==HOTLINESHOW== ==HOTLINESHOWOTHER==

Từ lâu, đền ông Hoàng Bảy hay còn thường được gọi với cái tên là đền Bảo Hà tọa lạc ở xã Bảo Hà (huyện Bảo Yên) không chỉ được người ta biết đến là một Di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng, mang tầm ảnh hưởng quan trọng trong cả nước mà ngôi đền này còn là một trong những địa chỉ du lịch tâm linh hấp dẫn các tín đồ và khách du lịch trong và ngoài nước mỗi khi đặt chân đến thăm quan tỉnh Lào Cai. Sự linh thiêng kì diệu khó thể lí giải của nơi đây đã trở thành điều thu hút rất nhiều người ghé thăm hàng năm. Hãy cùng Vietsense Travel tìm hiểu những điểm thú vị và hấp dẫn của ngôi đền Bảo Hà nhé!

Tìm hiểu đôi nét về Ông Hoàng Bảy Bảo Hà

Ngôi đền Bảo Hà hay thường được biết đến nhiều hơn với cái tên Đền Ông Hoàng Bảy linh thiêng gắn với truyền thuyết nổi tiếng về Ông Hoàng Bảy. Ông Hoàng Bảy được người dân gọi là Quan Hoàng Bảy, Ông Hoàng Bảy Bảo Hà, ông là vị Thánh Hoàng thuộc Nhạc phủ. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu của dân tộc ta thì ông Hoàng Bảy chính là vị quan thuộc hàng vị thứ 7 trong Thập nhị Quan Hoàng trong hệ thống Thần linh Tứ Phủ của Việt Nam mà nhân dân ta rất tôn kính thờ phụng. Có thể nói, ngày nay hầu như các đền, điện, phủ trong hệ thống thờ Mẫu ở Việt Nam đều có ban thờ Ngài. Các truyền thuyết về Ông Hoàng Bảy gắn liền với nơi thờ Ông là đền Bảo Hà, Lào Cai.

Tìm hiểu đôi nét về Ông Hoàng Bảy Bảo HàKhi còn sống, ông Hoàng Bảy là vị quan triều đình được giao trọng trách trấn giữ vùng biên ải Lào Cai, Yên Bái, ông làm quan dưới thời vua Lê, với trí tuệ cao siêu và tài năng thao lược, ông Hoàng Bảy đã có nhiều công lao to lớn trong việc đánh đuổi quân giặc, hộ quốc, an dân, sau này vị quan lỗi lạc này cũng đã hy sinh vì dân trong một lần chiến đấu. Người dân truyền tai nhau rằng sau khi mất, ông vẫn nhiều lần hiển linh phù hộ, trợ giúp nước nhà, ông đã được triều đình phong kiến ban sắc phong là Thượng đẳng thần đồng thời phong danh hiệu “Trấn An Hiển Liệt”, “Thần Vệ Quốc”. Ông Hoàng Bảy thường ban lộc về công danh, buôn bán, trừ tà,... nên rất nhiều tín đồ và du khách kéo nhau về đền Bảo Hà để thờ phụng, đi lễ cầu may mắn.

Vị trí của Đền Ông Hoàng Bảy

Đền thờ Ông Hoàng Bảy chính thức được xây dựng và nằm ở Bảo Hà, Lào Cai, nơi được cho là đã tìm thấy xác ông khi hy sinh vì chiến trận. Đền thờ Quan Hoàng Bảy có vị trí nằm ở dưới chân núi Cấm, cạnh sông Hồng, cách ga xe lửa Bảo Hà chỉ khoảng 800 mét, ngôi đền linh thiêng này thuộc xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai và khu di tích lịch sử văn hóa này nằm cách trung tâm Thành phố Lào Cai khoảng 60km về phía Nam. Ngôi đền đã được nhân dân ta dựng lên để thờ vị thần vệ quốc Hoàng Bảy - người anh hùng đã chỉ huy quân đội đánh đuổi giặc phương Bắc, giữ gìn sự bình yên cho quê hương, nước nhà.

Cách di chuyển đến đền Ông Hoàng Bảy

Có nhiều cách để du khách có thể di chuyển đến thăm viếng đền thờ Ông Hoàng Bảy, sau đây Vietsense Travel sẽ mách bạn một số cách di chuyển phổ biến nhất:

Di chuyển bằng xe máy:Du khách hãy đi dọc theo quốc lộ 32 đến thành phố Yên Bái sau đó đi đường tỉnh lộ DT136 để tới được đền Bảo Hà.

