==HOTLINESHOW== ==HOTLINESHOWOTHER==

Khi tới với mảnh đất Cao Bằng, các bạn có thể dễ dàng tìm thấy những món đặc sản của vùng cao như hạt dẻ Trùng Khánh; lê Đông Khê; mận Bảo Lạc; lợn quay; vịt quay; rượu rắn; rượu tắc kè; rượu ong; bánh cuốn trứng. Cao Bằng còn được mệnh danh là vùng đất của những loại thảo dược quý hiếm có tác dụng chữa bệnh như chè đắng, chè dây; mật ong rừng có giá trị dinh dưỡng cao. Đến Cao Bằng, các bạn cũng đừng quên thưởng thức món phở chua đặc trưng, món lẩu cá ở ngã ba sông…Tất cả những món ăn này góp phần làm phong phú thêm "sổ tay ẩm thực" của những du khách khi đến với mảnh đất vùng cao này.

NHỮNG MÓN ĂN TỐI NGON TẠI CAO BẰNG - Ảnh 1

Bánh Cuốn

Bánh cuốn là món ăn không còn xa lạ với người miền Bắc nhưng người dân Cao Bằng có cách thưởng thức món ăn này rất riêng, độc đáo so với tất cả các vùng miền khác.

Để chế biến được những chiếc bánh cuốn dẻo thơm, người ta cần những dụng cụ là một chiếc nồi gang to, một chiếc khuôn hình tròn vừa với miệng nồi, bọc vải trắng thật căng và một thanh tre gọt mỏng để lấy bánh ra khỏi khuôn.

Muốn làm bánh cuốn ngon thì gạo phải thật ngon. Gạo dùng để làm bánh là gạo tẻ (gạo tẻ nương) chỉ được trồng ở Cao Bằng. Khâu chọn gạo, ngâm gạo đều được người làm bánh chuẩn bị sẵn sàng từ trước và phải thức dậy từ 4 - 5 giờ sáng để kịp cho buổi bán hàng.

Gạo được ngâm, vo sạch rồi đem xay với nước; trước đây, phải xay tay nhưng hiện nay còn rất ít người xay bằng tay và chủ yếu giờ là dùng máy. Bột nước xay xong phải sánh, mịn, không đặc, không sánh để bánh cuốn được ngon. Bánh cuốn phải chờ khách gọi mới bắt đầu tráng để đảm bảo được bánh ngon, mềm, nóng hổi. Ngoài nhân thịt mọc nhĩ ra, bạn có thể gọi thêm trứng và chả để ăn với bánh cuốn cũng rất tuyệt vời.

Bánh cuốn Cao Bằng đặc biệt nhất ở nước để chấm bánh. Không như người Hà Nội, Hà Nam, họ chấm bánh vào nước mắm chua ngọt, người Cao Bằng nhúng bánh cuốn vào nước dùng được ninh từ xương. Vậy nên nhiều người gọi bánh cuốn Cao Bằng là bánh cuốn canh, để phân biệt với loại bánh cuốn chấm nước mắm. Nước canh được ninh từ xương lợn từ tối hôm trước, nên khi múc ra bát là thấy rõ vị tủy xương ngọt lịm. Mỗi bát nước dùng lại được thêm vào vài thìa thịt băm nhuyễn, rắc chút hành hoa mỡ màng, thơm phức.

Ngon và hấp dẫn nhất là bánh cuốn trứng, khi bánh đang chín trên khuôn, người ta đập quả trứng gà vào giữa khuôn bánh rồi đậy vung lại, bánh chín bọc lấy lòng đỏ trứng gà, vuông vắn trên khuôn trông thật ngon mắt. Khi ăn, thực khách cảm nhận vị ngọt xương hầm với vị của hành, vị thơm của thịt, vị dai của bánh trong nước dùng. Nhiều du khách phương xa lần đầu tiên ăn bánh cuốn với nước dùng cảm thấy thật lạ lẫm nhưng khi thưởng thức ai cũng khen ngon bởi vị đậm đà, tinh tế khác xa so với nơi khác.

Bánh Cuốn

Phở Chua

Phở chua là đặc sản của Cao Bằng, góp phần làm phong phú hơn cho nét văn hóa ẩm thực của các tỉnh miền núi phía Bắc. Phở chua có nhiều thành phần như thịt ba chỉ rán giòn, khoai tầu (củ to, bở và ngọt chỉ có ở tỉnh Bắc Cạn và Cao Bằng) được cắt sợi chiên giòn, gan lợn cắt mỏng, dạ dày lợn được sơ chế sạch sau đó luộc qua rồi mới đem rán, thịt vịt quay, trong bụng tẩm ướp các loại gia vị, đặc biệt là lá móc mật. Bánh phở Cao Bằng thơm, dai, không thể lẫn với những địa phương khác vì được làm từ gạo tẻ Cao Bằng thơm ngon. Ngoài các nguyên liệu trên, phở chua còn ăn kèm với đậu phộng, rau thơm, húng, mùi, dưa chuột.

Bí quyết làm món phở chua trở nên đặc biệt nằm ở phần nước sốt. Phi thơm hành tỏi rồi lấy nước trong bụng con vịt quay rồi thêm các loại gia vị khác cho vừa ăn, sau đó cho chút bột báng để làm sánh bát nước sốt lại. Khi thưởng thức, bạn phải trộn đều bát phở để ngấm với nước sốt (tránh làm nát bánh phở). Phở chua ăn có vị ngậy của mỡ vịt, vị chua của dấm, bùi của đậu phộng, khoai tầu và gan hòa với vị béo của thịt ba chỉ, thịt quay, mùi thơm của lá móc mật, dẻo dẻo của bánh phở và cay nồng của ớt. Tất cả các hương vị này hòa quyện vào nhau đánh thức các giác quan của người dùng. Phở chua là món ăn nguội nên rất được chuộng vào những ngày thời tiết mát dịu.

