Dải đất hình chữ S nổi bật với ba vùng miền Bắc, Trung, Nam gắn bó keo sơn, con người hiền hòa, cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp. Khách du lịch đến khám phá không chỉ để chiêm ngưỡng những danh lam thắng cảnh nổi tiếng mà ở đây còn gây thương nhớ họ, mê hoặc họ bởi hương vị độc đáo, đa dạng của nền ẩm thực phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa của mỗi vùng miền. Mỗi địa phương đều có một hoặc nhiều món ăn đặc trưng, để rồi bất kỳ ai đến đó đều tìm cho bằng được để thưởng thức. Đặc sản từng vùng miền quả là thứ níu chân mọi du khách thập phương đến đây.
Các món ăn đặc sản từng vùng không thể bỏ qua của Việt Nam
Đối với người Việt, ẩm thực không chỉ là nét văn hóa về vật chất mà còn là văn hóa về tinh thần. Qua ẩm thực người ta có thể hiểu được nét văn hóa thể hiện tính cách con người mỗi miền, trình độ văn hóa dân tộc với những đạo lý, phép tắc, phong tục trong cách ăn uống,…
Với chiều dài lịch sử lâu đời và vị trí địa lý khác biệt, đặc sản ở mỗi vùng miền có những đặc trưng riêng không thể hòa lẫn. Sự khác biệt tạo nên từ cách sử dụng nguyên liệu, chế biến, pha trộn gia vị và thói quen ăn uống của mỗi vùng miền. Nhưng tất cả vẫn có những điểm chung nhất định vì là món ăn.
Theo tiến sĩ Nguyễn Nhã, ẩm thực nước ta có thể khái quát qua 9 điểm đặc trưng đó là:
- Sự đa dạng, phong phú với nhiều cách biến tấu từ đặc sản vùng miền, dân tộc khác
- Ít dầu mỡ trong nguyên liệu và cách chế biến
- Đậm đà hương vị với nhiều loại nước chấm và gia vị khác nhau
- Kết hợp nhiều chất, nhiều vị tạo sự cân bằng
- Tính ngon và lành tạo nên nét đặc trưng riêng
- Thường sử dụng đũa để gắp thức ăn
- Tính cộng đồng thể hiện trong việc dùng chung bát nước chấm, tô canh,...
- Tính hiếu khách thể hiện qua thói quen mời cơm bạn bè, thân hữu,...
- Dọn thành mâm với nhiều món ăn trong một bữa
Nhắc đến ẩm thực, không chỉ người dân trong nước mà cả những người con xa quê lâu ngày đều có chung cảm xúc vô cùng tự hào với những món ăn quê hương thân thuộc. Và trong hành trình du lịch ẩm thực đó, bạn đã thưởng thức hết các món ngon trên khắp mọi miền đất nước chưa? Hãy cùng Vietsense Travel khám phá những đặc sản vùng miền trứ danh qua bài viết dưới đây nhé!
Đặc sản miền Bắc
Món ăn miền Bắc được biết đến với khẩu vị mặn mà, nhạt vị cay, béo, ngọt và thanh đạm so với các vùng miền khác. Bữa ăn của người miền Bắc thịnh hành nhiều món rau xanh và các loại thủy sản nước ngọt như cua, cá, hến, tôm,... Đặc sản miền Bắc đại diện cho tinh hoa ẩm thực dân tộc lâu đời.
Lạp xưởng Hà Giang
Nguyên liệu chính chỉ bao gồm thịt lợn nạc và mỡ. Những nguyên liệu này được nấu với tiêu, mật ong, đường và rượu trắng để tạo nên hương vị khó quên cho bất kì ai ngay từ lần đầu tiên nếm thử. Tiếp đó, dồn thịt vào lòng non, buộc lại thành khúc và thỉnh thoảng châm kim để khí thoát ra giữ lạp xưởng nguyên khối ngon lành, không nứt vỡ.