Di chuyển bằng ô tô: Du khách có thể đi theo đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai quãng đường dài khoảng 240km, trên đường sẽ có biển chỉ dẫn hướng đi tới đền Bảo Hà. Nếu du khách có điểm xuất phát từ trung tâm thành phố Hà Nội thì hãy đi dọc theo cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Đến nút giao 279, sẽ có biển chỉ dẫn vào đền Bảo Hà, đi thêm khoảng tầm 1km là sẽ đến được cổng đền.

Di chuyển bằng xe khách: Nếu không thể tự di chuyển bằng phương tiện cá nhân thì du khách hoàn toàn có thể lựa chọn đi bằng xe khách Hà Nội - Bảo Hà hoặc là thuê xe Limousine đưa đón tận nơi. Tại các bến xe như Mỹ Đình hay Giáp Bát, du khahcs chỉ cần mua vé cho chuyến xe đến thành phố Lào Cai, sau khi tới đây, du khách có thể đi xe ôm hoặc thuê xe máy để tự đến đền Ông Hoàng Bảy. Giá thuê xe máy tại Lào Cai không quá đắt mà du khách còn có thể chủ động để di chuyển, đi thăm các điểm du lịch khác sau đó.

Di chuyển bằng tàu hỏa: Du khách có thể mua vé tàu đi thẳng từ ga Hà Nội tới ga Bảo Hà. Cách này được xem là tiện lợi nhất với những du khách ở xa vì đền thờ Ông Hoàng Bảy chỉ nằm cách ga Bảo Hà khoảng 800m mà thôi.

Đền Bảo Hà có vị trí nằm cách Hà Nội hơn 200km về phía Tây Bắc, nếu không thể tự di chuyển bằng ô tô hay xe máy riêng thì du khách hãy lựa chọn xe khách giường nằm rất tiện lợi, hiện nay nhờ có đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai nên việc di chuyển rất nhanh chóng và thuận tiện, không còn khó khăn nữa, du khách chỉ cần mất vài tiếng là có thể đến được ngôi đền linh thiêng này. Các nhà xe trên tuyến Hà Nội Lào Cai đã sử dụng các dòng xe cao cấp có phân chia buồng riêng để du khách có thể nghỉ ngơi khá riêng tư trên đường lên thành phố Lào Cai. Dịch bệnh cũng đã không còn nữa nên việc di chuyển bằng các phương tiện công cộng cũng trở nên thuận tiện và an toàn hơn.

Cách di chuyển đến đền Ông Hoàng BảyNếu du khách có khả năng và điều kiện để tự đi với điểm xuất phát tại Hà Nội thì các bạn hãy đi thẳng theo cao tốc Nội Bài - Lào Cai, khi đến nút giao 279 thì du khách hãy rẽ theo biển chỉ dẫn, đi sâu vào thêm khoảng 1km là đến được ngôi đền Ông Hoàng Bảy Bảo Hà. Quãng đường từ Hà Nội đến đền thờ Ông Hoàng Bảy dài khoảng 230 đến 240 cây số.

Xe Hà Sơn Hải Vân, Xe Sao Việt, ​Xe Sao Mai, Xe Duy Long, Xe Lương Kiên là những hãng xe khách uy tín có tuyến xuất phát từ Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương, Phú Thọ đi thị trấn Sa Pa, thành phố Lào Cai. Tuyến xe thường có lịch trình chạy qua các điểm dưới đây mà du khách có thể tham khảo để thuận tiện lựa chọn:

Hải Phòng -> Hải Dương -> Hưng Yên -> Mỹ Đình -> Nội Bài (km00-9) -> Việt Trì (km10-48) -> Phú Thọ (km 49-109)-> Yên Bái (Km 110-150) -> Mậu A (km 151-190) -> Bảo Hà (Km 191-200) -> Phố Lu (km 201 -225) -> Phố Lu (km 225-232) -> Lào Cai -> Sapa

Nếu du khách ở xa như tại các tỉnh miền Trung hoặc miền Nam, thành phố Hồ Chí Minh thì có thể lựa chọn đi đến Đền Bảo Hà bằng đường sắt, đường hàng không tới Nội Bài. Rồi đi xe giường nằm, tàu hỏa đi đường cao tốc tới Lào Cai hoặc Bảo Hà.

