==HOTLINESHOW== ==HOTLINESHOWOTHER==

Nước ta có 54 dân tộc anh em sống hòa thuận trên mảnh đất hình S. Mỗi dân tộc lại có một nét độc đáo riêng chính vì thế đã làm đa dạng thêm phong tục vào những ngày đặc biệt như tết cổ truyền. Vậy hôm nay, hãy cùng theo chân VietSense Travel để tìm hiểu xem những nét văn hóa độc đáo trong ngày tết của các đồng bào dân tộc trên khắp cả nước ta nhé.

Phong tục đón Tết của người Kinh

Dân tộc Kinh là dân tộc chiếm số lượng đông đảo nhất nước ta, họ sinh sống và làm việc ở khắp mọi miền đất nước từ Bắc vào Nam, từ đồng bằng cho tới những hòn đảo ở ngoài biển xa. Chính bởi vậy mà cái Tết của người Kinh như thể hiện nét văn hóa đặc trưng của toàn dân tộc Việt Nam. Nhiều cung bậc cảm xúc chan chứa dành cho thời khắc giao thời. Vào những ngày cuối tháng 12 âm lịch khi không khí tết đang tràn về trên khắp nẻo đường, cánh hoa đã bắt đầu nở rộ khoe sắc giữa trời xuân. Mọi người rủ nhau xuống đường phố để chiêm ngưỡng, thưởng thức hương hoa ngọt dịu đó. Chợ hoa dường như đã trở thành một phần quan trọng không thể thiếu khi Tết về. Đến ngày 23 là ngày lễ tiễn ông Công ông Táo về trời, lúc này không khí tết đã đến rất gần vì chỉ còn vài ngày nữa thôi là ngày lễ hội vui nhất năm.

Phong tục đón Tết của người Kinh

Trước Tết một vài ngày, nhà nào cũng nhộn nhịp, đầy bận rộn dọn dẹp, trang trí nhà cửa, chuẩn bị bánh mứt, nhang trầm, mua những cành hoa, tậu thêm chậu quất, treo những bao lì xì đỏ chứa đựng những điều may mắn trên cành mai, nhánh đào. Để rồi cùng quây quần bên nhau, thức đợi nồi bánh chưng, bánh tét, mùi bánh thơm lừng hòa quyện trong hương gió bay xa, như báo hiệu rằng giao thừa đang đến rồi.

Tết là thời điểm mà người ta trao cho nhau và nhận lại những câu chúc tốt lành, may mắn. Nếu bạn là người có tướng phú quý hay hợp mệnh với gia chủ thì sẽ  sẽ được mời đến nhà “xông đất” đầu năm mới để gia chủ có một năm thật là hạnh phúc và bình an. Trẻ con thì miệng lẩm nhẩm theo lời mẹ dặn “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” để luôn khắc ghi và làm theo. Một không khí Tết chỉ cần nghĩ đến thôi là trong lòng đã vui sướng, ấm áp đến lạ thường. Thật là mong Tết nhanh đến quá đi thôi!

Tục gọi hồn ngày Tết của người Thái

Cùng là Tết nguyên đán nhưng người Thái lại có điểm khác biệt trong thời gian ăn tết khi có cả một mùa lễ hội kéo dài từ ngày 25 tháng Chạp cho đến mùng 10 tháng Giêng. Vào đêm 28, 29 hoặc 30 Tết, mỗi gia đình người Thái sẽ chuẩn bị một mâm cỗ cúng để “gọi hồn” người thân đã khuất về cùng đón Tết với con cháu để bớt cô đơn.

Tục gọi hồn ngày Tết của người Thái

Người Thái còn có một phong tục rất hay được gọi là “Pông Chay”, nghĩa là vào đêm giao thừa mọi người sẽ không đi ngủ sớm mà cùng thức, cùng nhau quây quần bên bếp lửa, chuẩn bị một món ăn nhẹ nào đó thưởng thức cùng nhau hoặc đơn giản chỉ là ngồi chuyện trò để trải qua khoảnh khắc thiêng liêng ấy. Sáng mùng 1, các gia đình người Thái sẽ ra suối để lấy về những gáo nước mát về mong cho một năm tràn đầy may mắn. Và đến chiều, tất thảy mọi người từ già trẻ gái trai đều gội đầu để rửa trôi hết những xui xẻo, vất vả của năm cũ, đón chờ những điều tốt đẹp nhất sẽ tới trong năm mới.

