Hà Giang mang đến nhiều trải nghiệm thú vị, du lịch Hà Giang không chỉ đẹp bởi phong cảnh hùng vĩ, những con đường uốn lượn quanh co dài bất tận, bởi Sắc Hoa và Tình Người mà còn bởi ẩm thực nơi đây. Nền ẩm thực phong phú được tạo ra từ những nguồn nguyên liệu tươi ngon, hấp dẫn cùng vô vàn những công thức chế biến độc lạ. Hương vị thơm ngon, lôi cuốn khiến bạn mê mẩn không lối thoát, hãy đồng hành cùng VietSense Travel trong bài viết dưới đây để có cái nhìn tổng quan và cụ thể nhất về món ngon Hà Giang bạn nhé!
Thưởng thức đặc sản Hà Giang tinh hoa vùng cao nguyên đá
Nói về mảnh đất địa đầu tổ quốc Hà Giang, cái người ta nhắc đến đâu chỉ là cảnh đẹp, đâu chỉ những lễ hội náo nức mà ẩm thực Hà Giang khiến người ta đau đáu muốn trở lại lần nữa. Sau đây là những món đặc sản của Hà Giang ngon nhất mà du khách tham quan nhất định phải thưởng thức.
Bánh tam giác mạch.
Nếu như bạn đã từng đi chợ trên Hà Giang vào buổi sáng thì sẽ thấy ở đây đa dạng những món ăn sáng ,nếu như vào đúng dịp thu hoạch hoa tam giác mạch thì sẽ có rất nhiều nhà tự làm bánh tam giác mạch hay còn được gọi với cái tên mỹ miều “ bánh Kiều Mạch” .
Bánh mềm xốp, cần nhấm nháp thật chậm để cảm nhận vị ngọt thanh thanh lan tỏa. Không quá mướt mát như bột gạo, bột tam giác mạch thoáng vị bùi, phảng phất chút hăng đặc trưng của cây rừng.
Bánh được hấp chín trên bếp lửa, khi đến tay người mua vẫn còn nguyên hơi ấm. Tấm bánh to chừng hai bàn tay người lớn. Người Mông đi chợ phiên thường mua bánh tam giác mạch để ăn cùng thắng cố, như cách họ ăn bánh ngô, bánh gạo hay xôi bảy màu.
Hạt tam giác mạch sau khi thu hoạch được phơi khô, có thể xay bột làm bánh. Bánh là thức quà đặc biệt mà du khách nên thưởng thức khi tới cao nguyên đá Hà Giang.
Từ những hạt tam giác mạch nhỏ hơn hạt đậu được những người dân ở đây xay thành thứ bột thật mịn màng, sau đó cho bột hòa lẫn với nước lã thành bột dẻo, rồi cho vào khuôn truyền thống đúc thành từng miếng bánh tròn xoe.
Nghe qua có vẻ dễ làm, nhưng xay bột tam giác mạch rất khó, phải là những hạt tam giác mạch được phơi khô độ một tuần lễ dưới nắng ròng rã, thì mới dễ xay. Người ta xay hạt tam giác mạch bằng tay nên phải xay rất kĩ mới cho ra thứ bột mịn, làm bánh không bị sạn khi ăn.
Bánh tam giác mạch phải hấp lên, loại bánh vừa béo vừa bùi này làm ấm lòng người những ngày đông giá lạnh. Khi đến những phiên chợ ở cao nguyên đá, mới thấy bánh tam giác mạch được những người dân ở đây thường xuyên ăn, họ vẫn hay ăn bánh tam giác mạch với thắng cố Hà Giang, một món ăn độc đáo ở cao nguyên đá.
Bánh tam giác mạch mang lại hương vị đặc biệt, mềm mềm, xôm xốp, vị ngọt thanh thanh, càng nhai càng bùi, lâu lâu lại phảng phất hương thơm riêng của cây rừng. Những chiếc bánh tam giác mạch được xếp từng chồng, tất cả đều chung một màu tim tím.
Bánh cuốn trứng
Nơi miền đá lạnh Hà Giang, người ta phải ăn món gì thật nóng, thật cay để chống chọi không khí u ám tỏa ra từ đá núi. Nhưng bánh cuốn trứng, đặc sản của miền địa đầu tổ quốc này, lại là “món lạnh”, dùng cùng chén nước lèo ninh xương nóng hổi, ngọt lừ. Bánh cuốn trứng Hà Giang ngon là do sự kết hợp của bột bánh dẻo vừa đủ, nhân thịt đậm đà, đặc biệt là bát nước chấm có vị riêng biệt.
Đây là món “vừa ăn vừa đợi”, người bán khi có khách gọi mới tráng bánh, đập thêm trứng lên mặt lớp bột rồi dùng vỏ bánh gói lại. Trứng không chín hẳn mà chín lòng đào, có vị béo ngậy, nhanh tay chấm vào bát nước chấm được ninh từ xương, khác với nước mắm thường thấy. Thực khách cũng có thể lựa chọn thêm miếng giò trắng ăn kèm. Món bánh cuốn trứng chủ yếu được bán buổi sáng ở Tp Hà Giang, phố cổ Đồng Văn và trong một số chợ.