Vẻ đẹp của ngôi đền Bảo Hà

Đền thờ tướng quân Hoàng Bảy Bảo Hà mang vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc và cũng hết sức uy nghiêm, đây là dáng vẻ vốn có của một con người, một vị anh hùng, một vị tướng quân lỗi lạc đã dành cả đời để xông pha trên chiến trận khốc liệt. Trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử và dấu vết của thời gian, ngôi đền ông Hoàng Bảy đến nay vẫn còn giữ gìn được rất tốt, gần như vẫn còn nguyên vẹn kiến trúc ban đầu cũng như các giá trị to lớn về mặt tâm linh, lịch sử. Những giá trị này được xem là vô giá và không có gì có thể so sánh hay thay thế được.

Kiến trúc truyền thống tại ngôi đền cổ kính

Ngôi đền Bảo Hà được thiết kế và xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống của đền chùa Việt Nam. Bao gồm Cổng tam quan, sân đền, nhà khách, phủ chúa Sơn Trang, Tòa đại bái, Cung cấm, Cung nhị và Cung cộng đồng. Mỗi một công trình bên trong khu di tích lịch sử văn hóa này lại có với một chức năng và gắn liền với những câu chuyện riêng về các nhân vật được thờ tự tại đây. Phía bên trong gian thờ có các pho tượng mang dáng vẻ hết sức uy nghi của các vị thần như: Đức Thánh Trần, Đức Vua Cha, Quan Tuần Tranh, ông Hoàng Bảy, cùng Mẫu Nhị, Mẫu Thượng Ngàn…

Cảnh vật của ngôi đền mang vẻ đẹp thanh tịnh, yên bình

Đến những chốn tâm linh, mọi du khách dường như có thể cảm nhận những gánh nặng trên vai đều được trút bỏ hết. Ngôi đền Ông Hoàng Bảy là nơi mà du khách sẽ cảm thấy lòng mình bỗng nhẹ nhõm và yên bình vô cùng.

Vẻ đẹp của ngôi đền Bảo Hà - Ảnh 1Du khách có thể thư thái đi dạo trong không gian ngôi đền, cảm nhận mùi hương nhang thoang thoảng trong không khí, ngắm nhìn đất trời rộng lớn tại Bảo Hà bên con sông Hồng miệt mài chảy đêm ngày. Cảnh vật trên bến dưới thuyền, phía xung quanh là rừng già bao bọc, khuôn viên xanh ngát cây cối khiến cho ngôi đền ông Hoàng Bảy như đang được tách biệt với những xô bồ ồn ào bên ngoài, chỉ còn lại bầu không khí linh thiêng, trong lành và sự an yên nhẹ nhõm lòng người.

Cầu khấn tại đền Ông Hoàng Bảy

Dân gian xưa nay vẫn thường có câu “Cầu tài ông Bảy, cầu quan ông Mười”, với ngụ ý nhắc nhở người ta rằng nếu muốn cầu tài lộc thì đến lễ đền ông Hoàng Bảy, còn nếu muốn cầu vinh hiển, quan lộ thì đến lễ đền ông Hoàng mười. Nhờ câu nói này mà nhiều người không quản ngại đường xá xa xôi tìm về Bảo Hà, đến lễ đền ông Hoàng Bảy để cầu tài lộc, nhất là những người làm kinh doanh, bất động sản thì lại càng muốn đến đây để dâng lễ, xin lộc, cầu cho việc buôn bán làm ăn của họ được suôn sẻ thuận lợi, hanh thông.

Vẻ đẹp của ngôi đền Bảo Hà - Ảnh 2Nhiều người còn truyền tai nhau rằng đến đền ông Hoàng Bảy xin lô đề sẽ trúng, xin gì được nấy, cầu được ước thấy. Tuy chưa thể chứng thực được câu chuyện này nhưng vẫn có nhiều người tin vào đó và đến đền Bảo Hà để cầu mong được Ngài mách số cho, mong ước được phát tài, đổi vận. Cũng có nhiều người đến đền Bảo Hà đơn giản chỉ là để vãn cảnh, tìm sự an yên cho tâm hồn hay cầu sức khỏe, bình yên cho người thân, gia đình.

