==HOTLINESHOW== ==HOTLINESHOWOTHER==

Những tín đồ đam mê trải nghiệm và yêu thích nghệ thuật kiến trúc cổ xưa chắc chắn không thể không về thăm chùa Hải Giác trong hành trình khám phá du lịch vùng nông thôn mới Đan Phượng. Ngôi chùa cổ với kiến trúc "nội công ngoại quốc" này còn được gọi là Hải Giác Tự toạ lạc tại xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Chùa nằm bên hữu ngạn sông Nhuệ cổ, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20km về phía Tây Bắc với hệ thống kết nối giao thông thuận lợi chỉ mất chừng 30 - 40 phút di chuyển là du khách có thể tận mắt chiêm bái những pho tượng phật vốn cổ được làm bằng đất từ xa xưa.

Chùa Hải Giác - Ảnh 1

Có thể bạn chưa biết, công trình chùa Hải Giác đến thời điểm hiện tại vẫn còn khá nguyên vẹn, từ không gian, công trình, tiểu cảnh cho đến những chi tiết chạm khắc hay nghệ thuật trang trí. Đây là một ngôi chùa lớn trong vùng và vô cùng nổi tiếng.  Thiết kế nhà đại đường được tạo nên bởi 5 tòa ngang dọc khác nhau nối tiếp liên hoàn. Những chi tiết này có sự đồng nhất. Nằm ở phía đối diện với đại đường là tam quan, kế bên là nhà Tổ và điện Mẫu. Nếu tìm hiểu về chùa Hải Giác bạn sẽ thấy có một bài ca còn được lưu truyền đến ngày nay với hai câu nổi tiếng: 

“Chùa làng có đủ trăm gian

Nội công ngoại quốc rõ ràng chẳng sai”

Lịch sử về sự ra đời của ngôi chùa này từ lâu được nhiều người dành sự quan tâm đặc biệt. Tương truyền, chùa ra đời từ thế kỷ thứ VI, nghĩa là từ khi Hạ Mỗ có địa vị trung tâm của đất nước với vai trò là kinh đô một thủa của nhà nước Vạn Xuân bấy giờ.

Chùa Hải Giác - Ảnh 2

Một khu đất bằng phẳng ở rìa làng được xác định là vị trí thuận lợi nhất để xây dựng nên chùa Hải Giác. Tiếp đó là những bộ phận cấu tạo nên ngôi chùa được bố trí chiều sâu theo trục chính là Đông Nam – Tây Bắc. Ngôi chùa có cấu trúc chính: Phía trước là tam quan, tiếp theo là một sân gạch có diện tích khá rộng, hai bên sân là hai dãy nhà Tổ, nhà Mẫu, hai nhà nằm song song với nhau tạo cấu trúc khá cân đối. Nằm ở vị trí cuối cùng chính là tòa đại đường. 

Thiết kế chùa Hải Giác cổ điển kết hợp hiện đại

Để kiến trúc được thanh thoát và có phần mềm mại, uyển chuyển hơn mà người ta đã cho xây dựng nên một vườn cây xanh đồng thời là giếng nước dựng lầu Quan Âm. Vườn cây xanh tươi tốt quanh năm khiến cho bầu không gian trở nên thanh tĩnh, đem lại sự hài hòa cho kiến trúc và môi trường tự nhiên, điều này cũng tạo nên cho di tích những vẻ đẹp độc đáo, gần gũi với đời sống con người thường nhật. 

Chùa Hải Giác - Ảnh 3

Giới thiệu về tam quan, nơi đây chính là hệ thống một nếp nhà ba gian được xây dựng với thiết kế hai tầng tám mái. Tầng trên cùng là nơi treo chuông, khánh, phía bên dưới thì thông thoáng, trong sạch tiện cho sinh hoạt thường ngày. Để di chuyển từ tam quan đến tam bảo, du khách đi qua một khoảng sân rộng hơn 300m2. Từ xa xưa, thời dựng chùa người ta đã sử dụng những tảng đá cũ để xếp thành một hàng dài xếp sát vào chân hè chùa. Sự chú ý đổ dồn vào hai bên hậu đường khi mỗi bên có một cửa ra vào mà người dân và du khách vẫn hay gọi đây là cửa thoát tục. 

