Lạng Sơn là một tỉnh nằm gần cực Bắc của Việt Nam, nơi đây thu hút du khách với những cảnh đẹp thiên nhiên. Nếu có dịp bạn hãy đến thăm Lạng Sơn - tỉnh miền núi với núi non hùng vĩ và những con đèo ngoạn mục. Lạng Sơn có nhiều đặc sản hấp dẫn, từ món mặn đến món ngọt, món chính đến món ăn vặt mà du khách đến đây nhất định nên dành thời gian thưởng thức.
Đặc sản Lạng Sơn - Sức hấp dẫn không thể chối từ 2024
vịt quay móc mật
món ăn mang đậm bản sắc dân tộc được người dân Việt Nam cũng như khách du lịch nước ngoài cũng rất yêu thích. Vịt quay móc mật Lạng Sơn thường sử dụng giống vịt Bầu Thất Khê. Sau khi được làm sạch sẽ tẩm thêm hương liệu: hành, hạt tiêu, móc mật, nhồi vào bên trong vịt rồi khâu lại. Phần ngoài tẩm mật ong và để khoảng 10 phút. Tiếp theo quay vịt trên than hoa 15 phút. Sau khi quay xong nhúng vào chảo mỡ đảo đi đảo lại rồi cho ra giá đỡ để nguội. Khi quay vịt đòi hỏi kỹ thuật không cháy đen, phải đảm bảo độ nóng, quay càng lâu thịt càng thơm. Thịt vịt phải thấm màu mật ong, miếng thịt ăn vào thấy đậm đà và mềm ngọt. chuẩn bị thêm những món ăn kèm. Bạn có thể chuẩn bị ít bánh tráng, một chút rau thơm, dưa chuột để ăn kèm với món vịt quay Lạng Sơn nhé. Cách trang trí vịt quay Lạng Sơn cũng là một khâu quan trọng để chinh phục đôi mắt của khách hàng. Bạn nên đặt một ít xà lách trên đĩa rồi cho vịt quay đã chặt lên trên, xung quanh là các loại rau thơm khác sẽ làm đĩa vịt quay của bạn trông ngon mắt hơn.
Phở chua
Phở chua Lạng Sơn được chế biến khá cầu kỳ, là món ăn lạ tai, lạ mắt và khi thưởng thức thì lạ miệng với thực khách đường xa. Món ăn có vị giòn, bùi của khoai, lạc đi kèm cảm giác ngầy ngậy từ thịt xá xíu kết hợp với ớt cay, dưa chuột man mát. Lâu nay, món này đã trở thành niềm tự hào, là thứ đặc sản ngon nức tiếng theo chân người xứ Lạng đi khắp nơi.
Nguyên liệu chính gồm bánh phở, khoai lang, thịt xá xíu, xúng xàng, gan lợn, thịt gà xé, hành phi, khoai môn, lạc rang, hành khô, dưa chuột, lạp sườn...Công đoạn sơ chế cũng cầu kỳ qua nhiều bước.
Khi nguyên liệu đã sơ chế xong, người làm xếp lần lượt một lớp bánh phở (mùa đông bánh phở được nhúng qua nước sôi cho nóng) sau đó đến xá xíu, dưa chuột và lạc rang, khoai lang chiên, hành khô lên trên. Tùy khẩu vị, thực khách có thể thêm chút chanh tươi, ớt hay tiêu.
Phở chua sẽ chỉ ngon một nửa nếu thiếu vị béo đậm đà của nước dùng (nước lèo). Theo đó, người làm phải đun sôi nước luộc vịt, phi thơm hành, tỏi và cho vào nồi cùng ớt, cà chua, giấm đường (gia vị riêng rất đặc biệt, làm từ quả chuối chín), đường, nước mắm, gừng. Khâu cuối cùng là cho bột năng vào để nước sánh lại.
Khi ăn, thực khách sẽ tự chan hoặc trộn cùng nước dùng để cảm nhận rõ vị ngậy của mỡ vịt và thơm phức nhờ những gia vị đặc trưng. Tuy nhiên, cần phải khéo léo trộn lượng nước dùng vừa đủ sao cho nguyên liệu không bị nát mà gia vị vẫn thấm đều.
Không chỉ là sản vật để những người con xa quê nhớ về, phở chua còn được xem như món quà thết khách của quê hương Lạng Sơn.