Nguyên liệu dùng để nướng từng dải lạp xưởng cũng không dễ kiếm. Đó phải là than hoa, bã mía, trấu, lá quế tươi. Nếu sử dụng than, than phải được làm bằng thân cây quế và tốt hơn nữa là phải tươi. Vì vậy, để an toàn, người nấu phải dùng than hoa hoặc than làm từ thân cây quế để hun khói thịt. Lạp xưởng Hà Giang vừa giòn giòn, ngậy thịt lại mang mùi nắng quyện mùi khói bếp và mùi mắc mật tạo thành nét riêng khiến người ăn khó mà quên được.
Tôm chua Ba Bể (Bắc Kạn)
Đây là món ăn ưa thích của rất nhiều người dân địa phương và đối với du khách lần đầu đến Bắc Kạn khi nếm thử món tôm chua Ba Bể sẽ không thể cưỡng lại được dư vị của nó, vị ngọt, chua, cay dịu nhẹ.
Hồ Ba Bể nằm phụ cận sông Năng quanh năm khá nhiều tôm tép nên tôm chua từ lâu đã được mọi người ưa chuộng và sử dụng nhiều. Ở đây, tôm chua thường được ăn với thịt chân giò hay thịt ba chỉ luộc kèm khế chua, chuối xanh và rau sống ngon vô cùng. Món tôm chua có ở nhiều vùng miền khác nhau nhưng ngon nhất và nổi tiếng nhất phải kể đến món tôm chua Khang Ninh – Ba Bể. Tôm chua ở đây có hương vị rất đặc biệt, một mùi vị đặc trưng không thể lẫn vào đâu được. Đến đây nếu muốn mua món đặc sản này về làm quà, bạn có thể mua ở chợ Khang Ninh nằm trên đường dẫn vào vườn Quốc gia Ba Bể.
Thịt dê Ninh Bình
Đây là món ăn vô cùng hấp dẫn đối với khách du lịch khi đến Ninh Bình. Dê được nuôi trên các vùng núi đá vôi tự do, chạy nhảy ăn cỏ mọc trên đổi vì thế thịt dê rất chắc, ít mỡ, thơm ngon, đậm hương vị thảo dược. Thịt dê Ninh Bình ngon hơn các vùng khác bởi nơi đây có nhiều núi đá vôi, thích hợp để chăn nuôi dê. Nếu có dịp ghé thăm Ninh Bình, hãy xem thực đơn và bạn sẽ thấy một danh sách dài những món ăn lạ và độc đáo, mỗi món đều có hương vị riêng khó quên. Thịt dê được chế biến theo nhiều cách hấp dẫn như: thịt dê quý hiếm trộn chanh, thịt dê xào sả chanh, dê hấp dừa, dê hấp, ức dê nướng, lẩu dê, dê hầm thuốc bắc,…Trong số các món ăn chế biến từ thịt dê, thịt dê quý hiếm có thể coi là ngon nhất.
Chả mực Hạ Long
Nhắc tới Hạ Long, ai cũng nghĩ ngay đến món chả mực (bánh mực) - đặc sản trứ danh ở Hạ Long. Để làm nên hương vị đặc trưng của món ăn này, người Hạ Long phải chọn những con mực tươi nhất, vừa mới đánh bắt từ biển về để tạo nên hương vị thơm ngon đặc sắc nhất. Mực được giã cho hoà quyện với bột và những hương liệu gia truyền. Quá trình giã mực được thực hiện hoàn toàn thủ công vì độ ngon của miếng chả phụ thuộc hầu hết vào độ nhừ, độ hoà quyện của nguyên liệu mà không máy móc nào có thể thay thế được. Người ta thường chấm chả mực với một chút nước mắm tiêu.
Phở Hà Nội
Món phở được coi là tinh hoa ẩm thực của người dân Thủ đô. Phở ở đây rất ngon và có nhiều vị như phở bò, phở gà cùng nhiều thương hiệu nổi tiếng như Phở Thìn, Phở Lý Quốc Sư,... Không chỉ là món ăn quen thuộc của người dân mà phở còn là "đặc sản" mà bất cứ du khách nước ngoài nào đến Hà Nội đều rất háo hức muốn thưởng thức một lần.
Đặc sản miền Trung
Ẩm thực miền Trung - vùng đất đầy nắng gió được biết đến với hương vị cay nồng, mặn mà hơn so với đồ ăn của miền Nam và miền Bắc.
