Chùa Bích Động xây dựng trên sườn núi Bích Động thuộc thôn Đàm Khê, xã Ninh Haỉ, huyện Hoa Lư. Bích Động là một trong những thắng cảnh nổi tiếng nhất của tỉnh Ninh Bình được mệnh danh là "Nam Thiên đệ nhị động", có nghĩa là động đẹp thứ nhì của trời Nam, sau động Hương Tích ở Hà Tây.
Chùa Bích Động
Vào đời vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh, khoảng năm 1705, có hai vị hoà thượng, pháp danh là Trí Kiên và Trí Thể, một người quê ở Vọng Doanh, một người quê ở Đông Xuyên thuộc huyên Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định gặp nhau kết nghĩa thành anh em. Hai nhà sư đều có lòng mộ đạo, muốn đi nhiều nơi để truyền bá đạo Phật và xây dựng các ngôi chùa. Đến đây thấy núi Bích Động có địa thế tuyệt đẹp và đã có chùa, hai nhà sư quyết định dừng chân, tự mình sửa sang chùa cũ, đi quyên giáo xây dựng lại thành 3 ngôi chùa: Hạ, Trung và Thượng để tu hành.
Năm Đinh Hợi (1707), hai nhà sư Trí Kiên và trí Thể đã đúc một quả chuông lớn, hiện còn treo ở Động Tối. Hai năm sau(1709), vào tháng 8 (âm lịch), hai nhà sư lại làm bài minh bia chùa Bích Động bằng chữ Hán.Khoảng năm Giáp Ngọ (1774), Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm đã đến thăm chùa và đặt tên cho chùa là chùa Bích Động ( Bích động có nghĩa là động xanh).
Đường vào chùa
Chùa Bích Động là một công trình kiến trúc cổ như những ngôi chùa khác. Nhưng điều độc đáo của chùa Bích Động là xây dựng theo kiểu chữ “Tam” (hán tự ), ba toà không liền nhau, tam cấp dọc theo sườn núi, dựa vào thế núi từ thấp lên cao thành 3 ngôi chùa riêng biệt: Chùa Hạ, Chùa Trung và chùa Thượng.
Chùa Hạ
Cũng giống như các ngôi chùa khác, kiến trúc chùa Hạ theo kiểu chữ “Đinh”, phần ngang là tiền đường 5 gian, phần dọc là thượng điện 2 gian, có những cột gỗ lim và cột đá cao to. Vì kèo, xà ngang, xà dọc cũng bằng gỗ lim. Mái chùa là hai tầng mái uốn cong, gồm 8 mái. Vì nền chùa cao hơn sân chùa gần 1 mét phải buớc lên 3 bậc đá, nên chùa có thêm hiên chùa, tạo thêm một mái thấp nữa, nhìn phía trước như có 3 tầng mái.
Qua hiên chùa bước qua bậc cửa gỗ mới vào được tiền đường.Ở trên cao của gian giữa Tiền đường có treo bức đại tự bằng chữ Hán “ Mạo cổ thần thanh” có nghĩa là dáng dấp ngôi chùa xưa này thiêng lắm. Trong thượng điện là nơi thờ phật, có các bệ từ trên cao xuống thấp, đặt các tượng phật và các đồ thờ như đỉnh hương, cây đèn...
Chùa Trung
Từ chùa Hạ rẽ sang tay phải, bước khoảng 90 bậc đá men theo sườn núi hình chữ “S” là đến chùa Trung. Độ cao chênh nhau từ chùa Hạ đến chùa Trung là 30 mét. Vách đá đến đây hõm vào,cao rộng như miệng con rồng đang há hết cỡ. Hàm trên của rồng là những tảng đá đua ra như mái hiên của nhà. Hàm dưới của rồng được san phẳng, xây bao lơn làm bức thành của sân chùa. Cổ họng rồng chính là một động lớn rộng, sâu chứa gọn bên trong một ngôi chùa.
Đứng ở sân chùa Trung nhìn lên cao, thấy mái đá trên sườn núi đua ra che rợp cả sân. Phía trên mái chùa Trung ở vách đá đứng thẳng có bức đại tự đá chạm khắc hai chữ hán “Bích Động”, viết theo lối đại tự chân phương. ở bên chữ Bích Động có dòng chữ nhỏ ghi “Nhật Nam Nguyên chủ bút” ( Bút tích của người đứng đầu nước nhật Nam khi đó là chúa Trịnh Sâm đã đặt tên cho chùa là Bích Động), lại có chữ “ Nguyễn Nghiễm phụ đề”. Được biết để khắc các chữ này, các nghệ nhân phải làm ròng rã trong 8 tháng trời mới xong.