Lợn quay
So với các vùng miền khác lợn quay Lạng Sơn có những hương vị đặc trưng riêng. Sau khi sơ chế xong, đầu bếp nhồi vào bụng lợn lá mắc mật bánh tẻ, một thứ lá rừng hay dùng ở dân tộc Tày và Nùng. Lợn được quay trên bếp than hoa đỏ lửa, để thịt chín vàng đều người làm sẽ quét dầu và mật ong rừng pha giấm lên mình lợn. Khi lợn chín tới, dùng vải thấm nước lã lau qua mình lợn quay rồi quạt lửa thật mạnh để cho bì lợn phồng lên. Khi ăn bì giòn, thịt dai có vị rất đặc trưng quyện với mùi thơm của lá mác mật.
Thịt lợn quay không chỉ là đặc sản xuất hiện vào những dịp đặc biệt như đám cưới, ma chay, lễ hội, mà đã trở thành món ăn phổ biến của người dân. Đặc biệt hơn nữa, thịt lợn quay Lạng Sơn cũng là món ăn thu hút nhiều thực khách trên mọi miền đất nước, ai ai cũng biết đến và để lại nhiều ấn tượng.
Nem nướng Hữu Lũng
Nếu như nem chua Thanh Hóa với vị chua dịu nổi tiếng xa gần thì nem Hữu Lũng lại được yêu thích bởi hương vị thơm nồng khi nướng lên. Món nem này nếu nhìn bề ngoài chẳng khác mấy so với nem chạo, nem thính khá nổi tiếng ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Nhưng cũng như món bánh cuốn, món nem ở từng địa phương lại chứa trong đó một thứ “đặc sản” đặc trưng riêng. Nó toát ra từ hình dáng, nguyên liệu và hương vị của món ăn.
Nem nướng Lạng Sơn to bằng cổ tay người lớn, dài ước chừng một gang tay, được bọc bởi 3 lớp lá chuối xanh bên ngoài buộc lạt tre. Bên trong nem gồm thịt lợn (phần nạc vai, ba chỉ lách không quá mỡ), bì lợn thái mỏng. Thịt phải mua lúc lợn mới mổ, còn hồng tươi, mang về thái bằng dao sắc, mỏng. Bì lợn cũng luộc sơ, thái thật mỏng.
Người làm nặn chiếc nem thành hình trụ đường kính chừng 3 cm rồi bọc bên ngoài bằng 3 lớp lá chuối tây đã rửa sạch, lau khô. Nhờ những lớp lá chuối đó, nem mới “chín”, tránh bị thiu hay vi khuẩn bẩn xâm nhập. Để trong điều kiện tự nhiên khoảng 2,3 ngày, nem ngấu, màu hồng đẹp là có thể sử dụng chế biến thành món nem nướng thơm nức mũi và gây cảm giác thèm thuồng khó tả với thực khách.
Bánh ngải
Ngải cứu là một loại thuốc và cũng là một loại thực phẩm quý. Tuy nhiên chỉ có người Lạng Sơn mới có thể chuyển thể ngải thành một món ăn hết sức đặc biệt: Bánh ngải cứu nhân vừng. Bánh ngải thuộc món bánh chay, tuy được làm từ gạo nếp nhưng rất dễ ăn, mát, không ngấy. Bánh có mùi thơm, dẻo của gạo nếp, vị của lá ngải, vị ngọt của đường và mùi thơm lừng của hạt vừng hòa quyện vào nhau. Nếu ai đã từng ăn một lần sẽ không thể quên mùi vị của loại bánh dân dã này.
Ngoài ra, bánh ngải còn có khả năng chữa được một số bệnh vì lá cây ngải cứu (còn gọi là ngải diệp) có vị đắng, cay, tính hơi ấm có tác dụng điều hòa khí huyết, trừ hàn thấp, an thai, cầm máu
Khâu Nhục
Khâu nhục là món ăn được người Hoa mang tới Việt Nam. Điều đó được thể hiện ngay ở cái tên mang phiên âm tiếng Hoa, "khâu" nghĩa là hấp chín đến mềm rục, còn "nhục" là thịt. Như vậy, món ăn có thể hiểu nôm ma là thịt được hầm nhừ, hấp chín tới mềm rục. Là món ăn có nguồn gốc "ngoại quốc", sau khi du nhập vào Việt Nam, được người dân tộc Tày, Nùng, chế biến cùng hương liệu địa phương để trở thành đặc sản nổi tiếng ở Lạng Sơn. Người ta thường nấu khâu nhục để thiết đãi khách phương xa hay trong những dịp trọng đại như lễ tết, cưới hỏi.