Nem chua Thanh Hóa
Nếu có dịp đến Thanh Hóa, bạn đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức món nem chua nổi tiếng. Nem chua Thanh Hóa có hình trụ, vị giòn ngon của bì lợn, vị chua của thịt lên men và vị cay nồng của tỏi ớt,... ăn cùng lá đinh lăng chấm tương ớt hòa quyện vị cay, ngọt, thơm, bùi khiến món ăn này trở thành thương hiệu nổi tiếng của vùng đất này.ời thân, bạn bè thì còn gì tuyệt hơn.
Bún bò Huế
Nhắc tới Huế người ta thường nghĩ ngay đến một món ăn đặc trưng nổi tiếng từ lâu đời đó là bún bò. Đây là món ăn với hương vị thơm ngon rất riêng, không lẫn đi đâu được.
Món ăn có nguyên liệu chính là bún, thịt bắp bò, giò heo, cùng nước dùng có màu đỏ đặc trưng. Người nơi đây thường nêm vào nước dùng một ít mắm ruốc, góp phần làm nên hương vị rất riêng của nồi bún bò Huế. Ăn một tô bún đang bốc khói, những miếng móng giò được ninh mềm nhừ ăn kèm với rau sống, húp một ít nước beo béo đậm đà kèm theo một chút gia vị của chanh, mắm ớt bạn sẽ thấy rất thú vị, vừa cay, vừa nóng, vừa xuýt xoa, vừa nghe vị ngọt của nước bún của thịt chạy dần vào trong thực quản. Phải có một lần ăn bún đến chảy nước mắt lúc đó mới cảm được cái hương vị xứ Huế nó thâm trầm như thế nào.
Mì Quảng (Quảng Nam)
Mì Quảng là món ăn được rất nhiều du khách yêu thích và được ví như linh hồn của ẩm thực Đà Nẵng. Món ăn này vừa bình dị, vừa dân dã với sợi mì được làm từ bột gạo dai mềm, nước dùng thì đậm đà, thanh ngọt được hầm từ xương heo và ăn kèm nhiều loại đồ ăn khác như: thịt heo, thịt gà, cá lóc, ếch, trứng cút luộc,... Một tô mì Quảng sẽ cực kì ngon và trọn vị khi cho thêm lạc rang giòn, hành lá, các loại rau thơm, ớt đỏ và bánh tráng mè.
Cháo lươn Nghệ An
Nổi tiếng lâu đời với đặc sản lươn – lươn xứ Nghệ luôn là “nguồn cảm hứng” bất tận cho các đầu bếp tại đây biến hóa với rất nhiều món ăn ngon khác nhau và cháo lươn là một trong số đó.
Lươn dùng để nấu cháo đều được lựa chọn kỹ càng, chỉ chọn những con lươn to, có màu vàng óng. Trước khi nấu cháo, lươn được làm sạch, đảm bảo hết phần nhớt bên ngoài, sau đó dùng thành tre nhỏ để kẹp phần đầu lại. Cho lươn vào ninh với gạo. Đầu bếp sẽ canh thời gian thích hợp để phần gạo và lươn chín đến độ vừa phải, thịt lươn đã có thể tự tách ra khỏi xương thì sẽ bỏ khung xương ra ngoài, sau đó đun tiếp tục để gạo nở bung, cháo chín mềm là hoàn thành.
Sau một buổi đi chơi với cái bụng cồn cào, được ngồi “xì xụp” một bát cháo lươn nóng hổi chắc chắn là một trải nghiệm khó quên trong suốt cả hành trình dài.
Kẹo cu đơ Hà Tĩnh
Kẹo cu đơ nổi tiếng là đặc sản ngon của Hà Tĩnh được nhiều người yêu thích. Kẹo có lớp bánh tráng mềm dẻo bên ngoài, phần giữa là nhân đậu phộng rang, mật mía và gừng tươi. Kẹo cu đơ có vị ngọt thanh, béo bùi của đậu phộng, độ sánh vừa phải của mật mía và chút cay nồng của gừng. Du lịch Hà Tĩnh, thưởng thức kẹo cu đơ và nhâm nhi một tách trà xanh quả là một trải nghiệm tuyệt vời. Ngoài ra kẹo cu đơ còn được xem là thứ quà đặc sản nổi tiếng mang tặng cho người thân, bạn bè thì còn gì tuyệt hơn.