Phở chua trước đây thường được dùng trong các tiệc cưới, cúng giỗ để khách ăn được no. Nhưng nay phở chua đã xuất hiện ở rất nhiều các quán ăn hay trong những gian hàng ẩm thực ở các chợ của Cao Bằng. Lần đầu tiên thưởng thức, người dùng chưa thể cảm nhận được hết cái ngon và độc đáo của món ăn, nhưng khi đã quen thì vị chua ngọt của nước sốt và độ dai dẻo, thơm ngon của bánh phở sẽ làm bạn nhớ mãi không thể quên.

Phở Chua

Vịt Quay 7 Vị

Vịt quay 7 vị là đặc sản riêng có ở Cao Bằng. Sở dĩ món ăn này được gọi là món vịt quay 7 vị vì người Cao Bằng đã dùng 7 loại gia vị độc đáo khác nhau để ướp cho thịt vịt.

Sau khi quay xong thịt vịt được chặt nhỏ ra đĩa, da vàng màu cánh gián. Thịt ăn chắc và ngọt, mềm nhưng không bở, cũng không dai. Khi ăn thực khách phải nhai thật chậm để cảm nhận hết vị ngọt của mật ong với vị béo của dầu, vị mềm và thơm của thịt vịt.

Bên trong từng miếng vịt quay là một mùi hương ngai ngái của mùi lá non, vị hơi đắng nhưng càng ăn càng ngọt thịt. Đó là do 7 loại gia vị được lấy từ trong bụng của con vịt. Nhiều người từng được nếm qua đều đoán rằng trong các loại gia vị ấy, có rất nhiều vị của rễ, lá cây được mang về từ trên rừng. Do đó, họ rất muốn học được cách làm vịt quay Cao Bằng và thử làm nhưng đều không có được mùi vị đặc trưng ấy.

Vịt Quay 7 Vị

Cá Trầm Hương (Bản Giốc)

Đây là loài cá ngon đỉnh ở thác Bản Giốc, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Sở dĩ người ta gọi nó là cá trầm hương bởi loài cá này thường ăn rễ, lá mục của cây trầm hương mọc ven sông Quây Sơn và Bắc Vọng. Chính vì vậy thịt chúng ngon hơn nhiều loại cá khác và có mùi lạ của lá trầm hương.

Món ngon nhất từ loài cá trầm hương được người dân chế biến chính là cá nướng vì món ăn này vẫn giữ nguyên được mùi vị của cá, khiến người kén ăn nhất cũng phải "nghiện" món ăn này. Cá bắt từ sông, làm sạch, mổ bụng rồi nhét thêm một vài loại rau, gia vị như hành, thì là, ớt… vào bên trong, bọc qua bằng lá chuối rồi cho lên bếp than nướng. Khi chín, món cá có mùi thơm phức. Gỡ miếng cá chấm cùng chút nước mắm nguyên chất, cảm nhận vị thơm của mùi khói, vị ngọt của cá phảng phất vị trầm khiến bạn sẽ nhớ mãi.

Cá Trầm Hương (Bản Giốc)

Bò Gác Bếp

Cao Bằng là nơi nuôi nhiều bò, nhất là các huyện Hà Quảng, Bảo Lạc, Bảo Lâm. Nếu bạn có dịp đến vùng đất này, thưởng thức những món ăn đặc sản nơi đây, bạn đừng bỏ qua món thịt bò gác bếp. Bò ở Cao Bằng chủ yếu để cày bừa, kéo xe nhưng cũng được dùng nhiều trong quá trình chế biến các món ăn ngon tại đây. Trong đó, sấy khô là cách chế biến để bảo quản, dự trữ thịt bò của người dân địa phương, vừa để được lâu lại vừa có hương vị thơm ngon độc đáo.

Người ta dùng bất kì loại thịt bò nào để sấy khô cũng đều ngon và không kén chọn loại nào mới dùng. Nhưng để làm món này ngon nhất người ta dùng thịt mông, thịt bắp, vừa nạc vừa mềm. Thịt được xẻ ra thành từng miếng to nhỏ tùy theo ý người làm. Nhưng thường to chừng hai ba ngón tay, dài khoảng một gang tay là vừa nhất. Thịt được tẩm ướp bằng muối, nước cốt gừng và đặc biệt không thể thiếu rượu trắng. Trước khi ướp, khía vài đường trên miếng thịt sẽ làm cho gia vị ngấm đều vào miếng thịt ăn sẽ ngon hơn. Ướp xong dùng lạt tre tươi xâu thịt thành từng xâu rồi treo trên gác bếp. Chắc chắn món ăn này sẽ khiến bạn không thể quên khi tới với Cao Bằng.

Bò Gác Bếp

Cao Bằng không chỉ nổi tiếng bởi khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ mà còn bởi văn hóa ẩm thực vô cùng phong phú. Danh sách 05 món ngon đặc sản Cao Bằng dùng để ăn tối mà Vietsense Travel vừa kể trên đã chứng minh điều đó. Nhìn những món ăn này chắc chắn bạn sẽ muốn xách balo lên và đến ngay với Cao Bằng để thưởng thức những món ăn ngon tuyệt vời tại đây. Hãy đặt ngay tour của chúng tôi để được nhận ngay những ưu đãi hấp dẫn và được trải nghiệm những dịch vụ tốt nhất!

Nguyễn Lan Anh

 

 

NHỮNG MÓN ĂN TỐI NGON TẠI CAO BẰNG

NHỮNG MÓN ĂN TỐI NGON TẠI CAO BẰNG
68 7 75 143 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==