Người ta thường xếp đĩa khâu nhục vào đĩa sâu lòng với phần bì lợn vàng ruộm úp lên trên, thịt nạc ôm trọn gia vị vào trong, thành hình vòm như ngọn đồi nhỏ. Món ăn đạt chuẩn có vị béo mềm đậm đà, nếm nhiều mà không ngấy ngán.
Bánh cao sằng
Bánh cao sằng ở thành phố Lạng Sơn từng nổi tiếng một thời, được người Hoa ưa chuộng. Nó có mặt nhiều nhất ở thành phố và các huyện lân cận nơi có nhiều người dân tộc Nùng sinh sống. Ông bà ta kể rằng, ngày đó trên Lạng Sơn còn bóng giặc từ Trung Quốc tràn sang, chúng muốn đồng hóa dân ta về mọi mặt, mang những món ăn từ bên kia sang và bắt dân ta làm theo. Rồi dần dần các món ăn như khẩu si, bánh màn thầu…có mặt trên đất xứ Lạng và được người dân chế biến cho phù hợp với khẩu vị. Bánh cao sằng là một món ăn thú vị và hấp dẫn, mang đầy đủ tinh hoa của sự kết hợp giữa ẩm thực Trung Hoa và ẩm thực Việt Nam.
Bánh cao sằng chỉ hợp để “ăn hương ăn hoa”, như thế sẽ không bị ngán. Người Lạng Sơn thường chọn bánh này để ăn sáng. Những đĩa bánh dành cho thực khách thường không quá hai miếng và nửa bát nuớc chấm. Khi ăn đổ ngập nuớc chấm vào bánh thì sẽ ngon hơn.
Bánh cuốn trứng
Bánh cuốn trứng Lạng Sơn cũng giống bánh cuốn Thanh Trì hay nhiều nơi khác ở miền Bắc, cũng là bột gạo tráng mỏng, hấp chín. Sự khác biệt lớn nhất là phần nhân - một quả trứng gà tươi ngon hấp dẫn. Bánh cuốn ngon nằm nhiều ở phần vỏ. Hình thức phải mỏng, trắng ngần, mịn. Khi ăn phải có đủ mềm, vừa dẻo vừa dai. Để được vậy, gao phải chọn loại ngon, đều hạt, xay thành bột, hòa với nước cũng phải có bí quyết riêng. Phần nhân bánh tưởng đơn giản nhưng lại có rất nhiều lựa chọn. Khách thích ăn kiểu ốp la - đập trứng thẳng vào giữa bánh rồi gói lại, lòng đỏ hồng đào lấp ló dưới lớp vỏ bánh mỏng tang, trắng ngần hấp dẫn. Hay khách thích đánh nhuyễn trứng với bột rồi mới đổ, chiếc bánh sẽ vàng ruộm, ngọt ngào đưa vị. Hay có thể thêm một lớp thịt nạc băm trong nhân bánh. Cứ việc yêu cầu người bán, hoặc chỉ thử mỗi loại một lần, bạn cũng đủ no căng.
Miếng bánh đẫm nước chấm, vừa ở trên môi đã muốn trôi luôn vào bụng. Chậm rãi nhai từ từ, thấy vị thơm dai dẻo hòa với nước chấm chua chua thanh thanh, hành mùi hăng cay, mắc mật cay cay nồng nồng. Tuyệt nhất là cảm giác lòng nhân trứng như tan chảy trong miệng, ngọt ngào thơm ngậy. Rất ngon mà không hề ngán.
Bánh mì nướng
Nhắc đến vùng đất xứ Lạng mà bỏ qua đặc sản nức tiếng bánh mì nướng dầu hào thì quả là thiếu sót lớn cho chuyến khám phá ẩm thực của bạn.
Bánh mì nướng xứ Lạng có đặc trưng rất riêng từ bánh mì tới công thức pha nước chấm, đặc biệt là những món ăn kèm rất đặc biệt. Để ăn kèm với bánh mì nướng dầu hào, không thể không thiếu thịt xiên nướng, hàm nướng, họng nướng, hoặc dạ dày nướng,... Chúng được ăn kèm với bánh mì rồi nhúng một chút vào thứ nước chấm xền xệt riêng biệt của xứ Lạng.
Điều đặc biệt nhất của món ăn này lại nằm ở chính món nướng chấm “bí truyền” của từng hàng.
Phóng Viên: Nguyễn Thị Hương
Biên Tập: Đào Thị Việt Hà