Chuẩn bị mâm lễ dâng lên ban thờ ông Hoàng Bảy:

Đến đền Bảo Hà, du khách có thể lựa chọn cúng lễ chay hoặc lễ mặn theo cách tùy tâm. Lễ mặn thường gồm có gà trống nguyên con, xôi, giò, thịt; lễ chay thì bao gồm những món lễ vật đơn giản như bia, rượu, nước khoáng, trầu cau, vàng tím, vàng bốn phủ, ngoài ra còn có cả ngựa tím, mũ áo… Việc dâng lễ dù là mâm lễ lớn hay nhỏ đều không phải vấn đề bắt buộc nhưng tâm phải chân thành và sáng, không chấp niệm tham sân si hay chỉ mong cầu đổi chác. Du khách có thể tự mình chuẩn bị sẵn đồ lễ từ trước để mang lên đền hoặc nếu ở xa, không có điều kiện để chuẩn bị trước thì du khách cũng có thể mua đồ lễ tại các gian hàng trên đường đi, hoặc gần khu vực này, trong đền không có hoạt động mua bán nên du khách cần phải chú ý mua sắm lễ trước. Nếu chủ động chuẩn bị trước thì có thể lựa chọn đồ lễ tươi ngon hơn.

Vẻ đẹp của ngôi đền Bảo Hà - Ảnh 3Cốt là sự thành tâm của người dâng lễ và mâm lễ dùng để đặt lên ban thờ cần có đầy đủ rượu, trầu và vàng hương. Nếu du khách đi theo đoàn thì có thể tham khảo mâm lễ bao gồm những món sau đây:

Đối với lễ mặn sẽ bao gồm có: xôi, thịt, giò chả, gà, rượu, bia, nước khoáng, nước ngọt, hoa và quả tươi, bánh kẹo, trà, thuốc lá, bên cạnh đó là vàng lá, nến, hương, trầu cau, tiền lẻ, vàng bốn phủ, vàng tím. Nếu có điều kiện hơn thì du khách còn có thể sắm các loại quần áo, mũ, hia, hài, ngựa tím,... để mâm lễ càng thêm đủ đầy.

Tuy nhiên không bắt buộc phải sắm đủ hết các loại lễ vật này, du khách tùy tâm và tùy điều kiện để sắp lễ sao cho phù hợp với khả năng, quan trọng nhất vẫn là sự thành tâm khi lên dâng lễ. Đồ lễ không cần phải quá cầu kỳ bởi các bậc bề trên sẽ chứng tâm không chứng lễ, đồ lễ cũng không nên quá màu mè mà đơn giản, phù hợp. Du khách có thể cung tiến hay góp công đức để hương khói, xây dựng nhà đền. Những vật phẩm dâng lên là để thể hiện lòng tôn kính với Ngài.

Đền Bảo Hà - Nơi thờ Thần Vệ Quốc Hoàng Bảy

Khu di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Đền Bảo Hà nằm ở dưới chân núi Cấm, phía tả ngạn của sông Hồng và thuộc xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Đền thờ Thần Vệ Quốc Hoàng Bảy - là danh tướng thứ 7 của nhà họ Nguyễn đã có công lao to lớn trong việc chiêu mộ, huấn luyện và chỉ huy quân đội cùng nhân dân ta chống giặc ngoại xâm bảo vệ sự yên bình nơi miền biên cương Lào Cai của Tổ quốc. Với những chiến thắng và công lao to lớn trong lịch sử trấn ải vùng Tây Bắc, Ông Hoàng Bảy đã trở thành nhân vật huyền thoại và được lớp lớp thế hệ con cháu, nhân dân ngưỡng mộ, tôn kính và thờ phụng.

Theo tài liệu ghi chép lại: Vào cuối thời Lê (1740-1786) khắp vùng Quy Hóa nhất là Châu Thủy Vĩ, Châu Văn Bàn luôn bị giặc cỏ vùng Vân Nam tràn sang cướp bóc, quấy nhiễu, khắp nơi loạn lạc, đời sống người dân điêu tàn khổ cực, ruộng đồng vì thế mà phải bỏ hoang, đồng bào các dân tộc trong vùng vô cùng lầm than. Tướng của giặc cướp ở Vân Nam là Châu Tỉn Toòng đã nhân cơ hội này cho quân đánh phá Châu Thủy Vĩ và chiếm Trấn Văn Bàn.

