==HOTLINESHOW== ==HOTLINESHOWOTHER==

Trong Toản tập "Thiên Nam tứ lộ đồ thư" được lập vào thế kỷ XVII, có ghi rõ lộ trình ăn, nơi ở trọ từ đèo Hải Vân vào Quảng Nam như: "Ăn thì ở núi Hải Vân, trọ thì ở Chân Đằng, ăn thì ở chợ Hàn Quảng (tức chợ Hàn), trọ thì ở Tú Cú, ăn thì ở kho Hội An...". Vậy chợ Hàn có gì đặc biệt, chợ Hàn của quá khứ đã từng rất huy hoàng, liệu giờ có khác gì nhiều không? Hãy cùng VietSense Travel tìm hiểu qua bài viết ngắn này nhé.

Chợ Hàn Đà Nẵng - Quá khứ và hiện tại

Vào cuối thế kỷ 19, khoảng thời gian mà Đà Nẵng trở thành nhượng địa của Pháp và chợ Hàn được đặt tên là Tourane, thì lúc này chợ mới bắt đầu được người Pháp xây dựng kiên cố với các đình chợ và kiot để bán cho các hộ tiểu thương.

Vào thời Pháp thuộc, mặt hàng buôn bán của chợ được chia làm hai khu vực, khu phố chợ Hàn và khu chợ Hàn. Khu phố chợ chạy dọc theo hai bên chợ Hàn, ở đây chuyên mua bán những sản phẩm tiêu dùng hoặc lương thực với số lượng lớn. Trải dài theo khu phố chợ này là những cửa hàng, cửa hiệu độc lập của tư nhân người Trung và một ít của người Việt. Các cửa hàng và cửa hiệu ở đây đều được xây dựng theo cùng một thiết kế. Tức là chỉ có một tầng, phía trước để bày bán mọi loại hàng hóa, còn đằng sau là nhà kho. Không chỉ thế, người Pháp cũng đã cho xây dựng Tourane marché- ga xe lửa trung chuyển để vận chuyển hàng hóa đến ga chính trên bờ sông Hàn, theo các nhà nghiên cứu, dấu tích của một ga cũ vần còn tồn tại cho đến đầu những năm 90 của thế kỷ 20.

Chợ Hàn - Ảnh 1

Có lẽ người Pháp đã thấy được rằng chợ Hàn là nơi thuận tiện về cả giao thông đường bộ lẫn đường thủy, nên rất chú trọng đầu tư chợ Hàn để chợ có một chiều dài lịch sử phát triển lâu đời cho đến tận bây giờ. Hàng hóa ngày ấy đến chợ theo cả hai đường bộ và thủy, cho đến những năm 90, người dân vẫn vận chuyển một số hàng nông sản ra chợ Hàn bằng đường thủy và lên bờ tại vị trí ga đường sắt cũ.

Ngày nay, chợ Hàn có một vị trí rất thuận lợi, tọa lạc ngay trung tâm thành phố Đà Nẵng nhộn nhịp, gần cầu quay Sông Hàn, bốn mặt tiền tiếp giáp bốn đường phố lớn: Trần Phú, Bạch Đằng, Hùng Vương và Nguyễn Thái Học. Cho đến nay, chợ Hàn đã trở thành địa điểm mua sắm quen thuộc không chỉ với người dân mà còn cả du khách khi đến với thành phố Đà Nẵng.

Ngày trước, thường chỉ có những người thuộc giới thượng lưu mới mua sắm ở chợ Hàn, vì vậy mà người Đà Nẵng vẫn thường hay gọi chợ Hàn là “chợ nhà giàu”. Nhưng ngày nay thì đã khác, chợ Hàn đã trở thành trung tâm buôn bán tấp nập với đa dạng hàng hóa dành cho mọi đối tượng với giá cả phải chăng và cũng là một chợ đầu mối quan trọng cung cấp hàng hóa cho các chợ nhỏ lẻ lân cận. Vậy nên giờ chẳng còn mấy ai nhớ đến tên gọi “chợ nhà giàu” của ngày xưa nữa.

Chợ Hàn - Ảnh 2

Để đáp ứng cho sự phát triển và nhu cầu mua sắm của mọi người, năm 1989, chợ Hàn được xây mới hoàn toàn với hai tầng trên nền diện tích rộng 28 ngàn m². Chợ rất đẹp, rộng và thoáng cùng cách bố trí các gian hàng được sắp xếp theo ngành hàng một cách gọn gàng, ngăn nắp để khách hàng mua sắm một cách thuận tiện nhất. Hiện tại chợ có tổng cộng 3 đình và các khu vực bố trí kiot, nơi buôn bán của 344 hộ kinh doanh.

Chợ Hàn nhộn nhịp từ sáng sớm tinh mơ cho đến xẩm tối. Hàng hóa đổ về chợ từ khắp nơi, ngoài người dân địa phương, còn cả khách tham quan từ những chiếc xe du lịch nữa. Khung cảnh mua bán sôi động như thế nhưng vẫn đảm bảo trật tự, ngăn nắp, rất ít khi xảy ra tình trạng mua bán lấn chiếm lòng đường.

Ở chợ Hàn bán đa dạng mặt hàng từ giày dép, quần áo, túi xách, vải vóc đến quà lưu niệm …Nhưng nhắc đến chợ Hàn, mọi người thường hay liên tưởng đến nhất những món hải sản tươi sống, trái cây và các loại mắm, hàng khô đặc trưng của người dân Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung. Đến với chợ Hàn, thì vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như an ninh thương mại nhé luôn luôn được đảm bảo, nên du khách có thể hoàn toàn an tâm nhé.

Khi về đêm, chợ Hàn trở nên yên ắng trầm mặc hơn bên cạnh bờ sông Hàn, riêng chỉ một góc ngã tư Trần Phú – Nguyễn Thái Học thì vẫn còn sáng đèn để phục vụ trái cây cho du khách và người dân thành phố đi dạo về đêm.

Có ý kiến cho rằng, hòa mình vào không khí khu chợ đặc trưng là cách nhanh nhất để tìm hiểu một vùng đất mới. Có lẽ vì thế mà những năm gần đây dù đã có nhiều siêu thị, trung tâm mua sắm lớn mọc lên, dù hiện đại và được đầu tư rất nhiều nhưng những khu chợ như chợ Hàn hay chợ Cồn vẫn có sức hút cho riêng mình trên bản đồ mua sắm thành phố Đà Nẵng. Ở chợ không chỉ để người ta mua sắm, lựa chọn những món hàng ưng ý mà còn được trò chuyện cùng những người khác, đồng thời trải nghiệm nhịp sống trong cuộc sống hàng ngày mang nét đặc trưng của người dân địa phương.

 

 

35 3 38 73 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==