Bữa cơm Tết của người đàn ông Mông

Người đàn ông phải chuẩn bị bữa cơm đầu năm là tục lệ được người Mông lưu truyền bao đời nay. Thường thường các bữa cơm gia đình đều do các bà, các mẹ phụ trách nhưng ngày Tết đặc biệt hơn cả, người đàn ông trụ cột của gia đình sẽ thay thế người phụ nữ để hoàn thành công việc ấy nhằm mong muốn giữ gìn truyền thống gia đình cả năm. Bếp lửa của người đàn ông thắp lên có ngọn lửa luôn mạnh mẽ và sáng bừng hơn bao giờ hết.

Người Mông thường sẽ kiêng ăn rau vào ngày tết vì họ quan niệm rằng năm mới ăn rau sẽ không được giàu sang, quanh năm chỉ có rau mà thôi. Bên cạnh đó, vào buổi sáng đầu tiên của năm mới, không ai được phép gọi nhau dậy, ai dậy sớm thì cứ dậy, bởi vì tiếng gọi nhau sẽ làm cho sâu bọ thức giấc, phá hoại mùa màng của người dân. Huýt sáo cũng là một trong những điều tối kỵ không được làm trong dịp Tết của người Mông, vì tiếng sáo được ví giống như tiếng rú đầy tức giận của thiên nhiên, có thể sẽ kéo mưa bão về, làm mọi người sợ hãi. Và cuối cùng đương nhiên không thể thiếu tục lệ xua đuổi tà ma.

Tiếng Cồng Chiêng chào xuân của người Mường

Người Mường ở Hòa Bình cũng sở hữu một cái Tết cổ truyền với những phong tục, tập quán vô cùng đặc sắc và đậm chất riêng của dân tộc mình. Sáng sớm, một người trong gia đình sẽ đại diện cả nhà mang cồng chiêng ra ngõ để đánh gọi trâu về. Người Mường quan niệm rằng, đầu năm trâu về nhà thì cả năm đó công việc làm ăn của họ sẽ khấm khá, phát triển, trâu bò đầy đàn. Cứ thế, tiếng cồng chiêng vang lên khắp các ngõ ngách tại mường bản, tạo nên một bản hòa ca đầy tươi vui cho thời khắc đầu năm ai cũng mong chờ.

Rực đỏ màu Tết của người Cao Lan

Tết đối với người Cao Lan không chỉ đơn thuần là cái Tết của gia đình mà còn là cái Tết của cả cộng đồng. Chính vì thế mà người Cao Lan luôn làm lễ cúng Tết ở hai nơi là tại nhà và đình làng, họ lấy nước giếng ở đình để mang về nhà thờ cúng. Vào những ngày Tết cận kề, sau khi đã dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa, người Cao Lan sẽ dán những tờ giấy đỏ ở trước cửa ra vào từ nhà chính cho đến chuồng gà, chuồng lợn, chuồng trâu,...Người Cao Lan tin rằng, màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn và sẽ mang lại thật nhiều điều tốt lành cho năm mới. Mọi người thường lựa chọn trang phục đi chơi Tết với dải lụa đỏ đầy nổi bật quấn quanh người. Sắc đỏ như bao trùm khắp bản làng đầy rực rỡ giữa trời xuân.

Lễ hội bắt chồng đầy Ngày Tết ở Tây Nguyên

Nếu như một số dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng núi phía Bắc có tục “bắt vợ” thì các dân tộc ở Tây Nguyên cũng có tục “bắt chồng” vô cùng độc đáo. Trong tiết trời ngày xuân tràn đầy nhựa sống, say đắm trong chén rượu cần ấm nồng tình duyên đôi lứa. Các chàng trai cô gái có tình ý với nhau sẽ ra “tín hiệu” để nàng chuẩn bị “bắt chàng” về chung một nhà. Vào “đêm thiêng”, cô gái sẽ cùng 10 người thân trong gia đình sang nhà chàng trai để đưa sính lễ và ngỏ ý cầu thân. Nếu nhận được sự đồng ý của cha mẹ thì coi như hai người đã chính thức nên duyên vợ chồng, còn không thì bên gia đình chàng trai sẽ đưa ra lời từ chối khéo léo để bên nhà gái không bị bẽ mặt.

Mỗi một dân tộc trên đất nước ta lại mang một nét đẹp riêng vô cùng độc đáo. Dù là người dân của dân tộc nào thì cũng đều là người con đất Việt vậy nên cần phải gìn giữ, lưu truyền và bảo vệ những nét đẹp phong tục, tập quán để xây dựng một nền văn hóa ngày càng phong phú, phát triển.

 

 

Phong tục đón Tết của các dân tộc trên cả nước

Phong tục đón Tết của các dân tộc trên cả nước
38 4 42 80 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==