Xôi ngũ sắc
Với hình thức bắt mắt, độ dẻo thơm khó lẫn khiến xôi ngũ sắc trở thành món ăn làm nên bản sắc cho người Tày ở Hà Giang. Nhắc tới tour du lịch Hà Giang, ngoài sức hấp dẫn của vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, du khách sẽ còn nhớ mãi tới món xôi ngũ sắc độc đáo.
Xôi ngũ sắc là món ăn nổi tiếng của người Tày dùng trong những dịp lễ hội truyền thống. Món xôi độc đáo này được làm với 5 màu khác nhau: đỏ, xanh, trắng, tím, vàng tượng trưng cho ngũ hành, người Tày quan niệm màu sắc của món xôi càng đẹp tượng trưng cho sự phát đạt thịnh vượng cho gia đình.
Ý nghĩa màu sắc của món xôi ngũ sắc ở Hà Giang?
Những hạt gạo nếp mẩy tròn, đều hạt, qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ Tày ở Hà Giang, đã tạo nên món xôi ngũ sắc vô cùng độc đáo và bắt mắt. Không chỉ có tính thẩm mỹ cao, đằng sau những màu sắc này còn là ẩn ý cầu mong năm mới làm ăn thuận lợi của người Tày. Với màu đỏ mang ý nghĩa của khát vọng. Màu xanh tượng trưng cho màu xanh của núi rừng, cầu mong đất đai tươi tốt. Màu vàng tượng trưng cho sự no ấm đủ đầy. Màu tím tượng trưng đất đai trù phú. Màu trắng tượng trưng cho sự chung thuỷ trong tình yêu.
Để có được món xôi ngũ sắc ngon, người phụ nữ Tày dùng gạo nếp cái hoa vàng để nấu. Để cho hạt xôi mềm dẻo, hạt gạo nở vừa đủ thì đem gạo ngâm trong nước từ 6 - 8 tiếng. Sau đó đem đồ xôi trên bếp lửa đều, đượm than để cho xôi được chín dẻo, thơm đậm.
Để xôi có được 5 màu đẹp khác nhau, người ta chia gạo thành 5 phần bằng nhau để nhuộm màu. Mỗi màu sẽ đồ ở một chõ riêng, đây được coi là công đoạn khó nhất đòi hỏi sự khéo léo của người phụ nữ Tày. Để cho món xôi ngũ sắc có màu sắc bắt mắt thì nên đồ theo thứ tự gạo ngâm màu nào dễ phai nhất được đưa vào chõ đầu tiên và đặt màu trắng ở trên cùng.
Sự tinh tế, tỉ mỉ trong cách nấu ăn của người phụ nữ Tày đã tạo nên món xôi ngũ sắc độc đáo làm nên bản sắc riêng của đồng bào vùng cao. Nếu bạn có cơ hội du lịch Hà Giang thì hãy nhớ thưởng thức và cảm nhận hương vị thơm ngon tinh tế của món ăn đầy sắc màu này. Không chỉ được thưởng thức mà bạn còn có cơ hội học cách làm món xôi ngũ sắc Hà Giang dưới sự hướng dẫn của người dân bản địa.
Phở chua
Nhắc đến xôi ngũ sắc ,bánh tam giác mạch ,bánh cuốn trứng thì là sẽ là một thiếu sót nếu không nhắc đến món phở chua Hà Giang.
Phở Chua là một trong những món ăn nổi tiếng của Hà Giang và có nguồn gốc từ Trung Quốc. Người Trung Quốc gọi phở chua Hà Giang là “Lương Pàn” có nghĩa là “phở mát”, sau đó phở chua được du nhập vào các tỉnh miền núi phía Bắc của nước ta như Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn…Đây được xem là món ăn yêu thích của người dân Hà Giang mỗi dịp hè sang.
Phở Chua được làm từ bánh phở tươi ngon mà người Mông đã lựa chọn kỹ lưỡng từ gạo dẻo thơm xay và được tráng thật mềm rồi cắt thành từng sợi hòa cùng với nước dùng có vị chua ngọt. Nhân của phở chua thường có thịt lợn rán (thịt xá xíu), vịt quay, lạc đã nấu qua dầu, lạp xưởng hoặc xúc xích. Giống như các món phở truyền thống khác tại Viêt Nam thì phở chua Hà Giang cũng được ăn kèm cùng rau húng thơm, tỏi tươi, đu đủ hoặc dưa chuột.
Thế nhưng điều khác biệt của món Phở Chua Hà Giang đó chính là nước dùng. Người làm phở chua sẽ tự tay làm nước dùng với một ít dấm chua pha cùng đường, bột sắn quấy sệt và thêm chút gia vị, đun sôi lên sẽ được nước chua ngon. Bạn có thể thưởng thức món phở chua do chính tay của những nời dân Hà Giang nấu hoạc bạn cũng có thể tự học cách nấu món ăn này. Nếu có dịp đến du lịch Hà Giang thì bạn nhất định phải ghé thưởng thức món phở chua nhé!
