhỏ hạt mắc khén bằng chuôi dao để cho vào đồ chấm, làm gia vị cho các món ăn.
Bánh chuối Lục Yên
Người Tày ở Lục Yên đã sáng tạo ra món bánh chuối vừa thơm ngon hấp dẫn vừa chứa đựng những giá trị tinh thần được truyền lại qua nhiều thế hệ và được lựa chọn làm món ăn cúng tế trong những dịp lễ tết, hay cả những việc trọng đại.
Bánh chuối được tạo nên từ chuối và bột gạo, món bánh hấp dẫn này được chế biến từ những bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ. Từ khi chuối ra nải, người ta đã chuẩn bị kĩ càng để có thể tạo ra những chiếc bánh thơm ngon, trọn vị. Những quả chuối chín sẽ được đem bóc vỏ, sấy khô và để dành, đến khi làm bánh sẽ đem số chuối đã được sấy khô đó đi ngâm nước ấm cho mềm và xay thành bột, bột chuối trộn đều cùng với bột gạo để làm vỏ bánh. Tuỳ theo sở thích mà lựa chọn các loại chuối phù hợp cho từng mục đích. Ngoại trừ nhân bánh có đỗ, đường và lạc thì thành phần chủ yếu là chuối. Bánh chuối được gói bằng lá chuối vườn, dây gói cũng là dây chuối. Bánh chuối độc đáo như vậy đấy, món ăn này vừa dễ thưởng thức vừa ngon và lạ, hấp dẫn du khách gần xa khi đến Yên Bái.
Trên đây là những món ăn đặc sản Yên Bái mà Vietsense Travel muốn giới thiệu đến với các bạn, hi vọng rằng từ danh sách này du khách có thể khám phá được những món ăn tạo nên hương vị độc đáo, riêng biệt và hấp dẫn cho nền ẩm thực Yên Bái và có một chuyến du lịch Yên Bái thật trọn vẹn!