Chùa Hải Giác - Ảnh 4

Nhìn về phía bên phải sân chùa là không gian toàn bộ của nhà Tổ, tại đây có 5 gian và trong cùng đặt 10 pho tượng về các sư tổ. Gian giữa được bố trí câu đối:

Vị quốc xả thân vạn đại Tổ sư danh bất hủ

Cứu dân độ thế ức niên chân lý đức lưu hinh

Dịch ra có nghĩa là:

(Vì nước bỏ mình, muôn đời danh tiếng Sư tổ không bao giờ mất.

Cứu dân giúp đời, vạn kiếp đức của người là chân lý mãi tỏa hương)

Những câu đối này để ngợi ca những vị sư tổ, nhà yêu nước, hữu quân chánh tướng trong phong trào chống Pháp những năm cuối thế kỷ 19.Mỗi một bối cảnh, không gian hay thiết kế ấn tượng đều được người nghệ nhân chăm chút tỉ mỉ, du khách đến đây có thể dành thời gian tham quan tất cả những kiến trúc để thấy những điều đặc biệt:

Điện Mẫu nằm đối diện với nhà Tổ, như đã nói qua ở trên, về quy mô và kiến trúc của hai công trình này khá giống nhau. Phía bên trong có đủ nhóm tượng Tam phủ (Mẫu Thiên, Mẫu Thủy, Mẫu Nhạc)…, ngoài ra còn có sự xuất hiện của động Sơn Trang và ban thờ thần Trần Triều hiển Thánh.

Chùa Hải Giác - Ảnh 5

Có thể bạn chưa biết, khu chùa Hải Giác chính là kiến trúc được xây dựng trên mặt bằng ngôi chùa thời Lê là tiền đường, thượng điện và có cả những dãy hành lang rộng rãi bao xung quanh. Bên cạnh đó đây cũng là công trình nghệ thuật, kiến trúc điêu khắc được ra đời và hoàn thiện từ rất sớm (thời Lê) thế nên điện Phật của chùa Hải Giác khá đồ sộ, phong phú và mang dáng dấp một Tam bảo của chùa Lê điển hình.

Chùa Hải Giác - Ảnh 6

Để làm nên điều khác biệt thì những pho tượng trò đã được phân bổ dày đặc trong khu chùa chính và cả những dãy hành lang bao quanh. Tại đây hiện còn lưu giữ hơn 200 pho tượng lớn nhỏ các loại chỉ tính riêng trong đó có đến 50 pho tượng tròn là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao.

Chùa Hải Giác - Ảnh 7

Những chi tiết khá ấn tượng về họa tiết trang trí hay chạm khắc cũng được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng và trở thành điểm nhấn cho bức tranh nghệ thuật cổ điển. Ở tòa thượng điện, ngay hàng thứ nhất là hình ảnh của 3 vị Tam Thế đang ngồi kế bên tòa sen lớn: hàng thứ hai là một bộ Di Đà tam tôn gồm A Di Đà và hai bên có hai Đại bồ tát Quan Thế âm, Đại Thế chí thị giả; hàng thứ ba là tượng Di Lặc, Văn Thù, Phổ Hiền ngồi trên lưng bạch tượng; hàng thứ tư là tượng Thích Ca thiền định. Cả 8 pho tượng tạc nên từ những chi tiết khá tỉ mỉ, ngự trên tòa sen và mang vân xoáy trên đầu. 

Di chuyển đến hàng thứ năm để quan sát tượng Ngọc Hoàng ngồi trên long ngai đặt kế bên là Nam Tào và Bắc Đẩu. Hàng thứ sáu là Thích ca sơ sinh trong tòa Cửu Long, hai bên có Phạm Thiên, Đế Thích. Ở hai góc cuối thượng điện có Quan Âm Thị Kính (bên phải) và Quan Âm Thiên Thủ (bên trái).

Chùa Hải Giác - Ảnh 8

Hai bên sườn thượng điện là Thập điện Diêm Vương, phía tiền đường có hai pho Kim Cương lớn, còn gọi là hai ông Hộ Pháp (Khuyến Thiện và Trừng ác). Sự sắp xếp này khá giống với những công trình kiến trúc phật giáo thời xưa nhưng bàn tay khéo léo của nghệ nhân đã tạo nên những điểm nhấn giúp những bức tượng trở nên đắt giá và chân thực khiến ai đi qua cũng phải cúi đầu.