Đền Bảo Hà - Nơi thờ Thần Vệ Quốc Hoàng Bảy - Ảnh 1Trước tình hình loạn lạc vô cùng nghiêm trọng đó, triều đình dù lúc bấy giờ đang ở cảnh quan liêu rệu rã cũng không thể bỏ lơ, vua Lê đã cử viên tướng thứ 7 họ Nguyễn là Hoàng Bảy lên trấn thủ, xử lí nạn giặc vùng Quy Hóa. Đội quân của danh tướng họ Nguyễn đã theo lệnh nhà vua mà tiến dọc theo sông Hồng, đánh đuổi giặc cỏ, giải phóng được khu vực Khẩu Bàn (là xã Bảo Hà ngày nay) và xây dựng Bảo Hà trở thành căn cứ quân đội lớn mạnh. Tại đây tướng Hoàng Bảy đã cho tập hợp các thổ ty, tù trưởng và chiêu mộ thêm các binh lính là người dân tộc địa phương, ngày đêm rèn luyện, huấn luyện binh sĩ chờ thời cơ tiến đánh Lào Cai. Sau đó, vào lúc quân sĩ và hậu cứ đã vững chắc, tướng quân đã thống lĩnh thủy binh và bộ binh tiến đánh và giải phóng Lào Cai cùng các châu huyện của vùng Quy Hóa, nhân dân địa phương vô cùng phấn khởi.

Sau khi đã dẹp yên bọn giặc cỏ hung hãn, ông Hoàng Bảy tiếp tục huy động dân binh, chiêu dụ các Thủ hào địa phương, đón người Dao, người Thổ và đặc biệt là người Nùng áo xanh về xây dựng các ấp, làng, khai khẩn ruộng nương, đồng thời củng cố lại tuyến phòng thủ và cho xây dựng các thành trì thêm kiên cố.

Giặc phương Bắc với âm mưu muốn chiếm Lào Cai, thường xuyên đưa quân sang tiến đánh, cướp bóc tại các khu vực biên giới, nhưng nhờ vòa tài thao lược và lòng dạ bao dung của ông Hoàng Bảy, nhân dân các dân tộc địa phương đã kiên cường đấu tranh, bảo vệ vững chắc lãnh thổ và sự bình yên của miền biên ải. Nhưng chưa dừng lại ở đó, quân giặc cướp bóc phương Bắc do Tả Tủ Vàng Pẹt chỉ huy tiếp tục đưa quân sang xâm lược bờ cõi nước ta, ông Hoàng Bảy lại một lần nữa dẫn quân lên để chiến đấu, tuy nhiên trong trận chiến không cân sức, ông Hoàng Bảy đã anh dũng hi sinh. Xác ông trôi về đến Bảo Hà thì dạt vào bờ.

Nhân dân địa phương đã cùng nhau đưa xác ông lên chôn cất trên sườn đồi Cấm với niềm thương xót, đau đớn và ngậm ngùi. Ông Lự Văn Cù là người dân tộc Tày đã lập tại đây một miếu nhỏ để nhân dân quanh năm có thể dâng hương tưởng nhớ đến công lao đánh giặc giữ nước của tướng Hoàng Bảy. Sau đó, triều đình nhà Nguyễn đã phong cho ông Hoàng Bảy danh hiệu “Trấn An hiển liệt” cao quý và ban sắc phong là “Thần Vệ quốc”. Nhân dân địa phương thường xuyên đến thắp hương cầu phúc và đã cùng nhau góp công xây dựng một ngôi đền nhỏ được gọi là đền Ông, lâu dần ngôi đền ngày càng được nhiều người biết đến hơn vì sự linh thiêng, du khách tứ phương thường quen gọi nơi đây là Đền Bảo Hà.

Đền Bảo Hà là nơi thờ phụng chính của danh tướng Hoàng Bảy nổi tiếng, người thủ lĩnh vùng sơn cước với khả năng mưu lược vô cùng tài tình trong điều binh khiển tướng… Ông đã hi sinh vì nước vì dân, đến khi mất đi vẫn nhiều lần hiển linh phù hộ nước nhà chống giặc. Vị tướng tài giỏi ấy đã đi vào thế giới tâm linh của đất nước trở thành một huyền thoại và hình tượng “Thần Vệ quốc Hoàng Bảy” đã lan tỏa, cổ vũ tinh thần của toàn thể cộng đồng nhân dân các dân tộc trên khắp mọi miền đất nước. Từ một am miếu nhỏ ban đầu, đền Bảo Hà đã dần dần phát triển trở thành một ngôi đền khang trang có phong cảnh “trên bến dưới thuyền” hữu tình xinh đẹp nhưng không kém phần uy nghi, vững trãi tồn tại cùng với dòng chảy của thời gian và trải qua biết bao thăng trầm lịch sử.