Cơm lam Bắc Mê
Nếu đã từng lên với du lịch Hà Giang - một vùng đất phì nhiêu với những loại gạo nếp thơm ngon nổi tiếng thì cơm lam Bắc Mê lại chính là một trong những đặc sản tinh túy được chế bến từ những hạt ngọc của đất trời ấy. Đã từ lâu nay, cơm lam Bắc Mê được xem là món ăn yêu thích của du khách mỗi khi có dịp ghé thăm cao nguyên đá hùng vĩ này.
Khi thưởng thức, cơm lam có mùi vị thơm phức quyện với mùi của lá dong, lá chuối nướng hấp dẫn. Thông thường, những người dân nơi đây thường ăn cơm lam với muối lạc, muối vừng hay cá suối nướng sẽ khiến cho món ăn thơm và bùi hơn.
Đối với người Hà Giang, cơm lam Bắc Mê là một món ăn quý, không chỉ dành cho các bữa cơm gia đình mà còn là món để thiết đãi khách đến chơi nhà. Vì thế, ăn cơm lam là chúng ta đang nhận lấy tình cảm nồng nàn của người dân nơi này. Dùng cơm lam Bắc Mê, cũng được xem như phần nào khám phá được một vài nét đẹp giản dị trong ẩm thực Hà Giang. Giản dị những là nét đặc trưng đáng chú ý trong văn hóa ẩm thực của vùng đất này, mà nếu không một lần đặt chân đến thăm, có lẽ thực khách khó lòng trải nghiệm hết.
Thắng dền
Trong những ngày lạnh giá này lên vùng cao Hà Giang nhiều người thường nghĩ phải chọn món ăn gì đó thật nóng, thật cay nhưng cũng phải ngọt ngào để ấm bụng. Và có lẽ Thắng dền là hợp nhất. Món ăn này thoạt nhìn trông giống bánh trôi tàu ở Hà Nội, bánh cống phù ở Lạng Sơn, nhưng hương vị lại rất khác biệt, mà chỉ cần được ăn một lần sẽ thấy khó quên.
Thắng dền chẳng biết từ bao giờ trở thành món ăn vặt đặc sản Hà Giang, đó cũng là món ăn mà người dân nơi đây hay giới thiệu cho những vị khách lần đầu đặt chân tới cao nguyên đá này. Bánh được làm từ bột gạo nếp, có thể làm chay hoặc bọc nhân đậu đỗ. Làm thắng dền không khó nhưng đòi hỏi sự khéo léo và tinh tế. Đầu tiên là chọn gạo nếp, theo những người làm bánh, phải là nếp Yên Minh (loại gạo nếp ngon ở Hà Giang), hạt mẩy, dẻo thơm. Gạo nếp sau khi ngâm, để ráo xay bột, rồi đổ vào một chiếc túi vải, đợi đến khi bột đặc mịn mới đem ra làm bánh.
Mỗi viên bánh Thắng dền được nặn hình tròn, to như viên bánh trôi, có nhân đỗ, vừng, dừa. Đun sôi nước rồi thả vào luộc, đến khi bánh chín, nổi lên là vớt ra chan với nước nấu từ đường hoa mai và gừng. Bánh dẻo, ngon nhưng quan trọng hơn vẫn là nước đường. Mỗi người làm bánh lại có bí quyết riêng để đảm bảo độ cay, ngọt vừa phải. Bát Thắng dền sau khi chan nước đường, sẽ được dưới thêm chút nước cốt dừa, lạc rang vàng để thêm hấp dẫn.
Trong không gian se lạnh của khu phố cổ Đồng Văn mộc mạc, yên bình có lẽ Thắng dền là một món ăn vô cùng tuyệt vời, nó hài hòa giữa vị ngọt của đường, béo ngậy của dừa và chút cay cay, đủ vị ấm nóng để xua đi cái lạnh giá nơi miền sơn cước này. Với giá chỉ 5.000 đồng/bát, khách cứ thoải mái ngồi nhẩn nha bát Thắng dền nóng hổi nghi ngút khói, dẻo, ngọt, dậy mùi thơm của vừng lạc để cơ thể ấm nóng hơn, tiếp tục chinh phục những cung đường đèo dốc.
Có lẽ vì thế mà ở đây có rất nhiều món ăn hấp dẫn như thắng cố, cháo ấu tẩu, xôi ngũ sắc, phở chua, bánh tam giác mạch…nhưng Thắng dền vẫn là món bánh được nhiều người lựa chọn hơn cả. Người dân ở đây vẫn bảo Thắng dền là món bánh ăn chơi mùa đông, nên phải khi có gió lạnh tràn về thì người ta mới bắt đầu làm bánh. Đón bát Thắng dền nóng ấm cũng như tấm lòng của người dân miền cao nguyên đá này, hồn hậu, dung dị nhưng thật dễ mến.
Nếu như để kể hết đặc sản nơi đây thì có lẽ sẽ không đủ giấy mực để viết hết,chi bằng hãy tự trải nghiệm đến với vùng đất Hà Giang nắng gió để tự thưởng thức những thức ngon của vùng miền và lưu lại những khoảnh khắc đẹp cùng người dân bản địa bạn nhé!