Chùa Hải Giác - Ảnh 9

Tượng Phật chùa Hải Giác chạm khắc khéo léo, tỉ mỉ

Nằm ở bên trái tiền đường là vị trí thờ Đức Ông và hai quan văn võ tùy tòng. Đối xứng với ban tượng này về phía bên phải có nhóm tượng gồm Thánh Tăng, Diệu Nhiên và Đại Sĩ.Chưa hết đâu nhé, dọc theo hai bên tường hồi, tượng được bài trí khá giống nhau, mỗi bên rất cân đối với  bốn vị kim cương và hai vị Bồ Tát, cả hai tập hợp hoàn chỉnh là Bát bộ Kim Cương, Tứ Bồ Tát. Cùng với đó là hai dãy hành lang ở song song về phía thượng điện cũng được dùng là nơi tọa lạc của 18 vị La Hán. Những bức tượng này quy mô không có sự chênh lệch nhiều tuy nhiên lại được thể hiện ở nhiều tư thế khác nhau, thể hiện sự cá tính và nét đặc trưng của từng người.

Chùa Hải Giác - Ảnh 10

Tiến đến nhà hậu đường, nơi này được dùng làm mặt động và để dựng nên 25 tấm bia hậu với mục đích là biểu dương những người có công lớn.  Không thể không kể đến 5 bức tượng phù điêu của thời Lê cũng nằm trong số đó.

Chùa Hải Giác - Ảnh 11

Hiện nay, chùa Hải Giác được biết đến không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị nghệ thuật tiêu biểu mà còn là nơi đóng góp những công lao rất lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Theo sử sách, cuối thế kỷ XIX, hưởng ứng phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp nên trụ trì chùa Hải Giác cũng đã trực tiếp tham gia lãnh đạo các cuộc nổi dậy của nghĩa quân trong vùng. Đáng tiếc thay trong cuộc trỗi dậy vào đêm ngày 5 rạng mùng 6/12/1898 khi kế hoạch không thành vì bại lộ, sư cụ Thanh Trang cùng các tướng lĩnh khác đã bị thực dân Pháp truy đuổi ráo riết sau đó bị tàn sát một cách dã man.

Chùa Hải Giác - Ảnh 12

Nhà sư Thanh Trang chính là tấm gương tiêu biểu cho sự hy sinh vì độc lập tự do của tổ quốc. Công lao của ông được người dân và phật tử ghi nhận, bởi vậy mà chùa Hải Giác cũng trở nên rạng danh. Nơi cụ Thanh Trang ngã xuống người dân địa phương đã trồng một cây duối mà hiện nay vẫn còn xanh tốt. Đồng thời nhân dân đã lập tức dựng bia căm thù để ghi nhớ công ơn của vị Sư Tổ với quê hương đất nước. Theo người dân thì di hài của cụ được đặt trong “Trang Nghiêm bảo tháp”.

Chùa Hải Giác - Ảnh 13

Cho đến thời điểm hiện tại, vào hàng năm ngoài các tiết vọng lễ tết của dân làng thì lễ hội chùa Hải Giác cũng được tổ chức long trọng vào ba ngày Rằm tháng Tư – Phật đản, Rằm tháng Bảy – Lễ Vu Lan và Rằm tháng Mười một – ngày hi sinh của Đức Tổ Thanh Trang. Đến tháng 10/1991, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng chùa Hải Giác là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

Chùa Hải Giác là Di tích nghệ thuật cấp quốc gia nổi tiếng tại huyện Đan Phượng mà du khách tìm đến Hà Nội trong chuyến tham quan ngày gần nhất nhất định phải ghé thăm. Những thông tin mà VietSense Travel mang đến bạn khá chi tiết và đầy đủ, đây cũng là những kinh nghiệm hữu ích để bạn tham quan công trình này được hoàn hảo. Kính chúc quý khách sẽ có chuyến đi an toàn và ý nghĩa đến tham quan tại chùa Hải Giác. 

 

 

Chùa Hải Giác - Vốn cổ quý giá cấp quốc gia

Chùa Hải Giác - Vốn cổ quý giá cấp quốc gia
32 3 35 67 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==