Đền Bảo Hà - Nơi thờ Thần Vệ Quốc Hoàng Bảy - Ảnh 2Đền Bảo Hà mang trong mình những giá trị to lớn về lịch sử và văn hóa đối với quốc gia. Cũng chính vì vậy, năm 1997, Đền Bảo Hà đã được Bộ Văn Hóa, Thể thao & Du lịch cấp bằng công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia. Hàng năm, lễ hội Đền Bảo Hà (cũng chính là ngày giỗ/ kỵ nhật của Ông Hoàng Bảy) lại được người dân long trọng tổ chức vào ngày 17/7 âm lịch, thu hút đông đảo người dân địa phương cũng như du khách trong và ngoài nước đến dâng lễ, dâng hương, bày tỏ lòng tôn kính. Lễ hội đền Bảo Hà đã đáp ứng nguyện vọng được hoạt động tín ngưỡng tâm linh của nhân dân, đồng thời cũng là dịp để tri ân, tưởng nhớ công lao vĩ đại của danh tướng Hoàng Bảy - người thủ lĩnh mưu lược tài ba.

Truyền thuyết về Ông Hoàng Bảy và Đền Bảo Hà

Ông Hoàng Bảy hay người dân còn thường gọi là Ông Bảy Bảo Hà. Ông Hoàng Bảy là con của Đức Vua Cha. Theo lệnh vua, ông đã giáng xuống phàm trần, trở thành con trai thứ bảy của danh tộc họ Nguyễn vào cuối thời Lê. Thời vua Lê Cảnh Hưng, giặc Trung Quốc từ Vân Nam đã tràn sang biên ải để cướp bóc, đốt phá, quấy nhiễu nhân dân. Triều đình đã cử tướng Hoàng Bảy đem theo quân lính, đi dọc theo sông Hồng, lên phía Bắc đánh đuổi giặc dữ và cai quản sự bình yên cho vùng biên ải Bảo Hà, Lào Cai.

Tại vùng đất Bảo Hà, tướng Hoàng Bảy đã thống lĩnh quân và dân cùng nhau đánh đuổi quân giặc về vùng Vân Nam, sau đó ông còn tiếp tục chiêu dụ các thổ hào địa phương đón người Dao, người Thổ, người Nùng lên đây để xây dựng vùng này, cùng nhau khẩn điền lập ấp. Sau này, trong một trận chiến đấu không cân sức với giặc, Ông Hoàng Bảy đã bị giặc bắt, chúng đã dùng nhiều đòn roi hiểm độc để tra khảo hành hạ ông dã man, nhưng Ngài một lòng kiên trung yêu nước, quyết không chịu khuất phục đầu hàng, cuối cùng, khi không thể làm gì được nữa, giặc dữ đã sát hại ông rồi mang thi thể vứt xuống sông Hồng.

Kì lạ thay,  thi thể của ông đã dọc theo sông Hồng trôi đến phà Trái Hút, Bảo Hà, Lào Cai thì dừng lại, dạt vào bờ. Người ta kể nhau rằng khi ông bị giặc sát hại, thì trời bỗng chuyển gió, mây vần vũ, kết lại thành hình thần mã (ngựa), từ thi thể ông phát ra một đạo hào quang sáng ngời, phi lên thần mã, đến Bảo Hà thì dừng lại, người dân đem thi thể ông lên chôn cất tại chân núi Cấm, lúc này trời bỗng quang đãng, mây ngũ sắc kết thành hình tứ linh chầu hội.