Bước lên 21 bậc đá, lên cao khoảng 6 m là đến Động Tối, trước đây gọi là Hang Chùa, vì có thờ Phật ở trong hang. Đây là động chính , thâm nghiêm, tĩnh mịch, dài, hơi chếch về phía đông.
Động Tối
Nếu động chứa chùa Trung là tầng một của ngôi nhà cao 6 mét thì Động Tối là tầng 2 cao đến 8 mét.Đường lên Động Tối gần thẳng đứng, đi dưới cầu giải oan, vì cửa động có hình như cầu vồng. Bên trên cửa động có treo chiếc chuông đồng lớn được hai vị sư Trí Kiên và Trí Thể đúc vào năm 1707.
Động Tối là một không gian dài, rộng có điện thắp sáng. Trước mắt du khách là một bức tranh hoành tráng, đồ sộ rất kỳ diệu hiện ra trong ánh sáng huyền ảo, trong đó chạm nổi bằng đá hình những tiên ông, tiên cô, tiểu đồng... chau chuốt, tỉ mỉ, tinh tế, sắc sảo đến từng chi tiết nhỏ. Còn đây là rồng lượn, rùa bơi, voi chầu, hổ phục, chim đại bàng, kho tiền, kho thóc, như có một không hai về hình hài và vẻ đẹp.
Tất cả như một thế giới cổ tích bị hoá đá khiến du khách phải ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thần tiên của tạo hoá. Ra gần cửa Động Tối trước mặt du khách là tượng Đức Phật Di Đà , tượng Văn Thù Bồ Tát. Bên trái là Quan Âm Thị Kính. Ra đến gần cửa động, bên tay trái du khách là một hang nhỏ, trên cao thờ Quan Thế Âm Bồ Tát. Dưới nền hang nhỏ này có nhũ đá giống như hình con rùa và đặc biệt có hai khối đá kỳ lạ, gõ vào kêu như tiếng mõ, một hòn nghe tiếng trầm, một hòn nghe tiếng thanh. Động Tối cũng là chùa thờ Phật. Đó là ngôi chùa thiên tạo.
Chùa Thượng
Lên chùa Thượng, phải bước tới gần 40 bậc đá theo sườn núi. Đến đây du khách gặp một ngôi chùa nhỏ ở trên một sườn núi, cao hơn so với sân gạch dưới đất khoảng 60 mét. Chùa Thượng còn được gọi là chùa đông vì quay ra hướng đông nam. Hai hồi bắc nam của chùa đều xây bằng đá thước, phía tây chùa áp sát vào vách núi, lấy núi làm tường.
Cột, vỉ, kèo của chùa làm bằng gỗ lim, mái cong, có đầu đao cong vút lên như hình con chim phượng. Chùa có 2 gian theo kiểu nhà dọc, gian ngoài là tiền đường có một bàn thờ bằng đá phiến to. Gian trong đặt thờ một tượng duy nhất là Phật Bà Quan Âm. Đây là ngôi chùa nằm ở vị trí cao nhất , gần đỉnh núi Bích Động.
Hai bên chùa có hai miếu thờ. Miếu quay sang hướng bắc thờ Sơn Thần. Miếu quay sang hướng nam thờ Thổ Địa. Sân chùa được xây bao lơn. Đứng ở đây vào mùa hè gió thổi mát lạnh, nếu nhìn xa về phía đông, du khách thấy có 5 ngọn núi đứng độc lập chầu về núi Bích Động, trông giống như 5 cánh hoa sen, gọi là Ngũ Nhạc Sơn rất có ý nghĩa nơi cảnh Phật, gồm núi Tầm Sặng, núi Gia Định, núi Con Lợn, núi Đầu Cầu và núi Hang Dựa.
Nhìn xuống cánh đồng Ngũ Môn là núi Chồng sách, núi Voi.Thời xưa, quanh chùa Thượng ở núi Bích Động có một loài hoa quý hiếm. Đó là Sơn kim cúc, cánh hoa nhỏ xíu , màu vàng. Lấy hoa đem pha với trà uống mắt sẽ sáng lên, chỉ ở núi Bích Động và núi Dục Thuý ở thành phố Ninh Bình mới có, nhưng ngày nay loại thuốc quý này không còn nữa.