Đặc sản miền Nam
Người dân miền Nam khá hảo vị chua ngọt, thường thêm đường, nước cốt dừa vào món ăn. Nơi đây còn sản sinh vô số đặc sản từ nguồn hải sản nước mặn, nước lợ phong phú tạo nên các món ăn dân dã đặc thù.
Cơm tấm Sài Gòn
Cơm tấm là món ăn bình dị nhưng nổi tiếng của đất Sài Gòn với nhiều nguyên liệu ăn kèm hấp dẫn như: Sườn, phá lấu, chả, nem...Mỗi đĩa cơm tấm đều được phục vụ cùng với bát nước chấm. Một bát nước chấm gồm có nước mắm, chanh, tỏi, ớt, đường với tỉ lệ phù hợp để có vị chua ngọt, đậm đà vừa phải. Điểm đặc biệt trong cách ăn của người Sài Gòn là tưới nước chấm lên đĩa cơm tấm và thưởng thức mà không chấm vào bát như bình thường.
Bánh canh ghẹ Vũng Tàu
Du lịch miền Nam du khách nhất định phải thử bánh canh ghẹ Vũng Tàu bổ dưỡng, mang trọn hương vị thơm ngon, mát lành của biển cả. Bánh canh có sợi to với độ mềm vừa phải, ghẹ chắc thịt, ngọt thanh, ăn cùng nước dùng thơm phức sền sệt. Món ăn được dùng khi nóng, kèm thêm rau thơm, hạt tiêu đậm vị sẽ khiến thực khách nhớ mãi không thôi.
Lẩu mắm Cần Thơ
Lẩu mắm là cách ăn cầu kì, biến tấu ngoạn mục từ món mắm kho đạm bạc của người miền Tây. Để ngày nay từ phố thị đông vui xứ Tây Đô đến chốn phồn hoa đất Hà Thành, người ta vẫn có thể dễ dàng thưởng thức món ăn dung dị của miền “gạo trắng nước trong” này.
Lẩu mắm Cần Thơ được khen là ngon nhất nhì ngày nay. Tuy nhiên mắm muốn ngon phải có xuất thân từ Châu Đốc – xứ thiên đường của đủ loại mắm độc đáo. Mắm nấu với nước dừa hoặc nước hầm xương heo với độ đậm nhạt tùy theo người thực khách. Loãng quá sẽ thiếu vị mắm mà đặc quá đâm ra mặn, mắm mà mặn cũng mất cái ngon của mắm. Trong nồi lẩu còn nhất thiết phải có một chút nấm rơm, cà tím, khổ qua để tăng vị ngon ngọt. Yếu tố hấp dẫn nhất của lẩu mắm nằm ở các thức ăn kèm, thông thường là thịt ba rọi, cá tra, cá ba sa hoặc cá kèo. Nếu thích, có thể bỏ thêm tôm sú, ốc bươu, thịt bò,… Với sự hòa quyện hương vị đậm đà của thịt heo với vị ngọt của các loại hải sản và rau củ quả, lẩu mắm miền Tây từng bước chinh phục được cả các tiêu chuẩn về ẩm thực khó tính nhất và để lại ấn tượng khó quên trong lòng người thưởng thức.
Nem nướng miền Tây
Nem nướng là món ăn khiến cho ẩm thực miền Tây trở nên đa dạng hơn. Không giống với những nơi khác, nem nướng miền Tây có vị ngọt và đậm đà hơn. Món ăn này được làm từ thịt heo giã nhuyễn cùng với hành, tỏi, ớt và gia vị cho vừa ăn. Khi chín, nem sẽ chuyển sang màu vàng ươm, ăn kèm với chuối xanh, rau diếp cá, húng quế, tía tô,…ngon tuyệt.
Qua bài viết này VietSense Travel hy vọng du khách đã phần nào hình dung được một bức tranh tổng thể về nền ẩm thực phong phú và nếu có cơ hội du lịch các vùng miền của đất nước bạn nhất định phải thưởng thức và trải nghiệm những món ăn hấp dẫn này nhé.