==HOTLINESHOW== ==HOTLINESHOWOTHER==

Được mệnh danh là “tiểu Hạ Long” của Tuyên Quang, huyện Lâm Bình hiện đang là một điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. Nhận thấy tiềm năng du lịch của huyện Lâm Bình, các cơ quan chức năng luôn nỗ lực thực hiện các cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khịch phát triển du lịch. Vừa qua, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lâm Bình lần thứ I, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã đề ra 16 chỉ tiêu, 3 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đặc biệt đề cập đến việc tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện.

Sở hữu cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, non nước hữu tình với hệ sinh thái đa dạng, phong phú, Huyện Lâm Bình còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa thiêng liêng và độc đáo của các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Ngoài ra, diện tích mặt hồ sinh thái Na Hang rộng trên 8.000 ha, trong đó Lâm Bình chiếm tới trên 4.000 ha đã khiến nơi đây trở thành một vùng hồ rộng lớn với nhiều cảnh quan kỳ thú. Vì vậy, huyện đã định hướng và triển khai nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch nhằm huy động, thúc đẩy các nguồn đầu tư quy tụ vào các xã Lăng Can, Thượng Lâm, Khuôn Hà, Phúc Yên và khu vực lòng hồ sinh thái Na Hang, chú trọng phát triển và nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng homestay, tạo động lực phát triển các dịch vụ phục vụ du lịch (các dịch vụ trải nghiệm, quà lưu niệm).

Lâm Bình quảng bá, khai thác tiềm năng phát triển du lịch - Ảnh 1

Trong nhiệm kỳ, huyện Lâm Bình đã kết nối với hơn 200 công ty dịch vụ du lịch và lữ hành đến khảo sát, xây dựng sản phẩm và kết nối tour du lịch, điển hình như: Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Năm Sao; Công ty Nam Việt (Hà Nội); Công ty TNHH Du lịch Non nước Lâm Bình kết nối tour đưa khách du lịch trải nghiệm, khám phá và du lịch; Công ty ETHOS (Sapa) kết nối tour dành riêng cho du khách nước ngoài, thường xuyên đưa khách nước ngoài đến huyện tham quan và khám phá. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đang phát triển mạnh cả về mặt số lượng và chất lượng. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ đã có thêm 8 hộ, 1 hợp tác xã đăng ký cung cấp dịch vụ homestay, nâng tổng số tham gia dịch vụ du lịch của cả huyện Lâm Bình lên thành 24 hộ. Là Giám đốc Công ty du lịch Năm sao, chủ homestay Nặm Đíp, thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can, anh Lương Duy Doanh chia sẻ: Hàng tháng cơ sở homestay của anh thu hút 200-300 khách du lịch đến lưu trú, tham quan, tạo việc làm cho 5-10 người tại địa phương.

Lâm Bình quảng bá, khai thác tiềm năng phát triển du lịch - Ảnh 2

Trong suốt nhiệm kỳ, huyện Lâm Bình đã đều đặn tổ chức các hoạt động văn hóa nhằm tạo điểm nhấn hấp dẫn khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm Lâm Bình. Nổi bật là Giải đua thuyền Kayak; Lễ hội Lồng Tông; Lễ hội Nhảy lửa xã Hồng Quang, Ngày hội văn hóa dân tộc Mông, Dao; Nghi lễ Cấp sắc; hội thảo, liên kết vùng du lịch với các tỉnh lân cận… Với những nỗ lực ấy, du lịch Lâm Bình đang ngày càng phát triển, với lượng khách du lịch ghé thăm tăng lên đáng kể. Năm 2016, toàn huyện đón 13.500 lượt khách, năm 2019 đã tăng lên hơn 100.000 lượt, ước tính doanh thu từ du lịch đạt trên 60 tỷ đồng.

Ngoài các hoạt động quảng bá hình ảnh, du lịch Lâm Bình cũng đã chú trọng phát triển nguồn nhân lực, các sản phẩm địa phương như: Tổ chức 7 lớp tập huấn hướng dẫn viên du lịch, thuyết minh viên du lịch, nghiệp vụ buồng, hòng, nấu ăn cho trên 300 học viên; dạy tiếng Anh giao tiếp miễn phí; tham quan, học tập kinh nghiệm tại Ba Vì (Hà Nội), Mai Châu (Hòa Bình), Hà Giang, Thái Nguyên; phát triển các dịch vụ trải nghiệm theo chuỗi sản phẩm như làm bún truyền thống, tre và các sản phẩm từ tre, đan lát, dệt thổ cẩm của đồng bào Tày, Pà Thẻn, trải nghiệm làm nông nghiệp, nấu tinh dầu...

UBND huyện đã nhìn nhận và xác định rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của Lâm Bình và đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn: Xây dựng và vận hành website “dulichlambinh.gov.vn”; duy trì, cập nhật thường xuyên chuyên mục “DU LỊCH” trên Cổng thông tin điện tử của huyện và Fanpage “Du lịch Lâm Bình, Tuyên Quang”; đăng tải các clip quảng bá du lịch trên các trang mạng xã hội Facebook, Youtube; tích cực tham gia các sự kiện văn hóa trong và ngoài tỉnh để tạo ấn tượng tốt đối với du khách.

Lâm Bình quảng bá, khai thác tiềm năng phát triển du lịch - Ảnh 3

Đồng chí Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết, du lịch Lâm Bình nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã có những khởi sắc rõ rệt, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Song bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn như: Huy động nguồn lực xây dựng đường giao thông kết nối tour, tuyến tại các điểm danh lam thắng cảnh; cơ sở vật chất phục vụ du khách tại các hộ gia đình; chưa có nhiều sản phẩm quà lưu niệm cho du khách lựa chọn... Hiện huyện du lịch Lâm Bình đang từng bước hoàn thành kế hoạch phát triển du lịch đến năm 2020 như triển khai xây dựng Làng văn hóa các dân tộc tại thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can; thôn Nà Đông, Nà Tông, xã Thượng Lâm; phục dựng, bảo tồn văn hóa truyền thống, nghi lễ, kiến trúc nhà ở của đồng bào dân tộc Pà Thẻn, tộc người Thủy; chú trọng xây dựng quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện để làm cơ sở thu hút đầu tư và đi vào thực hiện các nhiệm vụ phát triển du lịch trong giai đoạn tiếp theo. Với những định hướng, kế hoạch và nước đi cụ thể, huyện du lịch Lâm Bình tiếp tục nỗ lực đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân bản địa.

 

 

Lâm Bình quảng bá, khai thác tiềm năng phát triển du lịch

Lâm Bình quảng bá, khai thác tiềm năng phát triển du lịch
64 6 70 134 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==