Sau này khi hiển linh ông Hoàng Bảy đã được giao quyền cho trấn giữ đất Lào Cai, ngự tại trong dinh Bảo Hà, đến lúc này ông nổi tiếng là một Ông Hoàng không chỉ giỏi kiếm và cung mà còn rất ăn chơi và phong lưu: khi thanh nhàn ông ngả bàn đèn, uống trà mạn Long Tỉnh, ngồi chơi tổ tôm, tam cúc, xóc đĩa… lúc nào cũng có thập nhị tiên nàng hầu cận, ông Hoàng Bảy cũng luôn khuyên bảo nhân dân phải ăn ở có nhân có đức, tu dưỡng bản thân để lưu phúc cho con cháu. Triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị sắc tặng ông danh hiệu “Trấn An Hiển Liệt” và các triều vua nhà Nguyễn khác tôn ông danh hiệu: “Thần Vệ Quốc_ Ông Hoàng Bảy Bảo Hà”.

Truyền thuyết về Ông Hoàng Bảy và Đền Bảo HàÔng Bảy cũng là Ông Hoàng hay ngự về đồng nhất, cũng bởi vì trong hàng Tứ Phủ Ông Hoàng, ông rất hay chấm lính bắt đồng (có quan niệm cho rằng, những người có căn sát căn Ông Bảy thì thường có sở thích uống trà tàu, đánh tổ tôm, và xóc đĩa…).Vì thú chơi phong lưu của ông nên nơi ông ngự còn được mệnh danh là Trái Hút Bảo Hà. Khi ngự về đồng, ông thường mặc áo lam hoặc tím chàm (thêu rồng kết uốn thành hình chữ thọ), đầu ông đội khăn xếp có thắt lét lam, cài chiếc kim lệch có màu ngọc thạch. Ông Hoàng Bảy ngự về tấu hương, khai quang rồi cầm đôi hèo, cưỡi ngựa đi chấm đồng. Đến giá Ông Bảy về ngự, nếu ông ném cây hèo vào người nào thì coi như ông đã chấm đồng người đó. Lúc ông giá ngự, người ta thường dâng ông 3 tuần trà tàu hoặc thuốc lá có tẩm thuốc phiện.

Ngày lễ chính của ông Hoàng Bảy là ngày 17/7 âm lịch, vào ngày này, ở đền ông thường tấp nập du khách khắp nơi tìm đến để dâng lên ông ngựa tím, bàn đèn, thuốc cống, kẹo sìu châu (kẹo lạc)… để cầu tài lộc, thịnh vượng.

Kinh nghiệm đi đền Bảo Hà

Thời điểm lý tưởng để ghé thăm đền Bảo Hà

Ngày lễ hội chính của đền được tổ chức đúng vào ngày 17 tháng 7 âm lịch hàng năm, đây cũng chính là ngày giỗ của vị tướng Hoàng Bảy. Lễ hội Đền Bảo Hà có các phần chính là lễ rước kiệu, lễ dâng hương, lễ tế thần, và nhiều hoạt động văn hóa - thể thao thú vị, hấp dẫn khác. Không cần là ngày lễ, ngay cả những ngày bình thường trong năm đền Bảo Hà vẫn đón tiếp hàng trăm lượt du khách viếng thăm đền để thắp hương tưởng niệm tướng Hoàng Bảy hoặc để cầu bình an, sức khỏe, cầu tài lộc.

Sắm sửa lễ vật khi cúng đền Bảo Hà

Du khách có thể lựa chọn lễ mặn gồm có xôi, gà trống nguyên con, giò chả… để đến lễ ông Hoàng Bảy. Lễ chay sẽ bao gồm: trầu cau, bia, rượu, nước ngọt, nước khoáng; vàng bốn phủ, vàng tím mỗi loại 1000… ngoài ra nếu có điều kiện du khách có thể sắm thêm ngựa tím cùng với quần áo, mũ, hia… cho mâm lễ thêm đủ đầy.

Trang phục khi đến thăm đền Bảo Hà

Khi đi lễ đền Bảo Hà hay bất cứ những địa điểm tâm linh nào thì du khách cũng cần phải chú ý tới việc lựa chọn trang phục sao cho phù hợp với không khí trang nghiêm linh thiêng tại nơi đây.

Kinh nghiệm đi đền Bảo HàNam giới khi đi đền không nên mặc trang phục ở nhà, hay quần quá ngắn… Nữ giới cần phải đặc biệt tránh các loại trang phục hở hang, diêm dúa, màu mè không cần thiết. Các loại trang phục màu sắc nhã nhặn, lịch sự quần áo dài có tay kín đáo là những lựa chọn phù hợp nhất khi đến với đền Bảo Hà và các điểm du lịch tâm linh.

Cầu nguyện tại đền Bảo Hà

Khi đi lễ đền ông hoàng bảy đa phần người dân thường cầu may, cầu bình an sức khỏe, nhưng vài năm trở lại đây mọi người còn truyền tai nhau về sự linh thiêng, ứng nghiệm của ông khi xin lô, đề… và nhiều người đã quay lại đền để tạ lễ sau khi xin được lộc ông.

Lưu ý khi đi lễ đền Ông Hoàng Bảy

  • Trước khi đi đền Ông Hoàng Bảy du khách cần phải kêu cầu gia tiên chu đáo
  • Du khách nên đi đến nơi về đến chốn, không tạt ngang tạt dọc la cà nhiều nơi  khi đi lễ đền

  • Tuy lễ không phải quá cầu kỳ hay quá đủ đầy nhưng chất lượng quan trọng hơn số lượng, du khách cần mua đồ lễ tươi ngon nhất, không nên ham đồ rẻ tiền. Tâm sáng và chân thành vẫn là quan trong nhất.

  • Khi hương đã cháy nhiều hơn ⅔ thì mới được hạ lễ

  • Ngay gần cổng đền có bãi đỗ xe, du khách nên đỗ xe tại đó, đặc biệt chú ý không đỗ xe ô tô trước cổng tam quan ngoại kẻo làm ảnh hưởng đến việc di chuyển các phương tiện khác và những người vào thăm đền.

  • Trang phục lịch sự gọn gàng khi vào thăm đền, tốt nhất là nên mặc quần áo dài tay, nếu mặc váy không nên là váy ngắn hay quá hớ hênh.

  • Việc rải tiền lẻ tại các khu thờ tự hay kẹp tiền vào tay tượng thờ dường như là một thói quen xấu và khó bỏ của rất nhiều người, dù mong muốn được chứng nhận thì tuy nhiên đây vẫn là hành động không đẹp làm mất mỹ quan và mang tính đổi chác. Thay vào đó du khách có thể đóng góp công đức tại hòm sẽ văn minh hơn.

Lưu ý khi đi lễ đền Ông Hoàng BảyNgày 17 tháng 7 âm lịch hàng năm cũng là ngày giỗ ông Hoàng Bảy, nhân dân địa phương náo nức mở hội lễ. Cũng vào dịp này, du khách muôn phương kéo nhau đến thăm đền Bảo Hà hương khói, cầu ông phù hộ cho làm ăn được suôn sẻ, một năm mới an khang - thịnh vượng, có người lại chỉ cầu bình an là đủ.

Ngày 05/11/1997, Đền Bảo Hà dã được Nhà nước công nhận, trao bằng và xếp hạng nơi đây trở thành di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Ngày 07/09/1998 (tức ngày 17/7 âm lịch năm Mậu Dần) nhân dân tại xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã cùng nhau tổ chức 1 lễ hội long trọng để đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia do Bộ Văn hóa thể thao và du lịch cấp. Đây không chỉ là niềm vui, niềm tự hào của toàn thể nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai, mà còn là niềm vui chung của nhân dân cả nước ngưỡng mộ, tôn kính ông Hoàng.

Ngôi đền Bảo Hà và “Vị thần hộ quốc” Hoàng Bảy đã trở thành một phần quan trọng không thể tách rời trong đời sống tâm linh của người dân Bảo Hà, Lào Cai nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Nơi đây đã trở thành điểm đến tuyệt vời không thể bỏ lỡ trong các chuyến hành trình chinh phục khám phá mảnh đất Tây Bắc của du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là những người có lòng tin sâu sắc vào tín ngưỡng tâm linh.

Trên đây là những chia sẻ của Vietsense Travel về ngôi đền Ông Hoàng Bảy Bảo Hà, hy vọng những thông tin này sẽ giúp du khách có một cái nhìn thật trọn vẹn và cung cấp nhiều điều bổ ích cho chuyến hành trình khám phá của các bạn. Hãy tiếp tục theo dõi những bài viết của Vietsense Travel để thu thập thêm thật nhiều thông tin hay, thú vị và hữu ích về các điểm du lịch trong và ngoài nước nhé!

 

 

 

Đền Ông Hoàng Bảy: Kho báu tâm linh và văn hóa của Bắc Hà

Đền Ông Hoàng Bảy: Kho báu tâm linh và văn hóa của Bắc Hà
47 5 52 99 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==